Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P6)

 

IV. Tất cả những phương diện tâm lý và sự thực (hành?) đều lấy sinh mệnh là cơ sở.

Nếu tâm lý chỉ là nói suông thì chưa phải là tâm lý mà chỉ là đoán mò. Tâm lý đòi hỏi sự thực hành (hay sự thực?) để chứng tỏ tác dụng không những chỉ là phản ứng (bước đầu) mà còn là những ảnh hưởng nối tiếp (bước kế tục) và phải phù hợp với sinh mệnh của mỗi người.

1. Hệ thống tiến hành từng giai đoạn (Bộ sậu)

Vì là tâm lý của một cá thể, có thể xảy ra trong mọi mặt của đời sống cá nhân đó như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa...

a. Xung động

Tâm qua các giai đoạn: nhi đồng (tự phát) và khi lớn (duyên khởi). Cả hai biểu hiện qua vật chất xung động (ham muốn, sở hữu), cơ năng xung động (các bộ phận cơ thể hoạt động), công kích xung động (sự lôi cuốn, kích thích, tác động từ bên ngoài). Sự lẫn lộn giữa hai loại xung động tạo nên hỗn loạn không có hình thể, tác động cụ thể.

b. Nhu yếu

Là những xung động có hình thức hóa, cụ thể hóa để hình thành các nhân tố cụ thể, khách quan. Nền tảng của hành động là có nhu cầu cần thiết, đòi hỏi nhưng không bị ảnh hưởng bởi dục vọng, tham muốn hay ngược lại: chán nản. Muốn (dục vọng) và không muốn (chán nản) là hai thái cực của hiện tượng tâm lý cơ cấu. Khi trải qua các thái cực tới mức độ bất mãn, con người sẽ tự tìm lối giải thoát (lánh ngoài) cho tâm lý và thực tế đời sống.

[Ở đây Lý Đông A dùng chữ "tiêm nhuệ" không thấy giải thích trong tự điển Thắng Nghĩa hay được sử dụng trong các tài liệu khác].

Nhu yếu, theo Lý Đông A thì từ bản năng (thuận nhu yếu) mà ra tự giác nhu yếu. Cũng như thời kỳ nhi đồng, đứa trẻ đòi ăn, uống, ngủ nghỉ theo tự nhiên vì chưa có ham muốn riêng trong tâm tư. Khi lớn lên, có tiếp xúc (xung động) mới phát sinh tự giác nhu yếu; rồi từ đó phát sinh hướng thượng nhu yếu (lý tưởng và hy vọng).

Nhu yếu đòi hỏi: Hợp lý, hợp phần, hợp tình. Hợp lý là lý luận của bản thân. Hợp phần là sự tương xứng của các cơ cấu vật chất bên trong và ngoài. Hợp tình là sự tương xứng của các cơ cấu tinh thần bên trong và ngoài.

Khi nói đến các học thuyết khác, tài liệu ghi rằng:" các học thuyết phi lấy dục vọng làm nền tảng..". Thiết nghĩ cần sửa là  "các học thuyết phi nhân lấy dục vọng làm nền tảng" thì mới có nghĩa ý như Rousseau cho rằng sự chiếm hữu và sáng tạo là nền tảng diễn (tiến) nên những ý chí và lý tưởng sai lầm của chế độ tư bản mà ngày nay chúng ta thấy vẫn còn áp dụng. Vì giàu và mạnh nên phải chiếm hữu tài nguyên. Tranh chấp tài nguyên (dầu hỏa, biển) dẫn tới xung đột qua các xã hội (quốc gia) dưới ảnh hưởng của các chủ nghĩa.

2. Cách mạng tâm lý

Dựa vào Duyên, Nghiệp để mở ra tự giác, giác tha, tự độ, nhân độ. Duyên là hàng ngang (tung), Nghiệp là hàng dọc (hợp). Tra cứu tận cùng sinh mệnh bản thân (tự giác) để biết gốc của Thiện-Ác, không Thiện, không Ác là Thuần. Thiện hay Ác là tiêu chuẩn khách quan định đoạt bởi điều kiện sinh tồn đòi hỏi theo nhu cầu quan niệm (lộ tuyến) và nhu yếu định hình của xã hội và thời đại.

[Ở đây xin đi ra ngoài đề một chút về Duyên-Nghiệp. Là quan điểm của nhà Phật về Duyên khá phức tạp: Nhị Thập Nhân Duyên, trong Duy Thức là Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên, Tăng Thượng Duyên, Đẳng Vô Gián Duyên…. Trong khi Nghiệp là Nhân Quả trải qua nhiều kiếp…. Vậy Lý Đông A có thực sự đi qua kinh điển nhà Phật để viết ra như vậy hay có người am hiểu Phật học để góp ý như vậy?].

