Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P5)

V. Các yếu tố dẫn đến Kinh Tế Nhân Bản

Để hiểu tại sao cần có Kinh Tế Nhân Bản, chúng ta phải nhìn vào các yếu tố:

(1) Xã hội là nơi con người tập trung để sinh hoạt và nương tựa lẫn nhau. Xã hội chịu chi phối bởi văn hóa là tiến trình phát triển của tôn giáo, giáo dục. Tập thể và cá nhân sống trong xã hội (quốc gia, bộ lạc) chịu ảnh hưởng của hai sinh hoạt kinh tế và chính trị. Tuy hai yếu tố này tương quan chặt chẽ với nhau nhưng con người chỉ có thể tham dự một trong hai.

(2) Kinh tế là yếu tố mưu sinh của loài người từ khi sống thành bộ lạc. Từ nhu cầu căn bản cho tới khi xã hội phát triển và lòng tham con người gia tăng thì kinh tế trở thành yếu tố gây xung đột trong xã hội. Khi tài nguyên thiên nhiên có giới hạn thì để giải quyết tranh chấp kinh tế phải có yếu tố chính trị: quyền lực. Kinh tế không thể dựa trên yếu tố "Cung-Cầu". "Cung" mà có trước thì phải có quảng cáo để con người biết đến mà tiêu thụ, tạo nên "Cầu". Còn nếu "nhu cầu" có trước thì "Cung" mới tồn tại. Nhưng giả sử "Cầu" vươn quá mức (lòng tham) thì "Cung" bao nhiêu cho đủ khi vật liệu có hạn?

(3) Chính trị lúc đầu chỉ là yếu tố điều hành sinh hoạt của tập thể. Khi xã hội loài người tiến đến giai đoạn quốc gia, quốc tế và sự xâm chiếm thuộc địa chấm dứt cho thấy tài nguyên thiên nhiên (trái đất) có giới hạn và con người tranh chấp qua chiến tranh chỉ đưa đến hủy diệt. Và chính trị phải đóng vai trò tìm cách giải quyết xung đột kinh tế cùng với sự đóng góp của các yếu tố phụ: tôn giáo, văn hóa, giáo dục, chủng tộc.... Trong khi đó con người trong cuộc sống chỉ có thể nắm một vài trò: làm kinh tế hay làm chính trị. Khi lòng tham còn ngự trị con người thì nguy cơ vẫn còn đó. Khi chính trị là thiết kế và điều hòa nhân sinh thì phải tìm ra phương thức ổn định đời sống loài người: có chỗ ăn, ở và sống trong hoà bình. Giàu có hay vũ khí hiện đại không đem lại bình an khi loài người vẫn bị đe dọa bởi thiên tai.

(4) Thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên có giới hạn. Loài người đã cố gắng tăng gia số lượng thực phẩm, giảm sự phung phí, điều chỉnh sự phân phối nhưng chiến tranh, thiên tai, nạn đói, bệnh dịch vẫn là mối đe dọa sự sống con người.

VI. Trách nhiệm và bổn phận

1. Chính quyền

Để phát triển quốc gia nhà nước cần hệ thống giao thông, giáo dục, thông tin, điện nước... để trước hết là phân phối thực phẩm đến mọi người dân trên đất nước qua hệ thống tài chính, thương mại do tư nhân nắm giữ. Vì số đất canh tác có giới hạn, nhà nước cần phát triển kỹ nghệ để thu dụng nhân công.

Nhưng chính quyền không phải lúc nào cũng chí công vô tư khi bị chi phối bởi đảng chính trị. Vậy mỗi đảng có chính sách kinh tế như thế nào? Tạo cơ hội cho người dân tham dự chương trình kinh tế nhưng có duy trì được công bằng xã hội? Hay chỉ những ai có móc nối (hay biết luồn lọt) với chính quyền mới tham dự hay vượt lên trên chiếm lấy những lợi thế.... 

Trong nền kinh tế thị trường (Mỹ) chủ trương giới hạn chính quyền (small government) để người dân được nhiều tự do kinh doanh trên thị trường và như vậy mới phát triển kinh tế. Nhưng không thấy ai giải thích khi "tự do kinh doanh" thì "cá lớn nuốt cá bé": kẻ thua thiệt cần được giúp đỡ và đó là trách nhiệm của chính quyền. Chẳng may chính quyền bị hạn chế thì làm sao giúp dân? Khi các công ty cạnh tranh thì nói là có lợi cho người dân (giới tiêu thụ) nhưng nếu các công ty đồng loạt lên giá (công ty xăng dầu, thẻ tín dụng, hãng máy bay...) thì ai thiệt hại? Tuy vậy, một khi thiên tài lỡ vận (như các quyết định sai lầm của giám đốc điều hành) và vỡ nợ thì lại xin chính quyền cứu trợ (bail out) dưới danh nghĩa là duy trì công việc làm cho dân? Chính quyền hoạt động là nhờ thuế dân đóng nhưng giới chủ nhân, giám đốc, nhà đầu tư... luôn luôn tìm cách trốn thuế dưới nhiều hình thức để chính quyền phải vay nợ (ngân hàng, ngoại quốc).  Vậy hóa ra chính quyền nuôi (tạo ra, thiết lập...) kinh tế nhưng rồi kinh tế quay lại nắm đầu chính quyền (vận động, mua chuộc chính trị gia) và chế độ dân chủ trở thành chủ dân?

