Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P14)

 

Khảo Hạch Bộ Phận

Khảo Hạch Bộ Phận gồm có hai cơ quan: Tư Pháp Viện và Kê Sát Viện.

a. Tư Pháp Viện

   1. Tư Pháp Viện là cơ quan thừa hành về việc giải thích, áp dụng luật pháp, xử lý các vụ vi phạm luật pháp, nghi thức thực thi trong tòa án từ trên xuống dưới cho đồng nhất.

   2. Viện trưởng Tư Pháp Viện do Quốc Trưởng đề nghị và Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) bổ nhiệm.

   3. Tư Pháp Viện chia ra nhiều cấp gồm hạ cấp, sơ cấp, trung cấp, và Tòa Án Tối Cao. Tòa Án Tối Cao là tòa án chung kết phụ giúp Quốc Trưởng trong các bản án của quốc gia. Tòa Án Tối Cao có 5 vị thẩm phán và một vị làm thẩm phán trưởng.

Cơ Năng Hiến Pháp có hai cơ chế để bảo đảm quyết định của Tòa Án Tối Cao là quyết định hợp lý chứ không phải là quyết định phục vụ Quốc Trưởng, phục vụ quyền lợi cho một cá nhân, một công ty. Cho nên Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện có quyền xét lại những bản án mà Tòa Án Tối Cao phán xét sai trái, đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường. Về con số người trong Tòa Án Tối Cao có thể gia tăng tùy theo quyết định của thế hệ tương lai trong việc hình thành một Cơ Năng Hiến Pháp.

Một điểm cần lưu ý ở đây là 5 vị thẩm phán của Tòa Án Tối Cao không hề có sự tham dự của Quốc Trưởng hoặc Quốc Hội mà là sự lựa chọn trong phạm vi của viện. Có thể do viện trưởng lựa chọn qua những tiêu chuẩn mà Quan Chính Viện đã đặt ra cho vị trí lãnh đạo của tòa án tối cao. Chuyện này tránh vấn đề mà Hoa Kỳ đang gặp phải trong việc chọn lựa người vào tòa án tối cao dựa vào tư tưởng bảo thủ hay cấp tiến. Thẩm phán ở tất cả các cấp phải nhìn vấn đề ở phạm vi trừng phạt công bằng, thực hiện luật pháp để phục vụ tập thể chứ không phải ở cái quan niệm cấp tiến hay bảo thủ. Cho nên Quan Chính Viện đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra những tiêu chuẩn mà những người nằm trong vị thế lãnh đạo cần phải có bởi những người lãnh đạo có quyết định ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

4.  Tư Pháp Viện trông coi về dân luật, quan luật, quân luật, và hình luật.

Về vấn đề Quân Luật được nói ở bên trên, ở Hoa Kỳ quân đội không nằm dưới tòa án dân sự mà nằm dưới tòa án Quân Sự. Tại sao LĐA không để cho Quân Luật tách rời ra khỏi Tư Pháp Viện? Lợi hại ra sao? Thế hệ tương lai, những ai biết rõ về luật giải quyết vấn đề này bằng thực tế, kinh nghiệm của thời đại ở tương lai.

5.  Thẩm phán có quyền độc lập và được luật pháp bảo vệ quyền độc lập này. Thẩm phán không được quyền kiêm nhiệm bất cứ chức vụ nào trong cơ cấu chính quyền.

6.  Sự lựa chọn các thẩm phán, các nhân viên lãnh đạo của Tư Pháp Viện ở các cấp dựa theo định ngạch của luật pháp, có thi cử và điều kiện để tuyển chọn vào những chức vụ quan trọng trong Tư Pháp Viện. Quốc Trưởng không có quyền tuyển và sa thải nhân viên của Tư Pháp Viện.

Điều này tránh được sự chọn người không có khả năng vào cơ quan tư pháp như trường hợp Trump chọn những người vào cơ quan tòa án mà chính những người chuyên môn trong tòa án phản đối vì cá nhân đó không có khả năng và kinh nghiệm. Cho nên sự phân ngạch, đưa ra những điều kiện khả năng, kinh nghiệm, nhân cách, đạo đức của một vị thẩm phán là điều cần thiết để tạo sự tin tưởng của quần chúng đối với quyết định của cơ quan này. Khi quyết định đúng, phù hợp với duy nhân cương thường thì sẽ tránh được chuyện tiếp tục thưa kiện và sự tham dự của Kê Sát Viện và Phê Phán Công Đường.

b. Kê Sát Viện

1. Kê Sát Viện là cơ quan tối cao thừa hành về giám sát; thẩm định và kiểm soát các khoản tài chính của quốc gia; chỉ trích, gạn hỏi công việc về luật pháp và nhân viên ở các cấp trong quốc gia.

