Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P6)

 Quyền bình đẳng cơ hội và nghĩa vụ

Khi những con người thời nguyên thủy hợp thành một bộ lạc thì quyền bình đẳng cơ hội và nghĩa vụ chưa hề có. Ở cái thời đó, quyền hành và nghĩa vụ được người trong bộ lạc quyết định. Dĩ nhiên, khi sự quyết định do bộ lạc trưởng hay do ai đó trong bộ lạc nhận lãnh trách nhiệm này sẽ không công bằng mà sẽ có nhiều thiên vị.

Rồi từ một bộ lạc kết hợp với nhiều bộ lạc khác, cuối cùng một xã hội được hình thành. Xã hội từ thời nguyên thủy đến thời đại hôm nay được hình thành với nhiều hình thức. Từ trưởng tộc, mẫu hệ, phong kiến, thực dân, cộng sản, tư bản theo tiến trình tiến hóa của xã hội Con Người. Khi xã hội càng tiến hóa thì con người càng thấy những truyền thống xa xưa của thời đại trước đó không hợp lý cần phải sửa đổi.

Với xã hội hiện giờ, người ta nói nhiều về bình đẳng cơ hội. Bình đẳng cơ hội phải đi đôi với bình đẳng nghĩa vụ và quyền lợi. Mỗi công dân phải có nghĩa vụ với xã hội và đồng thời có quyền lợi khi thực hiện nghĩa vụ đó. Không thể nào đòi hỏi quyền lợi từ xã hội mà không thực hiện nghĩa vụ của chính mình. Ngoại trừ những người bị tàn tật không thể thực hiện nghĩa vụ với xã hội, tất cả những cá nhân có đủ khả năng, trí tuệ, sức khỏe phải thực hiện nghĩa vụ của chính mình với xã hội thì mới hưởng được quyền lợi từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Nghĩa vụ đối với xã hội thực hiện qua nhiều hình thức chẳng hạn như nghĩa vụ quân đội, nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ tuân hành luật lái xe, luật xã hội v.v…

Bình đẳng cơ hội là bất cứ công việc nào, mọi người đều có quyền xin vào làm và dựa vào khả năng của mỗi người để công ty tuyển chọn. Sự tuyển chọn phải dựa vào khả năng chứ không phải dựa vào quen biết, đút lót. Cơ chế VN hiện giờ là cơ chế độc tài, vô trách nhiệm. Từ hai yếu tố đó, VN hoàn toàn không có bình đẳng về cơ hội, quyền lợi, nghĩa vụ. Người dân bắt phải đóng thuế nhưng không được quyền lên tiếng về sự chi xài tiền thuế cho lợi ích cuộc sống của người dân. Những đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) viên không làm tròn nghĩa vụ của mình trong công việc phục vụ xã hội nhưng vẫn tiếp tục hưởng quyền lợi (tiền bạc và quyền hành) vô tội vạ mà người dân không có quyền lên tiếng chống đối cái quyền lợi bất cân xứng này. Người dân không có cơ hội để xin vào việc lãnh đạo quốc gia chỉ bởi vì không phải là đãng viên. Trong khi đó đãng viên không có khả năng thì lại giao cho những công tác lãnh đạo để rồi sự thiếu khả năng đó đã đưa đất nước trở thành con nợ của quốc tế càng ngày càng phình ra. Các ngân hàng khai phá sản; các công ty quốc doanh, bán quốc doanh khai phá sản để cướp giựt tài sản của những người bỏ tiền vào công ty. Cùng thời gian đó thì lãnh đạo công ty giàu to với nhiều tài sản chìm nổi ở khắp nơi trên thế giới trong khi đó thì dân trắng tay.

Quyền tự do ứng cử và bầu cử

Khi nói đến quyền tự do ứng cử phải hiểu đó là quyền để tham gia vào cơ chế điều hành quốc gia. Cần phải nhấn mạnh là điều hành chứ không phải là lãnh đạo. Lãnh đạo quốc gia phải là người dân, những tổ chức xã hội dân sự, những tổ chức chuyên môn nghiên cứu và đề nghị chính sách, luật lệ trong một cơ chế quốc gia. Tất cả những người nằm trong bộ máy chính quyền là người được bầu cử hay đề cử để làm công việc điều hành chứ không phải là lãnh đạo.

Công việc điều hành này cần phải có sự cạnh tranh để tìm người tài giỏi, có khả năng, có tư cách, có tầm nhìn xa rộng để điều hành bộ máy quốc gia chạy hài hòa với cuộc sống của xã hội. Điều kiện ứng cử phải là những điều kiện hợp lý cho chức vụ điều hành của công việc. Không thể có sự tham dự của các đảng phái trong công việc ứng cử. Sinh hoạt đảng phái cũng là thuộc về sinh hoạt xã hội dân sự cho nên cá nhân ra ứng cử là mang tính cách cá nhân chứ không phải đại diện cho đảng phái hay đại diện cho bất cứ nhóm đoàn nào của xã hội.

Bộ máy điều hành quốc gia có nhiều cấp độ và mỗi cấp độ đòi hỏi một số khả năng riêng biệt. Những ai thấy mình đạt được khả năng đòi hỏi thì có thể tham gia vào chuyện tranh cử. Còn nếu những ai đánh giá lầm khả năng của mình, khi thắng cử và không điều hành công việc tốt thì sẽ bị một cơ quan khác, hoặc người dân đánh giá và nếu cần sẽ đuổi người điều hành để tổ chức một cuộc tuyển chọn khác, không cần phải chờ hết nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ chỉ dành cho những người có khả năng. Còn những người không có khả năng và làm trì truệ bộ máy vận hành của bất cứ đơn vị nhà nước nào cần phải thay thế ngay chứ không chờ đợi hết nhiệm kỳ.

