Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P2)

 

I. Căn bản chủ nghĩa

A. Vũ trụ, xã hội, tư tưởng thành một hệ thống nhất 

Nếu con người (cá nhân) sống một mình trong rừng núi như thời tiền sử thì có lẽ mối quan tâm về vũ trụ, xã hội (tập thể con người) và tư tưởng sẽ không bao giờ thành hình để quấy nhiễu con người.

Nhưng vì con người có suy nghĩ (tư tưởng) nên cuộc sống (sinh mệnh) mới khác biệt từ đời này qua đời khác được ngắt đoạn bởi sống-chết. Và chỉ có con người biết chỉ huy cuộc sống vì nhận thấy sống-chết đi đôi với nhau (một thể duy nhất).

Khi Lý Đông A nói đến "vũ trụ, xã hội và sinh mệnh (cuộc sống của một cá nhân) là một thể hữu cơ và thống nhất từ bản thể cho đến cơ năng vận động" là ông muốn nhấn mạnh tương quan về thế giới chúng ta đang sống: hữu cơ.  Thiên nhiên (môi sinh) giúp các loài sinh-thực vật phát triển tạo nên con người và xã hội. Trong đó bản thể và cơ năng phải thống nhất để sinh hoạt và phát triển nếu ngược lại là tự diệt. Con người sống cần có xã hội. Cả cá nhân con người và xã hội đều cần đến thiên nhiên. Cả 3 yếu tố Con Người, Xã Hội, Thiên Nhiên phải phối hợp với nhau qua các quy luật thống nhất và cơ năng vận động.

Khi Lý Đông A nói đến bản thể (bản vị) là ông đã chú trọng đến đơn vị con người như một cá thể trong xã hội như hai vế của một phương trình phải cân bằng (hai chiều) mà trong bản thể đó phải biết "đạo kỷ" (hay tự kỷ, chứ không phải bất cứ một cá nhân lạc loài nào đó trong xã hội con người); trong khi vế thứ 2 là xã hội quy tụ những người biết đạo kỷ để đi đến bản vị, cơ năng như một thành phần của xã hội. Trong khối dân tộc đó sự thành hình hai chiều chấp nhận sống trong một xã hội phải có cương thường (luật lệ và trật tự) thì tự do, dân chủ mới phát triển và thăng hoa. Sự vong bản của xã hội ngày nay phát xuất từ cá thể lạm dụng xã hội và xã hội khi thành lập hiến pháp đã bỏ quên phần xây dựng con người qua Cơ Năng Bản Vị nên mới có giai cấp bóc lột cũng như giai cấp ăn bám xã hội. Nên nhớ rằng khi viết  tư tưởng Duy Dân, Lý Đông A đang sống trong môi trường của cuộc thế chiến II mà trong đó các nước nhược tiểu đang nổi dậy đòi độc lập từ các đế quốc. Vì vậy tài liệu về tư tưởng của Duy Dân không phải cho thường dân đọc chơi mà là cho những người có căn cơ, tu dưỡng, tâm huyết với dân tộc, đất nước, nhân loại.

Lý Đông A nói thêm "Sinh mệnh chỉ có thể nói là chủ thể của vũ trụ và xã hội. Đạo kỷ lấy sinh mệnh làm khởi điểm diễn tiến biến hóa bởi Âm- Dương hỗ tương nguyên nhân, hỗ tương đối lập".

Như vậy Lý Đông A đã cho thấy cuộc sống của con người là làm chủ (chinh phục, khai thác) vũ trụ và tạo nên xã hội. Lý Đông A nhấn mạnh "đạo kỷ" là biết cuộc sống của chính mình qua thế giới chúng ta đang sống là thế giới của nhị nguyên: Âm - Dương biến hóa trên căn bản hỗ tương nguyên nhân (trong Âm có Dương và trong Dương có Âm) và chúng đối lập để xây dựng, bổ túc cho nhau như các loài sinh vật tiến hóa cho tới khi con người xuất hiện. Vì vậy, Lý Đông A đã đưa ra công thức "tự kỷ- động tha- ỷ tha" mà chúng ta sẽ thấy ông nhắc tới trong các tài liệu khác của Duy Dân. Như vậy để xét Người theo Duy Dân là Người có Đạo kỷ hay không? Đó là một hình thức kỷ luật, trật tự của bản thân mà những ai muốn áp dụng Duy Dân phải nhìn vào đối tượng có đạo kỷ thì mới nói chuyện cương thường nhân loại. Nếu đã không nhìn được người thì không thể nói làm chính trị hay cách mạng.

