Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Sợ Hãi

Sợ hãi phát xuất từ ý thức. Cái ý thức sợ hãi đó đến từ lúc nhỏ khi bản thân đã có nhận xét để tạo thành sự sợ hãi.

Có những đứa trẻ sợ con gián, thằn lằn hay bất cứ con gì đó bay trong nhà, ngoài đường -- cho dù con vật đó đã chết nhưng vẫn không dám bắt. Có những đứa trẻ không sợ con gián hay thằn lằn nhưng lại sợ con khác như con trùn, con sâu. Nhưng lại có những đứa trẻ hoàn toàn không sợ con gì. Tất cả đều khởi đầu từ ý thức hay tiềm thức nằm bên trong của đứa trẻ.

Khi trẻ lớn lên thì sự hiểu biết gia tăng qua tương tác với thực tế và xã hội để thấy rằng những con vật nhỏ bé đó không làm cho mình sợ hãi nữa; hoặc nếu vẫn còn thì không phải lo lắng bởi biết rằng những con vật đó không hại đến mình.

Tuy nhiên khi đứa trẻ trưởng thành thì có những sợ hãi vẫn tiếp tục chẳng hạn như sợ chết, sợ bị người yêu bỏ rơi, sợ không đem lại niềm vui cho gia đình, sợ không lo đủ cho cái ăn-mặc vào ngày mai.

Nguyên nhân nào đưa đến sự sợ hãi của người đã trưởng thành? Dĩ nhiên sự sợ hãi luôn luôn đến từ ý thức bên trong. Nhưng ở tuổi trưởng thành thì sự sợ hãi không phải đến từ ý thức mà đến từ sự Tham-Sân-Si. Tu dưỡng thắng nhân là để rèn luyện chính mình, tự mình làm chủ lấy mình mà không bị Tham-Sân-Si làm chủ để tạo ra sự sợ hãi.

Tâm lý ai cũng ham sống sợ chết. Muốn vượt lên tâm lý sợ hãi thì phải vượt lên tâm lý ham sống sợ chết. Mà muốn vượt lên tâm lý này thì phải hiểu rõ thế nào gọi là sống và thế nào gọi là chết.

Từ Sống của Con Người phải hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Nếu không hiểu theo nghĩa rộng lớn thì cuộc sống của con người cũng giống như con vật không hơn không kém. Cho nên Sống của con người là để phục vụ mình và xã hội. Khi mình sinh ra cũng như tiến trình lớn lên đến tuổi trưởng thành là nhờ sự giúp đỡ của xã hội -- cho nên khi trưởng thành, tự chính mình độc lập trong cuộc sống thì phải có trách nhiệm với xã hội. Sống chỉ nghĩ đến tiền bạc, danh vọng, trai gái, ăn nhậu mà không quan tâm đến những người khác trong xã hội, không quan tâm đến môi trường sống đang bị ô nhiễm thì cá nhân đó sống nhưng đã chết. Cái sống đó gọi là sống hèn, sống bạc nhược, sống cho có sống chứ cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa. Cái sống đó là cái sống của loài vật chứ không phải cái sống của loài người. Cuộc sống đó là cuộc sống của người “chết”.

Nói về cái chết thì ai cũng không tránh khỏi. Sinh-Lão-Bệnh-Tử là con đường sống của nhân loại. Ai cũng phải chết. Khác chăng là chết sớm hay chết muộn; chết ra sao. Chết là trái tim ngưng đập, toàn thân thể ngưng hoạt động. Tuy nhiên có những người sống nhưng thực tế đã chết như đã nói bên trên.

Nếu ai cũng sẽ chết thì tại sao phải sợ hãi? Muốn vượt lên sợ hãi về cái chết thì cứ quan niệm rằng mình đã “chết” -- để khi đối diện với cái chết mình không còn sự sợ hãi bởi đã “chết” thì chết thêm một lần nữa có gì lạ đâu. Đây là sự luyện tập để tâm của mình vượt lên sự sợ hãi về cái chết.

Ai Weiwei, nhà đấu tranh bất bạo động ở Tàu, đã cho rằng thời gian ông bị giam trong một trại tù bí mật, mỗi giây phút ông có cảm giác đã chết. Và chính cái cảm giác này đã làm ông vượt lên được sự sợ hãi về cái chết và từ đó, nhà cầm quyền Trung Cộng đã không thành công trong trò chụp mũ ông về tội gọi là chống lại nhà nước Trung Cộng. Cuối cùng họ chụp mũ ông về tội trốn thuế, một tội mà ông không hề có.

Chính cái tinh thần vượt lên sự sợ hãi của cái chết, Ai Weiwei đứng thẳng người không sợ sệt trước những đàn áp về mặt tinh thần hay thể xác. Bởi trong chính sự suy nghĩ là ông đã “chết”; cho nên sự sợ hãi về cái chết, về chuyện nhà cầm quyền Trung Cộng giết ông hoặc đàn áp ông đã trở thành vô giá trị đối với bản thân ông. Ông từ bỏ sự sợ hãi để chọn thái độ Sống cho đáng sống; sống để lên tiếng chống lại cái ác, cái bạo đang diễn ra trong cuộc sống của ông và của những người sống dưới chế độ độc tài cộng sản Tàu.

Nhiều người tù dưới chế độ độc tài đã vì sợ hãi trên mặt tinh thần và thể xác nên nhận tội mà cá nhân đó hoàn toàn không có tội. Tạm thời không bàn đến chuyện nhận tội vì mục đích chính trị (giống như Hàn Tín sẵn sàng lòn trôn giữa chợ). Sợ hãi sẽ làm nhân phẩm của con người trở nên hèn với chính mình. Cho nên phải tập tính vượt lên nỗi sợ hãi như Ai Weiwei. Mà Ai Weiwei không những chuẩn bị tinh thần cho cái chết của chính mình mà gồm cả cái chết của gia đình, họ hàng thân thuộc. Bởi chính ông biết tâm lý của các nhà độc tài sẽ hăm dọa những người thân thuộc để khuất phục người chống lại cái sai trái của người cầm quyền. Cho nên khi chọn cuộc sống cho lẽ phải thì phải chuẩn bị tinh thần, tâm lý là cá nhân mình, gia tộc mình đã chết để không cho bất cứ ai, bất cứ nhà cầm quyền nào dùng tâm lý sợ hãi đó khuất phục tinh thần sống cho lẽ phải của chính bản thân.

Cuộc sống là một thử thách với nhiều hoàn cảnh mà mỗi cá nhân trực diện. Thay vì sợ hãi, lo âu thì phải chọn thái độ làm gì ứng phó trước những khó khăn, đe dọa từ bên ngoài. Chỉ khi nào chúng ta loại bỏ được tâm lý sợ hãi để thay vào tâm lý ứng phó, chuẩn bị thì tự nhiên sự sợ hãi sẽ biến mất.

Dĩ nhiên không phải hoàn cảnh nào cũng có cách giải quyết vấn đề. Cho dù chúng ta ở trong một hoàn cảnh không có lối thoát thì ít nhất chúng ta có cái quyền chọn Sống cho xứng đáng là một Con Người chứ không chấp nhận lối sống của loài thú.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/24/tu-duong-thang-nhan-so-hai/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...