Quyền tự do bầu cử là quyền của người dân tìm hiểu rõ từng ứng cử viên để bỏ phiếu cho đúng người, đúng vị trị. Một cơ quan tổ chức bầu cử phải có trách nhiệm gửi những thông tin về khả năng, kinh nghiệm của mỗi ứng cử viên đến toàn dân trong địa phương hay cả nước nếu chức vụ thuộc dạng quốc gia. Bất cứ cá nhân nào trên 18 tuổi, không bị tù tội trong lúc bầu cử đều có quyền bỏ phiếu lựa chọn những người trong danh sách ứng cử. Mỗi cá nhân trong địa hạt bầu cử có thể chọn một người khác ngoài danh sách ứng cử và nếu cá nhân ngoài danh sách ứng cử được nhiều phiếu thì vẫn thắng cử, cho dù không nằm trong danh sách bầu cử. Đây là cuộc bầu cử do người dân chọn thành ra người dân có thể chọn bất cứ ai, ngay cả những người không năm trong danh sách bầu cử.

Quyền bầu cử và ứng cử là quyền căn bản của mỗi công dân trong việc chọn người tài giỏi vào cơ chế điều hành quốc gia. Bất cứ cuộc bầu cử và ứng cử nào có sự chỉ đạo của một đảng phái chính trị thì cuộc bầu cử và ứng cử đó hoàn toàn không còn tính dân chủ mà là tính đảng chủ. Cuộc bầu cử và ứng cử theo tính đảng chủ là một hình thức bầu cử trá hình, phản dân chủ. Việt Nam hiện giờ hình thức ứng cử và bầu cử theo tính đảng chủ.

Quyền kiểm soát cơ chế cầm quyền thay đổi cơ chế cầm quyền nếu cần thiết

Trong công việc quản trị công ty, người làm công việc quản trị luôn luôn theo dõi thành quả của công việc mỗi cá nhân trong công ty, đồng thời theo dõi chất lượng của sản phẩm có đạt đúng tiêu chuẩn đặt ra hay không. Nếu phát hiện sản phẩm làm sai tiêu chuẩn thì sự thay đổi lập tức được làm ngay chứ không thể tiếp tục làm ra sản phẩm sai với tiêu chuẩn đã đưa ra.

Trong công việc quản trị đất nước cũng vậy. Tuy không phải là sản xuất ra một sản phẩm nhưng thành quả của công việc quản trị tức là sản phẩm của công việc điều hành đất nước. Khi một cá nhân điều hành đất nước tạo ra nhiều mâu thuẩn bên dưới, không có khả năng để điều hành bộ máy nhà nước từ dưới đi lên và hòa nhịp với đời sống của xã hội thì cá nhân đó, hay bộ máy điều hành đó cần phải thay đổi.

Để làm chuyện này thì sẽ có một cơ quan chuyên môn kiểm soát công việc, thành quả của mỗi đơn vị điều hành quốc gia nhằm mục đích phát hiện ra sai lầm để điều chỉnh cho sớm chứ không phải chờ đợi đến lúc sự thất bại lan tỏa ra ở phương diện rộng lớn, có thể ảnh hưởng đến nền sinh hoạt của địa phương, của quốc gia. Cơ quan này hoàn toàn độc lập từ bộ máy điều hành quốc gia để tránh việc thiên vị, bao che.

Trong một đất nước dùng Duy Nhân Cương Thường là trung tâm điểm cho các chính sách, lối ứng xử, lối sinh hoạt xã hội thì khó có cơ hội xảy ra một cơ chế vô trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn phải có một cái nhìn vượt lên trên bản tính của Con Người. Con Người luôn luôn bị cám dỗ và chính những cám dỗ đã đưa cho người đi ngược lại những gì mình quan niệm là đúng, là nhân cách. Chính vì sự cám dỗ có thể xảy ra cho bất cứ ai thành ra cái quyền kiểm soát và thay đổi cơ chế cầm quyền hay điều hành đất nước là phải có để gọi là sự bảo kê khi mà những cá nhân trong bộ máy nhà nước vô tình đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Lời Kết

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do được khai triển cho đúng với thực tế của xã hội, của thế giới. Nếu các bạn đọc bản gốc Duy Nhân Cương Thường (*), các bạn sẽ không thấy cụ Lý Đông A nhắc đến những quyền này. Tuy nhiên trong Duy Nhân Cương Thường của cụ Lý có nói đến cái dân chủ ở một phạm vi nhỏ và cái dân chủ đó cần phải diễn đạt cho rõ hơn, thực tế hơn trước bối cảnh xã hội chúng ta đang sống trong đầu thế kỷ 21 này. Trên tinh thần đó, người viết cố gắng đúc kết phần Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do trong 6 bài viết vừa qua.

Cũng cần phải nắm rõ là chủ nghĩa Duy Dân của cụ Lý luôn luôn biến chuyển theo tình hình thực tế của xã hội đang sống. Đây chính là điểm hay của chủ nghĩa Duy Dân là không cứng nhắc, không bảo thủ mà luôn luôn huyển chuyển theo thực tế của cuộc sống Con Người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

New Orleans, LA

Tháng 12 năm 2017

(*)https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/01/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-tu-do-p6/

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...