Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P1)

 

Tại sao Lý Đông A viết Sinh Mệnh Tâm Lý?

Lý Đông A sinh ra trong thời kỳ chủ nghĩa Duy Vật đang bành trướng khắp nơi từ Âu (Nga) qua Á (Trung Hoa) và tràn vào Việt Nam. Nhìn thấy bộ mặt thật của người Cộng Sản cùng với hiểm họa Hán hóa, Lý Đông A tất nhiên phải đi tìm một lối thoát cho dân tộc Việt. Dã tâm của cộng sản là khởi đi từ gian dối, hiểm độc và đê tiện. Từ sự thành công của cộng sản tại Nga đã phát triển về mặt nghiên cứu tâm lý con người để khuất phục quần chúng và từ đó cai trị xã hội dưới bàn tay sắt (thí nghiệm của Pavlov là một ví dụ điển hình). Khi phát triển tại Trung Hoa đã được bổ túc thêm qua giấc mộng bành trướng, xâm chiếm chư hầu làm bá chủ thế giới của các vua Trung Hoa để lại từ thời Tần Thủy Hoàng. Muốn chống lại hiểm họa đó, Lý Đông A nhìn thấy chỉ có cách giáo dục con người. Muốn giáo dục thành công thì phải hiểu tâm lý của đối tượng. Muốn hiểu tâm lý đối tượng thì trước nhất phải hiểu mình (tự kỷ) và biết mình đi về đâu (đạo kỷ). Và đây cũng là bản thể đầu tiên trong 5 bản thể mà Lý Đông A đã đưa ra: "Đạo kỷ là Tự kỷ nguyên nhân, vô sai biệt phạm trù".

Khi viết Sinh Mệnh Tâm Lý, Lý Đông A đã chú trọng đến căn bản của con người. Con người có Tâm và Thân. Thân xác con người giống nhau nhưng Tâm thì hoàn toàn khác biệt. Từ khi sinh ra, các đứa trẻ có sinh hoạt giống nhau vì chúng chưa phát triển cá tính. Nhưng khi lớn lên chúng hấp thụ những gì xảy ra xung quanh: gia đình, xã hội, học đường. Từ đó chúng tự tạo lấy một cá tính riêng biệt: có thể chịu ảnh hưởng của gia đình, tôn giáo, bạn bè, nghề nghiệp hay bắt chước một hình ảnh của một nhân vật kiểu mẫu (thần tượng) nào đó mà chúng ưa chuộng. Một phần nhỏ cá tính của đứa trẻ có từ bố mẹ do hệ thống DNA; tuy nhiên, cá tính ảnh hưởng này rất nhỏ so với cá tính tự hình thành từ đứa trẻ do ảnh hưởng bên ngoài và nhận thức bên trong để hình thành lên cá tính đặc biệt của bản thân.

Có những đứa trẻ lớn lên trong cùng hoàn cảnh xã hội, nếu gia đình có giáo dục thì không nói làm gì vì đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng của giáo dục gia đình. Nhưng nếu không có sự giáo dục từ gia đình thì sao? Chẳng lẽ đứa trẻ sẽ trở thành hư hỏng vì giáo dục của nhà trường không đủ để hướng dẫn đứa trẻ trở thành công dân tốt. Cho dù hoàn cảnh bản thân và xã hội ra sao, nếu đứa trẻ có khả năng quan sát để tự giáo dục và làm chủ bản thân thì cuộc sống (sinh mệnh) của chính bản thân sẽ thay đổi.

Do đó Lý Đông A đã lấy giáo dục làm trọng điểm của cuộc cách mạng về con người, vì đứa trẻ lớn lên trong một xã hội đã có sẵn, chúng bị ảnh hưởng ngay từ nhỏ trước khi có đủ trí khôn để lựa lọc, phân biệt tốt xấu; chưa nói là cha mẹ, gia đình, học đường, xã hội đã khuôn ép chúng vào một hướng đã định mà họ cho là tốt đẹp cho đứa trẻ. Nhưng có thực như vậy không? Nếu quả thực như vậy thì có lẽ chúng ta, hôm nay, không phải đi tìm một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và hướng thượng. Vì sao có thể nói như vậy? Vì chúng ta đã thấy thế giới và nhân loại đang bế tắc trước những khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế, môi sinh....

Vậy chúng ta hãy xem Lý Đông A đã nói gì trong Sinh Mệnh Tâm Lý.

