Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P2)

IV. Đầu mối tranh chấp

Khi còn là xã hội sơ khai (bộ lạc) thì nhu cầu xã hội (nhà cửa, đường xá, sông nước...) là do mọi người đóng góp công sức chung dưới sự lãnh đạo của một người chỉ huy (người được nhiều người tín nhiệm, lớn tuổi)

Nhưng khi chế độ chính trị (nhóm A) tạo ra nhiều chức vụ, tầng lớp thì rườm rà, quan liêu càng chồng chất gây khó khăn cho dân đang cần được giúp đỡ trực tiếp khi chính phủ chỉ có thể giúp đỡ gián tiếp (tạo điều kiện). Khi người dân có nhu cầu (việc làm, nhà) thì nhóm B thấy có cơ hội khai thác kinh tế, không còn là phục vụ nước mà là bóc lột (lợi dụng), tạo ra tầng lớp giàu nghèo.

Tầng lớp lãnh đạo của nhóm A (chính trị) và B (kinh tế) quy tụ đa số các nhân tài trong xã hội. Nhưng thay vì hợp tác để xây dựng xã hội thì hai nhóm này lại quay ra xung đột về chính sách phát triển quốc gia. Hoặc cả hai nhóm hợp tác với nhau để cùng bóc lột dân thì khó mà thay đổi, trừ khi chiến tranh xảy ra.

Vì sao có sự khác biệt giàu-nghèo

Con người sinh ra thì không có ai giàu và không có ai nghèo kể từ thời ăn lông ở lỗ cho đến khi con người có ý tưởng chiếm hữu tài sản để lại cho con cháu. Loài người khai thác thiên nhiên để sống nhưng ngoài hoàn cảnh bên ngoài (địa lý, thiên nhiên, thời tiết, khí hậu...) còn có lý do bên trong (suy nghĩ và hành động của con người qua sinh hoạt kinh tế hàng ngày) đã tạo nên sự khác biệt giàu hay nghèo của một cá nhân (hay dân tộc). Khi nhân loại bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa với kỹ thuật thông tin và khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt mà vẫn không giải quyết được chiến tranh, nạn đói...và sự thay đổi khí hậu thì con người phải xét lại lối sống (kinh tế, chính trị, văn hóa...).

Kinh tế tập trung (cộng sản) lẫn thị trường (tư bản) xem ra không giải quyết được vấn nạn của nhân loại. Chủ nghĩa cộng sản về lý thuyết chỉ là sự giả dối bề ngoài mà thực chất là chế độ độc tài dùng sự kiểm soát vật chất (miếng ăn) để kiềm chế con người như nô lệ. Chủ nghĩa tư bản bao trùm các quốc gia không cộng sản tuy mang tiếng gọi là Dân Chủ nhưng cũng chỉ là bề ngoài khi tầng lớp ưu tú (elite) nắm cả chính trị lẫn kinh tế. Người dân có quyền bỏ phiếu chọn người đại diện qua hệ thống đảng chính trị và được tranh đua để phát triển kinh tế. Nhưng khi người đại diện dân thay vì làm luật để bảo vệ dân thì quay ra làm luật để bảo vệ địa vị xã hội của họ và sự tranh đua kinh tế chỉ là mồi ngon để đánh lạc hướng người dân. Như vậy tuy mang tiếng dân chủ nhưng chủ nghĩa tư bản cũng chỉ dùng quyền lợi (vật chất) để thao túng xã hội.    

Khi khả năng Cung bị giới hạn thì con người phải xét lại nhu Cầu sống. Nếu không thể làm cho trái đất lớn hơn hay đi tìm một trái đất thứ hai để cung ứng đòi hỏi của loài người thì chúng ta chỉ còn cách duy nhất là tiết giảm nhu cầu.

