Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P4)

c. Xã hội

Con người từ bỏ đời sống thôn quê để tập trung nơi các đô thị vì đó là nơi họ hy vọng kiếm việc làm khá hơn. Vấn đề là nhà nước có tạo cơ hội cho họ kiếm được việc làm và nơi cư trú hay không. Do đó nhà nước phải có chính sách kinh tế hữu hiệu để giúp người đủ mọi tầng lớp. Nhưng chính sách và luật (kinh tế, tài chánh, thương mại...) không tạo ra việc làm, phải có người đứng ra thực hiện (xin giấy phép, kêu gọi vốn, tổ chức cơ sở, mướn cố vấn...). Có hai mặt: kỹ nghệ và thương mại.

Khi con người từ bỏ ruộng vườn là nguồn cung cấp thực phẩm, cư trú để tụ tập nơi đô thị để tìm kiếm việc làm (kỹ nghệ) và đời sống khá hơn. Thực sự họ đã đặt bản thân vào điều kiện chịu chi phối về thực phẩm, cư trú trong tay người khác. Họ hy vọng chính quyền sẽ điều hành sự phân phối thực phẩm, kiến thiết chung cư, tạo việc làm để họ có thể hội nhập đời sống đô thị. Nhưng chính quyền chỉ làm và thi hành luật, còn việc thực hiện lại rơi vào tay tư nhân, các tổ hợp, công ty (hay cá nhân) đứng ra tổ chức. Lợi nhuận là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư tham dự. Nếu có tài thì thành công và phát triển. Nếu thất bại thì không những thiệt hại cho chính họ mà còn cho số người làm công và khách hàng.  Nhưng luật phá sản cho phép họ bỏ chạy để lại gánh nặng cho chính quyền giải quyết.

Và tới đây thì ảnh hưởng của kinh tế xuất hiện rõ hơn:

Nhân công phải đi tìm việc khác. Khách hàng (giới tiêu thụ) phải đi tìm nguồn cung cấp khác. Cả hai (nhân công, giới tiêu thụ) sẽ phải chịu sự bóc lột của các cơ sở cung cấp đã thành công. Khi con người đã sống ở đô thị thì khó mà trở về đời sống ruộng đồng. Tiến thoái lưỡng nan khi bị mắc kẹt trong đô thị vì việc làm, cư trú, thực phẩm... họ trở thành gánh nặng của xã hội và chính quyền. Khả năng yếu kém của họ ngày càng suy yếu hơn trong khi thành phần thành công (giàu) ngày càng phát triển vì thành công ban đầu tạo cơ hội cho họ tiếp tục thu nắm các đầu mối sinh hoạt của người dân, hay các hoạt động kinh tế khác của các nhóm đã thất bại. Nhóm Vin Group ở Việt Nam là thí dụ điển hình.

Một khi cá nhân A làm giàu trong xã hội B thì một phần do khả năng cá nhân, một phần do xã hội B cung cấp (nhân công, luật lệ, tài vật...) cho dù có đóng thuế tương xứng thì cũng chưa đủ để lấy cái giàu ra khuynh đảo xã hội và gán trách nhiệm cho chính quyền lo giải quyết các tệ nạn xã hội. Xã hội loài người là một kim tự tháp mà những người có khả năng (số ít) sẽ thuộc thượng tầng xã hội để điều hành cuộc sống chung. Với khả năng và tài năng, những người thuộc giới này sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn dân thường chứ không vì tài năng mà thủ lợi rồi để mặc những kẻ yếu kém chém giết lẫn nhau.

Một xã hội dân chủ mà thiếu sự công bằng xã hội thì khó mà đạt được sự tham dự của đa số quần chúng. Vòng luẩn quẩn từ người dân chọn đại diện trong chính quyền để tạo kinh tế (đòi hỏi công bằng nhưng lại tạo ra chênh lệch xã hội) và khiến xã hội mất tính dân chủ (giới nhà giàu khuynh đảo chính quyền).

Hoạt động của xã hội là kinh tế, văn hóa... nhưng điểm chính vẫn là phục vụ con người. Nếu kinh tế phát triển mà con người không đủ ăn, không có nhà ở hay xã hội rối loạn, suy thoái thì đó không phải là kinh tế mà chỉ là thị trường bóc lột của kẻ mạnh (độc tài) hay khôn ngoan (tư bản). Khi xã hội dưới sự thống trị của tư bản hay độc tài có nghĩa là mất nhân bản, nhân tính... và chỉ đi đến hủy diệt.

