Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P9)

b.  Tối Cao Lập Pháp

Trước khi đi vào phần Tối Cao Lập Pháp cần phải hiểu rõ từ Quốc Dân, Quốc Dân Đoàn, Quốc Chính Dân Đoàn, Công Dân, Quốc Chính Công Dân, Công Dân Đoàn, Trung Tâm Hội Nghị.

Quốc Dân là những người sống trong quốc gia, trẻ, già, bé, lớn, không phân biệt tuổi tác và giống tính. Đây là những người dân sống và sinh hoạt trong xã hội. Trong diễn giải sẽ dùng từ ngữ là người dân.

Quốc Dân Đoàn là những đoàn thể xã hội hình thành trong sinh hoạt của xã hội ở các tầng của xã chính dân đoàn, huyện chính dân đoàn, hạt chính dân đoàn, tỉnh chính dân đoàn, và quốc chính dân đoàn. Những đoàn thể này có thể mang tính đảng phái hoặc không đảng phái. Trong diễn giải sẽ dùng từ ngữ các hội đoàn trong xã hội.

Công Dân là người tham dự trực tiếp vào hệ thống sinh hoạt chính trị. Đây là những người không hẳn nằm trong cơ cấu cầm quyền mà là những người tham gia vào hệ thống sinh hoạt chính trị của quốc gia (activism). Những người làm trong cơ cấu chính quyền không hẳn là công dân khi họ không tham dự vào sinh hoạt chính trị của đất nước để tạo những thay đổi trong thiết kế và chấp hành nhân sinh. Trong diễn giải sẽ dùng từ những cá nhân tham dự vào chính trị (thiết kế và chấp hành nhân sinh) của quốc gia. Thí dụ một người thư ký làm việc cho một cơ quan nào đó trong bộ máy cầm quyền, nếu cá nhân đó không sinh hoạt trong các hội đoàn chính trị (phải hiểu ở nghĩa rộng lớn gồm tất cả các đoàn thể có ảnh hưởng đến việc thiết kế và chấp hành nhân sinh) thì không phải là Công Dân mà chỉ là Quốc Dân làm việc để sống và chọn làm trong chính quyền thay vì làm cho tư nhân.

Công Dân Tầng là những thành phần tham gia vào chính trị ở các cấp gồm xã, huyện, hạt, tỉnh, quốc gia. Trong diễn giải sẽ dùng từ ngữ cá nhân tham dự chính trị ở các cấp địa phương.

Quốc Chính Công Dân tức là những người tham dự vào sinh hoạt chính trị ở dạng quốc gia.

Công Dân Đoàn là những cá nhân công dân hợp thành đoàn thể chuyên môn trong từng lãnh vực có ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị của quốc gia. Các đoàn thể này mang tính xã hội hay đảng phái.

Trung Tâm Hội Nghị gồm có hai nghĩa. (1) Ở vị thế lãnh đạo Quốc Gia gọi là Quốc Hội. (2) Ở vị thế địa phương gọi là Trung Tâm Hội Nghị, tức là những cá nhân do các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị chọn vào Trung Tâm Hội Nghị để lãnh đạo sinh hoạt của bộ mấy cầm quyền cấp địa phương. Quyền hạn của Trung Tâm Hội Nghị do các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị đưa ra và Trung Tâm Hội Nghị là người dùng quyền hành đó để lãnh đạo và đốc thúc bên dưới thực thi chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Tối Cao Lập Pháp được hiểu là Quốc Hội, còn gọi là Trung Tâm Hội Nghị trong Cơ Năng Hiến Pháp. Sự khác biệt giữa Quốc Hội trong Cơ Năng Hiến Pháp với Quốc Hội của các quốc gia trên thế giới là Quốc Hội trong Cơ Năng Hiến Pháp không làm luật mà chỉ duyệt xét luật từ bên Lập Pháp Viện để luật chính thức áp dụng trên toàn quốc do công bố của Quốc Trưởng. Quyền lực của Quốc Hội lẫn quyền lực của Quốc Trưởng đều bị Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện kiểm soát để tránh trình trạng lạm quyền.

