Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P6)

3. Con người và khả năng

Người giàu thường cho rằng vì mình có thông minh, tài năng, sáng kiến, siêng năng... nên làm giàu và cho rằng người nghèo lười biếng, hoang phí.... Đó là một sự so sánh không chính xác khi dựa trên bản thân cá nhân: trí óc và thể xác.

Thuở hoang sơ thì kẻ khôn ngoan mượn danh nghĩa Thượng đế nhưng khi tôn giáo phai tàn thì họ nhân danh hiến pháp, tuyên ngôn độc lập, kêu gọi sự bình đẳng tuy rằng họ biết rằng con người có bề ngoài giống nhau nhưng có khả năng khác nhau. Họ biết rằng con người cần có xã hội và xã hội cần có lãnh đạo. Nắm lấy tâm lý con người, họ đã lũng đoạn xã hội để thủ lợi. Vì thế chúng ta thấy không có lãnh đạo nào nghèo cả và càng có nhiều "quốc gia" xuất hiện thì càng có nhiều "quốc gia thất bại" (failed states).

a. Trí óc

Con người sinh ra ai cũng có bộ óc. Không nói đến trường hợp bệnh tật bẩm sinh thì bộ óc giúp con người suy nghĩ. Nhưng không phải ai cũng suy nghĩ giống nhau. Điển hình là khi đi học, có người học giỏi, có người học dở. Nhưng giỏi hay dở thì cũng chưa quyết định sự thành công trong đời (giàu nghèo).

Học trung học, đại học xong cũng chưa xác định sự giàu nghèo khi vào đời kiếm ăn (công việc). Điều gì đã xảy ra trong suy nghĩ của từng cá nhân khi tiếp nhận kiến thức như nhau? Sự nhận thức và phát huy sáng kiến của mỗi người làm cho cá nhân đó trở nên độc đáo hơn người khác. Nhưng lợi điểm đó đã được dùng như thế nào để đóng góp cho xã hội mới là quan trọng.

Hãy nhìn lại lịch sử phát minh của loài người. Từ thời đại đồ đá, đồ đồng... những phát minh của con người để cải thiện đời sống đã không có sự đền bù của xã hội về quyền lợi nhưng vẫn giúp con người tiếp tục phát huy sáng kiến. Vì không có bản quyền (copyrights) nên những phát minh đó đã được phổ biến nhanh hơn. Cũng vì không có quyền lợi nên không có sự bắt chước giả tạo, cưỡng ép để thu lợi mà chỉ có những phát minh thực sự hữu dụng mới phổ biến. Những nhà phát minh thời xa xưa, họ nghĩ đến sự lợi ích của sản phẩm mà họ sẽ tạo ra để phục vụ xã hội chứ họ không nghĩ là họ có làm giàu với sản phẩm. Mục đích chính của họ là phát minh phục vụ xã hội trong khi đó mục đích chính của những nhà phát minh hiện giờ là để làm giàu (cho bản thân hay cho công ty).

Trí khôn của loài người tạo sự khác biệt giữa con người trong xã hội. Khi đời sống xã hội không còn bị khống chế bởi danh nghĩa Thiên tử hay Thượng đế thì nhản hiệu dân chủ ra đời nhưng con người không có Nhân Chủ (nhân bản, nhân cách) thì xã hội vẫn hỗn loạn vì con người vẫn còn tìm cách bóc lột, chén ép, kỳ thị nhau.

Nếu những "thiên tài" cho rằng mình là khôn ngoan thì hãy làm những gì ích lợi cho xã hội về cả vật chất lẫn tinh thần chứ không phải chỉ làm những gì mình thích, mình thấy mà bất kể tình trạng xã hội, văn hóa, đạo đức.... Nếu chỉ vì cậy mình khôn, giỏi để thống trị người khác thì cũng sẽ có kẻ cậy sức mạnh, tàn bạo để vươn lên thì có khác gì thế giới loài vật?

b. Lịch sử

b.1 Sự tranh chấp (hay cạnh tranh)

Lịch sử phát triển của loài người từ đời sống du mục (săn bắn) đến định cư (canh nông) rồi kỹ nghệ vì sự phát minh khoa học kỹ thuật. Con người học hỏi lẫn nhau, cải tiến đồ dùng để đem lại ích lợi cho đời sống. Tranh đua lợi nhuận dẫn đến (a) tranh chấp kinh tế và (b) chiến tranh. Có thể nào nhân loại chỉ đạt tới (a) mà không dẫn tới (b)?