B. Thắng nghĩa (Duy Dân) triết học nghiên cứu sinh mệnh là chính, làm khởi điểm thay vì đi tranh cãi con người từ đâu đến (do loài vật theo khoa học hay do thượng đế theo tôn giáo). Theo Lý Đông A thì cuộc sống, sống như thế nào, làm gì … quan trọng hơn là triết học bàn cãi những lý luận viển vông. Cũng như những kẻ hỏi Khổng Tử chết sẽ đi về đâu đã được trả lời: sống chưa biết sống thì lo chết làm gì? Cũng giống như đi biển gặp bão thì phải lo giữ tàu khỏi chìm chứ đừng đòi hỏi sẽ đi về đâu.

Tương tự như khủng hoảng 2008 và 2020, nước Mỹ cần vượt qua cơn hoạn nạn cho dù phải tốn bao nhiêu tiền của ngân quỹ chứ không thể như đảng Cộng Hòa ngồi lo nợ con cháu mà ngăn cản đảng Dân Chủ tiêu xài. Có khác gì khi Cộng Hòa tiêu xài cho quốc phòng với lý do bảo vệ quyền lợi Mỹ? Vì nếu không tồn tại hôm nay thì làm gì có ngày mai mà lo chuyện con cháu. Ngược lại chuyện thay đổi khí hậu, môi sinh thì đảng Cộng Hòa chống và chối bỏ. Vậy thì không chấp nhận hiểm họa hôm nay đang từ từ dâng lên thì đến khi vượt qua mức độ cứu vãn (point of no return) thì sức mạnh kinh tế và quân sự có chống được không? 

Như vậy chủ nghĩa thực dụng dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế không nhằm mục đích phục vụ con người mà chỉ là lợi dụng con người như bộ máy làm việc và tiêu thụ sản phẩm. Hạnh phúc, tự do, dân chủ… không được lý luận theo triết học mà chỉ là biểu tượng mơ hồ đặt trong hiến pháp để xoa dịu nỗi đau con người trong cuộc sống phồn vinh giả tạo. Và khi hiến pháp không được cập nhật hóa với đời sống con người thì đó là hiến pháp chết.

Tuy hiến pháp Hoa Kỳ phân định giáo quyền và chính quyền riêng biệt nhưng không thể ngăn cản sự chi phối của tôn giáo vào sinh hoạt chính trị. Lợi dụng tôn giáo trong sinh hoạt chính trị là điều nguy hiểm vì khuynh đảo lòng người thì sẽ có lúc con người vong bản vì mất tự chủ và như vậy dân chủ chỉ là giả tạo. Hệ thống lưỡng đảng vay mượn từ Âm-Dương nhưng chỉ vào những nguyên tắc mơ hồ của tinh thần bảo thủ và tiến bộ chứa đầy mâu thuẫn vì không dựa vào triết học (hay không có) để giải quyết những ưu tư của loài người.

Những thí dụ trên cho thấy lý luận của triết học trong cuộc sống là cần thiết. Nhất là giới lãnh đạo không thể dự đoán những gì có thể xảy ra để chuẩn bị đối phó thì đâu phải là lãnh đạo. Lãnh đạo là "trông về trước, ngoái về sau" để học hỏi, lý luận mà đối phó và hướng dẫn quần chúng ra khỏi hiểm nguy, tìm đường sống chứ không phải chạy theo thiên hạ (me too, populist).

Lý Đông A đòi hỏi chúng ta phải tìm ra những nguyên lý, nguyên tắc liên quan đến sinh mệnh để vận dụng và duy trì, phát triển xã hội, vũ trụ (được hiểu là môi trường thiên nhiên mà chúng ta sống) có như vậy mới giữ được lâu dài những gì con người đã xây dựng.

