Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P2)

Tam quyền phân lập thiếu giá trị thực tế

Nhiều người cho rằng bản hiến pháp của Hoa Kỳ tránh được sự độc tài bởi có ba bộ phận được phân chia rõ ràng, kiểm soát lẫn nhau cho nên khó mà xảy ra độc tài. Đây chỉ là trên mặt lý thuyết chứ thực tế, đặc biệt là thời gian dưới sự lãnh đạo của ông Trump, sự độc tài hiện rõ trong một cơ chế đảng tranh nằm trong cơ chế tam quyền phân lập. Không những hành động độc tài xảy ra mà sự lạm dụng chức quyền, tài sản của quốc gia cho quyền lợi riêng tư mà không một ai có thể ngăn cản cho sự lạm dụng này.

Hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ chỉ có hiệu quả khi có những con người tốt lãnh đạo. Tuy nhiên hệ thống lưỡng đảng trở thành đảng tranh khi mà những người lãnh đạo thay phiên nhau thay đổi luật chơi trong Quốc Hội cho phù hợp với lợi ích của đảng mình thì hệ thống đó đã thất bại, không còn phù hợp với thực tế để phục vụ lợi ích của người dân. Thí dụ trong nhiệm kỳ của ông Obama, Thượng Viện do đảng Cộng Hòa nắm đa số, trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016, vị thẩm phán tối cao ông Antonin Scalia chết vào giữa tháng 2 năm 2016 và ông Obama đề nghị người thay thế. Tuy nhiên đảng Cộng Hòa cho rằng vì đây là năm bầu cử, chuyện thay thế vị thẩm phán tối cao phải để sự lựa chọn của chính phủ mới cho nên không thông qua vị thẩm phán mới do Obama đề cử. Và cùng một sự kiện xảy ra năm 2020, khi bà thẩm phán tối cao Ruth Ginsburg chết vào tháng 9 năm 2020 thì đảng Cộng Hòa đổi luật chơi, vội vàng chọn ngay người thay thế dù chỉ còn vài tháng bầu cử xảy ra.

Những ai đã từng sống ở Hoa Kỳ thấy chuyện đóng cửa bộ máy nhà nước khi mà Quốc Hội thông qua ngân sách điều hành quốc gia và vị Tổng Thống không ký ngân sách đó để cuối cùng bộ máy nhà nước phải đóng cửa một thời gian cho đến khi đòi hỏi của vị Tổng Thống được chấp thuận. Hoặc trong Quốc Hội, Hạ và Thượng Viện không đồng ý trong ngân sách để bộ máy nhà nước phải đóng cửa cho đến khi hai viện đồng ý và đưa qua cho Hành Pháp (Tổng Thống) ký trở thành luật thì bộ máy nhà nước mở trở lại. Đây không phải là một sinh hoạt lành mạnh trong cơ cấu cầm quyền chỉ bởi vì đảng mình muốn phần tiền này mà nếu không thông qua thì đóng cửa bộ máy cầm quyền. Chính tinh thần đảng tranh tạo ra hình ảnh này, đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi của quốc gia.

Khi Quốc Hội đồng ý cho Bộ Quốc Phòng ngân sách tài chính để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và giúp người lính phục vụ quốc gia nhưng vị Tổng Thống, dùng quyền của chính mình, lấy số tiền của quân đội xây bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mễ, nhằm thực hiện lời hứa với cử tri chứ không phải vì an ninh của Hoa Kỳ, và được sự đồng ý của Tối Cao Pháp Viện cho chuyện này thì hệ thống tam quyền phân lập hoàn toàn vô giá trị. Khi mà Hành Pháp phối hợp với tòa án (tư pháp) để tiếm dụng quyền hành, tiền bạc mà Quốc Hội không làm được gì thì tam quyền phân lập chỉ là trò đùa (lừa gạt người dân).

