Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Xã Hội Duy Dân

Mỗi thời đại trên thế giới, trong lịch sử loài người, đã xuất hiện những xã hội có những tên khác nhau. Người ta thường nói đến xã hội mẫu hệ, bộ lạc, bộ tộc, thần quyền, phong kiến, độc tài, cộng sản, tư bản, và tư bản đỏ.

Câu hỏi đặt ra là một Việt Nam mới sẽ là một xã hội ra sao? Có lẽ Xã Hội Duy Dân là một xã hội cần thiết để xây dựng lại tất cả những gì đã hư hỏng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà Xã Hội Duy Dân đó ra sao? Phải chăng Việt tộc đã có một Xã Hội Duy Dân trong quá khứ?

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì Duy Dân “chỉ có dân là đáng kể. Ý niệm lấy dân làm nền tảng xã hội và cứu cánh của mọi hoạt động trong xã hội”. Ý nghĩa của Xã Hội Duy Dân không chỉ đơn thuần trong câu nói trên mà bao quát hơn để thực hiện lấy dân làm nền tảng và là cứu cánh của mọi hoạt động trong xã hội.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mỗi con người trong xã hội đó làm chủ lấy chính mình. Chỉ khi nào mỗi người tự làm chủ lấy chính mình thì lúc đó không một nhà chính trị nào, một đảng phái nào dùng tâm lý để tiếp tục lừa gạt người dân. Chính sự tự chủ đó thì chính người dân sẽ không còn sự sợ hãi những trò đàn áp, hăm dọa của những người được gọi là đại diện cho dân nhưng đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Chính sự tự chủ đó thì người dân mới có đủ nghị lực, tri thức để thực hiện quyền tự do của con người vốn đã được công nhận khi con người bỏ đời sống hoang dã để tổ chức thành xã hội của loài người. Thái độ của người dân Hongkong là thái độ của sự tự chủ đó. Họ thực hiện quyền tự do của chính họ và bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho chính họ.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mọi người sống trong xã hội đó quan tâm đến cuộc sống của mình, đồng thời quan tâm đến cuộc sống của xã hội lẫn môi trường chung quanh. Chính sự quan tâm này, mỗi con người trong Xã Hội Duy Dân thấy được sự tương quan của ba nhân tố Con Người, Xã Hội và Thiên Nhiên là tương quan luôn luôn xảy ra từ thời Con Người biết hợp lại thành xã hội và biết sử dụng, cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống của người. Khi đã hiểu ra sự tương quan này thì những cá nhân sống trong Xã Hội Duy Dân luôn luôn cân nhắc cho mỗi hành động của chính bản thân, không vì quyền lợi của chính mình để rồi làm hại đến xã hội và môi trường sống của xã hội. Thí dụ: không vì quyền lợi của công ty và môi trường nơi mình sống để rồi dời công ty về một thành phố khác mà trong sản xuất sẽ phá hoại môi trường sống của những thành phố khác.  Hoặc không vì luật môi sinh ở đất nước mình nghiêm khắc cho nên dời công ty về một nước khác để xả thải chất độc vào không khí, nước và môi sinh ở một quốc gia khác (công ty Formosa là một thí dụ điển hình). Nói chung Xã Hội Duy Dân là một xã hội hài hòa. Mình sống hài hòa với thiên nhiên và trong xã hội; xã hội hài hòa trong Con Người sống trong xã hội đó. Sự hài hòa này sẽ không tạo ra sự khác biệt quá xa về người giàu và nghèo như ở các nước tư bản.

