Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P2)

 

Quyền Vô Tội

Nhìn về lịch sử của loài người, Con Người luôn luôn sống hướng thượng. Sự hướng thượng này làm cho Con Người nhìn ra được Quyền Vô Tội phải cần phải có. Quyền vô tội là gì? Phải chăng một người giết người vẫn có cái quyền vô tội này?

Quyền vô tội có nghĩa là bất cứ cá nhân nào bị đưa ra trước tòa án thì luôn luôn được xác định là vô tội cho đến khi cơ quan điều tra chứng minh được là cá nhân đó vi phạm luật pháp. Vậy thì một cá nhân giết một cá nhân khác, trước tòa án, người bồi thẩm đoàn và thẩm phán đều luôn luôn mang tâm niệm là cá nhân đó vô tội cho đến khi những chứng cớ đưa ra trước tòa -- thì lúc đó mới kết luận là cá nhân đó có tội hay không có tội. Cùng là một hành động giết người, nhưng nếu sự giết người hay làm hại thân thể người khác nhằm mục đích tự vệ (như đã nói ở phần 1) thì hành động đó không hề vi phạm luật pháp. Đó là lý do tại sao, ở những quốc gia dân chủ, cá nhân nào thực hiện quyền tự vệ và chẳng may làm người khác thiệt mạng thì đây không phải là sự cố ý, cho nên cá nhân đó không hề bị đưa ra trước tòa án.

Đây chính là quyền căn bản của mỗi cá nhân được đưa ra trước tòa và những ai tham dự vào tòa án đều phải hiểu rõ điều này để tạo cho cuộc xử án công minh. Bất cứ bồi thẩm đoàn nào tham dự cuộc xử án mà chưa nghe rõ sự thật từ hai bên luật sư nhưng trong tâm kết luận là người đó có tội thì cuộc xử án không hề công minh. Đây là lý do tại sao mà trong cuộc tìm kiếm bồi thẩm đoàn, các luật sư của hai bên và gồm cả vị thẩm phán luôn luôn nhắc nhở mọi người về cái quyền vô tội của bị cáo để các bồi thẩm đoàn không thể có thành kiến trước khi vụ xử xảy ra (xem bài Lựa Chọn Bồi Thẩm Đoàn https://nganlau.com/2016/06/15/chon-lua-boi-tham-doan/)

Quyền im lặng

Quyền im lặng được hình thành và được công nhận khi mà tất cả những tranh chấp được giải quyết qua hệ thống pháp luật. Một người giết người đứng trước quan tòa, cá nhân này có quyền không lên tiếng nói của chính mình trước vụ án. Cá nhân này có quyền không trả lời những câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc luật sư nếu những câu hỏi đó không có lợi cho chính mình bởi mình không hiểu rõ luật, từ đó câu trả lời đôi khi vô tình trở thành một cớ để cơ quan điều tra buộc tội chính mình.

Quyền im lặng là quyền của một công dân khi công dân đó bị cơ quan điều tra của bộ máy cầm quyền đưa ra tòa thì cá nhân đó có quyền từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan điều tra có dính dáng đến cá nhân bị kết tội. Cơ quan điều tra muốn kết tội bất cứ cá nhân nào thì phải tìm bằng chứng, lời nói từ những cá nhân khác chứ không thể bắt buộc cá nhân bị cáo trả lời những câu hỏi mà những câu hỏi đó có thể làm hại đến bản thân của bị cáo.

Trong những cuộc lựa chọn bồi thẩm đoàn cho vụ kiện hình sự, luật sư của cả hai bên và luôn cả vị thẩm phán luôn luôn nhắc nhớ các bồi thẩm đoàn dự bị là bị cáo có quyền im lặng và cái quyền im lặng đó không có nghĩa là bị cáo có tội -- mà là vì một lý do nào đó, bị cáo không muốn đứng trước tòa để luật sư chất vấn trước mặt các bồi thẩm đoàn.

Quyền im lặng không những áp dụng cho chính cá nhân bị truy tố trước pháp luật mà dành luôn cho cả những cá nhân không bị truy tố. Tất cả những điều tra từ những người khác đều do tinh thần thiện nguyện của cá nhân hợp tác với cơ quan điều tra. Không một cơ quan điều tra nào bắt buộc cá nhân đó phải trả lời những câu hỏi mà cá nhân đó không muốn trả lời ngoại trừ có trát tòa thì cá nhân đó phải trả lời những câu hỏi của cơ quan điều tra. Tuy nhiên cho dù có trát tòa, nếu những câu trả lời có thể làm cá nhân đó bị kết vào một tội nào đó thì cá nhân đó sẽ sử dụng quyền im lặng của chính mình.

Quyền Tự Do Ngôn Luận

Ngay từ thời Con Người xuất hiện trên trái đất này, quyền tự do ngôn luận đã xuất hiện từ đó. Cho dù một người câm không nói được, hoặc Con Người thời nguyên thủy chưa có tiếng nói mà chỉ trao đổi qua dấu hiệu, ký hiệu; sự trao đổi qua ký hiệu này nói lên cái quyền tự do ngôn luận của Con Người đã có ngay thời có sự xuất hiện của Con Người trên trái đất này.

