Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Phân Mệnh Diễn Giải từ một góc nhìn

Trong Duy Dân Cương Thường Lý Đông A (LĐA) có viết: 

Nguyên tắc xã hội nhân sinh:

Nhân sinh xã hội là hình thái tổ chức chính kinh và nền tảng của loài người trên mọi mặt hành vi, thẩm thấu bởi kiến trúc kinh tế. Gọi tung hợp tất cả cái tổng thể sinh hoạt đó là nhân sinh.

Nhân sinh và nhân sinh tiến hóa là mục đích tung hợp của xã hội tổ chức.

Tổ chức trung tâm là chỉ huy của nhân sinh.

Trong tổ chức toàn thể nhân sinh để mà đạt thành gồm có ba hệ thống giao hỗ lẫn nhau, đó là phân mệnh, phân công và phân hưởng. Phân mệnh nghĩa là quy định cái cương thường xã hội. Phân mệnh là cương thường của phân công và phân hưởng."

Vậy LĐA muốn nói gì qua nguyên tắc xã hội nhân sinh?

Khi con người từ bộ lạc kết hợp để trở thành quốc gia và quốc gia đòi hỏi các cơ cấu sinh hoạt chính trị và kinh tế. Sự tiến hóa, tồn vong của một quốc gia tùy thuộc vào sự đóng góp của dân tộc (con người).

Qua từng giai đoạn tiến lên (tung) đòi hỏi sự đóng góp, hợp tác của mọi tầng lớp trong xã hội (hợp) qua các cơ chế chính trị (quyền) và kinh tế (lợi).

Con người chỉ có 24 giờ trong một ngày và hai tay cho nên trong xã hội, tập thể phải có phân công. Và tùy theo công việc bạn được hưởng quyền lợi (phân lợi).

Phân công

Khi tham dự một tập thể (hãng, xưởng, nhóm thợ, tổ chức...) bạn sẽ được phân công làm một việc (hay một số việc). Và tùy theo giá trị của việc làm, bạn được trả công (hay phân lợi)

Qua thời gian, người lãnh đạo sẽ đánh giá sự làm việc của bạn hay chính bản thân bạn, thích hay không thích và muốn tiến lên hay thay đổi việc làm. Và khi tiến lên trong bậc thang nghề nghiệp hay một cơ hội tốt hơn thì tất nhiên lợi tức của bạn cũng phải tăng theo. Do đó phân công và phân lợi luôn luôn đi đôi với nhau. Nhưng mỗi con người có những đòi hỏi riêng tư (hay tham vọng). Mỗi cá nhân có khả năng để tiến lên hay không thì chưa biết nhưng ai cũng muốn thử. Và đôi khi người chủ, hay cấp trên, hay cơ quan không có chức vụ, vai trò mà bạn muốn tiến lên thì sao? Chẳng may khi bạn đạt được vị trí đó mà công việc không xuông sẻ thì lỗi tại ai? Tại hoàn cảnh, tại công việc, tại cấp trên hay tại vì bạn? Và từ đó sự phân mệnh được đặt ra.

Phân lợi

Trí óc con người có thể giúp bạn biết rất nhiều và có khả năng: sửa xe, sửa điện, xây nhà, viết văn, đánh đàn, ca hát.... nhưng vì một ngày chỉ có 24 giờ mà con người cần nghỉ, ngủ 8 giờ thì thời gian còn lại để kiếm sống buộc con người phải chọn sở trường (hay, giỏi) thay vì sở đoản (dở) để đạt được mối lợi cao nhất. Vì tuy bạn có khả năng X nhưng bạn làm nghề Y thì bạn không thể đòi hỏi quyền lợi của công việc X chỉ vì bạn "biết" nhưng vì không thể làm. Cũng như bạn có phát minh ra vật A nhưng bạn đi làm việc B thì bạn không thể đòi hỏi phân lợi của việc làm A vì nó đã không xảy ra trong thực tế của xã hội để đem ích lợi cho xã hội thì làm sao bạn đòi hỏi xã hội "phân lợi" cho bạn được?