Như đã đề cập đến trong Sinh Mệnh Tâm Lý chúng tôi đã tự hỏi mệnh đề "Sinh Mệnh Tâm Lý" mà Lý Đông A đưa ra có ý (1) Sinh mệnh (cuộc sống) và Tâm lý; hay là (2) Sinh Mệnh Tâm Lý gồm Sinh lý, Mệnh lý và Tâm lý? Lý do là nếu Lý Đông A biết về Dịch Lý nên mới lấy hiệu là Thái Dịch. "Thái" là đầy đủ như trong Dịch (Thái Dương, Thiếu Dương...) mà Dịch (yếu tố 1*) như cổ nhân đã nói là để "thông chí thiên hạ và để định nghiệp thiên hạ". Như vậy nếu Lý Đông A đã nói đến Sinh lý (lẽ sống) và Tâm lý (ý muốn) thì Mệnh lý  (số mệnh) phải có vai trò của nó như chúng ta sẽ thấy trong một số tài liệu Duy Dân mà Lý Đông A có nhắc đến. Cũng như phần Tu Dưỡng, Lý Đông A đã đưa ra Đạo kỷ, Tự kỷ là phần bản thân nhưng muốn biết mệnh lý để truy tìm Sinh lý và Tâm lý thì phải biết Tử Vi (yếu tố 2*). Vì Tử Vi là môn học để tìm hiểu bản mệnh (số mệnh), và chúng ta sẽ thấy rải rác trong các tài liệu Duy Dân có nhắc tới Mệnh và Thời (hay Hạn trong Tử Vi).

Bạn có thể không hiểu Tử Vi nhưng bạn tin là con người sinh ra đều có sự sắp đặt bởi nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại. Sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn đôi khi không phải là cái bạn muốn mà là do yếu tố nội tại và ngoại tại đưa bạn đến nghề nghiệp hiện tại. Có thể bạn không tin điều đó nhưng nếu nhìn lại thì bạn sẽ chiêm nghiệm là cái nghề nghiệp hoặc tánh tình hiện có đều phát xuất từ nội tại phối hợp với ngoại tại để tạo ra chính bạn hôm nay. Đó chính là một quá trình nếu nhìn theo khoa học Đông Phương thì có thể gọi là Tử Vi, một Sinh Mệnh Hệ Thống được hình thành từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, lúc về già. Cái Sinh Mệnh Hệ Thống đó tốt hay xấu là ở ngay chính tâm thức của bạn nhìn vấn đề con người, xã hội ở mức độ nào trên góc nhìn của Duy Nhân Cương Thường.

Để hiểu tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A, bạn cần phải hiểu ở Tâm Sinh Lý của chính mình, nhìn qua quá khứ để chiêm nghiệm những điều Lý Đông A nói trong từng tài liệu. Chỉ khi nào bạn thấy được chính mình, những tính xấu, những tính tốt bằng cái nhìn thành thật ở chính mình để hiểu rõ tâm lý của chính mình thì lúc đó bạn sẽ thấy mức tu dưỡng của bản thân ở đâu; và qua mức tu dưỡng đó bạn có thể diễn đạt Duy Dân qua kinh nghiệm của bản thân cũng như vào thực tế cuộc sống của mỗi người. Đây chính là điều đầu tiên (xác định rõ mức tu dưỡng của bản thân) một người muốn tìm hiểu Duy Dân phải thực hiện chứ không phải ôm những triết lý Duy Dân mà chính bản thân mình không hiểu được Tâm Sinh Lý của chính mình.

Tâm Sinh Lý của chính bạn tạo cho bạn sống biết, sống thật, sống đúng. Hoặc cũng Tâm Sinh Lý đó tạo cho bạn giả sống biết, giả sống thật, giả sống đúng mà bạn không hề biết đó là giả. 

Vậy Mệnh lý mà Lý Đông A nói đến có quan trọng không? Vì nói đến Tử Vi thì có người phản bác cho là mê tín? Vậy khi Lý Đông A nói đến "chính kỳ sở mệnh", khi nào là "chính kỳ" để biết "sở mệnh"? Làm sao biết "chính kỳ", "sở mệnh" nếu không dựa vào khoa Tử Vi? Cũng như khi Lý Đông A nói đến "Tính, Tâm, Thân, Mệnh". Tính (hay Tướng) và Tâm đã được nhà Phật giải thích. Còn "Thân" và "Mệnh" thì trong Tử Vi có trình bày. Nếu có bạn không đồng ý thì có thể đề nghị cách giải thích khác chăng?

Một thắc mắc khác là Phật học (yếu tố 3*), Lý Đông A đã dùng các từ ngữ Phật học trong các tài liệu Duy Dân. Lý Đông A hiểu lý thuyết nhà Phật thì không lấy làm lạ. Nhưng nếu Lý Đông A chỉ mượn một vài lý tắc của nhà Phật để gợi hứng cho người sau thêm vào quá lố tới mức độ khi hậu sinh đọc và tự hỏi Lý Đông A muốn cán bộ Duy Dân phải đi tu trước khi làm cách mạng hay sao?  Mặt khác Lý Đông A không nói ra nhưng phải hiểu ngầm là có kiến thức về Dịch Lý, Tử Vi và Phật học sẽ giúp hiểu Duy Dân nhiều hơn những gì Lý Đông A đưa ra. Và để có kiến thức như vậy thì muốn nghiên cứu tư tưởng Lý Đông A (Duy Dân) phải có một căn bản vững chắc về đạo học Đông Phương. Chính vì thế không phải ai cũng có thể đọc và hiểu (chưa nói đến thực hiện vì Lý Đông A đã bỏ trống).

Chúng ta sẽ điểm qua 3 yếu tố (Dịch lý, Tử vi, Phật học) này khi bàn tới các tài liệu Duy Dân.

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P2)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/01/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p1/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...