Sẽ có người thắc mắc về từ "Thắng Nghĩa" triết học (hay Chìa Khóa Thắng Nghĩa). Như đã nói ở trên "Thắng Nghĩa" là từ ngữ của Phật học (3 yếu tố Dịch lý, Tử vi, Phật học: theo Duy Thức luận [trang 644] thì Thắng Nghĩa đế là chân lý tuyệt đối, là viên thành thật tính, đức tính của bậc Bồ Tát giác ngộ, nguyện cứu độ chúng sinh. Thắng Nghĩa có 3: Nghĩa-Đắc-Hành bao hàm trong viên thành thật).

C. Theo Lý Đông A thì triết học phải chú trọng tìm hiểu về con người mà phần Tâm lý học là quan trọng nhất. Vì hiểu con người không phải chỉ phần thể xác mà còn là phần tinh thần. Do đó các quan điểm về Tâm lý học của triết học Thắng Nghĩa bao gồm những nguyên lý căn bản, phương pháp học tập về tâm lý, sinh lý cuộc sống của con người trong xã hội, với thiên nhiên. Con người muốn gì, làm gì là hoạt động nhân sinh của xã hội, tạo nên văn hóa nhân loại. Vậy nếu có sai lầm, tất phải truy cứu về căn gốc đó là Sinh Mệnh Tâm Lý. Quan trọng hơn nữa là khi đối diện vấn đề, phải tranh luận, thảo luận để tìm phương thức giải quyết cho phù hợp thì cái gì sẽ giúp con người (nhà lãnh đạo, chính trị) tránh được những lỗi lầm?

Khi Lý Đông A dùng từ Thắng Nghĩa ông đã ám chỉ con người có khả năng tự tu dưỡng, giáo dục để tìm ra con đường giải thoát cho bản thân và cứu độ chúng sinh và có thể tự lực cánh sinh mà không ỷ lại vào tổ chức (đảng, chính quyền, tôn giáo) hay hoàn cảnh bất lợi mà bỏ cuộc hay biến chất. Nếu gặp thời có nhiều người đồng tâm thì thực hiện được nhanh, ít người thì chậm nhưng tất thắng.

Khi Lý Đông A viết "phương pháp học lý (học tập lý luận) và sự thật của toàn bộ sinh mệnh của chính thể (xã hội và vũ trụ) bằng những cơ cấu tác dụng chủ thể và hành vi" là có nghĩa gì?

Phương pháp học lý hay học tập lý luận là cách mà chủ thể tìm hiểu sự thật về sinh mệnh của mình, xã hội, vũ trụ mà không phải đi tìm hay hỏi ai. Phương pháp là dụng cụ (tools). Bạn có dụng cụ để tự bạn tìm và thấy sự thật và hiểu. Điều này khác với tôn giáo khi bạn “gặp” thượng đế (Chúa hay Phật) và cho là sự thật nhưng làm sao bạn có thể nói với người khác tin khi chính bản thân họ không trải qua kinh nghiệm đó. Họ sẽ cho bạn là điên hay nói láo.

Nếu bạn đánh trúng tâm lý của họ và họ tin bạn thì bạn lâm vào thế kẹt: bạn muốn trở thành lãnh tụ tôn giáo (khả năng thấy Chúa, Phật không biến bạn thành Chúa, Phật. Họ, vì tin Chúa, Phật mà tin bạn; nếu bạn không giúp họ được như bạn thì bạn là đồ giả)? Hay lãnh tụ chính trị (nếu bạn mượn hay lợi dụng người khác để mưu đồ chính trị thì khi họ không tìm thấy ước vọng về tôn giáo thì họ sẽ quay sang chống lại bạn)? Nhưng lý luận về Tâm lý không phải là thầy bói nói mò mà là từng bước lý luận trên nguyên tắc đã được đặt ra (xem Chìa Khóa Thắng Nghĩa: Xã hội biện chứng pháp).