Câu hỏi đặt ra: các chính trị gia sẽ nhìn tương lai (vision) và giải quyết ra sao? Người dân sẽ phải chọn lựa như thế nào? Công thức giữa người dân và chính trị gia (chính quyền) có nhiệm vụ điều hành xã hội là duy trì công bằng xã hội (A-1).

Chừng nào người làm chính trị không còn phải tuyên thệ với thánh kinh (hay thượng đế) mà thề với bản thân "nếu không thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử sẽ từ chức" thì may ra sinh hoạt chính trị mới có thay đổi thực sự.

a. Lợi tức căn bản được áp dụng tại một số thành phố tuy còn gặp nhiều chống đối nhưng nói lên được về mặt an sinh xã hội: nếu được bảo đảm về đời sống tối thiểu thì có thể giảm tệ nạn về vô gia cư, tội ác....

b. Lối sống căn bản (Sustainable lifestyle) đã được Liên Hiệp Quốc phổ biến như lối sống tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi sinh, sản xuất thực phẩm sạch....

2. Công ty (hãng, xưởng, tổ hợp, dịch vụ)

Bất cứ công ty, dịch vụ, hãng xưởng... đều cần có cơ sở và tiện nghi (điện, nước, rác, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, đường giao thông …). Cuối cùng là nhân lực. Không có các điều kiện trên thì dù có là thiên tài với sáng kiến vĩ đại cũng không thể sản xuất, cung ứng được hàng hóa cho xã hội và dĩ nhiên không thể làm giàu.

Sự giàu có là do nhiều tầng lớp nhân sự đóng góp để tạo ra sản phẩm và được mọi người ưa chuộng cũng như các dịch vụ (chuyên chở, viễn thông, ngân hàng, văn phòng, luật pháp, kế toán, thuế vụ...) khác đóng góp vào sự thành công và làm giàu.

Lợi nhuận nhiều sẽ được phân chia như thế nào là còn tùy vốn và lương thợ đã được quy định bởi nhóm lãnh đạo công ty.

Có những nhà đầu tư hay tổ hợp đầu tư đã không ra mặt điều hành công ty mà mướn một giám đốc điều hành (CEO) dưới sự kiểm soát của hội đồng quản trị (Board of Directors) thường bị chi phối bởi người nắm đa số cổ phần của công ty. Các nhà kinh tế thường khoe khoang là chủ nghĩa tư bản cho phép người dân tham dự "làm giàu" bằng cách mua cổ phần (chứng khoán) công ty và như vậy cũng là chủ công ty chứ không phải là thành phần bị bóc lột như trước. Không thấy ai nói khi công ty yếu kém thì giám đốc điều hành "làm phép" sa thải nhân viên để "giảm chi" vì không có "tăng thu". Cuối năm công ty làm tổng kết sẽ vẫn là có lợi tức và như vậy là các cổ phần viên vui lòng vì có lời mà quên rằng nạn nhân là các nhân viên bị sa thải phải đi tìm việc khác, làm lại từ đầu và có thể mất nhà, gia đình ly tan nếu không tìm được việc khác kịp thời. Trong khi số nhân viên còn lại cắm đầu làm việc bằng 2, 3 để bù đắp công việc của những người bị sa thải mà không dám lên tiếng phản đối.

Vấn nạn ở chỗ phải làm giàu trước mới giúp người? Nhưng trong thời gian làm giàu thì giá phải trả của những người chờ được cứu sẽ như thế nào? Và trong khi tranh thắng trên thị trường thì nạn nhân là ai? Chủ nhân? Công nhân của những cơ sở yếu kém? Hay người tiêu thụ?

Giới chủ nhân (hay đầu tư) thường tự hào là họ phát triển kinh tế là xây dựng xã hội. Nhưng có thật là họ đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân hay không? Điển hình là các công ty dầu khí, điện lực... khi kỹ nghệ năng lực mới (gió, mặt trời, thủy triều...) phát triển thì thế lực cũ tìm cách ngăn cản tuy rằng chính họ cũng đang đổi mới.

Nền kinh tế (công ty, hãng, xưởng...) đòi hỏi xã hội phải có trật tự (giao thông, điện nước, an ninh, luật pháp...) thì mới có sinh hoạt kinh tế nhưng nếu không có sự công bằng (A-2) thì xã hội sẽ hỗn loạn.

Như vậy giữa chính quyền và kinh tế là xã hội (A-1, A-2) phải công bằng nhưng ai chịu trách nhiệm nếu giới chính quyền và kinh tế không đồng thuận? Nếu người dân đi tìm chính trị gia và kinh tế gia thì đó sẽ là những con người như thế nào?

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P6)

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/15/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p5/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...