Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Những Nguyên Lý Của Duy Dân

Trong bài trước chúng ta có nói về Đại Cương Về Duy Dân Dưới Một Góc Nhìn. Kỳ này chúng ta sẽ nói về những nguyên lý của Duy Dân trong cuộc sống hằng ngày của con người. Đây là nguyên lý đã có từ thời nguyên thủy của loài người và được thăng tiến theo sự tiến bộ của sinh hoạt loài Người trên thế giới.

Nguyên lý thứ nhất là Con Người. Con Người là chủ thể của mọi sinh hoạt trong đời sống của chính mình. Đời sống của Con Người không những chỉ giúp cho cá nhân của mình mà đồng thời giúp cho xã hội, nhân loại cùng tiến hóa. Dù khác nhau về chủng tộc, văn hóa nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới này đều là loài Người.

Là con người chúng ta đều có nhu cầu sống giống nhau: thức ăn, nơi cư ngụ, lập gia đình, một việc làm để mưu sinh, giải trí (văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao…) thông tin, an ninh, y tế… Và như vậy nhân quyền là quyền con người được sống để theo đuổi các nhu cầu đem lại cuộc sống hạnh phúc trong tự do để chọn lựa theo khả năng và sở thích.

Nhưng vì con người không thể sống đơn độc, con người đã kết thành xã hội. Khi kết thành xã hội theo một công ước (social contract) hay hiến pháp đã đòi hỏi mỗi cá nhân phải hy sinh một phần tự do cá nhân dựa trên các điều kiện được thảo luận và đồng ý của mọi người. Đó là dân chủ.

Vậy nhân quyền, tự do, dân chủ phải là do cá nhân tự nguyện kết hợp chứ không phải do một đảng, một lãnh tụ tối cao quy định và bắt mọi người phải noi theo. Không có chuyện nhân danh vì Đông-Tây khác biệt hay chủng tộc, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… để cho rằng nhân quyền Á Châu khác nhân quyền Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu như lối ngụy biện của Trung Cộng hay những nhà độc tài trên thế giới.

Nguyên lý thứ hai là Con Người làm chủ lấy chính mình nhằm thực hiện nhu cầu nhu yếu (kinh tế) và tìm cách bảo vệ an ninh cho chính mình. Để thực hiện an ninh cho chính bản thân hầu chống lại sức mạnh của thiên nhiên, Con Người đã hợp thành xã hội để tạo ra những bộ lạc; kết hợp lại với nhau thực hiện sinh hoạt đời sống hằng ngày để mọi người trong bộ lạc cùng nhau tiến hóa; chia sẻ những trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyền lợi trong một bộ lạc, một quốc gia.

Các hình thức về cơ cấu chính quyền có thể khác nhau nhưng nhiệm vụ và mục đích không khác. Đảng chính trị chỉ là bộ phận tập trung các nhân tố có khả năng và sở thích phục vụ cộng đồng không có nghĩa là lợi dụng sự hiểu biết để thống trị và lạm dụng quyền lực. Cũng như tôn giáo, khi nhân loại còn sơ khai thì tôn giáo giữ vai trò duy trì đạo đức xã hội nhưng khi khoa học tiến bộ giúp con người phát triển tri thức về nhân loại, thiên nhiên và vũ trụ thì đạo đức là trách nhiệm nơi mỗi cá nhân phải đóng góp vào xã hội để duy trì trật tự, hài hòa, ổn định. Con người không thể dựa vào thượng đế để tiếp tục làm điều sai trái và để cho thượng đế cứu rỗi hay xá tội.

