Đây là một loạt bài được chia ra nhiều phần (16 phần) để người đọc có dịp đọc từng phần khi thời gian cho phép. Tất cả những phần đều có sự liên hệ với nhau nếu ai đó quan tâm về đề tài cho tựa đề của bài viết này.
Nội dung chính của bài
viết dựa vào tài liệu được ghi lại của Lý Đông A (LĐA) gồm Duy Dân Cơ Năng, Duy
Dân Cơ Năng Tốc Giảng, và Duy Nhân Cương Thường -- nhằm triển khai một góc nhìn
về Cơ Năng Hiến Pháp để xem cái Cơ Năng Hiến Pháp mà LĐA đề nghị có giải quyết
được những khó khăn mà các hiến pháp tại quốc gia Tây Phương đang gặp phải, đặc
biệt là ở Hoa Kỳ.
Vì tài liệu của LĐA được
ghi lại từ nhiều người, từ chép tay đến đánh máy, đến chuyển sang dạng điện tử
được nhiều người tham dự với nhiều tài liệu tuy có cùng nội dung nhưng có những
khác biệt về trách nhiệm, tên cơ quan, từ ngữ sử dụng. Thí dụ trong Duy Dân Cơ
Năng cho rằng Xu Mật Viện có quyền giải thích hiến pháp trong khi đó ở tài liệu
Duy Nhân Cương Thường cho rằng Phê Phán Công Đường có quyền giải thích hiến
pháp. Cho nên người diễn giải tài liệu này tự quyết định chọn phần nào hợp lý,
phần nào vô lý (người ghi lại viết sai) để diễn giải theo góc nhìn của cá nhân.
Cần phải nhớ đây là một khung sườn của diễn giải. Khung sườn này cần nhiều chi
tiết để tu bổ ở tương lai, do thế hệ tương lai thực hiện, điều chỉnh cho đúng với
thực tế của thời đại.
Trước hết phải cần xem lại
những lỗ hổng của hiến pháp Hoa Kỳ, một quốc gia luôn luôn tự hào là bản hiến
pháp sống với tam quyền phân lập để tránh độc tài. Lý do chọn hiến pháp của Hoa
Kỳ vì người viết đang sống tại quốc gia này và thực tế cuộc sống giúp người viết
nhìn ra được vấn đề xác với hiện thực.
I.
Nhận định
về cơ chế và hiến pháp Hoa Kỳ
Hiến pháp chết
Bản hiến pháp của Hoa Kỳ
được gọi là hiến pháp sống. Thực tế bản hiến pháp của Hoa Kỳ không thể nào gọi
là sống. Nói chung hiến pháp là văn bản luật mà luật của Hoa Kỳ, từ bản hiến
pháp đến các luật ở liên bang, tiểu bang đều không phù hợp với sự tiến bộ của
khoa học kỹ thuật lẫn sự thay đổi của xã hội.
Hiến pháp Mỹ (về mặt luật
pháp) do các nhà tiền phong thành lập nước Mỹ đã có tầm nhìn xa nhưng không thể
tiên đoán những thay đổi của nước Mỹ và thế giới sau này. Và luật pháp vì do
con người làm ra nên luôn luôn đi sau biến cố. Sự giải phóng nô lệ đưa đến nạn
kỳ thị chủng tộc. Để phát triển kinh tế, nước Mỹ đã nhận di dân Trung Hoa vào Mỹ
để thực hiện đường hỏa xa Đông-Tây và di dân bất hợp pháp để cung cấp lao động
cho nền kinh tế. Sau hai thế chiến, Mỹ trở thành siêu cường chịu trách nhiệm an
ninh thế giới (dù muốn hay không) vì an ninh của chính nước Mỹ. Hậu quả của
phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật đưa đến xã hội rối loạn, đạo đức suy đồi,
tôn giáo biến chất. Như vậy Hiến Pháp cần thay đổi, điều chỉnh.
Cho dù những người sáng
lập nước Mỹ có tầm nhìn xa, rộng nhưng không phải là thần thánh để nhìn thấy xã
hội Mỹ thay đổi ở thế kỷ 21. Khi nước Mỹ phân biệt Chính quyền và Giáo quyền và
ghi nhận con người bình đẳng (all men are created equal) thì đâu có phân biệt
màu da nhưng sao bây giờ vẫn còn nạn kỳ thị. Vậy thì kỳ thị là vi phạm Hiến Pháp?