1.  Quyền lực của Quốc Hội từ những đoàn thể sinh hoạt xã hội của quốc gia ở các cấp xã, huyện, hạt, tỉnh.

2.  Các đoàn thể sinh hoạt chính trị ở cấp xã, hạt, huyện và tỉnh sẽ đề cử người vào Quốc Hội. Các cá nhân được đề cử phải từng phục vụ trong quân đội nhưng không còn hiện dịch.

Sự lựa chọn như thế nào LĐA không nói đến như là một hệ thống mở để thế hệ tương lai tự đưa ra điều luật lựa chọn cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên trong các tài liệu của LĐA có nói đến Nhân Phẩm, Nhân Cách là điều kiện cần phải có để nắm những vị trí lãnh đạo. Vị trí càng cao thì tư cách đạo đức đòi hỏi càng nhiều cùng với khả năng lãnh đạo. Có bốn điều kiện mà LĐA đòi hỏi dành cho những người muốn tham gia vào sinh hoạt chính trị trong vị trí thiết kế và chấp hành nhân sinh đó là: (1) phải trên 18 tuổi và có kinh nghiệm sinh hoạt chính trị; (2) có đạo đức và tư cách; (3) có học vấn, năng lực tham chính, xử lý chính trị; (4) nghĩa vụ phục vụ quốc gia. Đây là những tiêu chuẩn căn bản dành cho những ai muốn tham gia vào sinh hoạt của Công Dân Tầng. Công Dân Tầng ở xã, huyện, hạt, tỉnh, hay quốc gia đều có 4 điều kiện căn bản này và thêm những điều kiện khác dành cho từng cấp bởi càng lên cao thì tư cách, nhân phẩm, tuổi tác, kinh nghiệm đòi hỏi nhiều hơn so với cấp dưới.

Một điểm đáng lưu ý là người được chọn vào Quốc Hội không do bầu phiếu từ người dân mà do các cá nhân sinh hoạt ở dạng quốc gia lựa chọn. Mà những cá nhân sinh hoạt ở dạng quốc gia là những người trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chính trị và biết rõ khả năng của từng người để chọn vào Quốc Hội. Điều này tránh được tình trạng người có tiền, không có khả năng, ra tranh cử và dùng tâm lý để mua lá phiếu của người dân mà hình ảnh các vị dân cử ở Hoa Kỳ là thí dụ điển hình. Sự lựa chọn người vào Quốc Hội có thể là cá nhân sinh hoạt chính trị ở các cấp tầng xã, huyện, hạt, tỉnh, quốc gia nếu những cá nhân đó đạt tiêu chuẩn mà cơ quan Quan Chính Viện đặt ra cho từng vị trí trong cơ chế chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Một vấn đề khác là sự lựa chọn người vào Quốc Hội theo tiêu chuẩn địa phương, tức là mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi miền có bao nhiêu người sẽ chọn vào Quốc Hội hay không cần tính địa phương bởi Quốc  Hội của chế độ Duy Dân là Quốc Hội của toàn lãnh thổ, đại diện cho toàn quốc chứ không phải thuần túy là đại diện cho địa phương? Thực tế thì trách nhiệm của Quốc Hội trong Cơ Năng Hiến Pháp là để điều hành toàn quốc gia chứ không phải là đại diện cho từng địa phương. Có lẽ vì thế mà LĐA không nói đến sự đại diện cho từng vùng, từng miền vào Quốc Hội. Đây là vấn đề mà thế hệ tương lai phải suy tư để đưa vào Cơ Năng Hiến Pháp hoặc bộ luật của tranh cử.

