Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Nhân Cách Con Người

Một nước Việt mới ngoài những con người mang tinh thần Nhân Chủ (https://nganlau.com/2019/07/15/con-nguoi-viet-nhan-chu/) mà còn phải là người có Nhân Cách. Câu hỏi đặt ra là Nhân Cách là gì?

Nhân Cách là lối sống, lối hành xử, ứng xử của con người trong xã hội mình đang sống. Nhân Cách được hình thành qua những ảnh hưởng của bên ngoài nhưng cái quan trọng là do chính ở tri thức ở bên trong của con người để hình thành nên nhân cách của chính mình.

Người có nhân cách là người tôn trọng sự thật cho dù sự thật đó có thể làm hại đến nghề nghiệp, chức vụ, địa vị của chính bản thân người đó. Người có nhân cách nhìn sự thật bằng bản chất thực tế của sự thật chứ không dùng ngụy biện để che giấu bản chất thực tế của sự thật. Với khung thời gian của hôm nay, mọi sự thật được nhiều người biết chứ không phải là thời điểm của thế kỷ 20. Cho nên người có nhân cách luôn luôn đặt sự thật lên hàng đầu, nói những điều có thật chứ không phải nói những điều không có dữ liệu chứng minh, thực tế chứng minh.

Người có nhân cách là người luôn luôn đứng thẳng, đi bằng hai chân chứ không luồn cúi, đi bằng đầu gối để quỳ lạy giới lãnh đạo, hoặc quỳ bởi vì sợ hãi những đòn tâm, sinh lý của bạo quyền đối với cá nhân và gia đình của chính mình. Nhân cách của chính bản thân được trả một giá khá cao, đôi khi cả tính mạng của mình. Nói theo kiểu của Phùng Quán:

“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu …”

Đó chính là nhân cách của một con người, không bao giờ khuất phục trước bạo quyền, trước những hăm dọa cho dù sự hăm dọa đó là cái chết thì người có nhân cách luôn luôn nói đúng sự thật, đúng suy nghĩ ở chính trong tâm của mình. Người có nhân cách cũng không bao giờ nghe những lời ngọt mật để nói những điều đi ngược lại tâm của chính mình.

Người có nhân cách là người có tâm lành. Tâm lành có nghĩa là người có nhân tính. Từ cái nhân tính đó, người có nhân cách luôn luôn ứng xử với người khác, với xã hội trong một tinh thần như đối xử với chính mình. Sự khác biệt giữa người có nhân tính với người không có nhân tính là người có nhân tính không muốn người khác lừa gạt mình và ngược lại họ cũng không muốn lừa gạt người khác. Còn người không có nhân tính thì họ không muốn người khác lừa gạt mình nhưng họ sẵn sàng lừa gạt người khác để làm giàu, làm lợi cho chính bản thân họ.

Người có nhân cách là người có lối ứng xử với mọi người bằng cái nhìn của Con Người đối với Con Người chứ không phải ứng xử dựa vào bằng cấp, địa vị, sự giàu có. Nói đúng ra người có nhân cách là người có tri thức. Chính cái tri thức đó mà người có nhân cách nhìn bằng cấp, địa vị, giàu có chỉ là bề ngoài chứ không nói lên được Con Người thật đúng nghĩa của Con Người. Chính vì cái nhìn đơn giản như thế cho nên người có nhân cách đối xử người có học hay không học; người giàu hay nghèo; người làm việc bằng trí óc hay làm việc bằng tay chân; người có chức vụ trong cơ chế cầm quyền hay không có chức vụ đều như nhau chứ không có sự phân biệt đối xử.

Người có nhân cách biết rõ giới hạn của chính mình cho nên luôn luôn lắng nghe ý kiến khác biệt từ mọi người, mọi lứa tuổi để nâng cao sự hiểu biết của chính mình. Dĩ nhiên, sự hiểu biết của bản thân luôn luôn không bao giờ đủ và sự học hỏi sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi trái tim ngưng đập. Chính vì nhận thức này mà người có nhân cách luôn luôn tôn trọng mọi người cho dù có ý kiến khác biệt nhưng không vì sự khác biệt đó để rồi đem trình độ (hoặc bằng cấp) của bản thân để “hạ” người khác biệt ý kiến với mình.

Người có nhân cách cảm nhận được nỗi đau của thiên hạ là nỗi đau của chính mình. Từ đó người có nhân cách sẵn sàng lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội, những tệ nạn thối nát trong xã hội. Cho dù hoàn cảnh sống của người có nhân cách rất khó khăn nhưng không vì thế mà người có nhân cách sẵn sàng hợp tác với bạo quyền để kéo dài sự khổ đau, sự bất công, sự thối nát của xã hội.

Người có nhân cách không bao giờ làm nô lệ cho đồng tiền và sẵn sàng rơi nước mắt trước những bi kịch, thảm kịch của đất nước. Có nghĩa là “nghèo cho sạch, rách cho thơm” chứ nhất định không bị đồng tiền mua chuộc nhân cách của mình. Sự rơi nước mắt của người có nhân cách không phải là sự yếu mềm mà rơi nước mắt trước những đại bi kịch của đất nước, của con người Việt chứng tỏ người có nhân cách có một trái tim rất Người chứ không giống những con “vật” đội lớp người trong giới lãnh đạo đảng csvn hiện giờ.

Người có nhân cách luôn luôn tôn trọng người khác cho dù có sự khác biệt ý kiến và không dùng mạng xã hội để đưa ra ý kiến kỳ thị chủng tộc, hoặc chửi mắng người khác khi người đó không tâng bốc mình hoặc nói lên sự thật không tốt về mình. Người có nhân cách không nhìn giới truyền thông là kẻ thù mà hiểu rằng giới truyền thông thực hiện quyền tự do ngôn luận cho dù cái quyền đó đã được sử dụng không công bằng nhưng không có nghĩa đó là kẻ thù của quần chúng. Nếu giới truyền thông nói sai về mình thì mình cũng có đầy đủ quyền phản biện để chỉ ra cái sai của giới truyền thông.

Nhân cách con người không phải tự nhiên mà có. Nhân cách đó được hình thành từ lúc trưởng thành mà sự trưởng thành đó không giới hạn tuổi tác là bao nhiêu. Có người trưởng thành trước 18 tuổi ngược lại có người trưởng thành sau 30, sau 70 hoặc không bao giờ chịu trưởng thành. Sự hình thành nhân cách của con người là sự tự tôi luyện ở ngay chính bản thân, ngay tận trong tri thức của chính mình để kiện toàn nhân cách của mình ngày một hoàn hảo hơn.

Nhân cách con người không một trường sở nào dạy nên vì thế có bằng cấp cao, học ở những trường nổi tiếng không nói lên được nhân cách của cá nhân đó. Sự quan trọng của nhân cách con người được diễn đạt qua câu “chữ tâm bằng ba chữ tài”. Người có nhân cách luôn luôn là người có tâm tốt sống vì mình và vì mọi người chứ không phải chỉ sống vì mình mà quên mọi người.

Vậy thì một nước Việt mới, Việt tộc phải xem nhân cách con người là quan trọng để chọn người tài, có nhân cách vào trong vị thế lãnh đạo chứ không thể chọn người tài nhưng không có nhân cách vào vị thế lãnh đạo.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/08/24/nhan-cach-con-nguoi/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...