Vậy một xã hội cần chú trọng đến sự gây dựng công bằng hay xây dựng kinh tế để làm giàu? Nếu không nhìn ra sự Thật (Chân) thì đó là thiếu sự lương thiện. Mà thiếu lương Thiện chỉ vì con người không đủ Nhẫn nại để suy nghĩ, chịu đựng và khắc phục khó khăn. Con người tạo ra tôn giáo, chính trị, kinh tế nhưng áp dụng sai lầm khiến xã hội rối loạn. Vậy hãy nhìn lại sự Thật, lương Thiện để sửa đổi và kiên Nhẫn vì không phải dễ làm nhưng không còn cách nào khác.

d. Kinh tế

Nếu các nhà đầu tư kinh tế (thành công) thực sự quan tâm đến xã hội thì sự điều chỉnh phải xảy ra ngày từ lúc ban đầu. Nhưng vì nhu cầu cạnh tranh trong kinh tế: mạnh được yếu thua. Kẻ thua không phải chỉ là các nhà đầu tư (thất bại) mà còn là thành phần tham dự (nhân viên, khách hàng). Dĩ nhiên kẻ thắng không bắt buộc phải thu nhận các cặn bã của kẻ thua (tốt lấy, xấu bỏ). Và trong lúc chạy đua thì đấu thủ không thể ngừng chạy để làm việc khác. Nhưng khi thắng cuộc thì quyết định tham dự cuộc đua khác tiếp nối hay ngừng lại là tùy ý gia chủ. Thông thường thì chủ nhân chuyển sang lãnh vực khác để bành trướng thế lực (Koch industries, Carlyle group, Dupont, Vin Group tại Việt Nam...)

Mặt khác trong lãnh vực kinh tế, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến chuyên môn mặc dù sự thành công trong một lãnh vực đòi hỏi phải có xã hội yểm trợ (các chuyên môn khác). Nhưng kẻ thành công vẫn tự hào đó là "thiên tài" của họ.

Rõ ràng trong một nước mà người dân có chung hạ tầng cơ sở (điện, nước, giao thông...) và các sinh hoạt kinh tế thì tại sao có người học giỏi, dở...cũng như có người làm kinh tế, thương mại thành công hay thất bại đã cho thấy khả năng của mỗi cá nhân.

Khi những người ôm mộng làm giàu thì thử hỏi khi giàu rồi thì sẽ làm gì? Nếu làm giàu do tài năng chứ không phải thủ đoạn bất chính thì cá nhân đó đã hoàn thành trách nhiệm đối với xã hội chưa? Nếu giàu rồi thì cái giàu đó có ích lợi cho xã hội hay gây rối loạn cho xã hội? Ai quyết định hướng đi của giới đầu tư? Vì tham làm giàu nhanh chóng, họ sẽ đi tìm thị hiếu của người dân để tạo Cung-Cầu. Cho dù nhu cầu không có thì họ sẽ dùng truyền thông, quảng cáo để thu hút quần chúng và tạo ra nhu cầu (thuốc lá, du lịch, thời trang ...) và chuẩn bị "cung" cấp để thu lợi. Cho dù họ biết những hướng phát triển khác cần thiết hơn cho nhu cầu sinh tồn của loài người (rác, ô nhiễm, chất hóa học, nguyên tử ... ) nhưng họ bỏ rơi vì không mang lợi nhuận nhiều so với nhu cầu đánh vào lòng tham, ham muốn của con người.

Hiện nay một số quốc gia đang thí nghiệm lợi tức căn bản (basic income) tại một số thành phố khi một số người có lợi tức (hay không có) không đủ sống ở mức độ thấp nhất thì sẽ nhận được một số tiền (không điều kiện). Ngân sách do thành phố hay một số mạnh thường quân cung cấp. Dư luận chống đối cho rằng như vậy sẽ tạo sự lười biếng, ỷ lại... hay tạo môi trường cho việc sử dụng ma túy. Nhưng ở đây không bàn tới kết quả mà chú ý tới nguyên nhân: Tại sao có chuyện chênh lệch trong xã hội để người làm giàu quay ra trả lại cho người nghèo? Thay vì làm giàu nhưng biết điểm ngừng để tạo khoảng trống cho người khác vươn lên? Hoặc nếu làm giàu thì cũng biết giới hạn bởi kinh tế giống như một cái bánh trong xã hội, mình giành hết phần bánh thì sẽ có người khác đói. Hay ít nhất làm giàu tới một mức độ nào đó (limit prosperity), nếu hơn mức độ đó thì tìm cách đóng góp trở lại cho xã hội, cộng đồng, tập thể nhân công đã giúp công ty thành công.

Vậy phải chăng đó là trách nhiệm hay bổn phận của cá nhân (hay tập thể công ty)?

Nên nhớ căn bản của kinh tế từ khi xã hội thành lập là duy trì đời sống qua sự trao đổi hàng hóa và phân phối sản phẩm. Nếu không có sự kích thích tâm lý làm giàu để tạo cuộc sống xa hoa, phí phạm... thì sẽ không có cảnh bóc lột, tranh chấp hay tạo những sản phẩm vô trách nhiệm làm ô nhiễm thiên nhiên.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu xã hội cấm làm giàu? Liệu trí tò mò, sáng tạo của con người sẽ bị tê liệt, thui chột vì không còn yếu tố làm giàu? Hãy cân nhắc yếu tố "làm giàu" với hậu quả của sự làm giàu khi gây ra chiến tranh, ô nhiễm....

Có gì gọi là niềm hãnh diện, tự hào vì giàu hay giỏi hay địa vị xã hội nếu xung quanh bạn vẫn còn người sống thua con thú vì miếng ăn, chỗ ở?  Hay sự bóc lột quanh năm để rồi tới mùa lễ Giáng Sinh mới kêu gọi giúp người nghèo một bữa ăn?

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/07/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p4/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...