Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P4)

 

6. Sinh Mệnh Cơ Cấu

Là những thành phần của sinh mệnh hệ thống đóng góp vào sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Những bộ phận này chịu ảnh hưởng của Tâm lý (ý muốn) do Sinh mệnh chủ thể (bản thể) điều động.

a. Mỗi cơ phận (tay, chân, trí óc, ruột gan...) sẽ trải qua các thời kỳ phát triển của nó theo tiến trình sinh hoạt trong đời sống mà tâm lý sẽ hướng tới. Nhưng chủ thể của nó có để ý đến sự thay đổi của từng cơ cấu đó không (hay cho đó là tự nhiên) khi Ý và Chí không xuất hiện và tham dự tiến trình sinh hoạt trong đời sống để mặc cho Tính phát triển theo ham muốn.

b. Phần này gần như nói về ngũ uẩn, và bảy thức của nhà Phật nói về Tâm con người. Những ai có kiến thức về Phật học thì sẽ không thắc mắc (Tàng thức, A lại da thức, Mạt na thức, Duyên khởi,  Tâm vương, Tâm sở). Nếu tự hỏi tại sao Lý Đông A đem các "thức" trong Phật giáo để lý giải Sinh mệnh cơ cấu thì Đức Thích ca đã nhìn xuyên suốt về Tâm lý loài người để đạt đến giải thoát  nên muốn hiểu thấu về tâm lý con người thì phải hiểu tiến trình tâm lý mà nhà Phật đã đưa ra.  Một đàng là hiểu tâm lý con người để đi tìm giải thoát (Phật). Một đàng là tìm tâm lý con người để giải quyết vấn đề của xã hội (Lý Đông A). Ai muốn bàn cãi về Phật giáo có là tôn giáo hay không thì xin để dịp khác. Ở đây muốn nhấn mạnh về Tâm lý học vì tầm quan trọng của nó đối với con người và xã hội.

c. Lý Đông A nói về 3 động cơ căn bản của Tâm lý và Sinh mệnh bao gồm: Xung động, xung đột và giam bó về thiên tính kể trên (phồn chủng, ý thức kinh tế, xã hội). Cả 3 động, tác dụng lẫn nhau trong mỗi con người để phát huy hay đè nén trong tâm hồn tạo nên sự cá biệt (quyền uy) của cá nhân và của xã hội (thí dụ: cá nhân yếu đuối, hèn nhát về tinh thần, nếu nhiều người như vậy thì xã hội sẽ yếu đuối và ngược lại).

d. Tâm lý cơ cấu gồm trong tự mình các căn bản tác dụng do động cơ diễn tiến ra.

Lý Đông A không nói những cơ cấu này là gì nhưng chúng ta có thể hiểu đó là các hoạt động của giác quan (ngũ uẩn như trong phần b đề cập) và ý thức điều động các cơ quan đó. Vậy có thể nói các cơ cấu đó có chức năng sinh hoạt như: ăn, uống, ngủ, nghỉ... với vui, buồn, hờn giận, ganh ghét....

-Ngưng kết tác dụng: Các loại xung động điều hòa (ăn khớp) hay hỗn hợp (không ăn khớp).

-Hòa hiệp tác dụng: Phối hợp nhẹ có sự chấp nhận của cả hai phía.

-Đa phương biểu xuất: Tác động lẫn nhau nhưng chưa hoàn tất để có kết quả cuối cùng.

-Tượng trưng tác dụng: Tác động không nhìn thấy (qua vật chất) vì là phần tinh thần nên phải dùng biểu tượng (symbols) để diễn tả.

-Chuyển dời tác dụng: Tác động dây chuyền.

-Thay đổi tác dụng: Phải chăng Lý Đông A muốn nói đến những tác dụng của văn hóa và lịch sử. Vậy đó là gì? Phải chăng đó là "khoa học huyền bí" của Đông Phương: Dịch lý, Tử vi, Nhân Tướng học.... Chỉ có ai biết những môn học này mới hiểu "thay đổi tác dụng" là gì.

-Thăng hoa tác dụng: Khi những hoạt động của con người đem lại kết quả là muốn cải tiến tốt hơn, đẹp hơn.

[*Chúng tôi không đồng ý với lối giải thích trong bản gốc. Theo như Tâm Lý học thì trí óc con người qua các giác quan ghi nhận các diễn biến bên ngoài mà có phản ứng. Tùy theo quá trình sinh hoạt (thời gian: nhỏ đến lớn) và hoàn cảnh xung quanh (không gian: gia đình, giàu nghèo, thành phố hay thôn quê, địa lý…) con người sẽ phát sinh các tâm lý như Lý Đông A diễn tả như trên].

e. Các hành vi căn bản là Tính, Tâm, Thân, Mệnh.

