Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Đường vào Duy Dân: Ăn và Thở

 

Là con người ai chẳng biết ăn và thở nhưng bạn ăn và thở như thế nào?

Ăn:

Thuở xa xưa khi thực phẩm còn khan hiếm , có miếng ăn là mừng lắm rồi, đâu dám kén chọn. Khi kinh tế, nông nghiệp phát triển thì thực phẩm tràn đầy. Ăn uống phủ phê, quá độ cũng sinh bệnh tật. Vậy bạn chọn lựa phương thức ăn uống ra sao?

Ăn ít sống lâu.

Ăn để sống không phải Sống để ăn.

Đói ăn rau, đau uống thuốc.

Ông bà tổ tiên ta đã nói như vậy từ ngàn năm trước. Thức ăn VN thường giản dị và nhà cửa cũng đơn sơ vì tổ tiên ta biết hòa hợp giữa trời (Thiên Nhiên), con người (Nhân) và đất (xã hội, lãnh thổ nuôi dưỡng con người).

Khi con người đặt nặng vấn đề ăn uống (như vua chúa), con người trở thành nô lệ của thực phẩm. Người Trung Hoa thời xưa và Hoa Kỳ ngày nay đã khai thác kỹ nghệ ăn uống lên hàng tuyệt đỉnh: các nhà hàng với các món ăn độc đáo lôi cuốn thực khách xếp hàng để thưởng thức.

Và bệnh tật cũng từ ăn uống mà ra. Nhưng khi nhuốm bệnh rồi thì kiêng ăn là quá muộn: cơ thể bạn đã tổn thương.

Trời sinh ra mỗi người là một “Tổng thể” có lục phủ, ngũ tạng, 32 cái răng, dạ dày chỉ chứa được 2 lít (bản vị giống nhau). Và đã ăn vào thì phải thải ra (đại tiện). Khi ăn thì ai cũng muốn thơm ngon, đẹp mắt. (thực sự nghệ thuật ăn uống chỉ xoay quanh: nóng-lạnh; ngũ vị , ngũ sắc …). Nhưng khi thải ra có ai để ý “nó” như thế nào không? Không biết tròn, méo, rắn, mềm, đặc, lỏng ra sao…là bạn không để ý đến cơ thể bạn đã tiêu hoá những gì bạn ăn vào như thế nào. So sánh cơ thể con người về vật chất (cấu trúc) thì các cơ quan giống nhau nhưng khi xử dụng (vận hành) thì “khả năng” không phải “tất năng”.  

Cơ thể đòi hỏi năng lực (energy) hay thức ăn. Tất cả những thức ăn: rau, trái, thịt… có tiêu hóa bởi cơ thể con người.  Vấn đề chính không phải là ăn gì mà là quan sát sự phản ứng của cơ thể khi bạn tiêu thụ thức ăn. Cơ thể bạn có phản ứng, dị ứng với món ăn đó không? Khi bạn cảm thấy đầy hơi, khó chịu … hay tiêu hóa ra không được xuông sẻ, mất ngủ, da nổi mụt nhọt … thì đó là dấu hiệu thức ăn không phù hợp với cơ thể bạn.

Có người quan niệm phải ăn các loại khác nhau  cho cơ thể quen thuộc thì mới dễ sống, dễ nuôi. Thực ra khi đói thì con người có thể ăn bất cứ thứ gì. Cạm bẫy là khi thử qua, bạn biết thứ nào ngon, dở và do đó sinh vướng mắc, chọn lựa. Khi tham ăn ngon thì bạn “sống để ăn” chứ không còn “ăn để sống”.

Và nên nhớ chính bạn trồng, nấu thực phẩm thì mới biết thế nào là tươi. Khi nấu lên, ăn liền thì món ăn khác với thứ để lâu ngày như thế nào và cơ thể bạn phản ứng với thức ăn như vậy ra sao.