Nguyên lý thứ ba là Con Người thành lập ra cơ cấu nhà nước, quốc gia để phục vụ sinh hoạt của Con Người sống trong xã hội đó. Không có Con Người thì sẽ không có cơ cấu nhà nước xuất hiện. Vậy thì bất cứ cơ cấu sinh hoạt của quốc gia là để phục vụ đời sống của Con Người sống trong quốc gia đó chứ không phải để phục vụ cái cơ cấu hay phục vụ đảng như đảng csvn hiện giờ. Con Người có sống và chết, có cơ thể vật chất và tinh thần với Tâm-Sinh-Lý như nhau. Vậy nếu Con Người  sống nhờ thiên nhiên và toàn bộ nhân loại chỉ có trái đất để sống thì phải sống chung, không thể tranh chấp sở hữu tài nguyên vật chất để giết hại lẫn nhau vì mỗi cá nhân đều thở như nhau và ăn ngủ trong 24 giờ mỗi ngày, sống không quá 100 năm.  Con Người có gây chiến để tranh đoạt tài nguyên thì chỉ dẫn đến hủy diệt nhân loại và thiên nhiên.

Nguyên lý thứ tư là cá nhân và xã hội luôn luôn là đối lập nhưng mà là đối lập thống nhất để cùng nhau tiến hóa chứ không phải là đối lập để đấu tranh tiêu diệt nhau như thuyết cộng sản. Nam-Nữ đối lập nhưng thống nhất để tiến hóa, phát triển giống nòi. Bình điện có dòng điện âm và dương đối lập nhau nhưng được hợp lại để tạo ra bình điện nhằm phục vụ cuộc sống của con người.

Con người phải giải quyết xung đột giữa các cá nhân để duy trì cuộc sống tập thể. Chủ nghĩa cá nhân (individualism) hay chủ nghĩa xã hội (Karl-Marx, communist) đều đưa đến cực đoan. Các tôn giáo chỉ dẫn đến phân biệt và tranh chấp vì cá nhân đã giao phó niềm tin cho vị lãnh đạo tôn giáo là đã đánh mất tự do, độc lập và dân chủ. Nói thế không có nghĩa là bài bát tôn giáo mà chỉ là lời nhắn nhủ cá nhân phải làm chủ lấy chính mình chứ đừng để người khác làm chủ lấy mình. Những vị lãnh đạo tôn giáo cũng là Con Người cho nên sẽ không hoàn hảo ở bất cứ vấn đề nào thành ra khi nghe các vị lãnh đạo nói, cá nhân phải dùng trí tuệ của mình để suy xét đúng - sai chứ không thể nào chấp nhận một cách dễ dãi để rồi trở thành quá khích như những người Hồi Giáo thực hiện chuyện khủng bố.  Khi con người sống trong xã hội và tránh né nhiệm vụ, bỗn phận với xã hội là nguyên do đưa đến hỗn loạn.

Nguyên lý thứ năm là tương quan giữa thiên nhiên, con người và xã hội là tương quan hữu tương, tác động lẫn nhau để cùng nhau nâng cao mức sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Sự tương quan này dựa trên tinh thần đồng tiến thì mới không có chiến tranh, mới không phá hoại môi sinh. Sự tương quan dựa trên tinh thần cá lớn nuốt cá bé, dựa trên tinh thần mạnh được yếu thua, dựa trên tinh thần dục vọng (lợi nhuận cho bản thân mà không quan tâm đến toàn thể) thì sẽ dẫn đến bất công; từ bất công đưa đến chiến tranh, môi trường thiên nhiên bị phá hoại và cuối cùng sẽ đưa đến sự hủy diệt loài người. 

Con người tuy có cơ thể giống nhau nhưng khả năng và năng khiếu khác nhau. Những cá nhân có khả năng suy nghĩ sâu xa và năng khiếu lý luận đã dẫn đến triết học, toán học và khoa học là nền tảng của văn minh nhân loại. Triết học là hệ thống lý luận về con người và cuộc sống trong đó có xã hội ,thiên nhiên. Khi con người vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối…đã chạy theo những ham muốn tầm thường; đã quên đi cái nhìn tổng thể (toàn vẹn) về tương quan con người –xã hội –thiên nhiên. Sự phát triển của nhân loại dựa trên giáo dục qua từng thế hệ. Khi giáo dục bỏ qua những minh triết thì loài người sa lầy trong dục vọng, thù hận. 