Không thấy giải thích tại sao hành vi căn bản của căn nguyên Sinh mệnh là Tính, Tâm, Thân, Mệnh? Có thể nói căn bản cuộc sống của con người dựa trên Tính, Tâm, Thân, Mệnh. Mệnh hay định mệnh (nghiệp) là phần con người không thay đổi được.

Phải chăng Lý Đông A đã nhắc khéo đến quan niệm về Mệnh, Thân trong khoa Tử Vi Đông Phương. Tại sao có người được Thân/Mệnh đồng cung (cuộc đời trước sau như một) và có người Mệnh (từ nhỏ đến lúc trưởng thành) khác Thân (an cung Tài, Quan, Thê, Phúc.. từ lúc trưởng thành cho đến già)?

Tại sao Tính từ Tâm mà có thì chỉ có Tâm (tinh thần) và Thân (vật chất) là đáng kể. Còn Mệnh? Phải chăng Lý Đông A muốn nói đến định mệnh mà tạo hóa áp đặt cho mỗi người. Nhưng Lý Đông A không muốn dây dưa vào tôn giáo (xem Huyết Hoa: Tâm lý thần linh học) nên mượn lý thuyết nhà Phật để lý giải. Bạn có ý kiến nào khác chăng?

Thân là cái mà ta có khi sinh ra (tàn tật hay lành lặn) chỉ có vậy. Tâm là phần bên trong, nếu có suy nghĩ học tập, tu dưỡng thì sẽ tốt đẹp vì kiềm chế được Tính. Tính là bản chất của tâm hồn khi tự phát. Tính có tốt, xấu. Tâm và Tính luôn luôn xung đột để dẫn dắt các hành động thường ngày. Nếu Tâm không kiềm chế Tính xấu, phát huy Tính tốt hay ngược lại thì các tác dụng của phần (d) sẽ xuất hiện.

Sinh mệnh chủ thể sẽ được đánh giá tùy theo các hành vi phối hợp của Tính, Tâm, Thân, Mệnh.

[Ở đây xin đi ra ngoài đề về "Tính-Tâm" theo nhà Phật thì Tánh và Tướng thì tính tình và tướng pháp biểu lộ cá tính của cá nhân. Nếu ai có nghiên cứu về tướng pháp thì có thể hiểu rõ hơn tuy rằng sẽ có người cho là mê tín. Cũng như Thân-Mệnh là 2 yếu tố chính khi xem tử vi của một cá nhân chịu ảnh hưởng của các chính tinh, phụ tinh, bàng tinh qua các đại tiểu hạn. Dĩ nhiên có nhiều dư luận tranh cãi về sự chính xác của khoa tử vi và lẽ "đức năng thắng số". Tuy nhiên giá trị của tử vi chỉ kết thúc khi qua 60 năm và mỗi người tự xét đời mình đã trải qua so sánh với những gì lá số tử vi ám chỉ thì sẽ rõ. Tiếc thay khi biết thì thời đã qua.]

f. Sự kết cấu Tâm lý là do các động cơ và tác dụng kể trên vào 2 phần: Ái kỷ (cho mình) và Ái tha (cho người). Ở đây chúng ta có thể thấy sự áp dụng của Cơ Năng & Bản Vị: hướng tâm (cho mình) và ly tâm (cho người). Cũng như căn nguyên Âm-Dương hỗ tương thống nhất (nguyên lý 3) trong đó Thái Dương có Thiếu Âm và Thái Âm có Thiếu Dương. Nếu sự cân bằng Âm-Dương theo Đông Y giúp cơ thể khỏe mạnh thì sự cân bằng Âm-Dương về mặt tinh thần, Tâm lý sẽ là gì? Phải chăng là sự cân bằng giữa cá nhân (tư bản chủ nghĩa, tự do cá nhân chủ nghĩa) và xã hội (chủ nghĩa cộng sản hay độc tài).

Khi cá nhân (nam hay nữ) đi tìm đối tượng để phồn chủng thì đó là nơi xã hội cung cấp. Và xã hội cũng là nơi các cá nhân tập họp lại để thực hiện ý thức kinh tế và chuyển dời tác dụng với Chí, Tính, Ý. Ý có thể thay đổi được tùy theo Chí hay Tính. Tính dựa vào tình cảm hơn là lý trí, người có nhiều tình cảm, cảm tính thì ít (hay thiếu) nguyên tắc, kỷ luật trong hành động. Chí dựa trên kỷ luật, nguyên tắc vì phải vượt lên trên tình cảm để hoàn thành mục tiêu.

7. Để cố gắng thành tựu sinh mệnh chủ thể, sinh mệnh hệ thống và sinh mệnh cơ cấu của một cá thể được biểu hiện qua sự thành hình các cơ năng Sinh mệnh xã hội mà Lý Đông A gọi là Tầng:

a. Đức tầng: Lý tưởng tầng, nhân cách tầng, sinh mệnh tầng.