Lý Đông A cho rằng trật tự khai thông tâm lý và sinh mệnh để đạt tới đạo vô vi (do Lão tử đề ra. Vô vi thường được hiểu lầm là không làm gì cả. Thực ra là có làm, làm tận lực, tận tình nhưng khi làm xong thì không kể công theo chủ trương: vô công, vô kỷ, vô danh).

a. Hợp lý hóa xung động

Là khai mở tinh thần tự giác, chính giác (được hiểu là biết thế nào là chính đáng) và hợp lý. Đặt để các tri thức cơ bản về sinh mệnh loài người như là trung tâm giáo dục, là gốc (thí dụ: sinh mệnh gốc), là cội nguồn của chính trị, mà dân chủ chỉ là ngọn.

b. Hợp lý hóa nhu yếu

Nhu yếu có hợp lý hay không là ở sự khách quan của chế độ [không thấy nói chế độ ở đây có nghĩa gì. Tạm hiểu chế độ là một hệ thống, có nguyên tắc, xác nhận giá trị nhu yếu của con người]. Hợp lý nhu yếu hay mãn túc, an thích sinh hoạt, bình đẳng mãn thụ, giải thoát các giam bó và hủy diệt của tâm lý. Đây là các yếu tố mà Lý Đông A cho là sẽ giải thoát hết các gông cùm, phản loạn có thể xảy ra cho xã hội do hậu quả của dục vọng và chán nản. Nói cách khác, khi con người thỏa mãn các nhu cầu cần thiết (nhu yếu), có cuộc sống an vui (an thích), cảm thấy không có sự đe dọa chiếm đoạt từ người khác vì mọi người có tài sản đều như nhau (bình đẳng mãn thụ). Như vậy sẽ giúp con người không còn bị đè nén, lo sợ bởi sự chiếm đoạt, bóc lột, bạo loạn gây ra bởi dục vọng. Tài sản như nhau cần phải hiểu ở một nghĩa rộng lớn tức là cái nhu yếu tài sản căn bản của mọi người được bảo đảm. Thí dụ nhu cầu chỗ ở mà muốn có chỗ ở thì phải có tài sản nhà cửa. Một cá nhân sống trong một xã hội Duy Dân, nếu vì điều kiện tài chính không cho phép để có tiền mua nhà thì vẫn có thể mướn nhà để ở và phải được bảo đảm bởi cơ chế chứ không phải như cơ chế cộng sản tại Việt Nam, bắt chủ nhà đuổi người mướn nhà chỉ bởi vì người đó chống lại sự bất công của đảng cầm quyền mà cô Đoan Trang là thí dụ điển hình trong việc tìm một nơi cư trú.

Do đó Lý Đông A nói đến Thắng Nghĩa Dân Chủ trên nền tảng Quân Đẳng chủ nghĩa [cũng không thấy giải thích quân đẳng chủ nghĩa là gì] đồng thời (có nghĩa là?) giải quyết cơ hội, nghĩa vụ, quyền lợi qua một mục tiêu chính trị 3 tầng: cá nhân, dân tộc và xã hội duy trì bởi cùng một tổ chức gốc (thí dụ: tinh thần gốc tạo nên tổ chức gốc).

Có thể giải thích Quân Đẳng chủ nghĩa là một hình thức "bình sản kinh tế" trong sinh hoạt chính trị: Thắng Nghĩa Dân Chủ dựa trên nhu yếu và tự giác thì Quân Đẳng chủ nghĩa tạo cho mọi người có cơ hội, quyền lợi và nghĩa vụ để đóng góp xây dựng cá nhân (bản thân), dân tộc và xã hội (nhân loại). Do tu dưỡng (giáo dục) và tự giác, con người sẽ bắt được cơ hội để xây dựng bản thân và xã hội theo nhu cầu hợp lý.

c. Khái niệm hợp lý

Theo Lý Đông A thì "khái niệm càng hợp lý bao nhiêu thì càng đi gần chân lý bấy nhiêu" qua "tiến hóa toàn thể, tự chủ, tự giác và tự động". Sự nhận định như vậy chỉ có thể chứng minh qua sự tu dưỡng mà Lý Đông A đã đề ra ở trên bởi "Chí, Tình, Ý" là toàn bộ sinh mệnh hệ thống để thực hiện TRINH-BÌNH-HÒA qua giáo dưỡng đem xã hội, cơ sở, lập quốc tinh thần, dân tộc luân lý, quốc dân giao tế sẽ xác định như thế nào [ở đây không thấy giải thích gợi dục và tàn (hay tàng) dưỡng là gì].

