Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P8)

VII. Kinh tế hướng dẫn chính trị hay chính trị hướng dẫn kinh tế?

Chính sách của đảng chính trị xây dựng xã hội, thăng tiến nhân tài để đóng góp cho xã hội. Và nhân tài không phải là kẻ nói láo để được việc. Cũng như việc tranh luận để giải quyết các vấn nạn của xã hội phải dựa trên nhân bản, nhân tính, nhân sinh chứ không phải thuần túy là quyền lợi kinh tế.

Vì đâu có chủ trương mỗi năm chỉ số kinh tế phải tăng (cái bánh lớn hơn) nhưng sự phân chia có đồng đều không?

Nếu tăng rất ít (hay không tăng) nhưng sinh hoạt xã hội điều hòa thì đó là thất bại hay thành công?

Nếu tăng mà chỉ có thiểu số hưởng lợi mà đa số vẫn chật vật với đời sống thì đó là thất bại hay thành công?

Khi các nhà chính trị mượn yếu tố kinh tế (GDP, việc làm, lợi tức...) để củng cố địa vị thì các nhà kinh tế cũng đã mượn những yếu tố này để áp lực các nhà chính trị. Hậu quả là sự tranh cãi về môi sinh, khí hậu, thiên tai, nạn đói dẫn đến rối loạn xã hội, chính trị và khi chính quyền thất bại thì kinh tế sẽ không tồn tại.

Làm sao thay đổi suy nghĩ của các nhà chính trị, kinh tế khi quá khứ đã đè nặng lên suy nghĩ của họ qua bao nhiêu năm tháng?

VIII. Đi tìm Lối thoát

Kinh Tế Nhân Bản chỉ là mục đích tìm tới một cuộc sống hạnh phúc trong xã hội loài người. Nhưng hiện nay, kinh tế thị trường đang thống trị thế giới: các nước nghèo (đang phát triển) muốn vươn lên. Các nước giàu không muốn mất vị thế đang có hoặc là muốn nhưng tài nguyên thiên nhiên có giới hạn. Hơn nữa, các nhà tư bản quốc tế không muốn mất những gì đang có mà còn muốn nhiều hơn. Vậy đâu là lối thoát? E S G tưởng chừng như tư bản đang đổi mới nhưng có thực tâm hay chỉ là "thay đổi" để tiếp tục tồn tại khi khí hậu, môi sinh thay đổi và vẫn vượt lên trên các quốc gia nghèo khó? Thế giới hiện nay không thể thay đổi nếu các tổ chức tài phiệt vẫn muốn bóc lột con người và thiên nhiên. Sự kiện đó được phát triển  khi giới lãnh đạo đánh mất sự cân bằng giữa con người, xã hội và thiên nhiên qua nhiều thế hệ. Tất cả (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...) phát sinh từ con người. Đó là gốc. Tìm về cái gốc mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Đó là điều các nhà sáng lập tôn giáo đã làm từ ngàn năm trước nhưng con người vẫn không thực hiện được.

Giáo dục là sự học hỏi từ những người đi trước truyền lại cho kẻ đi sau. Đó cũng là kiến thức của con người tự mình tìm hiểu, thí nghiệm, nghiên cứu dẫn đến cái gọi là khoa học sau này. Khi có những cá nhân siêu việt có tầm nhìn, kiến thức sâu xa, có tư tưởng uyên thâm muốn truyền lại người khác thì được gọi là tôn giáo, tư tưởng, triết học hay lịch sử.

Nếu cả một khối xã hội, kinh tế, chính trị của người đi trước sa lầy thì kẻ đi sau phải tìm lối thoát gọi là cách mạng qua đường lối giáo dục vượt lên trên những sai lầm của hệ thống cũ.