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải là người đã từng trong quân đội? Phải chăng tiêu chuẩn thứ 4 nói về nghĩa vụ phục vụ quốc gia là nói đến sự tình nguyện tham gia vào trong quân đội? Khi mà Quốc Hội có quyền tuyên chiến, hay hòa do Quốc Trưởng đề nghị -- thì phải là người đã từng ở trong quân đội mới hiểu rõ quyết định đó quan trọng như thế nào với người lính cũng như người dân. Có lẽ vì lý do đó mà LĐA đòi hỏi những người tham dự vào Quốc Hội đã từng phục vụ trong quân đội.

3.  Quốc Hội gồm có 200 đến 300 người.

Thế hệ tương lai cần phải nhìn con số đề nghị này xem có hữu lý hay không để gia tăng hoặc giảm bớt.

4.  Nhiệm kỳ của mỗi nghị viên trong Quốc Hội là 4 năm, tối đa là 3 nhiệm kỳ phục vụ trong Quốc Hội.

5.  Tuổi để được vào Quốc Hội từ 40 trở lên và 60 trở xuống và có đầy đủ tư cách của công dân dành cho những người sinh hoạt ở dạng quốc gia.

Một lần nữa, LĐA quan tâm đến số tuổi để được vào Quốc Hội. Trong khi Quốc Trưởng phải ở tuổi 50 thì những ai chọn vào trong Quốc Hội chỉ ở tuổi 40 trở lên và không được trên 60. Điều này cho thấy Quốc Hội luôn luôn có những người trưởng thành, khỏe mạnh trong tri thức để cùng với các cơ quan khác điều hành công việc của quốc gia. Việc giới hạn thời gian phục vụ trong Quốc Hội tránh được chuyện bị các công ty mua chuộc và tạo ra sự thay đổi suy tư trong Quốc Hội phù hợp với thực tế của thời đại khi những lớp trẻ tham gia vào sinh hoạt của Quốc Hội. Một điểm nữa là tư cách của một công dân dành cho những người sinh hoạt chính trị ở dạng quốc gia. Tức là tư cách của mỗi công dân trong sinh hoạt chính trị ở mỗi cấp đều có đòi hỏi khác nhau. Càng lên vị thế quốc gia thì tư cách, khả năng, tài năng đòi hỏi cao hơn và vấn đề này mở rộng để cho thế hệ tương lai đưa ra chi tiết cho phù hợp với thực tế. Thế hệ tương lai Việt tộc cần đặt việc tuổi tác là quan trọng khi tham gia vào Quốc Hội. Không nên hạ số tuổi quá thấp bởi sự trưởng thành tri thức của một Con Người luôn luôn bắt đầu từ tuổi 40.

6.  Quốc Hội có các quyền sau đây:

6.1      Nghị sự sáng chế, phúc quyết, tuyển quan, bãi quan hoặc tự hành động, hoặc có thể từ các đoàn thể xã hội bên dưới thảo luận đề lên quyết nghị làm hay không làm.

Trên lãnh vực bãi quan thì phải dựa vào tiêu chuẩn nào để bãi quan? Với kinh nghiệm của chính quyền Trump tại Hoa Kỳ thì sự bãi quan không phải vì cá nhân đó không có khả năng mà vì cá nhân đó không phục vụ quyền lợi (hoặc ý muốn) của cá nhân Trump. Chuyện bãi quan này nếu cho Quốc Hội có cái quyền đó thì phải được sự duyệt xét của Kê Sát Viện hoặc Phê Phán Viện bởi hai cơ quan này độc lập để kiểm soát chính quyền. Hơn nữa bãi quan ở đây là nói đến những người lãnh đạo mà Quốc Trưởng đề nghị và Quốc Hội thông qua.