Ngoài chuyện tự trồng trọt, tự nấu giúp bạn tiết kiệm, có đồ ăn tươi. Yếu tố khác là bạn sẽ hiểu “ăn nhà hàng” như thế nào: vừa tốn tiền mà dễ ngộ độc. Chưa kể tạo cho bạn thói quen trưởng giả “được phục vụ chu đáo” và khi không có thì cảm thấy xuống cấp.

Hãy thử sống kham khổ, nếu không như tù thì cũng gần như nhà tu để biết cơ thể của mình chịu đựng tới mức độ nào. Rồi hãy thử một thời gian ăn uống huy hoàng như vua xem cơ thể bạn ra sao. Rồi thử nhịn ăn một ngày mỗi tuần. Rồi nhịn nhiều ngày chỉ uống nước lạnh sống qua ngày…

Có trải qua những thức ăn khác nhau để thấy rằng con người có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng không cần thiết phải luôn luôn như vậy và có những loại thực phẩm mà cơ thể bạn dị ứng không thích, không dễ tiêu hóa. Và khi bạn có loại thực phẩm ngon (thí dụ phần thịt ngon nhất của con bò) thì phần dở sẽ dành cho ai? Nếu người giàu ăn những phần ngon bổ nhất thì người nghèo ăn gì? Người ăn ngon sẽ sống lâu và người ăn kém ngon sẽ giảm thọ?

Nghệ thuật ăn không phải nấu ăn ngon mà là ĂN và KHÔNG ĂN theo cơ thể mỗi người. Có “lên voi xuống chó” mới hiểu hai mặt cuộc đời ăn và uống.

Ăn nhiều không phải bảo vệ sức khoẻ. Nếu bạn lao động tay chân nhiều, bạn cần ăn theo nhu cầu.  Nếu bạn làm việc nhẹ, bạn ăn ít. Ăn nhiều hơn cơ thể cần thiết là phí phạm thức ăn và làm hại lục phủ, ngũ tạng của bạn mà thôi (giống như chiếc xe hơi, nổ máy mà chỉ đậu một chỗ).

Đói mới ăn. Không đói KHÔNG ăn.

Đói là khi cơ thể bạn đòi hỏi năng lượng (calories). Đói không đòi hỏi món ăn (phở, thịt, heo quay…). Đòi hỏi món ăn là do tâm khởi (Tánh khởi).  

Rồi khi ăn bạn có nhai kỹ không? Khi nuốt xuống dạ dày, bạn cảm thấy gì không?

Hình như bạn không để ý đến vai trò của nước bọt (nước miếng)  là chất xúc tác giữa miệng và dạ dày. Chặng đầu có tốt thì mới qua chặng thứ hai giữa dạ dày và mật, rồi giữa mật và ruột non, ruột già và cuối cùng là đại tiện. Xem phân biết tiến trình tiêu hóa của cơ thể bạn ra sao.

Đừng đòi hỏi ăn chay hay ăn mặn (thịt). Có gì ăn nấy, không kén chọn đòi hỏi. Nhưng khi bạn có trách nhiệm nấu nướng thì bạn phải biết lựa thực phẩm nào tốt cho cơ thể bạn, phù hợp với túi tiền của bạn. KHÔNG có tiền mà đòi ăn ngon thì Tâm của bạn đã bịnh trước khi cơ thể bạn nhuốm bịnh. Ăn thịt không phải là xấu. Tham ăn thịt, ăn ngon mới là xấu. Xấu vì Tánh Ham muốn của bạn nổi dậy lâu ngày thành tranh ăn, tham sống và … sợ chết. Cuối cùng là đánh mất LƯƠNG TÂM: bạn trở thành thú vật.

Ăn xong bạn còn thở nổi không? Sau khi ăn mà bạn còn có thể Thở bằng bụng: hít vào, thở ra 1/3 so với khi chưa ăn, nghĩa là dạ dày bạn đầy khoảng 80-90 % là tốt. Ăn no tới độ không thở nổi là không tốt. Thở để kiểm soát hệ thống hô hấp,  khí có thông suốt thì huyết mạch mới đều hòa và tiêu hóa mới trơn tru. 