3. Đạo đức tiêu chuẩn

Đạo đức dưới lăng kính Lý Đông A là các điều kiện gìn giữ con người (tâm lý=lòng người và hành vi) phù hợp với xã hội trên một nền tảng khách quan (không thiên về cá nhân mà cũng không nặng về xã hội, tập thể) của toàn bộ sinh mệnh diễn tiến.

a. Trinh: Được hiểu là sự thật lòng của người đối với người (nam- nữ) chứ không là điều kiện của tôn giáo, xã hội gán đặt lên tương quan liên hệ con người. Sự giao tiếp giữa người và người không chỉ trong lãnh vực hôn phối để thiết lập gia đình như tế bào cần thiết xây dựng xã hội mà còn là lòng tin, sự thực, sự tôn trọng Cương Thường mà nhân loại cần có để thiết lập hòa bình.

b. Bình: Con người sống trong xã hội tất có cọ xát. Để duy trì hòa bình trong cuộc sống mà kinh tế là yếu tố sống còn, công bằng xã hội đòi hỏi sự bình đẳng về cơ hội phát triển đời sống (sản xuất, giao dịch, phân phối...) để bảo đảm sự đầy đủ (mãn túc, an thích) để con người có thể vui sống. Vì tài nguyên thiên nhiên có giới hạn nên mục tiêu thực hiện Bình Sản Kinh Tế của Duy Dân phải khởi đầu bằng Tu Dưỡng và hiểu biết Sinh Mệnh Tâm Lý.

c. Hòa: Để sự phát triển xã hội của loài người được lâu dài vì mỗi lần thế giới bị hủy diệt là loài người phải làm lại từ đầu. Cho nên tất cả quá trình (lịch sử) tình cảm, tâm lý, sinh lý, hành vi của bản thân (cá nhân) có xác định (trưởng thành) một vị trí (bản vị) để phù hợp với cơ năng (hoạt của bản thân trong xã hội) thì sự tự do, bình đẳng, bác ái mới thực hiện chính đáng.

4. Giáo hóa tiêu chuẩn

Phải có mục đích (mục tiêu nhắm đến) thì mới vạch ra con đường đi tới. Nếu cuối con đường Duy Dân là Bình Sản Kinh Tế thì chương trình giáo dục và chuyển hoá con người phải kiến thiết một xã hội có hình thức và nội dung thích ứng mà các nhân sự (cán bộ Duy Dân) có thể hoàn thành. Nói cách khác huấn luyện nhân sự và kế hoạch phải tương xứng thì mới hoàn thành mục tiêu. Người cán bộ không đủ tiêu chuẩn, chương trình không phù hợp để huấn luyện nhân sự và kế hoạch kiến thiết xã hội quá viển vông thì chỉ đi đến thất bại. Cho nên:

-Chí trung hòa: Trong (hay trung) và ngoài (hành động trúng tiết ý) phải hòa hợp.

-Chí đạo đức: Đạo là con đường đi tới mục tiêu. Đức là cái mà cá nhân có, sống (ăn, ở, đi đứng, tiếp xúc). Cả hai (đạo và đức) có hợp thì mới đem lại hiệu quả.

-Chí lương tri: Sự hiểu biết minh mẫn từ tổng thể đến chi tiết để biết có hợp lý hay không. Có đạo nên không thể lạc đường. Có đức nên không thể sa ngã khi hưởng thụ đúng đắn theo nhu yếu (thí dụ: toại kỳ sở nhu).

Giáo hóa khởi đi từ tu dưỡng bản thân. Phải giải quyết kinh nghiệm sống của bản thân xuyên suốt mọi vấn đề (ăn, mặc, ngủ, nghỉ, làm việc, giao tế...) thì mới hướng dẫn người khác thay đổi cho tốt đẹp hơn. Có như vậy mới phát triển nhân cách, nhân bản, nhân sinh...(xem thêm Nhân Luận, Lê Hữu Khóa và Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng, Krishnamurti) .

5. Chính trị tiêu chuẩn

"Chính trị là kinh lý nhân tính tức là phát triển cá nhân sinh mệnh và xã hội". Nói cách khác là duyệt xét (kinh qua) và lý luận (lý) về nhân tính của cá nhân về sự trưởng thành và khả năng hành động để có thể tự do hành động (giải thoát) mà vẫn làm tròn nhiệm vụ, đạt được mục tiêu (đầy đủ). Các nhiệm vụ căn bản mà Lý Đông A vạch ra là:

a. Dưỡng sinh: kinh tế với giáo dục và tu dưỡng. [hiểu biết để sống, mức độ 1]

b. Đạt sinh: sống khỏe, đẹp, vui. [sống đủ để an vui với nghệ thuật (cái đẹp), mức độ 2]

c. Ưu sinh: sống với điều kiện tiến hoá về nhân chủng, chế độ, sinh hoạt văn hóa. [sống để quan tâm xây dựng đời sống xã hội, chế độ cao hơn (văn hóa), mức độ 3]

d. Chí giản dị: nếu các điều trên quá khó thì có thể trở về sống đơn giản là tốt nhất. [Nếu con người quá yếu kém về tri thức thì sống giản dị là tốt nhất, mức độ 0].