Quốc Hội vẫn phải làm việc và lắng nghe tiếng nói từ bên dưới ở những tổ chức xã hội dân sự trong quốc gia khi họ có những quan tâm ảnh hưởng đến toàn quốc thì sẽ trình lên Quốc Hội để thảo luận hầu có những quyết định giải quyết những vấn đề mà xã hội quan tâm. Tuy nhiên LĐA vẫn không nói đến sự ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang. Ở Hoa Kỳ ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang rất mạnh vào chính sách của quốc gia mà quyền lợi của nhóm vận động hành lang hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của số đông quần chúng. Cho nên cần phải có luật nghiêm cấm sự vận động hành lang vào các cơ quan của Quốc Hội lẫn các cơ quan khác của bộ máy cầm quyền trung ương. Đây là vấn đề mà thế hệ tương lai cần phải suy tư để cố gắng tránh những chuyện làm dụng quyền hành, lũng đoạn bộ máy chính quyền.

Để tránh các tổ chức xã hội dùng sức mạnh tổ chức của mình để làm ảnh hưởng chính sách của quốc gia, những quan tâm của các tổ chức xã hội cần phải được thảo luận công khai, rõ ràng để giúp mọi người nhìn được vấn đề trên lãnh vực phục vụ thiết kế và chấp hành nhân sinh thay vì là quyền lợi của phe nhóm.

     6.2 Quyền đưa ra chính sách quốc gia, ngân sách sinh hoạt, thông qua các luật (từ bên Lập Pháp Viện đưa qua), thông qua hiến pháp, hoặc các tính toán khác cần thiết trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Một vấn đề quan trọng cần phải để ý là ngân sách hoạt động của quốc gia phải được thông qua cơ quan Quốc Hội trước khi trở thành luật do Quốc Trưởng ban hành. Tuy nhiên, ngân sách sinh hoạt của quốc gia phải do một cơ quan độc lập khác nghiên cứu để đưa ra con số độc lập tránh không để tình trạng đại diện của cái địa phương làm lũng đoạn Quốc Hội. Ngân sách phải phù hợp với thực tế của thuế má. Không thể nào thu vào 10 mà muốn xài 100. Việc cân bằng ngân sách quốc gia bắt buộc phải có ngoài trường hợp chiến tranh xảy ra. Ngay cả khi chiến tranh chấm dứt, mọi nợ nần của chi phí cuộc chiến phải được giải quyết trong một thời gian ngắn nhất chứ không thể để nợ chồng chất cho thế hệ tương lai trả mà hình ảnh nợ nần của Hoa Kỳ là thí dụ điển hình.

Tránh chuyện dùng ngân sách quốc gia để đạt cái cơ quan muốn còn nếu không thì sẽ đóng cửa chính phủ như trường hợp của Hoa Kỳ. Chính quyền không thể đóng cửa cho dù một vài giờ. Cho nên mọi sự khác biệt trong vấn đề ngân sách hay bất cứ vấn đề nào giữa các cơ quan trong chính phủ phải giải quyết bằng mọi cách. Cơ Năng Hiến Pháp giao trách nhiệm ngân sách quốc gia cho Lập Pháp Viện tuy nhiên chuyện ngân sách là chuyện phải bàn thảo với Quốc Hội và Quốc  Trưởng. Chính vì lý do đó mà vị Quốc Trưởng, Quốc Hội, và Lập Pháp Viện đều có quyền này nhưng rồi cuối cùng Lập Pháp Viện làm bản ngân sách tổng hợp để trình lên Quốc Hội.

Câu hỏi đặt ra nếu Quốc Trưởng, Quốc Hội, và Lập Pháp Viện không thể nào thỏa thuận một ngân sách cho quốc gia thì phải chăng phải đóng cửa các cơ quan chính quyền? Chuyện này sẽ không thể nào xảy ra bởi Phê Phán Công Đường sẽ là cơ quan có phán quyết cuối cùng nếu có sự bất đồng ý kiến từ các cơ quan có trách nhiệm trong việc thông qua ngân sách. Chính cơ quan (Phê Phán Công Đường) đóng vai để đốc thúc các cơ quan khác làm việc và tạo ra sự đồng thuận thay vì chống chọi nhau.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P10)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/01/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p9/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...