2. Kê Sát Viện đặt các phân viện ở toàn quốc và gồm có ba bộ: Giám Sát, Thẩm Kế (thẩm định), và Đàn Hạch (gạn hỏi, luận tội).

3. Kê Sát Viện gồm có 5 cao cấp kê sát viên tổng quản, một viện trưởng ở trong.

Điều này giống như Tòa Án Tối Cao gồm có 5 người. Phải chăng 5 người này quyết định là nên duyệt xét hay không duyệt xét vấn đề từ đáy tầng đưa lên để duyệt xét? Nếu Kê Sát Viện vì lý do nào đó không giải quyết vấn đề mà đáy tầng phản ảnh lên thì Phê Phán Công Đường là một cơ quan khác mà đáy tầng có thể sử dụng để để thực thi quyền kiểm soát và phê phán của người dân. Ít nhất Cơ Năng Hiến Pháp tạo cho người dân có hai cơ quan để đưa lên nguyện vọng hoặc chống lại những luật sai trái của chính quyền và cá nhân nào đó trong xã hội. Đây là cơ quan tự kiểm soát các cơ cấu chính quyền, giống như general inspector của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là một cơ chế khác để kiểm soát nếu general inspector cùng một phe với cơ quan. LĐA không hề nói đến cơ quan tự kiểm soát (General Inspector) trong cơ quan. Người viết sẽ góp thêm ý kiến vào gần cuối bài cho vấn đề này.

   4. Nhân viên lãnh đạo của Kê Sát Viện được dựa vào luật pháp với những điều kiện, định ngạch để phục vụ trong Kê Sát Viện và Quốc Trưởng không có quyền tuyển và sa thải.

   5. Kê Sát Viện không được kiêm nhiệm bất cứ chức vụ nào khác trong chính quyền. Kê Sát Viện làm việc phụ giúp Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội).

Nhân viên lãnh đạo của Kê Sát Viện dựa vào định ngạch để được vào vị trí này. Đây là một cơ quan rất quan trọng bởi đây là cơ quan kiểm soát các quan chức trong chính quyền để không đi quá đà, không lợi dụng cơ cấu chính quyền cho quyền lợi cá nhân, đồng thời loại bỏ những quan chức bị hủ hóa trong tiến trình phục vụ quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các quan chức trong Chính Trị Tổng Cơ đều bị giới hạn thời gian phục vụ trong khi các quan chức trong Hành Chính Tổng Cơ lại không giới hạn thời gian phục vụ? Lý do có lẽ là Hành Chính Tổng Cơ chỉ là những cơ quan góp phần đóng góp vào công việc lãnh đạo của quốc gia và để cho sự lãnh đạo đó không thay đổi nhiều, Hành Chính Tổng Cơ cần phải có những người chuyên nghiệp, đủ kinh nghiệm để không thể thay đổi thủ tục hành chính thường xuyên, tạo sự xáo trộn trong xã hội. Ngay cả cơ quan Tư  Pháp Viện có sự ảnh hưởng rất lớn vào hệ thống Tư  Pháp nhưng cơ quan này vẫn bị sự kiểm soát của Kê Sát Viện và Phê Phán Công Đường nếu những vụ án xử không công bằng thì sẽ được xét xử trở lại. Tòa Án Tối Cao không phải là tiếng nói cuối cùng nếu bản án có quyết định sai trái. Mà đã là con người thì luôn luôn có những sai lầm và sai lầm trong bản án ở Tòa Án Tối Cao sẽ được điều chỉnh ở hai cơ quan khác trong Cơ Năng Hiến Pháp của Duy Dân.

D. Hành Chính Phụ Cơ

Ngoài cơ cấu trung ương được gọi là Hành Chính Tổng Cơ thì còn có bộ phận hành chính ở địa phương gọi là Hành Chính Phụ Cơ. Cơ cấu địa phương thuộc về tự trị hay bán tự trị tùy theo cấp địa phương. Luật lệ do địa phương đặt ra nhưng không đi ngược lại chính sách, hiến pháp của quốc gia. Cơ cấu sinh hoạt của địa phương có thể giống cơ cấu của trung ương nhưng ở phạm vi nhỏ hơn để tránh tình trạng địa phương trở thành độc đoán.

a.  Khu Vực

Quốc gia được chia ra từng khu vực để đáp ứng nhu cầu của quốc phòng và luật pháp ở khu vực để người dân có thể trực tiếp tham dự vào sinh hoạt chính trị của khu vực mình sống trong phạm vi khu vực.