Cứ quan sát các ông bà cụ sống trên trăm tuổi, trên thế giới, họ chỉ ăn một số thực phẩm căn bản, ăn ít, thân ốm nhom nhưng khoẻ mạnh, không bệnh tật. Khoa học Tây Phương viện cớ là di truyền (DNA) nhưng khỏi đầu từ đâu, thế hệ nào, thì khoa học chưa giải thích được? Cho tới khi nào con người chưa ý thức được phần lớn bệnh tật của con người đến từ thực phẩm, trước khi ăn (bird flu, ebola…) hay sau khi ăn. Tự chủ về ăn uống để biết “toại kỳ sở nhu” làm chủ bản thân (nhân chủ) thì mới nói chuyện Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc …. và Hòa Bình.

Khi Trung Hoa đưa nghệ thuật ăn uống lên hàng thượng đỉnh: tay gấu, óc khỉ, tổ yến, vịt nuôi ống tre … thì Ấn Độ đi ngược lại, sống bằng cách nhịn ăn. Các thầy tu Yoga ăn rất ít, suốt ngày chỉ tham thiền, tập thở.  Dân số tuy thiếu ăn nhưng phương pháp trị bệnh bằng cách nhịn ăn vẫn còn thông dụng. Gần đây, tại Ấn Độ có nhân vật tên Ram Bahadar Bomon, sinh 1990, công chúng ghi nhận sự xuất hiện của cậu (2007), từ khi 10 tuổi sau một thời gian kiếm ăn khó khăn, cậu quyết định chỉ ngồi thiền và thở, không ăn, không tiểu tiện, đại tiện ...cho tới nay khoa học Tây Phương quan sát vẫn chưa hiểu tại sao. (xem Wikipedia: Buddhaboy).

Thử hỏi nếu ngày nào đó nhân vật này phổ biến phương thức THỞ để sống mà không cần ăn thì kỹ nghệ nông-ngư nghiệp cùng kỹ nghệ nhà hàng, sản xuất thực phẩm… sẽ xập tiệm. Con người còn lý do gì để tranh ăn, tranh sống?   

ĂN để SỐNG.Nhưng không vì thế mà bạn mất quá nhiều thời gian của một ngày miếng ăn. Vì ngoài chuyện ăn, ngủ, con người phải đóng góp vào xã hội. Bởi xã hội bất ổn thì miếng ăn của bạn cũng chẳng còn. Đó là khởi điểm của Tu Dưỡng Thắng Nhân.

Thở:

Ai sống mà chẳng thở. Hơi thở là sự sống.

Thực sự bạn có BIẾT thở hay không?  Hay chỉ là phản ứng tự nhiên?

Có nhiều phương pháp thở theo võ học (tụ khí Đan Điền), thiền đạo, khí công, yoga, thở bụng, thở vai, thở ngực, thở theo Nhâm-Đốc mạch, thở toàn thân…

Thở là phương pháp di chuyển khí lực, ngoài chuyện luyện võ thuật còn là cách bảo vệ cơ thể đối với lam sơn chương khí, phòng bệnh.

Những nhà tu Tây Tạng có thể tập thở để chống khí hậu rét dưới không độ. Các nhà thực hành yoga Ấn Độ có thể nhịn thở trong nhiều phút mà không chết. Khoa học Tây Phương đã khảo sát mà không đưa đến kết luận nào cả.

Thở là cách chế ngự vận hành của Tim và óc đối với các cơ quan nội tạng và đòi hỏi sự rèn luyện tinh thần đầy thử thách.

