Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P7)

 

V. Thế hệ khoáng trương và duyên trường của Sinh mệnh qua sinh hoạt và thực hiện

Tùy theo mức độ Tu Dưỡng sẽ mở ra những hướng đi (khoáng trương) và sự kéo dài (duyên trường) của sinh mệnh cũng tùy theo mức độ sinh hoạt và thực hiện. Con người sống trong xã hội có nhiều mặt để thực hiện: chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự... tùy theo xấu tốt mà thịnh suy theo thời vận tạo thành lịch sử. Do đó tương quan cá nhân-xã hội-dân tộc xoay vần với nhau để tạo thành trôn ốc (chu kỳ = cycle). Theo Lý Đông A thì dựa vào đó để thành hình những lý tắc (quy luật chính trị trong sử Việt, Tôn Ngô binh pháp) hệ thống và chế độ; không chấp nhất (cứng ngắc) mà phải biến (biến tất thông, Dịch lý) để thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

1. Lý Đông A nói đến hiện tượng và hành vi giữa con người và xã hội qua cách mạng. Chủ trương của cách mạng là cứu quốc, tồn chủng (bảo vệ đất nước và dân tộc trước nguy cơ bị tiêu diệt) nhưng cách mạng không chỉ dừng ở đó, lý tưởng cách mạng là thiết lập một cuộc sống tổng thể, sâu rộng của dân tộc hòa đồng được với nhân loại (thế giới). Đó cũng là lý do Lý Đông A đưa ra Duy Nhân Cương Thường như một nền tảng chung cho nhân loại mà cuộc cách mạng Duy Dân phải đạt tới.

2. Mỗi dân tộc (xã hội) chọn cách tổ chức quốc gia cho nòi giống để thực hiện đạo đức sống qua nhân sinh, nhân đạo và nhân kỷ. Hướng thượng là khuynh hướng chung của nhân loại. Cảm tính là khuyết điểm của cá nhân mà văn hóa là kết tập của mọi người trong xã hội. Theo Lý Đông A thì để cảm (không phải cải) tạo loài người phải dựa trên 3 mặt: (a) thực hiện nơi cá nhân. (b) thực hiện nơi xã hội. (c) thực hiện nơi dân tộc. Vì tình cảm cá nhân khác biệt và đi theo khuynh hướng của xã hội đương thời (hàng ngang, hợp) trong khi dân tộc là hành trình quá khứ của gia đình, bộ tộc, làng xóm (hàng dọc, tung). Thay đổi 3 mặt một cách thống nhất tạo nên tổ chức quốc gia.

3. Chủ nghĩa Duy Dân dựa vào dân tộc (dân tộc bản vị) như bước đầu xây dựng Duy Nhân Cương Thường cho nhân loại (Nhân loại bản vị). Dân tộc phải lấy Lục Dân làm chính sách (xem Chìa Khóa Thắng Nghĩa: Phục hưng dân tộc, phát dương dân đạo, quảng đại dân sinh, sáng hóa dân văn, chỉnh sức dân trị, trọn vẹn dân vực). Muốn có một dân tộc như vậy thì con người phải có nhân phẩm về tinh thần: trí thức, kinh sinh (kinh nghiệm sống), khí vũ (khí tiết), đạo đức, văn mỹ. Về thể chất: Thận vững tim trong, óc sáng, mình nhẹ, tay mạnh (nếu bạn muốn hiểu là gì, như thế nào thì hãy thử tập luyện để có kết quả như vậy thì sẽ hiểu tại sao Lý Đông A nói như vậy. Xem giải thích trong "Mở Quyển Diễn Giải").

Về tổ quốc (xã hội): lý tưởng, nhân cách, danh dự. Khi con người sống với nhau thì nhân cách, danh dự, lý tưởng sẽ kết hợp với nhau để thành lập xã hội, quốc gia (cho dù chưa có lãnh thổ như trường hợp dân Do Thái, Kurds).

4. Cuối cùng Lý Đông A đưa ra khởi điểm của kiến thiết xã hội như toàn bộ một sinh mệnh có tung hợp với bản chất (bản vị) và cơ năng của nó, phát huy tối đa các công năng giá trị của con người (có tu dưỡng) qua: Triết học. Thắng nghĩa chính trị. Cơ năng Hiến (chứ không thể là hợp) Pháp. Bình sản kinh tế. Sinh hoạt giáo dục. Trung tâm tu dưỡng. Đại Nam Tông hóa (có người cho là văn hóa).

Bàn về Tài Mệnh Tương đố

Mở đầu Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Thuyết tài mệnh tương đố – người có tài, vận mệnh thường long đong – trong cuộc sống hiện nay còn đúng hay không?

Vậy thì qua Sinh Mệnh Tâm Lý, chúng ta sẽ giải quyết Tài và Mệnh ra sao? Thật ra, ai đi qua triết học nhà Phật đều thấy như Krishnamurti đã  nói trong "Giáo dục và Ý nghĩa cuộc sống": Quan sát là khởi điểm và chung điểm của Giáo dục. Đức Phật trong quá trình tu dưỡng cũng đã quan sát cuộc đời và các phép tu của người đi trước để tìm ra con đường giải thoát. Và khi đạt đạo, Đức Phật đã dạy người đời không nên dùng Dịch lý, Tử vi, vì sao?