Điều trước tiên là cá nhân phải tự giáo dục bản thân để thoát khỏi những ràng buộc của hệ thống cũ. Có thể gọi là Cách Mạng Gốc (phát xuất từ chính bản thân, thay đổi cách suy nghĩ, cách sống ở chính bản thân trước khi đem cuộc cách mạng đó vào quần chúng)

Câu hỏi đầu tiên của con người: tôi là ai?

Bạn không thể trả lời khi bạn chưa biết gì về cái Tôi. Cái Tôi từ đâu tới?

Bạn không thể tự quyết định có nên sinh ra đời hay không? Tại quốc gia này hay quốc gia khác? Tại gia đình này hay gia đình khác? Vào giờ này hay giờ khác? Vì đó là do cha mẹ bạn đã thực hiện. Từ khi sinh ra cho tới khi bạn (đứa trẻ) ý thức về một bản ngã thực tại có suy nghĩ và hành động độc lập với người xung quanh. Vậy câu hỏi kế đến sẽ là sống để làm gì?

Thật khó mà trả lời khi bạn chưa sống đủ để biết sống như thế nào. Vậy đổi lại thành "bạn muốn gì trong đời sống"?

Câu trả lời (đa số) khó nhất sẽ là "hạnh phúc". Vậy "hạnh phúc" đó sẽ như thế nào?

Bỏ qua những ước mơ của tôn giáo vì mỗi tôn giáo sẽ có tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng không phải cá nhân nào cũng đủ khả năng vượt qua tôn giáo. Hoặc vì yếu tinh thần hay thiếu kiến thức, vẫn còn có người cần dựa vào tôn giáo để hướng dẫn trong đời sống hàng ngày và như vậy vẫn còn kẻ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người khác.

Vậy khi khoa học tiến bộ thì sự tin tưởng nơi tôn giáo sẽ lui dần và con người tự tin nơi bản thân hơn là dựa vào thần quyền. Với trình độ hiểu biết về tinh thần và vật chất cao hơn thì con người sẽ có quan điểm gì về đời sống, hạnh phúc?

Hình ảnh một niết bàn hay thiên đường không còn xa vời mà ngay hiện tại: đời sống, cư xử với người và hoàn cảnh xung quanh. Bản thân bạn làm xấu thì xung quanh sẽ xấu và đó là địa ngục. Nếu bạn làm tốt thì xung quanh sẽ tốt và đó là thiên đường.

Khi con người ý thức về chính trị trong đời sống xã hội qua hiến pháp thì những nguyên tắc căn bản để xây dựng xã hội sẽ đồng nhất (xem "con người và chính trị") để đi từ "tự kỷ-ỷ tha-động tha" đến "tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu, chính kỳ sở mệnh" để tạo một cương thường cho xã hội và từ đó thiết lập Cơ Năng Hiến Pháp, xây dựng Kinh Tế Nhân Bản. Đó là con đường giải quyết mọi tranh chấp chính trị và xã hội cho thế hệ tương lai.

IV. Kết luận

Để giải quyết các vấn đề của con người và xã hội thì vẫn phải khởi đi từ cá nhân. Tinh thần và vật chất của cá nhân sẽ quyết định hướng đi và sự phát triển của cá thể đó. Khi cá nhân gia nhập tập thể để sống chung trong quy định của xã ước hay hiến pháp thì phải trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc thiết kế và chấp hành nhân sinh. Khi loài người đi đến trật tự thế giới chung để thấy rằng tài nguyên có giới hạn và khí hậu, môi sinh ảnh hưởng đến sự sống còn của loài người thì tất nhiên phải nghĩ đến một hình ảnh cùng nhau sống trong mức độ vừa phải để tránh tình trạng giết nhau mà sống. Đó là mục đích của Kinh Tế Nhân Bản.

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/24/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p8/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Hợp Tác

  Thế giới của hôm nay là thế giới mở. Gánh nặng ô nhiễm môi trường không những ảnh hưởng đến quốc gia giàu mà gồm cả những quốc gia nghèo, ...