Thế nào là người có "Đức"? Theo Đạo (Lão tử) tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức, và tạo nên ảnh hưởng trong cuộc sống. Người sống có lý tưởng là có suy nghĩ về người khác, xã hội. Muốn thực hiện được lý tưởng đó thì cá nhân đó phải rèn luyện nhân cách để có thể thuyết phục được người khác và phải biết cách sống cho mình cũng như người khác. Nhân cách tầng là người có tư cách, sống trong trật tự mà chính mình chọn lựa. Sinh mệnh tầng là những người sống theo kiểu số Trời đã định, Trời sinh voi, Trời sinh cỏ; chấp nhận thiệt thòi nhưng không làm điều ác.

Con người sống trong xã hội có ba đức tầng: lý tưởng, nhân cách, và sinh mệnh. Lý tưởng ở đây phải hiểu là lý tưởng vì Con Người và Xã Hội chứ không phải lý tưởng làm giàu cho chính bản thân mà quên đi xã hội và con người. Từ cái lý tưởng đó sẽ tạo ra nhân cách của con người để xử thế trong cuộc sống. Và trong lúc xử thế trong cuộc sống để tận lực (cố gắng hết mình để thực hiện lý tưởng của mình) nhưng đồng thời cũng biết tri thiên mệnh (sinh mệnh) chấp nhận kết quả cho dù cái kết quả đó không như ý mình muốn nhưng sẵn sàng sống với cái kết quả thực đó -- bởi khả năng của mình chỉ đến đó thì không thể nào muốn kết quả hơn khả năng hiện có. Người có lý tưởng nhưng chưa chắc là có nhân cách. Thí dụ những người đấu tranh cho dân chủ ở VN, họ có lý tưởng đó nhưng họ lại đi tung tin tức giả (thiếu nhân cách) để ủng hộ ông Trump chỉ bởi vì họ tôn sùng lãnh tụ. Mà khi không có nhân cách thì khó mà cá nhân đó chấp nhận thực tế (sinh mệnh) đang xảy ra (Trump thực sự thua cuộc bầu cử 2020).

Nhân cách và sinh mệnh là hai vế đi cùng với nhau. Đây là hai vế chính để đánh giá cá nhân có đức tầng hay không. Khi bạn có nhân cách thì thông thường bạn sẽ chấp nhận với sinh mệnh của chính mình. Bạn hiểu rằng “tận lực nhưng phải biết tri thiên mệnh” và không gian dối để đạt cái mình muốn. Bạn có thể không có lý tưởng nhưng cái nhân cách và sinh mệnh để bạn hành xử theo đúng Duy Nhân Cương Thường thì bạn có Đức tầng trong cuộc sống xã hội dù rằng đức tầng này ở thấp chứ không cao bởi muốn cao hơn bạn phải có ba đức tầng đã nói bên trên.

b. Nghiệp tầng: Sáng ý nghiệp, quyết đoán nghiệp, thực hành nghiệp.

Nghiệp là sự việc mà bản thân theo đuổi suốt đời. Có người có sáng kiến nhưng chưa chắc thực hiện được thành công. Có người có quyết tâm thực hiện giấc mộng (I have a dream) nhưng chưa chắc giấc mộng thành sự thực. Thực hành nghiệp là người có đủ khả năng thực hiện giấc mơ của mình trong cuộc sống. Nghiệp theo Phật học là những gì cá nhân đã tạo (làm, hành động) từ kiếp trước gọi là Nhân và tới đời sau (hay sau nữa) sẽ nhận sự phản hồi gọi là Quả. Theo Duy Thức học thì con người vì u mê nên hành động không suy nghĩ tạo nên Duyên khởi (Thập nhị nhân duyên). Nghiệp không phải chỉ do hành động từ quá khứ mà cũng là do hành động thời hiện tại vì Tánh (Tâm) khởi. Cũng như người thời nay dùng thẻ tín dụng phải trả nợ từ quá khứ mà vẫn tiếp tục dùng và gây nợ tiếp tục.

Nghiệp tầng có thể hiểu theo một góc nhìn ở Con Người. Con người sống trong xã hội có thể chia là ba phần nghiệp. Có người luôn luôn có sáng kiến (sáng ý) để tạo ra một sản phẩm phục vụ xã hội hay một sáng kiến để tạo sự hài hòa hoặc giải quyết một khó khăn nào đó trong xã hội. Người có sáng kiến chưa chắc là người có quyết tâm (quyết đoán) thực hiện và nếu có quyết tâm thực hiện thì chưa chắc đã làm (thực hành) tốt. Ở Mỹ có người có sáng kiến để tạo ra một sản phẩm, xin bản quyền nhưng không làm ra sản phẩm mà bán bản quyền đó cho người khác; những người có quyết tâm hoặc những người có khả năng đưa sản phẩm đó vào thực tế của cuộc sống. Bạn có thể có một trong ba đặc tính đó hoặc có cả ba. Thực tế thì bạn có một hoặc hai đặc tính chứ ít khi có cả ba.