Khi kinh tế Mỹ dựa trên khẩu hiệu (motto) "in the God we trust" nhưng
Tu Chính án thứ nhất ghi nhận "tự do tôn giáo, tụ họp, trình bày và thỉnh
nguyện". Vậy thì khác niềm tin nơi thượng đế A, B, C thì có còn là "in the God we trust" hay không? Nếu
chính quyền nói A mà người dân tin theo tôn giáo nói B, C, D thì các đại diện
dân trong Quốc Hội sẽ làm luật như thế nào? Nếu có thưa kiện nơi tòa án thì ông
tòa sẽ xử ra sao? Vì chính ông tòa cũng có niềm tin tôn giáo A, B, C. Vậy thì
đâu là công lý? Mà nếu Hiến Pháp không quy tụ mọi người dân với nhau thì có còn
là Hiến Pháp hay không?
Hãy lấy một thí dụ đơn
giản để chứng minh, Tu Chính Án thứ 27 mất trên 202 năm mới được thông qua. Vậy
thì không thể nào gọi bản hiến pháp của Hoa Kỳ là một bản hiến pháp sống khi mà
để thay đổi phải mất một thời gian dài như thế. Tạm thời loại bỏ lý luận là tu
chính án 27 không quan trọng cho nên phải chờ đến trên 200 năm mới được thông
qua. Nếu không quan trọng thì tại sao đề nghị cần phải có tu chính án này? Và
khi có đề nghị thì phải giải quyết ngay chứ không phải chờ đợi lâu như thế.
Một thí dụ khác về luật
tiểu bang trên lãnh vực thuế tiêu thụ cho phần mềm (software) bị đánh thuế nếu
phần mềm cài vào máy tại tiểu bang đó. Tuy nhiên nếu phần mềm ở trên mây
(cloud, thực tế thì phần mềm này đặt ở một máy chủ trên một tiểu bang nào đó)
thì một số tiểu bang vẫn chưa có luật để đánh thuế cho phần mềm ở trên mây dù rằng
kết quả của người sử dụng là nằm trong chính tiểu bang đang cần phải đánh thuế.
Để người đọc hiểu rõ hơn thì nhìn vào phần mềm cho đánh chữ bài viết này của
Microsoft Word. Nếu người viết ở tiểu bang Minnesota, dùng Microsoft Word 365,
tức là trả tiền hàng tháng hoặc năm, sau đó phải trả tiếp (renew) thì phần mềm
này sẽ không bị tính thuế (vì nằm trên mây, cloud) dù rằng kết quả cuối cùng
thì người sử dụng được một bài viết như thế này tại máy vi tính ở Minnesota.
Tuy nhiên nếu người sử dụng mua phần mềm này cài vào máy của mình thì sẽ bị
tính thuế. Đa số các hãng sản xuất phần mềm đã chuyển sang trên mây nhằm thu lợi
nhiều hơn bởi người sử dụng phải trả tiền mỗi tháng hoặc mỗi năm và nhận được bản
mới khi cần thiết. Trong khi đó nếu mua thẳng bản quyền thì sẽ không nhận được
phần mềm mới nếu có thay đổi. Cùng một kết quả như nhau (tạo ra bài viết) nhưng
một bên bị đánh thuế còn bên kia không bị đánh thuế. Và luật thuế của tiểu bang
vẫn chưa thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật.
Con người luôn luôn biến
chất theo hướng tốt hay hướng xấu. Trong khi thế giới thay đổi, xã hội thay đổi
nhưng con người vẫn khư khư nắm giữ những điều kiện không còn hợp thời (nhân
danh tự do). Sinh hoạt chính trị Mỹ với hệ thống lưỡng đảng đã không đối phó với
tình hình như vậy. Phải chăng lưỡng đảng đã lỗi thời?
Lưỡng đảng đã không làm
việc hữu hiệu như thời kỳ đầu của thời lập quốc vì đảng tranh càng ngày càng trở
nên khốc liệt cho nên không thể nào thông qua tu chỉnh án hiện giờ, nếu ai đó đề
nghị thì để thông qua cơ chế Quốc Hội đã gặp trở ngại huống hồ đưa xuống cơ chế
tiểu bang chưa chắc sẽ được thông qua bởi đảng tranh không những trong hệ thống
liên bang mà gồm cả tiểu bang.
Nên nhớ chủ trương của
lưỡng đảng không do Hiến Pháp quy định mà do các thế lực chính trị thực hiện.