Hãy tập thể thao (chạy bộ, bơi lội, cử tạ…) để thấy sức khoẻ con người liên quan đến hơi thở sâu, thở để điều hòa kinh mạch, nội tạng … chứ không phải bắp thịt là sức khoẻ. Người lực sĩ với bắp thịt cuồn cuộn không thể chạy đường dài. Những người chạy Việt dã (marathon) đều là những người ốm nhom. Con người Thắng Nhân phải biết chạy. Chạy để vượt lên, chạy để tránh nguy hiểm, chạy để biết thở: thở đều thì chạy được lâu, thở không đều thì cơ thể rối loạn. Tim- Phổi của bạn có làm việc tốt mới giúp các cơ quan khác. Một khi cơ thể bạn trở nên nặng nề (mập), chạy không nổi có nghĩa là sinh mạng của bạn giao phó cho thiên tai, bệnh tật, chiến tranh … và giảm thọ. Không người mập nào sống lâu cả.

Thở để biết bạn có làm chủ được tim bạn làm việc như thế nào, có thể làm việc trong tình trạng căng thẳng hay không?  Khi bạn ngộp thở thì không thể giúp ai được.

Thở để biết hít VÀO, thở RA là một cặp “đối lập thống nhất”. Quan sát khi thở thì lúc nào niệm (ý tưởng) khởi (xuất hiện) và phát xuất từ đâu? Vì lý do nào niệm khởi? Ý niệm khởi là do tâm (tánh khởi) hay do bên ngoài đưa đến (duyên khởi) nếu khởi từ tâm (tim) thì lý trí (bộ óc) của bạn phản ứng ra sao? Và ngược lại? Đó là một cặp “đối lập thống nhất” khác.  “Tâm viên, Ý mã” (Tâm như con vượn, luôn di động, Ý như con ngựa luôn luôn chạy). Bạn chạy theo những ý tưởng mông lung hay làm chủ Tâm bạn trong từng hơi thở.

Thở điều hòa để tìm sự cân bằng cho thân thể, cho sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Đó là một “bản vị”  của bạn trước khi bạn đối thoại, tiếp xúc với người khác. Sự mất cân bằng của bạn khi gia nhập vào một tập thể (xã hội) sẽ tạo xung đột hủy diệt chứ không phải đối lập xây dựng và đám đông (dân túy = populist) không thể hiện như là là xã hội dân chủ mong đợi.

Thân thể bạn có thể khác biệt (gầy, mập, cao, thấp), bạn có thể ăn uống đầy đủ hay thiếu thốn, bạn có thể sở hữu tài sản hay vô sản, bạn có thể thông minh hay tài hoa ... nhưng chắc chắn chúng ta đều có thể thở như nhau: không hơn, không kém. Con người có thể nhịn ăn trong nhiều ngày nhưng không thể nhịn thở sau vài phút.

Tập thở để biết khí đan điền tác dụng ra sao, mạch Nhâm–Đốc ảnh hưởng đến bộ óc như thế nào. Và hơi thở chuyển sinh khí theo huyết mạch theo Tinh-Khí-Thần sẽ thay đổi con người bạn như thế nào, có giống như các nhà võ thuật, nhà tu thường nói không.

Gần đây Pháp Luân Công đưa ra phương pháp thở và tập luyện động tác tay, chân để bảo vệ sức khoẻ và gây chấn động với nhà cầm quyền Trung Cộng. Bởi khi con người biết sống: ăn và thở để bảo vệ sức khoẻ và khi con người không Tham Sống, Sợ Chết nữa thì nhà nước độc tài khó mà khuynh đảo, đe dọa những con người như vậy.  Nền tảng của sự bình đẳng giữa con người khởi đi từ hơi Thở.

Thở để thấy con người cần thở để sống chứ không phải chỉ có vật chất (Duy vật) mới là cần thiết cho con người. Thở vào, thở ra: sống.  Đó là “cái đang là” (being).

Thở để SỐNG . Biết cách thở là bắt đầu biết cách Sống. Đó là khởi điểm của Tu Dưỡng Thắng Nhân.

Nuôi tâm sinh thiên tài,

nuôi chí sinh nhân tài,

nuôi thân sinh nô tài (Lý Đông A).

TCL

Virginia

Nguồn: https://nganlau.com/2017/03/15/duong-vao-duy-dan-an-va-tho/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...