Vì quan tâm đến cuộc sống của chính mình, Xã Hội Duy Dân là một xã hội mà toàn dân đều quan tâm đến vận mệnh của quốc gia, đến từng bộ luật được soạn thảo trong cuộc sống của chính mình. Luật trong Xã Hội Duy Dân là luật để tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do của chính mình miễn sao quyền tự do đó không ảnh hưởng đến cá nhân khác hoặc sinh hoạt của xã hội, của môi trường sống. Chính vì thế Xã Hội Duy Dân là xã hội mỗi địa phương tự cai quản lấy chính mình, quyền hành của người dân bắt đầu từ tại địa phương mình sinh sống. Chính quyền trung ương mục đích để bảo đảm sự tự trị của chính quyền địa phương đồng thời hợp tác với chính quyền địa phương để bảo đảm những dự án của chính quyền địa phương làm ra không ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường cả nước, và ảnh hưởng cuộc sống của người dân ở địa phương khác. Thí dụ: thành phố ở thượng nguồn sông, thành lập một đập để giữ nước nhằm mục đích để chống lụt và sản xuất điện. Tuy nhiên, nếu dự án đập này lại ảnh hưởng đến những thành phố ở hạ nguồn thì chính quyền trung ương sẽ can thiệp để bảo đảm nguồn nước của những thành phố sống ở hạ nguồn không bị hạn hán hoặc nước biển tràn vào. Hình ảnh Tàu cộng thành lập các đập ở thượng nguồn sông Cửu Long để Việt Nam bị ảnh hưởng vì nước ở thượng nguồn không đổ xuống đủ -- để rồi nước biển tràn vào làm những cánh đồng ở Việt Nam bị thiệt hại là thí dụ điển hình mà một Xã Hội Duy Dân sẽ không làm chuyện này bởi vì quan tâm đến những con người tuy ở quốc gia khác.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mọi người hoàn thành đúng vị trí của mình trong xã hội mà mỗi vị trí đó đều quan trọng như nhau. Sẽ không có chuyện anh y tá trở thành thủ tướng, anh thiến lợn trở thành chủ tịch. Sẽ không có chuyện anh kỹ sư quan trọng hơn bác nông dân bởi hai người này nằm ở hai vị trí khác nhau và mỗi vị trí đều có tầm quan trọng riêng của nó. Không có bác nông dân thì đừng hòng anh kỹ sư có gạo để ăn và đi học thành kỹ sư. Ngược lại không có anh kỹ sư thì bác nông dân sẽ làm việc cực nhọc hơn thay vì nhờ anh kỹ sư, chế tạo ra những máy móc để giúp bác nông dân làm việc hiệu quả nhằm sản xuất được gia tăng, giúp cuộc sống người dân có đủ ăn và ăn ngon.  Bởi vì bản thân biết tự chủ như đã nói ở phần đầu bài viết này, những con người sống trong Xã Hội Duy Dân biết được khả năng của chính mình và biết nhận lãnh trách nhiệm trong xã hội theo đúng khả năng của mình, cho nên mỗi con người trong Xã Hội Duy Dân luôn luôn đóng đúng vị trí của mình trong xã hội và hãnh diện với sự đóng góp đó mà không tự ái, tự ti, mặc cảm hoặc tự cao, tự đại, hách dịch xem mọi người như rơm rác. Hoàn thành đúng vị trí của mình là thực hiện “tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu và chính kỳ sở mệnh”.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mọi người thông suốt được nguyên lý Ỷ Tha (nhờ vào) Tự Kỷ (tự chính mình) và Động Tha (tác động vào người khác). Nguyên lý này luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống. Thí dụ: khi ta sinh ra ta phải nhờ ở người mẹ, người cha, những người trong xã hội sản xuất thức ăn để mẹ ta ăn mà nuôi dưỡng ta trong bụng. Khi ta ra đời phải nhờ những người trong nhà thương để giúp mẹ ta cho ta ra đời.  Đây chính là nguyên lý Ỷ Tha (nhờ vào). Khi ta lớn lên, sự nhờ vào những người trong xã hội (trường học, bạn bè, hàng xóm, họ hàng, gia đình) để chính ta tạo ra tri thức của chính mình và tự mình học được tinh thần tự chủ, để biết rõ đúng-sai, thiện-ác, trách nhiệm-vô trách nhiệm. Đây chính là nguyên lý Tự Kỷ. Từ sự nhận thức đó tạo cho chính bản thân ta có nhân cách và cái nhân cách đó là tấm gương để tác động (Động Tha) vào người khác; hoặc những việc làm, những suy tư về tri thức - nhân sinh quan - về con người của ta sẽ tác động vào người khác để tạo ra một Xã Hội Duy Dân. Đây chính là nguyên lý Động Tha.