Nhưng nếu một hãng có 5 công việc (không kể ông chủ hãng, hay chủ tiệm) và bạn có thể biết và làm cả 5 việc theo phân công (không cùng một lúc) thì không có nghĩa là phân lợi thì bạn sẽ hưởng lợi của cả 5 công việc và như vậy bạn trở thành ... ông chủ hãng?

Dĩ nhiên sự kiện sẽ không xảy ra như vậy vì còn "phân Mệnh"

Nhưng còn phân Mệnh?

Ai phân mệnh ai?

Nếu bảo là con người có số mệnh thì Sinh Mệnh là cuộc sống của mỗi con người được sinh ra để thực hiện và qua đó học hỏi để phát triển (hướng thượng). Khi mỗi người có riêng "ý nghiệp, đức nghiệp, tình nghiệp..." thì những điều kiện đó quy định trong cuộc sống của cá nhân đó.

Có người tin vào tôn giáo thì bảo rằng Thượng đế (hay ông Trời) đã an bài. Cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều có khoa tử vi để hướng dẫn con người nhưng con người cũng có khả năng thay đổi số mệnh: "đức năng thắng số". Nhưng con người vì vô minh hay tham vọng nên thường mê lầm trong cuộc sống và làm xã hội rối loạn. Phân mệnh là đặt con người vào đúng vị trí của mình để xây dựng xã hội.

Phân Mệnh có tác dụng hai chiều. Nếu số tốt cho bản thân thì cái tốt đó có ích lợi, phù hợp với xã hội đang sống hay không? Cũng như nếu xấu thì bản thân phải sửa đổi cho tốt để có lợi cho mình và đóng góp cho xã hội. Vì nếu cá nhân xấu làm cho xã hội xấu thì cả hai cùng đi đến hủy diệt. Vậy phân mệnh phải có ý nghĩa giúp cá nhân xác định bản mệnh và ích lợi của cá nhân phải đi đôi với ích lợi của xã hội.

Như vua Thái Lan hiện nay (2020) đang bị dân chúng phản đối đòi thoái vị (Yahoo News). Vậy thì ông ta có số mệnh làm vua, vị trí và vai trò do cha ông truyền lại. Nhưng khi dân chúng không đồng ý về lối sống, cư xử của ông và đòi truất phế thì sự phân mệnh của ông ta chỉ có một chiều: có lợi cho bản thân; mà không có chiều ngược lại: có lợi cho xã hội?

Phải chăng đó cũng là công thức "Tự kỷ (tu thân)-động tha (đóng góp cho xã hội)-Ỷ tha (dựa vào xã hội để sống hay xã hội giúp đỡ cá nhân)"? (xem thêm nội dung về tự kỷ, ỷ tha, và động tha)

Lòng tham khiến con người muốn nhiều hơn. "Đứng núi này trông núi nọ" nhưng có mấy ai biết về chính bản thân mình? "Tự kỷ" là biết về mình. Khi LĐA nói "chính kỳ sở mệnh": chỉ có khi biết cái "chính" (cái đúng, cái thật) thì mới biết mệnh của mình ra sao. Vậy thế nào là "chính". Trong Kinh Dịch có giải thích về cái "Chính". Có phải LĐA đã biết Dịch Lý nên mới nói vậy hay còn ý nào khác? Nếu đã biết Dịch Lý thì phải biết Tử Vi để biết người. Theo Tử Vi thì con người sinh ra có số mệnh, có sao thủ mệnh, thân cư: Tài, Quan, Thê, Phúc.... Tại sao con người sinh ra giống nhau về cơ thể nhưng khi lớn lên thì có người giàu nghèo, thọ yểu... có người làm nghề này, nghề khác. Nếu ai cũng biết hành nghề bác sĩ hay bán nhà (real estate) thì dễ làm giàu nhưng không phải ai muốn cũng làm được.