Vậy thì "Kinh Tế Nhân Bản" có thể hiểu là cân bằng nhu cầu của cá nhân với khả năng tạo ra sản phẩm (trí óc hay vật chất) của cá nhân đó. Nếu sản phẩm của một cá nhân đóng góp cho xã hội là 1/10 (một người làm sẽ giúp 10 người được hưởng sản phẩm do hắn tạo ra) thì cá nhân đó chỉ có thể trao đổi sản phẩm (hàng hóa) với 10 người chấp nhận sản phẩm đó. Nếu xã hội có 1,000 người thì có nghĩa 990 người khác sẽ không thể trao đổi với hắn.

Hay nói cách khác nếu cả làng (bộ lạc) chỉ săn được một con heo thì tất nhiên phải chia đều cho mọi người. Và nếu dư thì phải để dành khi thiếu chứ không ai có thể ăn khẩu phần gấp đôi người khác cho dù bất cứ lý do gì. Đó là "Kinh Tế Nhân Bản".

Như vậy nếu xét về tài năng thì sẽ có kẻ dư, người thiếu. Nếu xã hội có nhiều kẻ dư và ít người thiếu thì sự giúp đỡ có thể xảy ra nhưng nếu ngược lại thì sự giúp đỡ người thiếu sẽ bị hạn chế. Và sự cân bằng đó là trách nhiệm của chính quyền phải tìm cách phân phối tài nguyên, huấn luyện lớp người thua sút trong đời sống khắc phục trở ngại để có đời sống căn bản.

Khởi đi từ một cá nhân siêng năng làm việc, khôn khéo trong giao thiệp hay khôn ngoan trong việc phát triển đời sống (phát minh sản phẩm, kế hoạch hữu ích cho con người, xã hội) và duy trì đời sống lương thiện, trật tự, đạo đức... thì sẽ trở nên giàu (tình trạng dư thừa so với nhu cầu cần thiết). Trong khi cá nhân khác có đời sống đối nghịch lại với các điều kiện trên sẽ đi đến nghèo khó.

Như vậy mỗi cá nhân phải tự xét khi gia nhập xã hội thì ít nhất trên căn bản của mỗi người phải có khả năng sản xuất (hay cung ứng) điều kiện để sinh tồn. Dựa vào xã hội chỉ để là củng cố thêm sự tồn tại của cá nhân một khi có tai biến xảy ra (và đó không phải là thường xuyên). Đây là yếu tố xác định cá nhân không thể ỷ lại vào xã hội để trở thành gánh nặng, ăn bám xã hội (chính quyền).

Khi con người biết khai thác tài nguyên thiên nhiên để cải thiện đời sống kinh tế thì xã hội rơi vào sự tranh chấp tài nguyên. Ở giai đoạn này có 2 hướng phát triển: (1) kẻ khôn ngoan sẽ tìm cách chiếm hữu những điều kiện thuận lợi (đất, sông, biển, rừng ...); (2) cho rằng cùng một điều kiện (đất tốt và diện tích như nhau) thì người biết khai thác sẽ thu lợi nhiều hơn. Và trí khôn đưa đến điều kiện giáo dục.

Nếu bảo rằng giáo dục giúp con người có đời sống khá hơn thì tại sao những người sống chung trong một hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa... cùng làng, cùng tuổi, cùng trình độ học vấn mà vẫn có kẻ giàu, người nghèo? Vì Sinh Mệnh Tâm Lý chăng?

Như vậy chỉ trong phạm vi cá nhân thì mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự gây dựng bản thân mà các điều kiện bên ngoài xã hội, chính trị, kinh tế sẽ góp phần về sau.

Nhưng trong tình trạng hiện tại thì chính trị-kinh tế- xã hội gắn bó với nhau theo dây chuyền. Không thể sửa đổi A mà không có B đi trước, không thể sửa đổi B nếu C không thay đổi. C không thể khá hơn nếu A không có kế hoạch. Một vòng khép kín như vậy khó mà điều chỉnh trừ khi phá vỡ nó: cách mạng toàn diện.

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/01/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p2/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...