Vì Tài (do Tâm) và Mệnh (do Nghiệp) tương đố chỉ vì con người chưa ý thức được cuộc sống để làm gì. Một khi ý thức đó là con đường Tu Dưỡng thì Tâm sẽ chuyển, không còn cậy Tài (đam mê, ham muốn) gây nghiệp. Tài sẽ không còn thách đố Mệnh trong khi Đức (do tu tập) sẽ chuyển Nghiệp (Mệnh). Trước hết là tránh những cái chết trước thời hạn vì ỷ Tài (do Tâm khởi) như chết vì lái máy bay, du lịch, chơi thể thao....

Chỉ vì khi con người "toại kỳ sở nhu" là đạt được những nhu cầu cần thiết cho đời sống (thực phẩm, cư trú) qua "tận kỳ sở năng" là làm việc hết sức mình thì mới "chính kỳ sở mệnh" để biết Mệnh là gì, như thế nào. Tất cả sẽ khác đi khi con người chạy theo đam mê, ham muốn của Tâm khởi chỉ vì thiếu Tự Kỷ mà trở thành ích kỷ. Và trong khi chạy theo những đam mê đó, có những giây phút sơ hở mà tai nạn xảy ra dẫn đến cái chết trước thời hạn thì đó không phải do định Mệnh mà do sự bất cẩn của bạn trong lúc đam mê không cần thiết.

Khi con người vì Tu Dưỡng để ý thức trong suy nghĩ và hành động trong phạm vi của "sở nhu và sở năng" để biết Mệnh phải làm gì, làm như thế nào, tại sao phải làm? Làm vì ai? Vì đâu? Cá nhân phải hiểu, biết và nắm rõ Sinh Mệnh Tâm Lý để "sống Đúng, sống Biết và sống Thực" thì mới giúp người khác và kiến thiết xã hội theo con đường Duy Dân mà cuối cùng là Bình Sản Kinh Tế .

Vấn nạn của con người là chưa làm việc thì làm sao biết là có Tài? Một khi tài năng được phát huy thì khó mà ngăn cản (mà lý do gì để ngăn cản?) nhưng nếu thiếu đức (tu dưỡng) thì tài năng không đúng chỗ sẽ gây nguy hiểm cho xã hội (ngay cả bản thân nhưng bất chấp vì muốn phát huy tài năng đến cùng tột). Một khi "tận kỳ sở năng" thì mới "chính kỳ sở mệnh". Có thể là quá trễ đối với người thiếu tu dưỡng, đã đem tài năng vào môi trường không thích hợp cho việc kiến thiết xã hội (thí dụ: khả năng làm giàu trong thương mại nhưng gây ô nhiễm, xáo trộn hay hủy hoại thiên nhiên...). Vậy thì có cách nào để "sở Mệnh" trước khi "tận kỳ sở năng" để tránh đi trường hợp phí phạm nhân tài?

Kết luận

Lý Đông A nhìn thấy gốc của con người và loài người là sống (ăn, kinh tế) và tồn tại (phồn chủng, tình dục, duy trì nòi giống, gia đình, xã hội). Hai yếu tố này tạo ra yếu tố thứ 3: chính trị. Vì sự sống còn, con người tranh chấp, xung đột. Do đó để giải quyết Sinh Lý (ăn, tình dục), con người phải hiểu Tâm Lý. Muốn hiểu Tâm Lý tận gốc rễ thì phải hiểu Mệnh Lý cho nên Thánh nhân mới đặt ra Dịch Lý, Tử Vi, Tướng Mệnh học... để giúp con người tu dưỡng và hướng dẫn loài người sống đúng, sống biết và sống thực.

Vậy muốn thực hiện cải cách, xây dựng xã hội qua chính trị thì con người phải trở về cái gốc là bản thân để tu dưỡng. Như vậy Lý Đông A viết ra Sinh Mệnh Tâm Lý để người đời sau muốn thực hiện Cách Mạng Duy Dân phải có công Tu Dưỡng (Sinh Lý), tìm hiểu và nắm bắt được mọi góc cạnh Tâm Lý của con người để  trước là giáo dục bản thân, sau là giáo dục xã hội (giáo dưỡng chế độ) và cuối cùng ý thức được Mệnh Lý của mình.

Sinh Mệnh Tâm Lý giúp cá nhân biết được ưu khuyết điểm của bản thân qua Tính-Tâm-Thân-Mệnh, Trinh-Bình-Hòa, Tính-Tình-Ý nghiệp để tự mình chọn một vị trí trong Cơ Năng và Bản Vị trong khi tiến hành cuộc cách mạng, không phải chỉ trong thời gian ngắn mà là lâu dài và rộng lớn. Do đó mọi cuộc cách mạng không bắt đầu từ cách mạng bản thân (tu dưỡng) thì cho dù có thay đổi cơ cấu xã hội, chính trị, khoa học kỹ thuật hay kinh tế cũng chỉ là phù du. Tâm lý con người về cách sống, lối sống sẽ quyết định hướng phát triển của nhân loại. Cho dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa... loài người vẫn phải sống chung với nhau trên trái đất. Tranh chấp, xung đột về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống sẽ không đem lại hoà bình, hạnh phúc và không có sức mạnh chính trị nào có thể giúp con người nếu con người không thay đổi từ bên trong: tinh thần tự giác. 

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/24/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p7/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...