b.2 Chi tiết

Hãy nhìn lại tình trạng xã hội loài người khi các nhà phát minh chưa được hưởng đặc quyền kinh tế cũng như trước khi các thế lực tư bản thành hình thì những thành quả có giá trị kinh tế được phổ biến trong xã hội không phân biệt giai cấp. Vì không có giới đầu tư, trung gian khai thác hay khuynh đảo thị trường (nhu cầu) nên không có lớp người bị bóc lột. Từ khi con người nghĩ ra cách lợi dụng thành quả kinh tế (thương mại, tài chính) để thủ lợi bằng cách đứng trung gian giữa người làm ra và giới tiêu thụ.

Nếu nói về sự phân công xã hội thì người trung gian cũng có phần (quyền lợi và trách nhiệm) nhưng không vì thể mà khuynh đảo xã hội (nạn chợ đen). Vì núp trong bóng tối, giới trung gian trở thành phù thủy lợi dụng kẽ hở của chính trị và kinh tế để thao túng xã hội. Hãy nhìn qua công nghệ chăn nuôi, các công ty lớn hiện giờ như Tyson không trực tiếp tham gia vào việc chăn nuôi mà giao cho các nhà chăn nuôi khác thực hiện. Trong tiến trình đó, công ty Tyson lợi dụng sức mạnh của mình để đòi hỏi các nhà chăn nuôi có hợp đồng với công ty Tyson bỏ tiền đạt những tiêu chuẩn mà công ty Tyson đưa ra trước khi họ gia hạn hợp đồng. Các nhà nuôi gà cho công ty Tyson không có sự lựa chọn bởi chẳng lẽ chuyển sang công ty khác mà các công ty khác cũng dùng cùng một hình thức như công ty Tyson, ép buộc người nuôi gà bỏ tiền để thực hiện theo đúng chủ trương của công ty đưa ra trước khi họ giao hợp đồng nuôi gà. Sự chèn ép giữa người nuôi gà, thành phần kinh tế cá nhân với công ty lớn, nhiều tiền, có luật sư thì phần trăm thiệt thòi là thành phần kinh tế cá nhân bởi sẽ không có tiền để thưa kiện; hoặc vì cuộc sống sẵn sàng chấp nhận hình thức bóc lột kiểu mới dưới cái gọi là kinh tế thị trường, kinh tế tự do, kinh tế tư bản. Đó chính là điểm mà Kinh Tế Nhân Bản muốn loại trừ bằng cách trong sạch hóa sinh hoạt xã hội.

Chúng ta đã chứng kiến nạn tham nhũng tàn phá các quốc gia nhược tiểu chỉ vì thiểu số muốn làm giàu bằng cách chiếm đoạt tài vật đáng lẽ được phân phối đến tầng lớp dân nghèo. Trong khi tại các quốc gia tân tiến thì giới đầu tư khai thác kẽ hở của luật pháp để bóc lột dân nghèo bằng cách chiếm hữu các phương tiện, nguồn sản xuất trong kinh tế  trong khi tránh né các trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội (thuế).

Nhiều chính quyền đã giảm thuế vì nghĩ là sẽ khuyến khích các nhà đầu tư (nhà giàu) kinh tế nhưng thực tế chỉ làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng sai biệt (trường hợp các công ty, hãng ngoại quốc đầu tư tại các nước nghèo, khai thác nguyên liệu xong bỏ chạy để lại gánh nặng môi sinh).

Gần đây chủ nghĩa giới hạn (Limitism) đề nghị sự hưởng lợi (hay thu lợi) của giới chủ nhân hay lãnh đạo công ty phải được giới hạn ở một mức độ vừa phải, vẫn làm giàu nhưng không quá mức đến độ vô lý khi lương giám đốc tăng hàng trăm phần trăm trong khi lương nhân công không tăng hay tăng rất ít so với giá sinh hoạt.

Nhưng chủ nghĩa giới hạn đã chỉ chận đầu ngọn vấn đề mà không tìm gốc. Gốc của kinh tế, xã hội vẫn là con người.

Khi con người không được giáo dục đúng, một nền giáo dục Nhân Bản, để có con người hoàn thiện -- mà chỉ có nền giáo dục biến con người thành công cụ kinh tế để tiếp nối đời sống xã hội đang có -- mà không tìm hiểu là xã hội hiện hữu đang có những vấn đề cần phải cải tổ tận gốc vì đã đi sai lạc từ nhiều thế hệ mà những cố gắng thay đổi đã bị mua chuộc hay bị tiêu diệt.

