Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng

 

Mở đầu bài viết này bằng tựa đề quyển sách của tác giả Nghiêm Xuân Hồng, được xuất bản vào năm 1957 và tái bản vào năm 1964, 1967, và 1985. Người viết chưa có dịp đọc quyển sách này nhưng cái tựa đề của bài viết cũng là một vấn đề cần thảo luận.

Hai chữ Tư Tưởng đã tạo ra biết bao nhiêu là chết chóc. Tư tưởng Mác với sự vận dụng của những con người sau Mác đã đưa đến biết bao nhiêu cái chết, không phải giữa dân tộc này với dân tộc khác, mà là chính trong đất nước áp dụng chủ nghĩa Mác. Từ Đông Âu đến Á Châu, những nước theo chủ nghĩa cộng sản mà tư tưởng Mác là chỉ đạo, đã giết hại biết bao nhiêu người dân trên đất nước của chính mình.

Tại Cam Bốt, sau khi lực lượng cộng sản Pol Pot thắng thì chỉ sau vài năm, 3 triệu người Cam Bốt bị chết dưới chính sách của cộng sản Pol Pot (1). 

Ở Việt Nam thì có chính sách Cải Cách Ruộng Đất do ông Hồ Chí Minh và đảng của ông áp dụng chính sách này từ đàn anh cộng sản (Liên Xô và Trung Quốc) để kết quả là 172,008 người đã bị chết (theo thống kê trong cuốn "Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000", do Viện Kinh Tế VN xuất bản) (2). Tuy nhiên, theo nhận định của học giả Hoàng Văn Chí cho rằng có khoảng 5% tổng số người dân miền Bắc lúc bấy giờ, tức là con số 675 ngàn người chết trong cải cách ruộng đất. Theo nhà văn Pháp, ông Michel Tauriac, cho rằng con số người chết trong cải cách ruộng đất là 500 ngàn người và ông Bùi Tín, cựu đảng viên đảng csvn, đã đồng ý với con số này (3).  

Đây chỉ là một sự kiện xảy ra tại miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh với miền Nam. Và sau khi thống nhất đất nước, chính cái chủ nghĩa cộng sản với tư tưởng Mác đã giết hại không biết bao nhiêu người Việt, do chính đảng csvn thực hiện. Hiện giờ đảng csvn đang lần lần giết chính dân tộc mình khi mà nền kinh tế bị Tàu điều khiển. Sự kiện Formosa, Boxit ảnh hưởng đến môi trường ra sao, đảng csvn mặc kệ -- để dân tộc tiếp tục ăn cá nhiễm độc, ăn thức ăn nhiễm độc mà thay vì dồn sức lực vào chuyện tạo môi trường sạch -- thì đảng csvn dồn sức lực vào đánh phá những thành phần của dân tộc đấu tranh cho một môi trường sạch, một chính quyền minh bạch.

Tư tưởng Duy Vật, Duy Tâm, Duy Sinh hay bất cứ tư tưởng nào đã từng áp dụng trên thế giới này tuy nhắm vào Con Người dựa vào tiến trình của lịch sử thời đó -- nhưng các tư tưởng này không nhìn vấn đề ở dạng tổng thể mà chỉ nhìn vấn đề ở một khía cạnh của nhỏ Con Người để kết quả là các tư tưởng đó không đáp ứng được nhu cầu của Con Người. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên có một tư tưởng hay không? Và cái tư tưởng đó dựa trên cơ sở nào để không vấp phải những khuyết điểm của các tư tưởng đã từng có trên thế giới?

Sự xuống cấp về mặt đạo đức của người Việt trong nước là mối quan tâm cho những ai muốn Việt Nam thoát Trung và thoát Cộng. Bỏ ra ngoài chuyện làm sao để thực hiện chuyện này, bởi chuyện này là chuyện của nhiều thành phần dân tộc đang sống trong nước sẽ phải tìm ra giải pháp để thực hiện chuyện thoát Trung và thoát Cộng. Chỉ những người trong nước mới có thể làm được chuyện này. Còn thành phần người Việt tại hải ngoại, ngoài chuyện giúp đỡ về mặt tinh thần, vận động quốc tế thì người Việt tại hải ngoại nên tìm cách để giúp người trong nước chuẩn bị xây dựng một nước Việt Nam tương lai. Dĩ nhiên, dù người Việt sống ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều mong muốn Việt Nam ở tương lai phải là một quốc gia Dân Chủ, xây dựng lại kinh tế, giáo dục, văn hóa trên căn bản Dân Chủ.

Vậy thì cái căn bản Dân Chủ đó là gì? Phải chăng đó là Dân Chủ của Mỹ, Đức, Pháp, Úc, hay Nhật áp dụng cho Việt Nam? Phải chăng những nền Dân Chủ trên thế giới thực sự Dân Chủ hay chỉ là một hình thức Dân Chủ “tự do đi bỏ phiếu cho người đại diện”, còn những quyết định đến sinh mệnh của mình, cuộc sống của mình do các chính trị gia quyết định mà người dân không có quyền lên tiếng như chính sách bảo hiểm sức khỏe mà phe Cộng Hòa tại Mỹ đưa ra?

Lịch sử của dân tộc Việt trong thế kỷ thứ 20 đã không nhìn vào chính tư tưởng của người Việt mà chỉ ngoại vọng với những tư tưởng từ bên ngoài. Vậy thì để xây dựng lại một nước Việt ở tương lai, chúng ta sẽ không tìm tư tưởng ở bên ngoài mà phải tìm cái tư tưởng của người Việt. Thế tư tưởng của người Việt là gì? Phải chăng đó là hình ảnh trên chiếc Trống Đồng? Phải chăng hình ảnh của thời hưng thịnh của Lê, Lý, Trần? Và phải chăng những tư tưởng đó thích hợp với thời đại của chúng ta?

Hình ảnh trên chiếc Trống Đồng nói lên sự bình đẳng giữa Nam-Nữ, sự hòa hợp giữa Con Người với Thiên Nhiên và cái vòng tròn của chiếc trống nói lên sự liên hợp giữa các thành phần; không ai trước, không ai sau; không ai cao, không ai thấp mà tất cả đều bình đẳng trong cái vòng tròn tự nhiên đó.  Cái gì đã làm Lê, Lý, Trần hưng thịnh? Phải chăng là sự lắng nghe tiếng nói của dân, khi dân có gì oan ức thì đến trước đình đánh trống, để các quan của triều đình ra nhận đơn và nhà vua sẽ xét xử như thời của Trần Thánh Tông?

Đi tìm một tư tưởng Việt xem ra khó chứ không phải dễ. Khó là khi chúng ta vẫn ôm ấp những tư tưởng bên ngoài, hoặc chúng ta cho rằng dân tộc ta chẳng có một tư tưởng nào thích hợp với thời đại hôm nay. Tất cả những thứ đó là một trở ngại rất lớn trong việc tìm một tư tưởng Việt phù hợp với người Việt Nam và phù hợp với trào lưu của thế giới. Ngoại vọng và tự ti chính là trở ngại lớn trong việc tìm một tư tưởng Việt.

Tư tưởng Việt mà chúng ta cần tìm phải có những tiêu chuẩn của Con Người, phục vụ Nhân Loại. Chúng ta đi tìm một tư tưởng Việt mà người sáng lập ra tư tưởng đó đã bỏ công sức để nghiên cứu về lịch sử Con Người, về các tư tưởng của thời đại và chỉ cho chúng ta xem những ưu và khuyết điểm của tư tưởng thời đại. Qua đó, chính người sáng lập ra tư tưởng đó đã phối hợp tất cả những cái hay của người và cũng là cái tự nhiên của Con Người -- để từ đó đưa ra một hướng đi mới, một tư tưởng mới để phục vụ Con Người dựa trên cái Duy Nhân Cương Thường của Con Người mà không cần biết bạn là dân trắng, đen, vàng, đỏ -- cái Cương Thường đó đều giống nhau bởi đó là cương thường của Con Người, của Nhân Loại.

Cái tư tưởng đó sẽ giải quyết vấn đề của xã hội dựa vào đáy từng của Con Người, tức là những người dân sống trong xã hội đó. Chính những người dân này, với Cơ Năng Hiến Pháp, với Cơ Năng Giáo Dục sẽ tạo cho những người dân này có tinh thần tự giác cao để tham gia vào chính trị, cùng với những người điều hành quốc gia quyết định vận mệnh của chính mình, của chính dân tộc mình -- chứ không thể giao phó cho người được bầu cử vào cơ chế điều hành, hoặc để cho các công ty vận động hành lang để đem lợi nhuận đến cho công ty mà không nghĩ đến sự thiệt hại của những người khác trong xã hội.

Cái tư tưởng đó dựa vào Duy Nhân Cương Thường để đưa ra một Cơ Năng Hiến Pháp áp dụng cho chính dân tộc Việt đồng thời có thể áp dụng cho các dân tộc khác, ở quốc gia khác. Cơ Năng Hiến Pháp dựa vào Duy Nhân Cương Thường để hình thành thì Hiến Pháp là để phục vụ Con Người, Nhân Loại chứ không phải để phục vụ một dân tộc, một quốc gia. Duy Nhân Cương Thường là những cái căn bản của Con Người, dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc giống dân nào, cũng đều trải nghiệm qua và đều đồng ý với nhau bởi đó là Cương Thường của Nhân Loại. Chỉ khi nào mọi người đồng ý trên cái Cương Thường của Nhân Loại  thì không thể nào có những biện luận là Nhân Quyền của Á Châu khác với Nhân Quyền của Âu Châu, Úc Châu, hay Mỹ Châu. Chỉ có cái Cương Thường của Nhân Loại thì mới có thể ngăn cản được chuyện cá lớn nuốt cá bé; chuyện các công ty đem chất độc từ sản xuất vào những quốc gia yếu kém, thiếu hiểu biết về môi sinh -- từ đó không có luật môi sinh rõ ràng, để cả dân tộc quốc gia đó chịu ảnh hưởng của thiệt hại môi sinh trong khi công ty thì hưởng quyền lợi kinh tế trong sản xuất (Formosa, Boxit tại VN là thí dụ điển hình).

Vậy thì tư tưởng đó là gì? Phải chăng chúng ta có một tư tưởng Việt như thế? Xin thưa đó là tư tưởng Duy Dân của cụ Lý Đông A, một tư tưởng hợp với Con Người nhưng đã bị bỏ quên hoặc không ai tìm hiểu để diễn đạt và đem tư tưởng này vào thực tế.  Trang mạng Ngàn Lau sẽ tiếp tục đem từng phần của tư tưởng Duy Dân giới thiệu đến các bạn đọc và phân tích tại sao tư tưởng Duy Dân phù hợp với Con Người hơn tất cả những tư tưởng khác đã từng có trên thế giới.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5, 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2017/06/15/di-tim-mot-can-ban-tu-tuong/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...