6. Chủ quan Thiên Tính và Tâm Lý cơ cấu

"Chủ quan Thiên Tính và Tâm Lý cơ cấu phù hợp với khách quan, thời gian và không gian kinh (trải) qua các phạm trù nhu yếu và khái niệm (tổng quát) mà hình thành các Tính nghiệp, Tình nghiệp và Ý nghiệp. Tính nghiệp là do Tàng trụ thức và nghiệp hành với xã hội mà thành. Tình nghiệp và Ý nghiệp cũng vậy, là thiên tính hậu thiên (tập quán xã hội, nhân quả, duyên nghiệp)."

Nói cách khác, Lý Đông A phải biết Kinh Dịch, Tử Vi để viết như vậy. Thời gian và không gian (Thời-Không) là hai yếu tố của Kinh Dịch. Khách quan là phải vô tư thì mới phán xét Động-Hợp-Xung-Khắc nhưng chỉ đi đến khái niệm về Tính, Tình và Ý của con người (đừng tò mò mà hỏi chi tiết như là thử thách với Thánh nhân sáng tạo các khoa học này. Những người tự ái, tự kiêu như vậy sẽ không bao giờ thành tài trong những ngành khoa học như vậy, vì thế nên mới gọi là "Huyền bí" ) thì chưa đủ để đi sâu vào tâm lý con người nếu không biết thêm về Tàng thức, lý Duyên khởi, luật Nhân quả của nhà Phật để có thể tìm hiểu và giải thích đầu dây mối nhợ về diễn biến tâm lý của con người trong cuộc sống. Cũng như nói ở trên, Tàng trụ thức, nghiệp hành, nhân quả, duyên nghiệp... là chữ của nhà Phật nên Lý Đông A phải biết về Phật học và ai muốn hiểu Duy Dân cũng phải biết qua Phật học. Hậu thiên là theo Dịch lý có Tiên Thiên quái và Hậu Thiên quái. Tiên thiên Bát quái là biểu minh cho hiện tượng vũ trụ hình thành thì Hậu thiên Bát quái chính là quá trình hình thành con người trong vũ trụ. Hậu Thiên Bát Quái dùng để xem xét các vấn đề liên quan đến nhân sinh. Trong khi Dịch Lý đa dụng trong mọi hoàn cảnh, thời gian, mọi việc thì Tử Vi là một bản đồ về lộ trình của một đời người qua các mặt: Gia đình, vợ con, bệnh tật, phúc đức, cha mẹ, công danh, bản thân và số mệnh ... theo từng đại hạn, tiểu hạn mà trong từng thời điểm, từng lãnh vực mà bạn (tự xem) và có trải qua với mọi nỗ lực bản thân để biết thế nào là "đức năng thắng số"  .

a. Tính nghiệp: Mỗi cá nhân có cá tính tạo thành cuộc sống cá biệt với người khác, chịu ảnh hưởng bởi tâm lý cơ cấu (tinh thần, thể chất) tạo nên xung đột, tranh đấu (vật lộn) với người khác, xã hội (hướng tha, ly tâm) mà không thể thay đổi (vật lộn) Thiên tính (tính trời sinh ra như vậy).

b. Tình nghiệp: Tình cảm tâm lý con người của mỗi cá nhân, tùy theo có Tu Dưỡng hay không, khi tiếp xúc với người khác trong xã hội sẽ tạo Tình nghiệp. Hành động của con người tạo nên lịch sử. Nếu con người không kiểm soát được tình cảm xung động thì dễ dẫn đến quá khích, bạo động nhưng không đến độ chai lỳ, mất nhân tính, từ ái, vị tha.

c. Ý nghiệp: Lý Đông A muốn nói đến ý chí (ý muốn) và lý trí (suy xét) của con người trong đời sống xã hội chịu ảnh hưởng của Duyên khởi thức và tác dụng bên ngoài. Thông thường chúng ta nhìn tác dụng bên ngoài (hành động) mà phán đoán chứ ít khi tìm hiểu nguyên nhân tâm lý bên trong. Phạm trù của nó là: Nhân tướng, Ngã tướng, Pháp tướng và Thọ tướng. [Nếu bạn biết về khoa Nhân tướng học thì khỏi phải giải thích]. Mọi sự mong muốn, mơ tưởng là nguồn gốc của đạo đức tâm lý [Tâm lý dựa trên căn bản của đạo đức]

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P7)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/15/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p6/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...