Tự do ngôn luận không nhất thiết là phát biểu ý kiến của chính mình bởi nếu là người câm thì làm sao họ có thể phát biểu ý kiến. Vậy thì quyền tự do ngôn luận phải được hiểu ở một dạng rộng, tổng thể -- nghĩa là bất cứ cá nhân nào sống trên trái đất này đều có quyền tự do ngôn luận bằng phát biểu ý kiến qua lời nói, chữ viết, hoặc hành động biểu tình để bày tỏa quan điểm của mình cho một vấn đề nào đó mình quan tâm trong đời sống của xã hội. Chính quyền tự do ngôn luận này đã làm thay đổi xã hội Con Người ngày càng được tiến hóa hơn, hướng thượng hơn.

Chính quyền tự do ngôn luận này, xã hội loài người thấy những cái bất công trong cuộc sống; những phong tục, tập quán bất công từ cha ông để lại và từ đó xã hội hiện tại đòi hỏi thay đổi để tạo ra một xã hội công bằng hơn, hướng thiện hơn.

Hãy lấy thí dụ qua câu nói “trai năm thê bảy thiếp, gái vỏn vẹn một chồng”. Chính cái quyền tự do ngôn luận mà Con Người của thời đại 21 này cho rằng câu nói trên đã không còn hợp thời, câu nói trên đã đi ngược lại cái đạo lý một vợ, một chồng. Chính quyền tự do ngôn luận này đã tạo ra những cuộc thảo luận để tìm hiểu rõ và làm sáng tỏa những vấn đề mà thời đại trước đó đã chưa hiểu rõ -- để rồi có những luật lệ, phong tục đi ngược lại cương thường của Con Người.

Vậy thì bộ luật 258 của nhà cầm quyền đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường. Câu hỏi được đặt ra là thế nào gọi là lợi dụng quyền tự do ngôn luận?

Để trả lời câu hỏi này cần phải nhìn vào thực tế cá nhân phát biểu những điều gì. Nếu cá nhân nào nói lên cái sự thật của xã hội, nói lên cách làm việc vô trách nhiệm của bộ máy cầm quyền và kêu gọi mọi người cùng lên tiếng thì cá nhân đó đã sử dụng quyền tự do ngôn luận đúng chỗ chứ không phải vi phạm quyền tự do ngôn luận. Khi cá nhân phát biểu ý kiến để xây dựng lại một xã hội lành mạnh, dựa vào cái thực tế thối nát của xã hội hiện tại để kêu gọi mọi người cùng lên tiếng thay đổi -- thì không thể nào gọi là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trái lại chính nhà cầm quyền VN đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi họ ra bộ luật 258; chính tòa án tại VN đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi chính họ dựa vào luật đó để bỏ tù những cá nhân sử dụng quyền tự do ngôn luận đã có từ thời nguyên thủy của loài người.

Bất cứ cá nhân nào nằm trong vị trí cầm quyền thì cá nhân đó phải chịu sự phán đoán của người dân trên cái trách nhiệm mà cá nhân đó nhận lãnh. Sự phán đoán có thể diễn tả qua nhiều hình thức như là biểu tình trước trụ sở làm việc; hoặc dựa vào câu nói, việc làm của cá nhân cầm quyền để diễu cợt làm cho mọi người cười; hoặc tố cáo những hành động tham nhũng của từng cá nhân trong bộ máy cầm quyền. Đây không phải là vi phạm quyền tự do ngôn luận mà là sử dụng quyền tự do ngôn luận để xã hội có một bộ máy cầm quyền làm việc rõ ràng, minh bạch, chịu trách nhiệm trước dân chúng.

Những ai sử dụng quyền tự do ngôn luận để bôi xấu người khác mà không có chứng cớ thì là đã đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận. Trong trường hợp này, cá nhân bị bôi xấu có quyền thưa kiện người bôi xấu mình nếu sự bôi xấu đó có ảnh hưởng đến sự sinh hoạt kinh tế trong đời sống của chính mình. Còn như nếu sự bôi xấu không ảnh hưởng đến kinh tế của chính mình thì cá nhân bị bôi xấu sử dụng quyền tự do ngôn luận thanh minh những điều không thật về mình cho mọi người hiểu rõ.

Những ai sử dụng quyền tự do để kêu gọi người khác hảm hại cá nhân khác, cướp tài sản của người khác, hoặc gây khích động từ những cá nhân khác tức là những cá nhân đó đã vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Tự do ngôn luận để trao đổi, học hỏi, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, thăng tiến hơn. Những khích động để tạo ra bất ổn trong xã hội là điều không thể chấp nhận. Cần phải phân tích rõ sự bất ổn trong xã hội là gì. Khi một bộ máy cầm quyền độc tài, đàn áp dân chúng, giết người giữa ban ngày tại đồn công an và người dân biểu tình đòi hỏi sự minh bạch, có trách nhiệm của bộ máy cầm quyền thì người dân hoàn toàn không hề tạo sự bất an cho xã hội, trái lại người dân đóng góp tiếng nói của mình vào việc xây dựng một xã hội, một bộ máy cầm quyền có trách nhiệm hơn.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Tự Do (P3)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/01/01/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-tu-do-p2/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...