Sinh mệnh (hay sinh mạng) là đời sống đại diện cho thể chất, hình hài (hình nhi hạ), con người sinh ra không do mình chọn lựa nhưng con người làm chủ hình hài đó suốt cuộc đời cá nhân. Nhưng thực sự cá nhân không hoàn toàn làm chủ sinh mệnh trong dòng đời.
Thân thể con người là thân vật lý, tuy thực mà ảo, chỉ tồn tại trăm năm. Linh hồn con người tuy ảo nhưng lại thực sự, chi phối con người qua nhiều kiếp. Tâm lý con người kết thành do sự chọn lựa, học hỏi, rèn luyện … tùy theo khả năng và ý chí, cá nhân đó nghĩ mình có thể làm chủ được bản thân hay bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Tâm lý (hình nhi thượng) cá nhân tưởng mình là chủ động nhưng thực sự là bị động. Tâm hồn có làm chủ bản thân hay không là do sự giáo dục bản thân. Định mệnh của một cá nhân không trôi theo thiên nhiên như loài động vật, thực vật. Cá nhân phấn đấu để thay đổi hoàn cảnh xung quanh mình hay sẽ bị nhận chìm trong cuộc sống. Con người có trí óc, tự hào về trí thông minh nhưng con người có hiểu và nắm định mệnh của mình không? “Tận nhân lực, Tri thiên mạng” người xưa đã nói, bạn có trải qua chưa? Bao nhiêu phần trăm đúng sai? Tìm hiểu sinh mệnh tâm lý để làm chủ cuộc sống và xây dựng một xã hội hữu ích cho loài người.
Con người là một sinh vật ưu việt hơn mọi loài vì sự phát triển của não bộ. Ngôn ngữ là sản phẩm của con người. Vượt trên ngôn ngữ là tâm lý con người. Tâm lý con người (hay sinh mệnh tâm lý) là sự suy nghĩ, lý luận, phân tích…vượt lên trên mọi chủng tộc, sắc tộc, phái tính, thế hệ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo … kẻ nắm được tâm lý của người khác có khả năng vận dụng mà không để lại dấu tích.
Thuở sơ sinh, đứa trẻ nhờ cha mẹ, nuôi dưỡng, giáo dục. Lớn lên, đứa trẻ tiếp xúc với xã hội và học hỏi tương quan với xã hội. Trước khi đứa trẻ có thể suy nghĩ và hành động với trí thông minh và sự tự do, đứa trẻ đã bị đã bị nghiền nát bởi guồng máy của xã hội đứa trẻ lớn lên. Có cách nào để đứa trẻ suy nghĩ và hành động độc lập với hệ thống sẵn có. Có thể nào đứa trẻ chọn lựa xã hội, thể chế chính trị, tôn giáo, văn hóa … một cách độc lập mà không bị ảnh hưởng của thầy giáo, cha mẹ … hay xã hội (nơi đứa trẻ sinh ra) áp đặt lên một khuôn mẫu sẵn có. Đâu là sự phản kháng đưa đến các cuộc cách mạng xã hội. Cuộc cách mạng bản thân bắt nguồn từ đâu khi mọi tư tưởng của cá nhân mới phát xuất đã bị xiết chặt bởi hệ thống sẵn có. Đâu là tự do? Nếu đứa trẻ muốn thoát ra khỏi một xã hội đã nuôi mình lớn lên. Làm sao có thể đối thoại với những người chỉ xử dụng bạo lực để thực hiện ý đồ riêng?
Con người khai thác tài nguyên thiên nhiên để sống còn. Nhưng toàn bộ cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa … xây dựng theo sự phát triển tâm lý của loài người. Kẻ nào nắm được Sinh Mệnh Tâm Lý, kẻ đó nắm toàn bộ sinh hoạt của con người. Cộng sản đã dựa trên tâm lý của giai cấp bần cùng, nghèo khổ để phát động đấu tranh giai cấp xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa. Tư bản lợi dụng tâm lý con người về ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ… để phát triển kinh tế thị trường. Tôn giáo lợi dụng những uẩn khúc tâm lý của cá nhân để rao giảng về những niềm tin hoang tưởng. Đâu là giới hạn của hình nhi thượng? Đâu là những ảo mộng và thực chất của con người cho tương lai loài người với thể chất và hình hài hữu hạn?
Cuộc sống của con người (sinh mệnh) dựa trên một số tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn đó dựa trên một số quy luật. Nắm vững các quy luật đó giúp đối phó với mọi hoàn cảnh, tình huống của con người trong các biến cố xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo…
Con người có tâm lý (tâm=tình cảm , lý=lý trí lý luận) tình cảm và lý trí. Tâm lý quyết định hành động của con người dựa theo tình cảm (đức) hay lý trí (tài). Sinh mệnh tâm lý là thấu triệt tương quan tài-đức. Biết mình, biết người; trăm trận, trăm thắng chính là ở yếu tố tâm lý.
Con người nắm được sinh mệnh tâm lý hay không đòi hỏi sự quán triệt vũ trụ, xã hội, tư tưởng (suy nghĩ của cá nhân) thành một hệ thống nhất. Sinh mệnh con người dưới ảnh hưởng của duyên trường, nghiệp cảm (tính, tình, ý) trên căn bản cá nhân qua xã hội, trong thiên nhiên qua suốt dòng lịch sử nhân loại. Làm sao mỗi cá nhân có thể học hỏi một cách độc lập để hiểu bản thân và đối tượng bên ngoài trước khi cá nhân chọn lựa để gia nhập một xã hội thích hợp. Chính lúc này một xã ước hình thành giữa cá nhân và tập thể (hay giữa cá nhân với nhau để đi đến tập thể). Con người đến từ thiên nhiên và thành lập xã hội. Xung đột trong xã hội hủy diệt thiên nhiên. Làm sao thay đổi xã hội khi con nguời từ khi mới sinh ra đã lệ thuộc quá nhiều vào xã hội?
Một cuộc cách mạng bản thân chỉ có thể trải qua sự tu dưỡng cá nhân, giáo dục bản thân một cách độc lập để có cái nhìn xuyên suốt giữa Thiên Nhiên, Con Người và Xã Hội. Chỉ có sự thấu triệt tương quan tung hợp, đối lập thống nhất với những luật tắc của từng môi trường với những bản vị của riêng nó, cùng với biện chứng pháp không phải để hủy diệt mà để xây dựng. Con người có thể làm chủ xã hội (mà không phải là người lãnh đạo độc tài) như một phần tử của xã hội, với ý thức bình đẳng, độc lập. Phải chăng đó là con đường xây dựng một nền dân chủ thực sự?
Sinh mệnh tâm lý không không phải là chuyên môn thuần túy như khoa học, sử học hay xã hội học mà là phối hợp của cả ba ngành.
Hiểu được tầm quan trọng của sinh mệnh tâm lý để ý thức rằng toàn bộ hệ thống Triết Học Thắng Nghĩa là một tổng thể xây dựng trên Duy Nhân Cương Thường. Và hiểu được con người mới thấy tại sao Duy Dân dựa trên sinh mệnh tâm lý và đòi hỏi Tu Dưỡng Thắng Nhân.
Trần Công Lân
Tháng 6, năm 2017
VA
Nguồn: https://nganlau.com/2017/07/01/tai-sao-sinh-menh-tam-ly/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét