Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P5)

 

III. Phương pháp học lý

“Giáo dục triết học lấy sinh mệnh triết học làm cơ sở. Chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh. Giáo dưỡng là khởi điểm và chung điểm của chính trị. Xã hội là nhân tính tổ chức, chính trị là kinh lý nhân tính, nhân sinh là bồi dưỡng và phát huy nhân tính”.

Đoạn văn trên hầu như gom góp những tinh hoa của tư tưởng Lý Đông A. Chúng ta sẽ thấy chúng rải rác xuất hiện trong các tài liệu khác nhiều lần. Vậy muốn hiểu Lý Đông A phải đi từ triết học về giáo dục, là triết học về cuộc sống con người chứ không phải bàn về thần thánh, tôn giáo. Nói về chính trị thì đó là thiết kế (kiến thiết = xây dựng, kiến trúc và kế hoạch) để thực hiện cuộc sống của con người, xã hội. Vậy thì nếu ai nói về "chính trị" mà không có kế hoạch liên quan đến đời sống con người, xã hội thì đó là chính trị gia "xôi thịt"? Mà xã hội là nơi tổ chức các nhân tính. Chính trị kinh lý nhân tính (điều hành đời sống kinh tế qua luật lệ) với dân sinh phải được bồi dưỡng (giáo dục) để phát huy nhân tính (không phải thú tính). Vậy thì bồi dưỡng dân sinh như thế nào?

Từ con người, mỗi cá nhân tu dưỡng nhân tính, nhân cách, nhân bản từ lúc nhỏ (cha mẹ, nhà trường giúp đỡ) cho đến tuổi thanh niên thì tự mình bước vào xã hội, nơi mà nhân tính được tổ chức, và điều hành là chính trị. Vậy thì cá nhân không thể chối bỏ xã hội và quay lưng với chính trị (thí dụ: tôi không làm chính trị? Bạn không phải là chính trị gia nhưng bạn có đời sống chính trị: những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn đó là chính trị). Bồi dưỡng dân sinh chính là bồi dưỡng giáo dục. Có giáo dục, con người mới biết xử sự như thế nào trong mỗi trường hợp cá biệt trên nền tảng nhân bản, nhân tính của người có nhân phẩm, nhân cách (do đó xã hội Duy Dân không thể có những người như Trump, Putin hay Xi Jinping làm lãnh đạo). Lý Đông A đã nhìn thấy chúng ta (loài người) không thể xây dựng Nhân Chủ, Dân Chủ nếu không đào tạo được con người có nhân cách, nhân bản.... Do đó khi Lý Đông A muốn xây dựng xã hội Duy Dân thì phải có con người Duy Dân được giáo dưỡng trên căn bản Sinh Mệnh Tâm Lý.

1. Thiên tài giáo dục

Gồm các cơ sở và nguyên lý:

a. Trung tâm giáo dục để đào tạo chí khí, sự nhiệt thành của những người có phẩm chất sẵn có (để trả lời cho câu hỏi "chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?"). Vĩ nhân là người có thiên tài, tự phát.

b. Tự tạo một động cơ căn bản cao thượng là xuất phát điểm cho các Duyên khởi thức: thiết lập các tổ chức vô vụ lợi để phục vụ xã hội, công ích như trung tâm giáo dục, từ thiện… để quy tụ những người có tâm huyết.

c. Tự giáo dục bản thân, chống lại những cám dỗ từ bên ngoài, đi tìm một lý tưởng để tự mình tu dưỡng; tự ôn cố lịch sử để tri tân (biết sẽ phải làm gì để kiến thiết xã hội tương lai).

d. Tu dưỡng cần có sự suy nghĩ sâu xa để kích động các tiềm năng, năng lực của tâm trí vượt qua những xung đột, cám dỗ, bế tắc...để có thể phát minh ra đường lối mới. Luyện kiên nhẫn và tầm nhìn xa, sâu, rộng để diệt mọi mầm mống rối loạn không cần thiết (nghĩ mình là thiên tài thì nghĩ gì, làm gì cũng đúng) 

2. Nhân tài giáo dục

Theo Lý Đông A thì con người có khả năng rèn luyện qua giáo dục, căn bản và nghệ thuật tu dưỡng để có thể đóng góp cho xã hội. Để thống nhất và kiện toàn các tâm lý cơ cấu cho nên cần có Trung Tâm Tu Dưỡng (xem trung tâm Bản Vị) theo Tính-Tâm-Thân-Mệnh để có thể đạt được tri hành viên mãn, nhập lý xuất sự mà vẫn giữ được độc lập tính và lý tưởng tính. Thí dụ: người lính được huấn luyện giống nhau, nhưng khi ra trận vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ được tinh thần độc lập.

Một khi thu thập được kinh nghiệm mới thì cá nhân có thể truyền bá cho người khác để mở rộng khả năng cho mọi người.

3. Hoán cốt giáo dục

Phương thức giáo dục này không biết Lý Đông A thu thập từ đâu: Viên giáo, Tiềm giáo, Đốn giáo, Bổ thường pháp, Giải thoát pháp… chỉ nghe nói qua sách vở về các phép tu của nhà Phật chứ thực tế thì chưa thấy ai có thể thực hiện được. Mà nếu có người thực hiện thì cũng chẳng nói ra vì đó là duyên nghiệp của mỗi cá nhân. Vậy thì nếu muốn thực hiện Hoán cốt giáo dục thì sao?

Những phương pháp tu luyện như vậy không thể là chỉ đọc từ sách vở ra là có thể thực hiện được mà phải có người hướng dẫn, thường là những người đã thực hiện và thành đạt. Tìm đâu ra?

4. Thiền định giáo dục

Cũng như trên, Lý Đông A có thể đã đọc những tài liệu về Phật học để biết về quán tưởng, nhập định... mà các phái Yoga, Phật giáo Tây Tạng (Sakya, Nyingma, Gelug, Kagyu) thực hành. Như đã nhắc về ý định của Lý Đông A nếu tu dưỡng như vậy thì có thể mất cả một đời chưa chắc đã thành công. Mà nếu đã thành thì Tâm và Tính đã đổi (nếu còn vướng mắc trần tục thì sẽ khó thành công, mà nếu thành công tức là đã dứt tục lụy) vậy thì ai sẽ thực hiện cuộc cách mạng xã hội?

[Ở đây xin mở ngoặc nói về giáo dục. Lý Đông A muốn nói tới giáo dục là Tự học, tu dưỡng vì chính bản thân Lý Đông A cũng đi qua chứ không do trường hay thầy chỉ dạy (có hai trường hợp khác là Đức phật và Krishnamurti). Mà tự tu dưỡng thì đòi hỏi thời gian dài và cơ duyên không phải chỉ là thuần ý chí (vì đã nhiều người thuần ý chí tu học và hoá điên) nếu không có căn cơ từ nhỏ thì khó mà thành công. Tuy vậy ngày nay các nhà hoạt động chính trị đều không có tu dưỡng vì làm chính trị quá sớm để khi biết tu dưỡng thì quá trễ. Cái học thuật của Tây phương thì thiếu tu dưỡng. Học thuật Đông phương thì giả nhiều hơn thật mà chính trị ngày nay thì đức tính kiên nhẫn rất hiếm có.]

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P6)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/15/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p5/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...