Ngay cả chủ trương của
lưỡng đảng cũng không hợp lý khi xã hội thay đổi với các nhóm thiểu số da màu dần
dần trở nên đông hơn nhóm da trắng đa số.
Hậu quả của cuộc nội chiến
đã để lại di sản là nạn kỳ thị chủng tộc. Khi đảng A chủ trương hạn chế quyền lực
chính quyền liên bang thì họ sẽ trả lời sao khi họ muốn nước Mỹ đứng đầu thế giới?
Nếu họ muốn bảo vệ giá
trị gia đình thì chẳng lẽ đảng B quy tụ những người vô gia đình?
Nếu họ muốn người dân có
tự do chọn lựa thì chẳng lẽ đảng B đại diện cho những người dân không có ý thức
chọn lựa hay để mặc nhà nước quyết định như các nước cộng sản?
Nếu họ muốn giữ súng thì
đảng B đại diện cho những người không biết... bắn súng (hay đi săn)?
Nếu họ muốn cắt giảm thuế
thì nhà nước lấy tiền đâu chi phí điều hành các cơ cấu chính phủ để phục vụ
nhân dân?
Nếu họ muốn nhà nước để
mặc các công ty, cơ sở thương mại tự quản lý, điều hành thì khi giới thương mại
bóc lột dân tiêu thụ thì ai sẽ can thiệp?
Nếu họ chống phá thai và
cấm phụ nữ phá thai thì đâu là nhân quyền của người nữ? Người nữ cũng là công
dân. Vậy tại sao công dân A chống (hay vận động để ngăn cấm) công dân B cắt một
phần cơ thể của B vì lý do XZY?
Nếu họ đòi duy trì giá
trị bảo thủ thì chẳng lẽ họ không muốn xã hội tiến bộ?
Ngược lại, khi đảng B
đòi tiến bộ thì không lẽ nào họ quăng hết tất cả giá trị cũ của xã hội đang sống?
Khi họ đòi hỏi công bằng
xã hội thì thử hỏi thế nào là công bằng khi X làm nhiều giờ để xây dựng tài sản,
đóng thuế... trong khi Y biếng nhác mà đòi hỏi nhà nước phải giúp đỡ đủ mọi mặt?
Khi đảng B tranh đấu cho
các nhóm thiểu số X không có nghĩa là các nhóm này đòi hỏi 1, 2, 3... là nhà nước
đều phải thoả mãn để lấy phiếu? Nếu nhóm thiểu số Y đòi hỏi ngược lại thì sao?
Để đem lại công việc cho
người dân không có nghĩa là thả lỏng cho các công ty sản xuất các mặt hàng mà
nhà nước không kiểm soát, cho đến khi tai nạn xảy ra thì mới cứu xét.
Cuối cùng là con người (Thượng
Nghị Sĩ, Dân Biểu ..) tha hóa, biến chất. Khi Hiến Pháp là bản văn tối cao kết
hợp con người (các chủng tộc, sắc tộc..) trong nước với nhau thì ngày nay chính
các nhà làm luật, lãnh đạo chính quyền đã lạm dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân,
bè phái mà vẫn nhân danh Hiến Pháp cho dù nói láo hàng ngày. Khi cá nhân nhân
danh "tự do ngôn luận" hay tự do mang súng (tu chính án trong Hiến Pháp)
để tấn công người khác thì họ đã đi ngược lại những gì Hiến Pháp quy định: kết
hợp mọi người dân. Khi cá nhân đã không tôn trọng sự thật (đạo đức) thì xã hội
sẽ rối loạn cho dù Hiến Pháp có tối tân đến đâu chăng nữa. Vậy thì sửa đổi Hiến
Pháp hay sửa đổi con người qua giáo dục?
Khi chủ trương của lưỡng
đảng đã mơ hồ, nghịch lý, lẩm cẩm, mâu thuẫn ... thì đó không còn là mục đích
phục vụ dân chúng mà chỉ là khẩu hiệu để phục vụ tham vọng bè phái, làm giàu.
Khi lưỡng đảng ngăn chận thành phần thứ ba để ép dân chúng vào thế chọn lựa bắt
buộc: nếu bạn không ủng hộ A thì bạn là B? Đó là hành động chụp mũ mà ngay cả
giới truyền thông (media) cũng tham dự để kích động quần chúng mà quên đi là nếu
người dân không thích cả A lẫn B thì sao? Đó là sự gian xảo của hệ thống lưỡng
đảng.
Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P2)
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)
Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/01/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét