Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Đại Cương Về Duy Dân: Một Góc Nhìn

 

Duy Dân là gì? Duy Dân là những nguyên lý sinh hoạt hằng ngày trong đời sống của con người.  Đó là những nguyên lý tương tác giữa cá nhân với tập thể, với thiên nhiên. Xã hội có ổn định, có tiến hóa hay bị hủy diệt đều dựa vào những nguyên lý đó.

Những nguyên lý đó được áp dụng ở mọi sinh hoạt của con người trong xã hội. Từ người thường dân đến những người nằm trong vị thế lãnh đạo quốc gia, đến những tổ chức xã hội dân sự đều có thể thực hiện nguyên lý đó theo từng cấp độ, từng lãnh vực chuyên môn của chính mình.

Bởi đó là nguyên lý của con người tức là nó là nguyên lý của loài người cho nên sẽ không có sự khác biệt về chủng tộc, nòi giống, hay biên giới quốc gia. Nói đơn giản là con người đều có nhu cầu ăn, ở, mặc, hạnh phúc, tiến hóa thì dù là người Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Nhật, Tàu, Việt hoặc những thổ dân sống tại vùng Ấn Độ đều có những nhu cầu đó mà không phân biệt địa lý, lãnh thổ, quốc gia, khí hậu.

Những nguyên lý căn bản của Duy Dân được áp dụng ở tầng thấp nhất gọi là đáy tầng với những thực tế đời sống của người dân, do người dân quyết định và nắm giữ. Những nguyên lý căn bản của Duy Dân ở trung tầng, thượng tầng nhằm mục đích điều hòa toàn bộ xã hội để cùng nhau tiến hóa trên căn bản nguyên lý của sinh hoạt loài người qua cái nhìn tổng thể chứ không thể qua cái nhìn cục diện địa phương. Khi mà đáy tầng có cái nhìn cục diện địa phương, ảnh hưởng đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến địa phương khác thì những ai thấu hiểu nguyên lý ở trung tầng và thượng tầng phải có trách nhiệm dẫn dắt, hướng dẫn đáy tầng  để cùng nhau nhận diện vấn đề trên phương diện tổng thể.

Vậy thì Duy Dân là một hệ thống vừa triết học, vừa thực tế và mọi người sống trong xã hội phải hiểu rõ những nguyên lý cơ bản của Duy Dân để cùng nhau tham dự vào tiến trình điều hành cuộc sống của chính mình và cả xã hội cùng nhau tiến hóa.

Nhưng để thực hiện được Duy Dân, mỗi người dân phải giác ngộ ở chính mình để biết rõ khả năng của mình hầu đóng góp vào trong xã hội cho đúng vị trí của khả năng mình. Những người lãnh đạo nhìn được khả năng của mỗi người để giúp cá nhân đó làm đúng công việc, đúng khả năng trong một xã hội tân tiến của thế kỷ 21 này. Đã hết rồi cái thời anh thiến heo giữ chức vụ Tổng Bí Thư, anh y tá giữ chức vụ Thủ Tướng.

Tự giác ngộ không phải là chuyện dễ làm. Cụ Lý nhìn được vấn đề trên cho nên cụ cho rằng giáo dục và giáo dưỡng là công việc quan trọng trong việc chuyển tãi nguyên lý Duy Dân vào thực tế đời sống của bản thân mỗi người. Và cho dù mỗi con người sống trong xã hội nắm rõ nguyên lý của Duy Dân, con người có thể thay đổi cho nên để tránh sự đi sai lầm, một Cơ Năng Hiến Pháp được đưa ra để những người có phận sự trong việc điều hành quốc gia không đi sai lầm, không trở thành một nhà cầm quyền độc tài mang nhãn hiệu Duy Dân. Khác với Hiến Pháp của các quốc gia trên thế giới hiện giờ, cụ Lý nhìn Hiến Pháp là một cơ năng mà cái cơ năng đó cần phải điều chỉnh mỗi 10 năm và đại điều chỉnh mỗi 30 năm để phù hợp với đời sống thực tế của xã hội trong khoảng thời gian 30 năm đó. Điều này cũng giống như một chiếc xe, chúng ta phải tu bổ mỗi năm để cho chiếc xe chạy tốt hơn, bền hơn, lâu hơn.

Để tránh cơ năng hiến pháp được hình thành trên cơ sở địa phương tính, cụ Lý cho rằng một cơ năng hiến pháp phải đáp ứng được cho toàn thế giới. Mà để làm được chuyện này, cơ năng hiến pháp phải đặt trên cơ sở Duy Nhân Cương Thường, tức là những cương thường của loài người mà không cần biết cá nhân đó sinh ra nơi nào trên trái đất này, cá nhân đó đều có những nhu cầu, cơ hội, quyền lợi, nghĩa vụ đối với đời sống của con người trên thế gian này.

Bài viết này đưa ra cái nhìn về Duy Dân qua nhận thức của kinh nghiệm bản thân để hiểu Duy Dân theo góc nhìn của cá nhân. Một cá nhân khác sẽ nhìn Duy Dân ở một góc nhìn khác nhưng cái nguyên lý căn bản của Duy Dân vẫn hiện hữu cho dù nhìn ở một góc nhìn khác -- bởi do quá trình nhận thức về Con Người khác nhau, tâm thức của mỗi người khác nhau. Điều này cũng giống như một chiêu thức võ. Cũng chiêu thức đó nhưng những người có căn bản, có nội lực cao thì chiêu thức đó trở nên biến quá khôn lường mà đối thủ không biết được. Trong khi đó một người bình thường chỉ múa chiêu thức võ đó theo cái nguyên lý đã học hỏi mà không triển khai ra ngoài cái nguyên lý để có thể biến hóa chiêu thức trở thành vô hạn, không thể đoán được.

Duy Dân là một thuyết mở chứ không phải là đóng. Mở để có thể áp dụng vào mọi hoàn cảnh, mọi dân tộc cho phù hợp với vị trí địa lý, văn hóa của dân tộc đó. Tuy nhiên dù là một thuyết mở, những nguyên lý của Duy Dân luôn luôn là đồng nhất ở khắp mọi nơi bởi đó chính là nguyên lý sống của loài người. Điều này cũng giống như hệ thống Linux của máy vi tính là một hệ thống mở (open source) mà ai cũng có thể sử dụng không cần bản quyền. Khi ai đó sử dụng hệ thống này có toàn quyền sửa hệ thống này cho phù hợp với hoàn cảnh của cá nhân sử dụng đó. Tuy khác nhau nhưng phần mềm đó đều dựa vào hệ thống Linux chứ không thể đi ra ngoài cái Linux đó. Từ cái căn bản đó mà Linux được sử dụng với nhiều dạng khác nhau như Ubuntu Linux, Linux Mint, Arch Linux, Fedora Linux, Elementary OS v.v…

Những nguyên lý sinh hoạt trong đời sống của Con Người dưới góc nhìn của Duy Dân sẽ được trình bài trong bài viết tháng tới.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/07/15/dai-cuong-ve-duy-dan-mot-goc-nhin/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...