Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tại Sao Cần Nghiên Cứu Sinh Mệnh Tâm Lý?

Con Người và Xã hội

Con người là một thể chất (hình hài) với một tâm trí (hay tâm hồn) gắn liền với nhau từ khi sinh ra đến khi chết. Con người, từ khi sinh ra (khi mới vào đời), thường tự hỏi: Sống để làm gì? Chết sẽ đi về đâu?

Con người thường phải vừa sống (như một bản năng sinh tồn của loài vật nhưng trí óc luôn luôn suy nghĩ để cải thiện cuộc sống) vừa học hỏi, cải thiện cách sống. Sống như thế nào? Tại sao phải sống như thế này? Ta có thể sống một cách khác hơn chăng? Nếu thay đổi cuộc sống thì thay đổi như thế nào?

Khi con người kết thành xã hội, tổ chức thành làng - xã, quốc gia…thì loài người cần lãnh đạo. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo cho đến ngày nay vẫn phải luôn đối mặt với trọng trách khó khăn: đem lại hòa bình, hạnh phúc cho con người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã vượt biên giới của quốc gia để kêu gọi hòa bình thế giới nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn trong và ngoài tôn giáo. Sự thất bại của các chính trị gia đã không đem lại tự do, hòa bình cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thất bại trong việc đem lại yêu thương, hạnh phúc cho con người chỉ vì những nhà lãnh đạo này dựa vào tâm lý quần chúng để mưu cầu quyền lực cho chính họ (đảng, giáo hội) hơn là để đem lại hòa bình, hạnh phúc cho quần chúng. Phải chăng giải pháp nền tảng là chính mỗi con người cần làm chủ tâm lý của chính mình để không còn bị mê mờ bởi những lý luận hoang tưởng của lời nói nhằm lợi dụng con người dưới chiêu bài “tự do, hạnh phúc” mà thực sự không phải cho tự do, hạnh phúc của mỗi con người.

Con người có hình hài giống nhau nhưng suy nghĩ thì “tâm viên, ý mã” (tâm như khỉ vượn luôn di động, ý như ngựa chạy). Làm sao hiểu tâm mình, ý người? Hiểu rồi thì đối xử ra sao? Thế nào là đúng, sai? Nên làm gì? Làm như thế nào?

Khi một người tiếp xúc với người khác là có sự khác biệt về ý kiến, hành động có thể đưa đến chiến tranh hay hòa bình. Tại sao có sự khác biệt? Vì suy nghĩ (tư tưởng). Làm sao giải quyết sự khác biệt trong xã hội loài người để tránh xung đột?

Khoa Tâm Lý Học

Khoa tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tâm lý con người hay những biến chuyển của nội tâm con người và hệ thống hóa những khám phá đó thành những lý luận, những nguyên tắc để vận dụng trong việc xây dựng con người và xã hội, phù hợp với mỗi cá nhân, đồng thời với cá nhân trong xã hội.

Khoa tâm lý học cũng đi cùng với phân tâm học để phân tích những phản ứng tâm lý của con người trong những trường hợp bất bình thường (điên khùng, khủng khoảng tâm thần…).

Trong lãnh vực triết học, xã hội học, và chính trị học, tâm lý học còn được khai thác để tác động được đến phạm vi rộng lớn hơn: đám đông hay dân tộc và nhân loại, và được khai thác triệt để trong lãnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo và chính trị.

Duy Vật chủ nghĩa (hay chủ nghĩa cộng sản) đã lợi dụng tâm lý học để khai thác yếu điểm của con người trong cuộc sống. Cộng sản lợi dụng tâm lý phản kháng của con người để đưa đến nổi loạn (cách mạng). CS dùng sự sợ hãi, bất an trong đời sống xã hội để hứa hẹn bảo đảm công ăn, việc làm, y tế, giáo dục…(làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). CS dùng tù đày, tra tấn, thủ tiêu, khủng bố để đàn áp sự chống đối. Đồng thời CS dùng dân tộc, lòng ái quốc, văn nghệ…như dụng cụ để kết hợp mọi người vào tập thể và khai thác các phương tiện truyền thông như dụng cụ tuyên truyền để nhồi sọ, tẩy não quần chúng thay vì đem tin tức đến người dân để tự họ quyết định hành động.

