Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P1)

Tự do có ngay từ khi loài người xuất hiện trên trái đất này. Cần phải phân biệt giữa sự tự do của thời nguyên thủy loài người với sự tự do trong một xã hội loài người.

Tự do thời nguyên thủy là mỗi con người có quyền tự do không giới hạn. Có nghĩa là con người sống ở thời đại này cũng giống như loài thú, mạnh được yếu thua. Khi một cá nhân A ở thời đại này, săn bắt một con thú thì một cá nhân B có thể cướp lấy con thú này bằng sức mạnh của chính mình. Cả hai cá nhân này đều sử dụng quyền tự do của chính mình để thực hiện nhu yếu ăn. Tuy nhiên, thay vì bỏ công sức ra làm chuyện săn bắn thì người thứ hai bỏ công sức ra để thực hiện chuyện cướp giựt thực phẩm của người khác.

Khi thấy ra được sự bất công trong việc giải quyết nhu cầu ăn nếu tiếp tục trong một xã hội loài người nguyên thủy, những Con Người thời đại này, do nhu cầu ăn và nhu cầu sinh mệnh của chính mình, họ đồng ý liên kết lại với nhau để trở thành một nhóm người, một bộ lạc để chấp nhận quyền tự do có giới hạn nhằm bảo đảm nhu cầu ăn của mình không bị ai cướp giựt và đồng thời quyết định được sinh mệnh của chính mình.

Khi các bộ lạc được hợp thành một xã hội lớn để trở thành một quốc gia, thì quyền tự do của mỗi con người trong quốc gia đó vẫn phải có trong giới hạn là quyền tự do đó không làm hại đến quyền tự do của người khác, không làm hại đến tài sản, tính mạng của người khác. Đây chính là quyền tự do của một xã hội loài người mang tính Người. Bất cứ chính quyền nào xâm phạm quyền tự do của Con Người, xâm phạm tài sản, tính mạng của Con Người trong xã hội đó tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường (*).

Quyền tự do tự vệ

Đây là quyền tự do đầu tiên khi mà chính những con người thời nguyên thủy đồng ý ngồi lại với nhau để cái quyền này được bảo đảm. Vì sự tự vệ cho chính bản thân mình, tài sản mình không bị cướp giựt, những con người thời nguyên thủy đồng ý ngồi lại với nhau để cùng nhau bảo vệ lẫn nhau về mặc nhu yếu của ăn và đồng thời thể hiện bản tính tự nhiên của Con Người là phải tự tìm cách bảo vệ lấy sinh mệnh và tài sản của mình khi mà sinh mệnh và tài sản của mình bị một ai đó cướp giựt.

Với tiến trình lịch sử của loài người, quyền tự vệ được càng ngày càng được cải tiến để phù hợp với tri thức của Con Người. Ở thời đại của thế kỷ 21 này, quyền tự vệ được giải quyết qua hai phương pháp đó là luật pháp và tự vệ bản thân đáp ứng lại sự nguy hiểm cho tính mạng của cá nhân đó.

Trong trường hợp cá nhân A đang bị cá nhân B đánh đập bằng dao và có thể làm mất đi sinh mạng của cá nhân A -- thì cá nhân A, hoặc những người khác, có thể chống lại hành vi cá nhân B, chấm dứt hành động thô bạo của B đối với A. Đây là hành động tự vệ và nếu trong hành động tự vệ này, cá nhân B có thể bị thương, hoặc chết thì cá nhân A, hoặc bất cứ ai giúp cá nhân A, không phải bị tội mà là thực hiện quyền tự vệ của chính mình, hoặc quyền tự vệ của một cá nhân ngoài cuộc, ngăn cản một cá nhân khác chấm dứt hành động thô bạo trong xã hội.

Thí dụ bên trên chỉ được thực hiện khi mà tính mạng của cá nhân đang bị đe dọa. Còn nếu như cá nhân B ăn cắp đồ của cá nhân A thì chuyện ăn cắp này cần phải đưa ra tòa, với luật pháp của xã hội để xét xử. Quyền tự vệ để tìm công lý phải do luật pháp, do những người ngoài cuộc xử thì mới có sự công tâm. Khi mà tính mạng mình không bị đe dọa thì bất cứ hành động nào, của bất cứ cá nhân nào làm thiệt hại tài sản, tinh thần của mình phải do chính luật pháp xử lý.

Dĩ nhiên đây là chuyện được giải quyết trong một xã hội dân chủ, có luật pháp. Còn đối với hoàn cảnh của Việt Nam, một xã hội độc tài, có luật pháp nhưng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của đãng (cố ý viết sai dấu) cầm quyền thì người dân chẳng còn sự lựa chọn nào khác hơn là sự lựa chọn -- tự mình giải quyết lấy sự bất công. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy người dân sẵn sàng bắt, hành hạ, đánh đập người trộm chó, trộm gà bởi luật pháp của nhà cầm quyền là luật rừng, mạnh được, yếu thua; luật dành cho những người có tiền để mua chuộc tòa án nhằm cướp đất, cướp của người không có tiền, không có quyền; công an không bận tâm để giải quyết chuyện trộm chó, trộm gà bởi không có quyền lợi (lo lót tiền bạc) từ những người (trộm hoặc bị trộm) chẳng có gì để lo lót.  

Thái độ tự giải quyết sự bất công tại Việt Nam, trớ trêu thay, chỉ xảy ra ở những người thấp cổ bé miệng đối với những người thấp cổ bé miệng. Nghĩa là người dân rất cản đảm bắt đánh người trộm chó, trộm gà nhưng lại sợ hãi sự cướp giật có bài bản từ nhà cầm quyền, sự giết người có bài bản từ nhà cầm quyền. Bao nhiêu người vào cơ quan công an để rồi trở về với cái xác mà không người dân nào dám làm như chuyện bắt người trộm chó, trộm gà để đánh, để hành hạ cho chính bản thân tội phạm học bài học bản thân?

Có lẽ sống đông người dân đã không còn hiểu rõ khái niệm quyền tự vệ là gì, từ đâu mà có và thế nào gọi là thực hiện quyền tự vệ cho bản thân mình. Chính vì không nắm rõ khái niệm này mà sự tự vệ của người dân vẫn là hành động của thời nguyên thủy loài người, mạnh được yếu thua. Ai mạnh hơn mình thì mình cắn răng chịu đựng. Còn ai yếu hơn mình thì cứ đánh đập để dạy cá nhân đó một bài học mà hành động đánh người trộm chó là thí dụ điển hình.

Một hành động tự vệ hữu hiệu nhất ở một xã hội độc tài đó là sự phản kháng bất hợp tác hay còn gọi là bất tuân dân sự. Khi mà luật của một cơ chế cầm quyền là để phục vụ đãng cầm quyền; khi mà cơ chế cầm quyền hoàn toàn vô trách nhiệm với xã hội, người dân; khi mà cơ chế cầm quyền kiểm soát mọi sinh hoạt của người dân; khi mà cơ chế cầm quyền đưa ra những bộ luật đi ngược lại hiến pháp hoặc đi ngược lại những quyền căn bản mà Con Người đã có từ thời nguyên thủy -- thì những con người sống trong cơ chế độc tài đó có quyền tự vệ bảo vệ bản thân và tài sản của mình. Cái quyền tự vệ này gồm có cả quyền bất tuân dân sự đối với những luật lệ mà đãng cầm quyền đưa ra.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 10 năm 2017

(*)https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/12/15/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-tu-do-p1/

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...