Khi một cá nhân đã định vị được chỗ đứng của mình trong xã hội. Đó chính là "cơ năng và bản vị". Bạn có một nghề (bản vị) để sinh sống và đóng góp (cơ năng) cho xã hội. Nhưng bạn còn phải tham dự vào nghiệp đoàn, hợp tác xã, hay các cơ chế địa phương (qua mặt chính trị hay kinh tế, văn hóa, giáo dục...) để kết thành trung tâm bản vị. Từ đó các quy định về cương thường (trật tự) của xã hội hình thành qua những quy luật thành văn hay bất thành văn (norm).

Nếu con người không chấp nhận phân mệnh để chạy đôn đáo tìm chỗ đứng trong xã hội theo lòng ham muốn thì xã hội sẽ rối loạn. Khi một người chủ tiệm buôn muốn bỏ nghề để nhảy ra làm chính trị và đem theo những kinh nghiệm thương mại của mình vào chính trường để thỏa thuận, trao đổi bất kể các quy luật chính trị thì chúng ta đã thấy hiện tượng "Trump".

Bạn có thể nói ông ta có "số" làm tổng thống nhưng theo phân mệnh thì không còn là "chính kỳ" (cái đúng, cái thật ở chính mình chứ không phải là cái tham vọng mình muốn mà khả năng không có). Và khi phân mệnh hay "cương thường" đã không còn thì xã hội sẽ rối loạn vì phân công và phân lợi không còn theo các quy định của "chính kỳ sở mệnh" khi các cộng sự viên lần lượt ra đi và trong nội các không dám phản đối những gì ông ta làm sai, nói bậy chỉ vì "lòng trung thành" (loyalty). Mà nếu ai đó phản đối thì sớm muộn cũng bị loại trừ như những người đã từng làm việc cho Trump và từng ra đi vì bị đuổi việc hoặc tự xin nghỉ bởi không thấy được khả năng lãnh đạo của Trump. Cuối cùng Trump có một nội các bù nhìn để phục vụ lợi ích của Trump.

Tại sao có những người chỉ muốn làm công việc họ yêu thích dù rằng họ có thể lên chức để trở thành người quản trị (supervisor, manager) nhưng họ không muốn? Bởi vì cá nhân đó thấy được khả năng thật của mình và không muốn nhận lãnh chức vụ quản trị mà cái chức vụ đó đòi hỏi khả năng biết quản trị con người, công việc mà cá nhân đó không có. Ngược lại có những người vì ham muốn được lên chức, dù không có khả năng lãnh đạo, nhưng được đề bạt để lên chức quản trị rồi khi nhận lãnh trách nhiệm, nhân viên bên dưới than phiền hoặc từ từ xin nghỉ việc; hoặc chuyển đi nơi khác bởi cá nhân đó đã không biết thực hiện chuyện phân công cho chính mình và phân công cho những người khác để tạo ra sự hài hòa trong bộ máy sinh hoạt của một đơn vị, bộ phận trong công ty, trong xã hội. Lý do đó giải thích tại sao LĐA cho rằng Phân Mệnh là quy định cương thường trong xã hội và phân mệnh là cương thường của phân công và phân lợi. Bạn không nắm rõ cái mệnh của mình ra sao, là gì -- thì khi bạn đặt không đúng vị trí của cái mệnh đó, bạn phá hủy cái cương thường bởi sự phân công cho bạn và cho người khác không phù hợp vì bạn không có khả năng trong vị thế đó.

Khi con người kết thành xã hội để bảo đảm an ninh cho cuộc sống thì sự phân công trong xã hội thành hình. Sự phân công đưa đến sự phân lợi (quyền lợi). Nhưng công việc thì khác nhau mà quyền lợi thì ai cũng muốn có nhiều hơn. Nhưng công việc thì có mức độ khác nhau đòi hỏi kiến thức, khả năng.... Do đó xã hội dựa vào học vấn, giáo dục, thi tuyển... để chọn người phù hợp với công việc. Nhưng xét đoán của con người không hoàn toàn chính xác và tâm tính của con người có thay đổi. Tham vọng, u mê, bè phái, tranh chấp... khiến con người tranh giành chức vụ, tham nhũng, gian lận, thủ đoạn... bất kể khả năng và kiến thức. Chức vụ càng cao thì càng ít mà công việc lại càng khó khăn, phức tạp nên mới phải cần người có đa tài, đức độ để đảm đương. Học thuyết "Cơ Năng và Bản vị" chính là bậc thang để dẫn dắt cá nhân đi từng bước tiến lên trong sự nghiệp đóng góp cho xã hội, được xã hội chấp nhận và định vị cái "sở mệnh" của mình để đạt đến ngôi vị "chính kỳ".

Cho nên sự phân mệnh không chỉ là điều kiện tài đức, khả năng của một cá nhân mà còn là sự chấp nhận (chọn lựa) của tập thể xã hội. Và khi kẻ bất tài (nhờ thủ đoạn hay tình cờ) nắm chức vụ quan trọng thì sẽ gây thiệt hại cho xã hội (dân tộc, quốc gia). Do đó xã hội con người phải có Nhân chủ rồi mới có Dân chủ và Dân chủ thì phải đa đảng chứ không thể là độc tài (cá nhân lãnh đạo suốt đời) hay độc đảng (đảng cai trị suốt đời).

Vậy khi phân mệnh có chính kỳ theo hàng dọc (tung, nội tại) và bên ngoài đi theo "cơ năng và bản vị" (hợp, ngoại tại) thì xã hội nhân sinh mới ổn định và thăng tiến. Còn như những tiến bộ hiện thời đi cùng với hủy hoại thì không thể gọi là thời kỳ ổn định của nhân loại.

Nếu trong gia đình, vai trò của người chồng, người cha (hay mẹ) như thế nào thì trong xã hội vai trò của mỗi cá nhân theo phân Mệnh cũng sẽ như vậy vì theo Sinh Mệnh Tâm Lý (Đức nghiệp, Ý nghiệp, Tình nghiệp...) hay trong xã hội biện chứng pháp (khả năng, tất năng) thì con người sinh ra chịu ảnh hưởng bởi nghiệp, khả năng hay tất năng sẵn có. Nếu bạn chấp nhận khoa Tử Vi như là một phương tiện để tìm hiểu và giúp cải thiện (tu dưỡng) con người thì nếu xấu -- nên tìm cách sửa đổi cho tốt. Còn nếu tốt thì cố làm cho tốt hơn thay vì chạy loanh quanh chỉ làm mất thì giờ của bản thân và làm rối loạn xã hội.

Chấp nhận hay không là tùy theo tri thức của bạn.

Bạn có thể thách thức số mệnh hay lá số tử vi của mình nhưng khi bạn 60 và nhìn lại cuộc đời của mình với lá số tử vi thì lúc đó bạn có chấp nhận "sở mệnh" thì cũng đã muộn rồi, chẳng giúp gì cho xã hội cả.

Trần Công Lân

Tháng 10 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Ghi chú: “Phân Mệnh, Phân Công, Phân Lợi” có ý nghĩa rộng hơn, đáng để vận dụng trong các phân tích về những hoạt động diễn ra của xã hội; không nên tóm gọn thành “được hiểu là đặt đúng vị trí cho hợp lý” – đây chỉ là một ý trong 3 khái niệm này, 3 khái niệm trên thì lớn hơn 1 ý này.

Nguồn: https://nganlau.com/2020/11/24/phan-menh-dien-giai-tu-mot-goc-nhin/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...