Khi Hạ Viện tố cáo vị Tổng Thống vi phạm chức vụ, lạm dụng quyền hành bằng thực hiện tòa án luận tội (Impeachment) sai trái của vị Tổng Thống và thành công ở Hạ Viện (bởi sự bỏ phiếu qua tinh thần đảng tranh mà đảng nắm đa số ở Hạ Viện khác với đảng của vị Tổng Thống) để đưa qua Thượng Viện xét xử. Nhưng khi đến Thượng Viện thì đa số đảng viên cùng đảng với vị Tổng Thống, đã không đồng ý với những tố cáo của Hạ Viện và vị Tổng Thống được thoát nạn mà vụ án của Clinton và Trump cho thấy Thượng Viện bỏ phiếu theo đảng tính nên cuộc xử tội hai người này không thành công.  Tạm thời bỏ chuyện tội của Hạ Viện đưa ra đáng để loại bỏ vị Tổng Thống ra khỏi chức vụ hiện tại hay không. Thí dụ của ông Clinton và Trump cho thấy, phân quyền hoàn toàn vô giá trị ở thực tế trong cơ chế lưỡng đảng nếu tội của hai người này đáng phải loại ra khỏi chức vụ lãnh đạo đất nước. Vụ luận tội lần hai đối với ông Trump trong việc sách động người ủng hộ mình đến căn nhà Quốc Hội để phá tan nền dân chủ đang tiến hành trong việc tuyên bố ai thắng cử mà Thượng Viện không xem chuyện này là quan trọng để cho rằng ông Trump vô tội thì tam quyền phân lập của Hoa Kỳ, một lần nữa, chứng minh hoàn toàn không có giá trị thực tế khi tinh thần đảng tranh đang ở cao điểm của thời đại điện toán.

Khi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp dùng quyền của mình để phục vụ quyền lợi của Tổng Thống bằng hành động rút lại bản án mà cá nhân đó thú tội là vi phạm luật, một cá nhân đã từng phục vụ vị Tổng Thống và Tổng Thống muốn vụ án đó loại bỏ.  Quốc Hội không làm được gì cho chuyện tiếm dụng quyền hành này của vị Tổng Thống, được sự hợp tác của Bộ Tư Pháp. Rõ ràng cơ chế tam quyền phân lập hoàn toàn vô giá trị cho sự độc tài kiểu mới. Michael Lynn là thí dụ điển hình cho thấy Bộ Tư Pháp phục vụ cho quyền lợi của Trump trong việc rút lại bản án của Lynn, một đòi hỏi mà Trump muốn xảy ra. Trong khi quan tòa đang xem xét chuyện Bộ Tư Pháp có đủ thẩm quyền rút lại bản án hay không thì Trump dùng quyền ân xá để tha tội cho ông Lynn.

Khi vị Tổng Thống, dùng quyền ân xá của mình một cách vô tội vạ. Sẵn sàng ân xá những ai đã từng giúp đỡ mình, ủng hộ mình để thoát tội thì đây là hình ảnh một vị lãnh đạo quốc gia, khuyến khích người ủng hộ mình vi phạm luật bởi sẽ được vị lãnh đạo ân xá. Quốc Hội không làm được gì với cái quyền ân xá bị lạm dụng. Tòa án không làm gì với quyền ân xá bị lạm dụng. Sự ân xá của Trump dành cho Rogers Stone, bạn thân của Trump là thí dụ điển hình.

Bất cứ nhân viên nào làm việc cho công ty, cho bộ máy nhà nước, lạm dụng giờ làm việc và tài sản cho công việc riêng tư thì sẽ bị đuổi việc. Chuyện này áp dụng cho các công ty, các nhân viên của bộ máy chính quyền từ liên bang đến tiểu bang. Tuy nhiên luật bình thường này không áp dụng cho Tổng Thống, cho các vị dân biểu ở Hạ Viện, Thượng Viện để các vị đó tự do sử dụng giờ của nhà nước, tài sản của nhà nước đi vận động tranh cử. Phải chăng đây là một sự kỳ thị trắng trợn mà các vị nằm trong bộ máy trung ương được nằm trên luật pháp dành cho những nhân viên bên dưới? Hình ảnh Trump sử dụng White House để mời khách đến trong buổi đọc diễn văn của đại hội đảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử lần thứ hai, sử dụng tài sản của chính quyền liên bang cho việc tranh cử mang tính cách cá nhân là thí dụ điển hình. Không một ai trong Quốc Hội, không một tổ chức giám sát nào lên tiếng và có quyền trừng phạt sự lạm dụng tài sản quốc gia cho quyền lợi cá nhân.

