Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P3)

Quyền tự do truyền thông

Nguyên thủy của loài người chưa có chữ viết. Khi chữ viết được hình thành, con người dùng chữ viết để trao đổi với những người khác. Để sử dụng quyền tự do ngôn luận được rộng rãi, con người sáng lập ra báo chí, phát thanh, và truyền hình để chuyền đạt đến nhiều người. Quyền tự do truyền thông chỉ xuất hiện khi con người phát hiện ra lợi ích của nó đối với xã hội. Chính nhờ truyền thông mà sự hiểu biết của con người được mở rộng hơn; tình thương của con người gia tăng hơn; sự ngăn cách về mặt địa lý, thời gian và không gian đã không còn là trở ngại để mọi người có thể hiểu nhau, thông cảm với nhau qua những phương tiện truyền thông đại chúng.

Ở những quốc gia dân chủ người ta ví von giới truyền thông là đệ tứ quyền. Có nghĩa là ngoài cái cơ chế tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp) thì giới truyền thông đóng vai trò kiểm soát ba cơ quan của chính quyền. Tất cả những vụ tham nhũng, vi phạm luật pháp, che giấu những việc làm phi pháp của người cầm quyền, lạm dụng quyền hành trong lúc thi hành công vụ đều bị các cơ quan báo chí vạch ra cho công luận thấy rõ vấn đề. Từ đó dân chúng đòi hỏi sự minh bạch, sự công bằng trong cơ cấu chính quyền, bắt chính quyền phải chịu trách nhiệm trước những sai trái của chính bộ máy cầm quyền tạo ra.

Quyền tự do truyền thông là các cơ quan truyền thông làm việc độc lập, không có nhiệm vụ tuyên truyền cho chính quyền và sẵn sàng đi tù khi cơ quan an ninh quốc gia đòi hỏi phóng viên phải đưa ra nguồn tài liệu có từ đâu. Đối với người làm truyền thông, việc giữ bí mật những nguồn tin mình có được rất điều phải thực hiện bởi nếu không giữ bí mật, những người bên trong các cơ quan chính quyền, các công ty sẽ không dám tố cáo những vi phạm luật pháp bởi vì sợ bị trả thù bằng hình thức rất là hợp pháp. Chính vì thế mà đã từng có những người làm báo đã sẵn sàng đi tù thay vì chọn thái độ nói cho cơ quan điều tra biết ai cung cấp tài liệu. Đây chính là đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng sự thật, bảo vệ người đưa tin cho người làm truyền thông. Bất cứ cơ quan truyền thông nào làm việc bị sức ép của bộ máy cầm quyền, phải nói theo điều đảng cầm quyền muốn, phải nói sai sự thật để tờ báo, đài phát thanh, truyền hình được tồn tại thì quyền tự do truyền thông đó đã bị cướp đi, bộ máy cầm quyền đó đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường (*) và cơ quan truyền thông đó đã không làm đúng trách nhiệm, đạo đức của một người làm truyền thông.

Quyền tự do truyền thông có nghĩa là bất cứ cá nhân nào cũng có thể ra một tờ báo, một đài phát thanh, một đài truyền hình để chuyển tải sự thật hoặc chuyển tải chuyện không thật. Trong sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông, ai nói sai sự thật sẽ bị lật tẫy từ một cơ quan truyền thông khác và nếu người dân có đủ trình độ hiểu biết, sẽ tẩy chay cơ quan truyền thông nói sai sự thật.

Cần phải nhìn rõ vấn đề trong sự so sánh về con số trong giới truyền thông. Các nước độc tài, đặc biệt là nhà cầm quyền Việt Nam, họ cho rằng họ có quyền tự do truyền thông bởi họ có 849 báo và tạp chí; 67 đài phát thanh và truyền hình; 195 báo điện tử. Với hơn một ngàn cơ quan truyền thông mà chỉ nói theo một luận điệu của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn muốn thì đó không phải là quyền tự do truyền thông. Đó chính là độc tài truyền thông để tuyên truyền chủ trương của đãng cầm quyền; mục đích của báo chí, truyền thanh, truyền hình là để phục vụ bộ máy cầm quyền.  

