Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P3)

a.  Giáo dục và con người

Trước khi loài người thiết lập hệ thống giáo dục để phổ biến kiến thức căn bản thì mỗi cá nhân tự quan sát, tìm hiểu để thiết lập nền tảng kiến thức cho cuộc sống. Khi giáo dục tạo căn bản cho mọi người thì có người biết phát huy kiến thức và làm giàu trong khi người khác thất bại. Người thành công thâu tóm các nguồn sản xuất và càng giàu có hơn. Người thất bại thì khó mà hồi phục hay có điều kiện cạnh tranh với kẻ đã giàu. Bất mãn vì thua thiệt đưa đến xung đột.

Nhu cầu giáo dục đi từ truyền thụ kiến thức căn bản của đứa trẻ để chúng hội nhập, tiếp nối các sinh hoạt xã hội mà cha ông để lại. Nhưng quan niệm giáo dục của các quốc gia khác nhau về văn hóa, tôn giáo, kinh tế.... Khi kiến thức con người phát triển thì quan niệm mỗi thế hệ sau phải khá hơn thế hệ đi trước qua sự học hỏi, cải tiến.... Nhưng khi dân số gia tăng, sự cạnh tranh tăng theo, lòng tham phát triển cực độ trong khi đạo đức suy đồi. Chiến tranh đánh dấu sự thất bại của loài người trong việc tìm kiếm hòa bình, hạnh phúc. Chiến tranh vì quyền lợi, tranh giành vật chất dưới danh nghĩa tự do, dân chủ...thực chất vẫn là kinh tế: tài sản, tài nguyên.

Vậy "Kinh Tế Nhân Bản" phải chăng cần có "Tung" theo trình độ, khả năng của mỗi cá nhân trong xã hội. Khi những người có khả năng sống với kinh tế tư bản, cạnh tranh và cải tiến ... sống trong khu vực A. Trong khi những người thuộc loại bình thường (công chức, bình dân lao động) chỉ muốn sống qua ngày (khu vực B) với nhu cầu vừa đủ sẽ cần sự bảo đảm của nhà nước để tránh bị lừa gạt, áp bức. Cuối cùng là thành phần khuyết tật (khu vực C) cần trợ cấp và che chở của chính quyền vì bản thân họ không đủ điều kiện đương đầu với đời sống xã hội. Cho dù ba thành phần đó có thể sống chung trong một khu vực thì căn bản bên trên vẫn phải được bảo đảm với sự tham dự của chính quyền (hoặc các đoàn thể xã hội dân sự) để giúp những người cần giúp.

Trong mỗi đẳng cấp như vậy lại cần có "Hoành" khi những người cùng lớp cạnh tranh với nhau trên căn bản luật pháp và quyền lợi cho phép. Nhưng họ không thể dùng khả năng hay quyền lợi để khai thác hay trục lợi những người thuộc đẳng cấp kém hơn. 

Thí dụ như vấn đề gia cư (nhà ở): Đẳng cấp A có thể là giới nhà giàu, có nhà bạc triệu thì sẽ sống khu vực ngoại ô với giá nhà bạc triệu. Nếu là cấp B, C thì sẽ cư ngụ khu vực thích hợp với khả năng tài chánh của họ. Sự kiện đầu tư của nhà giàu bằng cách mua nhà khu ổ chuột rồi sửa chữa, lên giá sẽ ép dân nghèo (1) tiếp tục chịu bóc lột; (2) sẽ phải dời đi nơi khác, xa thành phố hay nơi có việc làm.

Xã hội có an cư thì mới lạc nghiệp. Nền kinh tế không thể gọi là thịnh vượng khi giới lao động hay đáy tầng của xã hội không có nhà ở.

Kinh tế như vậy thì cũng không có dân chủ vì đa số dân nghèo không có thì giờ quan tâm đến chính trị khi phải lo miếng ăn, chỗ ở. Vì là tầng lớp dân nghèo, lao động nên trình độ học vấn không có là bao nhưng chính bản thân họ cũng không biết là "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị". Họ chạy theo miếng cơm, manh áo như đa số thường nghĩ kinh tế là quan trọng nhưng họ quên rằng những nhà chính trị (cầm quyền) sẽ quyết định đường lối, chính sách kinh tế. Như vậy đa số dân chúng khi mãi lo kinh tế chỉ là ngọn mà quên đi cái gốc là chính trị.

b.  Chính trị

Khi tiến tới cấp quốc gia thì vai trò điều hành việc nước trở nên phức tạp hơn. Người dân phải chọn đại diện tham dự chính quyền và sinh hoạt chính trị ra đời.

Mục đích của chính quyền là điều hành sinh hoạt xã hội về các mặt kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, y tế.... Đi từ chế độ quân chủ khi quyền lợi tập trung trong tay một thiểu số ưu tú nắm trọn các nguồn lợi quốc gia chuyển sang chế độ dân chủ do dân chọn lựa nhưng chênh lệch giàu nghèo đã có. Vậy thì chính phủ sẽ làm gì để giải quyết sự phân phối tài nguyên và tài sản quốc gia? Điều đó đòi hỏi chính quyền phải có một chủ thuyết (triết học) để hướng dẫn giải quyết các khác biệt về tinh thần và vật chất trong xã hội.

Guồng máy chính trị có hai loại người (1) công chức là những người chọn sự nghiệp phục vụ công chúng với đồng lương khiêm nhường để đổi lấy công việc bền vững cho tới khi về hưu. (2) Loại viên chức cao cấp do người dân chọn lựa qua bầu cử (tổng thống, quốc hội...) làm việc theo nhiệm kỳ (giới hạn) lương cao nhưng trách nhiệm cũng nặng nề: thiết kế và chấp hành nhân sinh. Để tranh quyền lãnh đạo các nhân vật chính trị kết thành tổ chức chính trị (đảng). Nhưng trong tiến trình tranh đấu, lòng tham, thủ đoạn đã biến đổi con người nên khi nắm quyền thay vì phục vụ xã hội (người dân) thì họ trở thành bè phái phục vụ cho nhu cầu của đảng, hay cá nhân.

Những nhà chính trị (đảng) sẽ quyết định chính sách kinh tế như thế nào khi tài nguyên có giới hạn?

Vậy thì "Kinh Tế Nhân Bản" không phải chia đều tài sản cho mọi người. "Kinh Tế Nhân Bản" là phân phối tài sản hợp tình, hợp lý theo khả năng làm việc và lợi tức phân phối theo nhu cầu. Một khi bạn có dư không có nghĩa là sẽ dùng chỗ "thặng dư" đó để khuynh đảo và trục lợi kẻ thiếu thốn, yếu kém, bệnh tật.... Thí dụ: (1) nhà giàu có thể mua xe đắt tiền để ngắm chơi nhưng không thể mua xe mà đa số dân đang cần để đầu cơ tích trữ, lên giá chợ đen làm giàu. (2) Nhà giàu có thể mua thức ăn đắt tiền nhưng không thể mua thực phẩm căn bản của quần chúng để đầu cơ. (3) Nhà giàu có thể mua những mảnh đất ruộng xa thành phố nhưng không thể mua những mảnh đất mà người dân đang cư ngụ dạng mobile home, để rồi lên giá với mục đích bóc lột người nghèo hoặc đuổi người nghèo đi nơi khác.

Trở ngại của giới lãnh đạo chính trị là họ được chọn trong bối cảnh nhu cầu của đất nước, dân tộc. Nhưng người dân thường không nhìn thấy nhu cầu đối ngoại. Trong tình trạng thế giới hiện nay thì thông tin và giao thông toàn cầu đưa đến chính trị và kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chế độ chính trị, kinh tế của các quốc gia không đủ linh động để đối phó với tình trạng khoa học kỹ thuật tiến quá nhanh, gây xáo trộn cho các nước về văn hóa, giáo dục khi khuynh hướng kinh tế thị trường chiếm ưu thế nhưng tài nguyên của trái đất chỉ có vậy thôi. Nếu chiến tranh (mạnh hiếp yếu) không giải quyết được thì phải qua phương pháp hòa bình. Đó là sự phân phối tài nguyên, tài sản của thế giới. Phải chăng đó là "Kinh Tế Nhân Bản"?

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P4)

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/07/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p3/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...