Mặt khác, chủ nghĩa Tư Bản dùng tâm lý học trong việc quảng bá kinh tế thị trường qua yếu điểm con người trong cuộc sống: ham vui, tham lợi…. Tự do kinh doanh đã chú trọng đến thị hiếu của con người (nhất là phái nữ và trẻ em). Từ thức ăn: nhà hàng, món ăn…đến quần áo: thời trang, vật liệu sản xuất… đến những tiện nghi đời sống, thuốc men (vitamin), du lịch, đầu tư..vv…. Báo chí, truyền thông giúp một phần lớn chuyển tin đến giới tiêu thụ. Nền giáo dục đã được chuẩn bị để đưa con người hội nhập vào xã hội như là giới tiêu thụ, một xã hội đã đúc khuôn theo một chiều hướng gọi là: phải tiêu xài mới là hòa bình, hạnh phúc nhưng trong thực tế vẫn đưa đến chiến tranh, đau khổ.

Đó là tâm lý học tây phương.

Triết học đông phương dựa vào tâm lý con người qua sinh mệnh (cuộc sống).

Cuộc sống con người không đến từ bên ngoài, như khi con người sinh ra đã chịu ảnh hưởng của xã hội nơi hắn sinh ra. Do đó hắn không thể nào thoát khỏi các tin tức hay cám dỗ ép buộc đến từ người khác xung quanh hay xã hội đã tạo ra hắn.Vậy có cách nào hắn thoát khỏi vũng lầy đó chăng? Phải chăng chỉ có cuộc cách mạng bản thân trước khi có cuộc cách mạng xã hội? Để thay đổi hành động (cách sống) phải thay đổi suy nghĩ. Muốn thay đổi suy nghĩ, tư tưởng, phải hiểu tâm lý (sự vận hành của trí óc). Tâm lý là căn bản riêng biệt cho mỗi cá nhân. Tâm lý đã được dựa trên thiên nhiên (Thái cực) định sẵn qua số mệnh (Tử vi). Đó là phần tiên thiên. Sự thay đổi trong cuộc sống được giải thích qua Kinh Dịch (Âm-Dương), Phong Thủy (con người và thiên nhiên), tướng số (sắc diện, tướng đi, tiếng nói….). Nhưng tâm lý học đông phương là những khoa học huyền bí khó mà kiểm chứng hay giải thích cuộc sống của con người và đã bị lợi dụng quá nhiều bởi những kẻ bất tài, thiếu đạo đức đã làm giảm giá trị và thực chất của học thuật.

Vậy tâm lý con người theo Lý Đông A (LĐA) là gì? Ông đã giải thích trong bài viết Sinh Mệnh Tâm Lý (SMTL)

Sinh Mệnh Tâm Lý

SMTL là tài liệu phân tích về con người và đường sống của cá nhân trong xã hội: sống như con người đích thực, làm chủ được sinh mệnh của mình, sống có ý thức và có chủ động (Sinh mệnh chủ thể- Sinh mệnh hệ thống và Sinh mệnh cơ cấu). SMTL giúp cá nhân hiểu rõ tươngquan của cá thể, xã hội và thiên nhiên. Muốn hiểu cuộc sống, phải hiểu mình (bản thân) đó là khởi đầu và kết thúc của giáo dục (Krishnamurti).Đối với LĐA, “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Và chính trị điều hòa cuộc sống của xã hội, dân tộc và nhân loại.

SMTL không khuynh tả hay hữu, Duy Vật hay Duy Tâm hay bất kỳ tôn giáo nào. SMTL tìm hiểu khách quan về bản thể con người: Sinh lý, Tâm lý và Mệnh lý: Tính, Tâm, Thân Mệnh với Đức Tầng-Nghiệp Tầng- Trí Tầng. Đồng thời đề ra các phương thức giáo dục tâm lý để giúp con người sống đúng chính mình, và đóng góp cho xã hội và nhân loại. Tu dưỡng bản thân để hiểu nhu cầu của cuộc sống (toại kỳ sở nhu). Để biết khả năng con người (tận kỳ sở năng) thì mới biết cuộc sống dành cho mỗi cá nhân là như thế nào (chính kỳ sở mệnh).

Về hình thức, cá thể là một tâm hồn với suy nghĩ (tư tưởng) trong một cơ thể vật chất. Hình hài giống nhau nhưng suy nghĩ khác nhau. Con người tương giao với nhau thành xã hội (âm-dương, nam-nữ), kinh tế, chính trị, văn hóa…

Cuộc sống của con người là đối xử, tương tác với cá thể khác trong xã hội. Con người sống nhờ thiên nhiên và cũng vì thiên nhiên (tài nguyên) mà con người dễ đi đến xung đột. Hiểu SMTL để hiểu cuộc sống cá nhân và cuộc sống cá nhân với tập thể, với toàn thể nhân loại, để mưu tìm và bảo vệ hòa bình thay vì chiến tranh, hủy diệt.