Ngược lại nếu một quốc gia chỉ có một tờ báo duy nhất, hoặc một đài truyền hình duy nhất nhưng nếu tờ báo đó, đài truyền hình đó có toàn quyền muốn đi bất cứ bản tin nào để nói lên sự thật của xã hội, của cơ chế cầm quyền, của bất cứ vấn đề nào trong xã hội mà không sợ phải đi tù thì cho dù chỉ là một tờ báo duy nhất, đất nước đó vẫn có quyền tự do truyền thông.

Con số bao nhiêu báo đài sẽ không nói lên được đất nước đó có quyền tự do truyền thông hay không. Phải nhìn vào bản chất của các cơ quan truyền thông là họ phục vụ ai, họ thực hiện nhiệm vụ truyền thông hay nhiệm vụ tuyên truyền. Nếu họ phục vụ đảng cầm quyền, đặt tuyên truyền là chủ trương chính -- thì rõ ràng họ đã bán đi cái quyền tự do truyền thông của chính họ và đất nước đó không có quyền tự do truyền thông, đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Quyền tự do tín ngưỡng

Nhiều người cho rằng tại Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng bởi chùa, nhà thờ ở khắp mọi nơi. Một lần nữa, con số chùa, nhà thờ nhiều không có nghĩa là VN có quyền tự do tín ngưỡng.

Khi các vị tu sĩ đi tù thì tự do tín ngưỡng không bao giờ có. Khi mà Quốc Hội Việt Nam có sự xuất hiện của giới tu trong Quốc Hội thì tôn giáo VN đã trở thành cánh tay dài của đãng csvn chứ không phải là một tôn giáo thuần túy. Mà đã là cánh tay dài của đãng thì phải truyền đạo theo sự hướng dẫn của đãng. Đi ngược lại chủ trương của đãng thì sẽ bị trù dập, bỏ tù.

Khi mà các tín đồ hội họp để làm lễ tưởng niệm các vị lãnh đạo tôn giáo và bị cơ quan chính quyền tìm cách phá hoại, ngăn cản thì VN không bao giờ có tự do tín ngưỡng.

Tự do tín ngưỡng là bất cứ cá nhân nào, tín đồ hay tu sĩ, đều có quyền đi thuyết giáo ở bất cứ nơi đâu.  Tự do tín ngưỡng là ở những chổ trang nghiêm của giới tu hành mục đích để tín đồ đến thực hiện tín ngưỡng của mình chứ không phải là nơi để công an chìm, nổi vào lắng nghe để buộc tội bất cứ ai đó. Tự do tín ngưỡng phải được bảo vệ và tôn trọng trong đó gồm cả những cơ sở tín ngưỡng, không thể nào cướp giựt tài sản của các cơ sở tín ngưỡng dù mang danh nghĩa gì. Tự do tín ngưỡng tức là nhà cầm quyền hoàn toàn không dính dáng đến các cơ sở tôn giáo bởi một bên là cầm quyền, một bên là giúp đỡ tinh thần cho tín đồ. Cả hai không thể nào nhập nhằng bởi sẽ dẫn đến tình trạng nhà cầm quyền tôn vinh một tôn giáo nào đó, hoặc nâng đỡ một tôn giáo nào đó. Nhà cầm quyền cần phải đứng ra khỏi sự sinh hoạt của tôn giáo và để các tôn giáo tự do hoạt động trong phạm vi truyền bá đạo nhằm tạo ra một xã hội nhân bản hơn, thương yêu đồng loại hơn.

Tiếc rằng nhà cầm quyền csvn luôn luôn tìm đủ mọi cách để xâm nhập vào mọi tầng lớp sinh hoạt của người dân để kiểm soát, để bắt bớ, để đàn áp khi những điều giảng dạy của các vị tu sĩ không làm hài lòng các cơ quan cầm quyền. Cho nên quyền tự do tín ngưỡng tại VN hoàn toàn không có và chính điều này đã đưa đạo đức xã hội xuống cấp thấp như loài cầm thú.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P4)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2017

Dallas, TX

 (*)https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2018/01/15/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-tu-do-p3/

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...