Chính vì vậy Lý Đông A nói rằng "Hiện tượng căn bản đó chặt chẽ thống nhất với nhân sinh, xã hội và văn hóa loài người". Hãy đưa dụng cụ cho mỗi người để tự họ tìm ra sự thật cũng như lời của Đấng Giác Ngộ (ta chỉ là kẻ chỉ đường, các người phải tự bước đi thì mới tới đích được).

Bạn đòi hỏi tự do, dân chủ mà chính bản thân bạn không đạt được ý thức tự do (vì lệ thuộc vào tôn giáo, vật chất) và dân chủ vì chính bản thân bạn không tham dự vào tiến trình sinh hoạt dân chủ (bạn là "dân" nhưng không chịu tự làm "chủ" mà giao khoán cho người khác để bạn lo hưởng thụ). Và như vậy, dân chủ là phải có sự đóng góp của mọi người chứ không phải một cá nhân lãnh tụ hay đảng phái. Bạn không thể dựa vào bất cứ lý do gì để tránh né trong việc góp phần xây dựng nền dân chủ.

Vì con người sống và hành động, một khi bạn ngưng (hay lơ là) sự đóng góp xây dựng xã hội dân chủ thì bạn đã bỏ mặc nền dân chủ trong tay người khác. Nếu bạn có trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình bạn thì bạn cũng có trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội, tổ quốc. Bạn có gì để phản đối không?

Do đó căn bản chủ nghĩa (Duy Dân) có thể coi như là tâm lý học của triết học Thắng Nghĩa về con người, xã hội và vũ trụ.

Nhưng Sinh Mệnh Tâm Lý không phải chỉ là tâm lý học (Tây Phương) mà bao gồm cả đạo học (Đông Phương). Khi Lý Đông A nói đến Âm-Dương hỗ tương thì phải chăng đó là điều Lão Tử đã nói. Khi Lý Đông A nói đến đạt ma (tối cao viên mãn), duyên khởi thức, tàng trụ thức, nghiệp tầng, đốn giáo, thiền định giáo dục... là những gì nhà Phật thuyết giảng và thực hành.

Vậy thì có phải từ Lý Đông A viết ra hay người sau gán ghép vào? Nếu là người sau gán ghép vào thì (1) phải đi qua những tài liệu khác của Duy Dân để viết cho thống nhất. (2) phải thấu hiểu điều mình viết vì nếu viết sai thì sau này sẽ có người biết và tài liệu Duy Dân trở nên vô giá trị vì mạo nhận do Lý Đông A viết ra. (3) Vậy thì cả Lý Đông A lẫn người viết sau này đều phải thấu hiểu Phật pháp hay là Lý Đông A viết ít mà người viết sau gán thêm cho nhiều (để thêm phần giá trị) mà hóa ra lủn củn?

[Ở đây xin mở ngoặc để bàn về sự đánh giá, tìm hiểu tư tưởng Lý Đông A. (1) Giả sử những gì trong tài liệu Lý Đông A nói là phát xuất từ Lý Đông A thì sẽ là tình trạng (A) Lý Đông A hiểu và biết ABC nên thấy rằng muốn thực hiện Duy Dân thì người cán bộ Duy Dân phải đi qua ABC, khả năng của cán bộ sẽ tùy thuộc sự thấu hiểu và sử dụng ABC. (B) Nếu là do người sau thêm vào để tăng cường hay làm sáng tỏ những gì Lý Đông A nói tổng quát mà thiếu chi tiết. Vì dựa vào ABC mà người sau viết thêm trong tiết mục X thì chỉ có nguyên tắc, lý tắc là có thể đến từ Lý Đông A còn phần sau đó, bạn có thể chấp nhận hay không là tùy mỗi người lý luận. (2) Có những từ ngữ, câu văn hay đoạn văn rất khó hiểu và đôi khi mâu thuẫn khi so với tài liệu khác. Chúng tôi cố gắng tìm lối giải thích hợp lý, đôi khi chúng tôi phải bỏ ngỏ để chờ bậc cao minh chỉ dạy].

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P3)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/01/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p2/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...