Khi thế giới có những thành công về kinh tế mà vẫn còn những kêu gọi đóng góp về nhân quyền thì có nghĩa xã hội loài người vẫn còn những lệch lạc nghiêm trọng. Điển hình là vấn đề môi sinh.

Bạn nói vấn đề môi sinh là hậu quả của nước nghèo, người nghèo? Hay nước giàu, người giàu? Hay cả hai?

Nếu vậy thì ai trách nhiệm? Phải người thông minh, học giỏi hay người ngu?

Nếu một con tàu đang đi vào vùng giông bão nguy hiểm chết người thì người khôn trên tàu giành ăn với người ngu có ích lợi gì?

b.3 Phân phối lợi nhuận

Đã có người tranh cãi về sự phân chia tài sản như cái bánh (pizza): Tại sao không làm cho nó to lớn hơn?

Tuy lớn hơn nhưng giới giàu vẫn chiếm hữu 85-90% các đất đai, phương tiện sản xuất thì lớp nghèo vẫn chỉ là 10-15% của cái bánh tổng thể. Lý luận này chỉ là trò đánh lạc hướng của giới giàu để trốn trách nhiệm với xã hội.

Hãy trở về với bản chất, thực chất của con người: cơ thể có giới hạn với trí óc suy nghĩ vô hạn. Nếu vì khả năng suy nghĩ mà bạn hơn người thì đừng vì thế mà đòi hỏi sản vật nhiều hơn người trong khi bản thân bạn không dùng hết.

Nếu bạn đã từng sống qua nạn đói thì đã thấy con người có thể giết nhau chỉ vì miếng ăn (tầm thường chứ không phải cao quý). Vậy thì miếng ăn ngon có thể đưa đến chiến tranh giữa 2 nước (như Trung Hoa thời xưa đòi hỏi các nước phải triều cống phẩm vật ngon, quý, hiếm).

Xung đột trong xã hội xảy ra khi người giàu muốn bảo vệ sự giàu có bằng cách làm giàu hơn nữa. Trong khi kẻ nghèo tới mức độ cùng cực sẽ nổi loạn vì không còn gì để mất nữa. Đó là sự khác biệt tinh thần dẫn đến khác biệt vật chất bởi vì con người đã quan niệm sai lầm về sở hữu cho đến khi tài nguyên thế giới cạn kiệt và hậu quả của môi sinh đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Con người thiếu khả năng suy nghĩ đã là một hình phạt nặng nề cho bản thân của họ rồi, không nên trừng phạt họ thêm nữa chỉ vì bạn có khả năng suy nghĩ hơn họ. Hãy dùng trí khôn của bạn để giúp người yếu kém chứ không phải để bóc lột người khi bạn không thiếu ăn.

Đó là điều mà những nhà sáng lập tôn giáo đã nói và làm.

Khi những nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo đem những lời của đấng sáng lập ra răn dạy người dân thì câu hỏi đầu tiên phải là: "tại sao chính bản thân của người lãnh đạo không sống, thực hiện những gì đấng sáng lập đã làm"? Sự lập lại chỉ là sự lừa dối của giới lãnh đạo lưu manh.

Tuy vậy những lời dạy đó vẫn bị những kẻ đi sau bóp méo để làm những "nhà tiên tri giả" cũng chỉ vì mục đích kinh tế: làm giàu.

Ý tưởng làm giàu phát xuất từ khi con người chưa nhìn thấy toàn bộ thế giới môi sinh. Chỉ vì lo sợ chiến tranh, thiên tai, nạn đói… nên con người muốn giàu có để bảo đảm đời sống khi chưa có thông tin toàn cầu như hiện nay. Vậy nếu an sinh xã hội được bảo đảm thì con người có từ bỏ sự làm giàu hay không?

Lịch sử loài người là tiến hóa chứ không phải hủy diệt. Hai lần thế chiến có đủ để con người thức tỉnh về quyền lực chính trị và kinh tế mà quên đi vấn nạn xã hội: con người.

Nếu con người kết thành xã hội (quốc gia) để xâm chiếm, gây chiến (vì chính trị hay kinh tế) và hủy diệt xã hội thì chắc chắn đó không phải là mục đích của con người.

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/15/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p6/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...