Khi Tổng Thống Trump sử dụng cơ sở thương mại của mình cho những buổi họp với các vị lãnh đạo quốc gia nước ngoài nhằm mục đích làm lợi cho công ty thương mại của chính Trump thì không một cơ quan nào lên tiếng để chấm dứt sự lợi dụng này. Chuyện Trump tiếp đón Thủ Tướng Nhật tại sân chơi Golf của Trump ở Florida là thí dụ điển hình. Đây là hình ảnh thực sự lạm dụng quyền hành để thủ lợi cho cá nhân mà Trump là chủ sân Golf đó. Chính quyền liên bang phải trả chi phí tiếp đón Thủ Tướng Nhật ở tại sân Golf mà Trump là chủ. Hình ảnh xung đột quyền lợi rõ ràng, đặc biệt là quyền lợi tài chính mà bất cứ nhân viên làm việc ở hệ thống liên bang và tiểu bang đều bị đuổi việc cho xung đột quyền lợi này. Quốc Hội, tòa án cũng không làm gì được chuyện xung đột quyền lợi này đối với Trump.

Khi Tổng Thống đề nghị một ai đó vào bộ máy điều hành quốc gia và phải thông qua sự chấp thuận của Quốc Hội thì tại sao, khi cá nhân đó bị Tổng Thống đuổi lại không có sự tham dự của Quốc Hội? Việc đuổi người, thay đổi người ở những vị trí quan trọng trong bộ máy cầm quyền dưới thời Trump xảy ra rất nhiều chỉ bởi vì những cá nhân đó không trung thành với Trump. Từ Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, đến Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, đến những chức vụ của ngành tình báo FBI, CIA v.v…. Quốc Hội chỉ làm cái trò bù nhìn chấp nhận người nhưng lại không có quyền hạch hỏi trong việc đuổi người và không có quyền lên tiếng trong việc sa thải người. Việc đuổi người bởi người đó không có khả năng là chuyện rất thường tình trong cuộc sống. Nhưng đuổi người chỉ bởi vì người đó không phục tùng quyền lợi hoặc ý nguyện của vị Tổng Thống thì rõ ràng đây là một sự lạm dụng quyền hành mà Quốc Hội và tòa án không làm được gì. Phải hiểu những chức vụ đó là để phục vụ quyền lợi của quốc gia chứ không thể phục vụ quyền lợi riêng tư của Tổng Thống.

Ở ngoài đời, khi công dân đi xin việc phải viết một bản tường trình về quá khứ nghề nghiệp, khả năng, kinh nghiệm. Một cơ quan chuyên lo về nhân sự xem xét bản tường trình đó để lựa chọn người và hẹn cá nhân đó đến phỏng vấn trước khi thực sự mướn người. Trong cuộc phỏng vấn đó, người phỏng vấn sẽ dựa trên nhiều tiêu chuẩn trong buổi phỏng vấn để đi đến quyết định mướn đúng người cho đúng việc. Đó là đời sống thực ở ngoài đời thì tại sao, một chức vụ cầm quyền, có quyền sinh sát, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, không có một cơ quan hay một cơ chế làm công việc tương tự để chọn người có tài và đức vào vị trí lãnh đạo quốc gia? Phải chăng đây chính là kẻ hở để tạo ra chiến tranh mà thời Hitler cũng với danh nghĩa dân chủ, được chọn chức vụ thủ tướng (chancellor) trong năm 1933 và năm 1934 trở thành tổng thống (president) sau cái chết của Hindenburg và sau cùng là nhà độc tài, tội phạm của thế giới? Tại sao các quốc gia trên thế giới vẫn chưa học được bài học chọn người mà để bất cứ ai có tiền, có tài biện luận ra tranh cử vào những chức vụ quan trọng trong vị thế lãnh đạo quốc gia để cuối cùng tạo ra những vị lãnh đạo trên thế giới được phong trào Dân Túy (Populism) ủng hộ và tạo ra một chế độ chuyên quyền trong nhãn hiệu dân chủ mà thời đại Trump là thí dụ điển hình?

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P3)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/01/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p2/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...