Nguyên lý thứ sáu là mỗi cá nhân đều nhờ vào một cá nhân khác để kiện toàn cho chính tri thức của mình và từ đó đem tri thức của mình truyền đạt đến người khác nhằm cùng nhau tiến hóa. Đây là thuyết Ỷ Tha (dựa vào), Tự Kỷ (tự chính mình) và Động Tha (tác động) mà Tự Kỷ là chìa khóa căn bản để tạo ra một sự Động Tha tốt hay xấu. Xin xem bài nói về thuyết này https://nganlau.com/2019/02/01/y-nghia-y-tha-tu-ky-dong-tha/

Nguyên lý thứ bảy là mỗi cá nhân vừa là một cơ năng hoàn thiện, vừa là một bản vị tổng thể. Có nghĩa là cá nhân phải tự mình hoàn thiện ở chính mình, tự mình làm chủ lấy chính mình, và tự chính mình có thể độc lập sống ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào. Chỉ khi nào tự chính mình hoàn thiện thì lúc đó mới phối hợp với một cá nhân khác để tạo ra một bản vị gọi là bản vị gia đình, đoàn thể, xã hội. Điều này cũng giống như một chiếc xe đạp. Để có một chiếc xe đạp (bản vị) thì chiếc xe đó cần nhiều phụ tùng (cơ năng) khác nhau như vỏ xe, sườn xe, thắng, sườn bánh xe v.v…. Tất cả những phụ tùng (cơ năng) đó phải hoàn thiện thì mới có thể hợp lại để thành một chiếc xe đạp (bản vị). Thành ra mỗi cá nhân vừa là một cơ năng riêng biệt của chính mình nhưng đồng thời là một bản vị của xã hội. Mỗi cá nhân là một bản vị do nhiều bộ phận (cơ năng) trong cơ thể để hình thành một hình hài của chính cá nhân.

Đời sống xã hội dựa trên sinh hoạt chính trị của đa số và thiểu số. Làm sao biết đa số có quyết định đúng hơn thiểu số (hay ngược lại). Do đó mỗi cá nhân phải luôn luôn tỉnh thức trong mọi hành động, suy nghĩ, quyết định để góp phần điều chỉnh, điều hòa sinh hoạt của xã hội thì mới gọi là tự do, độc lập, dân chủ, nhân quyền. Mọi sự ỷ lại của cá nhân là góp phần làm suy thoái tương quan trong xã hội. Vì con người không thể ôm đồm hết tất cả công việc trong xã hội nên hình thức “cơ năng - bản vị”, nguyên tắc tung hợp đòi hỏi mỗi cá nhân phải “toại kỳ sở nhu-tận kỳ sở năng-chính kỳ sở mệnh” để thích ứng với biến chuyển của xã hội và nhân loại.

Nguyên lý thứ tám là tinh thần và vật chất luôn luôn xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Chính hai yếu tố này tạo ra sinh mệnh (Tâm Lý, Sinh Lý, Mệnh Lý) của chính bản thân mình. Chúng ta sống ngoài nhu cầu vật chất (ăn, uống) thì chúng ta cần nhu cầu tinh thần để kiện toàn tri thức, phát huy sáng tạo hầu giúp mọi người cùng tiến hóa. Cần phải biết rõ khả năng của chính mình để đóng đúng vị trí của chính mình trong xã hội thì bộ máy của xã hội mới hoạt động tiến hóa thay vì giựt lùi.

Đó là tám nguyên lý trong cuộc sống của Duy Dân dưới một góc nhìn hướng về Con Người, phục vụ Con Người.

Trần Công Lân & Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/08/15/nhung-nguyen-ly-cua-duy-dan/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...