Phải biết mình thuộc nghiệp tầng nào thì lúc đó mới biết bản vị của chính mình trong bộ máy xã hội ra sao. Không biết mình có khả năng nào mà đòi lãnh đạo thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

c. Tri Tầng: tiên tri tiên giác, hậu tri hậu giác, bất tri bất giác.

Khả năng hiểu biết của một cá nhân có thể là biết (kiến thức) và ý thức (khả năng, điều kiện) trước khi hành động. Hay là sau khi làm rồi mới biết. Mà cũng có thể là đã làm rồi cũng chưa biết, chưa ý thức được là kiến thức và khả năng của mình không phù hợp, không học hỏi được gì.

Do đó Sinh Mệnh Tâm Lý là dùng để chọn người trong xã hội mà thực hiện cơ cấu lớn của xã hội: kinh tế cho nên không thể lấy cớ các xung đột gia đình, giai cấp, chức nghiệp mà bôi xấu ý nghĩa của cuộc sống con người.

Theo nhà Phật thì Tâm con người có Thức (A lai da thức) gồm 2 mặt: giác và bất giác. Giác là tuệ giác chính xác. Bất giác là tuệ giác sai lầm, vô minh (xem Nhân Quả Đồng Thời, Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, trang 293) .

Trong xã hội có người biết trước (tiên tri) và thức tỉnh (tiên giác) trước một sự kiện nào đó. Thí dụ khi Trump ra vận động tranh cử vào năm 2016 và khuyến khích người ủng hộ ông đánh người chống ông và ông Trump sẽ trả tiền pháp lý. Người biết trước và thức tỉnh sẽ không bao giờ tin những lời nói của Trump bởi lời nói đó chứng tỏ Trump không có nhân phẩm và khích động bạo lực để chống lại những ai không thích ông ta.

Cũng trong xã hội có người phải trải qua kinh nghiệm thì mới học hỏi được bài học cho chính bản thân thì đây là những người có tri tầng của hậu tri hậu giác. Và một thành phần khác trong xã hội là cứ tin mà không dùng biết dùng lý lẽ để quan sát sự thật để tin một cách mù quáng. Đây là cá nhân tri tầng của bất tri bất giác mà những người Việt ủng hộ ông Trump cho rằng bầu cử năm 2020 có gian lận là thí dụ điển hình.

Khi Lý Đông A đưa ra nhận định về Đức tầng, Nghiệp tầng và Tri tầng thì phải chăng Lý Đông A đã biết về Tử Vi để thấy rằng con người sinh ra có số (đức hạnh: tốt, xấu), có nghiệp (sao Thủ Mệnh, Thân, Quan sẽ ảnh hưởng đến con đường học vấn (học ngành gì), sự nghiệp (làm việc gì), thành công hay thất bại (cho dù có học thức hay không). Vậy theo Sinh Mệnh Tâm Lý thì con người phải biết phân biệt đối tượng (người khác) có Đức hay không. Nghiệp quả nặng hay nhẹ. Tri thức như thế nào thì trong sự giao tiếp, làm việc mới có kết quả.

Trong tương tác của xã hội, của đoàn thể, của một công ty, cần phải biết rõ mỗi cá nhân có đức tầng nào, nghiệp tầng nào, và tri tầng nào để đóng đúng vị thế bản vị và cơ năng trong cơ cấu xã hội. Đặt sai bản vị và cơ năng thì xã hội sẽ loạn.

8. Chính trị hợp lý

[Từ ngữ "châm đối" không thấy được giải thích và sử dụng trong các tài liệu khác của Lý Đông A, không thấy trong Tài liệu giải thích từ ngữ chủ nghĩa Duy Dân. Các tự điển Việt cũng như Hán Việt không có định nghĩa về hai chữ này. Có thể người viết sau đã thêm vào hoặc đánh máy sai.]

Theo Lý Đông A thì chính trị hợp lý là sự hoàn thành các mục đích dân sinh chủ quan, khách quan của con người qua các cơ cấu vận dụng thích hợp. Như vậy các chế độ chính trị, luật pháp... là nhằm mục đích phục vụ đời sống con người trong xã hội chứ không phải chỉ cho cá nhân, hay chỉ cho xã hội. Hai vế của phương trình phải được cân bằng nếu không sẽ dẫn đến mất cân bằng và sụp đổ đưa đến rối loạn.

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P5)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/07/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p4/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...