Hiểu SMTL để hiểu tâm tư của từng cá nhân, từ suy nghĩ đến hành động. Hành động đưa đến phản ứng dây chuyền trong xã hội. Tìm hiểu những vấn đề trong xã hội loài người phải hiểu nguyên nhân tạo tác của cội nguồn dẫn đến vấn đề hiện tại. “Nuôi tâm sinh thiên tài”, biết SMTL để biết tại sao trong chiến tranh “lấy nhu thắng cương”, lấy “ít thắng nhiều”, lấy “yếu thắng mạnh”….Hiểu SMTL để biết tại sao người lãnh đạo cần giúp mọi người tạo niềm tự tin, phát triển cá nhân qua giáo dục và cách tương giao (communication) với nhau.

Khởi đi từ câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Và từ đó xác định “Con người (VN) hôm nay và ngày mai” (nganlau.com ). Phải hiểu rõ vai trò của cá nhân (bản thân) trong tập thể, xã hội, quốc gia trong từng giai đoạn và trong suốt quá trình trưởng thành với dòng sinh mệnh dân tộc. Hiểu mình (bản thân) để từng bước thực hiện giáo dục bản thân và đóng góp cho xã hội loài người. Hiểu mình với các vấn đề trước mặt cũng như toàn diện để tránh những cạm bẫy của các lãnh tụ thời cơ (chính trị, tôn giáo) mê hoặc quần chúng, của bạn và thù.

Tìm hiểu SMTL qua giáo dục, giáo dục tự mình và với người khác, để hiểu sự vận hành của não trạng con người qua ngũ uẩn (mắt, mũi, tai, miệng - lưỡi),  tay-chân, suy nghĩ (thức) và thất tình, lục dục. Để hiểu từng bước biến chuyển trong tâm khởi từ đâu (thuyết Thập Nhi nhân duyên, thuyết Duyên Khởi) như tiến trình giáo dục cho cả chủ thế (observer) và khách thể (observed).

Theo LĐA, tâm lý (bên trong, nội tâm; tâm tình và lý trí) và sinh mệnh (cuộc đời sống với bên ngoài, xã hội, thiên nhiên) là hai mặt luôn tương tác. Trong SMTL, LĐA trình bày con người như một chủ thể có hệ thống cơ cấu với các nguyên lý và học lý, và luôn trong tương quan với người khác, với xã hội và thiên nhiên. Hiểu được SMTL, con người có thể tự giáo dục (nhân tài giáo dục, thiên tài giáo dục) để từ đó hiểu tâm lý của người khác, của con người nói chung (lòng người, bộ sậu tâm lý) và để thực hiện cách mạng và kiến thiết. Từ đó, cá nhân mới có thể thực hiện những thay đổi trong xã hội loài người (tâm lý khoáng trương, duyên trường rộng ra nhân quần xã hội). Chính vì đó SMTL là đầu mối của Thắng Nghĩa, của giáo dục Thắng Nhân, của kiến thiết…

Con người là bắt đầu từ duyên khởi và đi tìm mục đích cuộc sống. Chỉ ra những thất bại trong cuộc sống loài người và tìm ra con đuờng sửa đổi là mục đích của triết học Thắng Nghĩa. Duy Dân là phục vụ con người, con người cá nhân và con người trong xã hội. Sinh Mệnh Tâm Lý là tài liệu phân tích về con người, tổng hợp các khám phá tâm lý học của tây phương (tâm lý học, phân tâm học, tâm lý xã hội học) và đông phương (dịch học, duy Thức học), giúp cá nhân hiểu rõ bản thân để đóng góp cho xã hội, giúp người dân hiểu rõ những nhân vật chính trị, lãnh đạo… để không còn rơi vào những thủ thuật chính trị đưa đến bất ổn cho quốc gia, dân tộc. Do đó, theo tôi, SMTL là tài liệu căn bản mà mọi người cần nghiên cứu để có thể phát huy và thực hiện lý tưởng Duy Dân phù hợp với tinh thần của Triết Học Thắng Nghĩa.

Tuy nhiên vì SMTL là một tổng hợp Đông-Tây nên để đọc và hiểu được cần có một số bài hướng dẫn, mở đường, và cần có kiến thức tổng quát và tâm lý học tây phương, về dịch học và duy thức học.

Trần Công Lân

9/11/2017

Nguồn: https://nganlau.com/2017/11/15/tai-sao-can-nghien-cuu-sinh-menh-tam-ly/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...