Xã Hội Duy Dân là xã hội thấu hiểu được nguyên lý Đối Lập Thống Nhất. Quyền lợi cá nhân luôn luôn đi ngược lại quyền lợi của tập thể (xã hội). Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là loại bỏ quyền lợi cá nhân. Trái lại quyền lợi cá nhân nằm trong quyền lợi của tập thể thì quyền lợi cá nhân này đã thực hiện được nguyên lý Đối Lập Thống Nhất. Phải dung hòa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của tập thể. Cả hai quyền lợi này phải dung hòa vì lợi ích chung của hai nhân tố cá nhân và tập thể. Cá nhân không thể sống còn nếu không có tập thể và tập thể không hiện hữu nếu không có cá nhân. Điều này cũng giống như Nam-Nữ là hai thái cực của Dương và Âm. Nhưng để giống nòi tiếp tục phát triển thì bắt buộc Nam-Nữ phải dung hòa chung sống hầu tạo ra gia đình và là nền tảng của xã hội. Một thí dụ khác là bình điện trong đó có cực Âm-Dương, tuy khác biệt nhưng vẫn có thể hợp tác (thống nhất) để tạo ra bình điện giúp đời sống của xã hội thăng tiến.

Xã Hội Duy Dân là xã hội hoạt động kinh tế theo khuôn mẫu Tư Bản Bình Sản. Có nghĩa là khuyến khích mọi người làm kinh tế tự do và cái kinh tế tự do đó mục đích là để mọi người trong xã hội cùng tiến hóa chứ không phải là nền kinh tế tư bản tạo ra 1% giàu chiếm 40% tài sản quốc gia trong khi số còn lại 99% chỉ chiếm 60% tài sản của quốc gia. Trong cái kinh tế Tư Bản Bình Sản đó, mục đích đầu tiên của chuyện làm kinh tế là để bảo đảm nhu cầu nhu yếu (ăn, mặc) của chính mình và sau đó là đóng góp công sức để tạo ra những sản phẩm nhằm giúp xã hội được thăng tiến. Cái sáng tạo của người sống trong Xã Hội Duy Dân không phải là để làm giàu mà là để giúp xã hội, giúp nhân loại. Sự giàu có từ sự sáng tạo giúp xã hội là chuyện đương nhiên xảy ra khi mà sự sáng tạo của chính cá nhân được xã hội đón nhận -- nhưng sự làm giàu đó luôn luôn là mục đích sau cùng chứ không phải là mục đích đầu tiên của sáng tạo. Tư Bản Bình Sản là chính mình biết sống đơn giản dù có nhiều tiền và đồng thời biết thế nào gọi là đủ chứ không phải tham đồng tiền để hợp tác với bạo quyền, cướp đi quyền tự do của con người mà công ty Facebook cùng Google đã và đang hợp tác với các bạo quyền độc tài (Việt Nam, Trung Quốc) trên thế giới chỉ vì mục đích làm giàu chứ không quan tâm đến con người và xã hội. Tư Bản Bình Sản không có chuyện ông chủ tịch (CEO) của một công ty được đồng lương 45 triệu một năm trong khi đó những người lái xe, rất là đông của Uber, lương chẳng là bao nhiêu. Không một cá nhân nào, dù tài giỏi cách mấy, có thể tự mình tạo ra sản phẩm mà không cần sự đóng góp của người khác. Cho nên không vì sự tài giỏi của mình để nhận phần lương quá đáng so với tập thể đang ở cùng trong một cơ chế vận hành.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mỗi cá nhân trong xã hội đó luôn luôn học hỏi để điều chỉnh, thay đổi theo thực tế của xã hội nhằm mục đích không để xã hội đi quá đà mà sự quá đà này có thể nguy hiểm đến sự sống còn của những cá nhân sống trong xã hội đó. Thay đổi là điều bắt buộc phải xảy ra. Giống như cơ thể của chúng ta, các vi phân tử nhỏ trong cơ thể luôn luôn không ngừng nghỉ thay đổi mà chúng ta không để ý đến. Xã hội cũng cần có nhu cầu thay đổi và mỗi cá nhân sống trong Xã Hội Duy Dân sẵn sàng tinh thần để thay đổi cho sự tiến bộ chung của toàn xã hội hoặc nhân loại.

Câu nói “phép vua thua lệ làng” cho thấy một Xã Hội Duy Dân đã có từ thời xưa. Lệnh của vua tuy là từ trung ương nhưng vẫn phải thua cái lệ làng, nơi mà người dân tự quản trị đời sống hàng ngày của mình. Nếu cái lệ làng đó không ảnh hưởng đến địa phương khác thì cái lệ làng đó được quyền tiếp tục bởi đó là tinh thần tự chủ của chính địa phương.

Khi mà một Xã Hội Duy Dân đã hình thành thì một Chính Quyền Duy Dân sẽ ra đời. Chính Quyền Duy Dân đó ra sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu ở bài viết vào tháng tới.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/10/24/xa-hoi-duy-dan/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...