Khu vực chịu sự lãnh đạo trực tiếp từ cơ chế chính quyền trung ương để phục vụ các cơ cấu chính quyền địa phương trong cùng một khu vực. Khu vực gồm có các cơ quan của tư pháp, quân chính, đại học, quan chính v.v… để phục vụ dân cư sống trong khu vực đó.

b.  Tỉnh Trị

Trung Tâm Hội Nghị của tỉnh có trách nhiệm, bổn phận điều hành công việc của tỉnh. Tỉnh trưởng do Quốc Trưởng bộ nhiệm và phụ trách với Quốc Trưởng trong coi sinh hoạt của Tỉnh.

Tỉnh là cơ quan liên lạc giữa Trung Ương và Huyện nhằm mục đích thực hiện chủ trương của Trung Ương và giám đốc quyền tự trị của Huyện.

Các việc có tính chất riêng hàng Tỉnh, lấy luật pháp định ra do cơ quan tỉnh quyết nghị và thi hành.

c.  Huyện Trị

Trung Tâm Hội Nghị của Huyện là cơ quan có thẩm quyền cao nhất và tự trị trong sinh hoạt chính trị về an ninh, giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa v.v...

Huyện trưởng do các công dân (những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc điều hành chính trị của Huyện) đề cử, dựa vào luật pháp bên Quan Chính Viện đưa ra, và Quốc Trưởng tuyển chọn.

Các việc có tính chất riêng hàng Huyện, dựa vào luật pháp do Huyện quyết định để chấp hành.

d.  Hạt Trị

Trung Tâm Hội Nghị của Hạt là cơ quan có thẩm quyền cao nhất quản trị sinh hoạt chính trị trong phạm vi của địa phương mình.

Hạt là cơ quan liên lạc giữa Huyện với Xã, thừa lệnh từ Huyện và giám đốc quyền tự trị của các xã.

Hạt trưởng do Huyện trưởng đề cử, Tỉnh trưởng giám cử (xem xét lại) và Quốc Trưởng bổ nhiệm.

Những việc có tính chất riêng từng Hạt, cơ quan Hạt quyết định và chấp hành.

 

e.  Xã Trị

Trung Tâm Hội NghXã là cơ quan có thẩm quyền cao nhất quản trị sinh hoạt chính trị trong phạm vi của địa phương mình và tự trị.

Xã trưởng do công dân (những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham dự vào sinh hoạt chính trị của xã) đề cử, Huyện trưởng giám cử (xem xét lại) và Quốc Trưởng bổ nhiệm.

Các việc có tính chất riêng từng Xã, cơ quan Xã quyết định và chấp hành.

Nhận xét về sinh hoạt của Hành Chính Phụ Cơ

Sinh hoạt của Cơ Năng Hiến Pháp Duy Dân là sinh hoạt thuộc dạng Cơ Năng và Bản Vị. Từ đơn vị nhỏ nhất là Xã sẽ tạo ra đơn vị lớn hơn là Hạt, Huyện, Tỉnh, Khu Vực, cuối cùng là Trung Ương.

Có những cơ quan hoàn toàn tự trị nhưng có những cơ quan vừa nhận lệnh từ bên trên và giám đốc bên dưới nhưng vẫn không loại bỏ tính tự trị của bên dưới ngoài trừ luật lệ tự trị bên dưới vi phạm luật lệ của bên trên.

Tại sao các chức vụ từ Xã trưởng, Hạt trưởng, Huyện trưởng, Tỉnh trưởng đều do sự đề cử của những người nằm trong cơ cấu sinh hoạt chính trị và do sự bổ nhiệm của Quốc Trưởng? Liệu với hình thức như thế này thì không nói lên được cái dân chủ sinh hoạt bởi những người lãnh đạo này không do dân đề cử?

Để trả lời câu hỏi trên, cần phải nhìn vào thực tế của lịch sử đã và đang xảy ra ở các nước dân chủ hiện giờ. Những người ra tranh cử những chức vụ ở các nước tự do từ địa phương đến trung ương ra ứng cử theo tinh thần đảng tranh, đại diện cho đảng của mình ra tranh cử và ai có nhiều tiền, có khả năng biện luận thì cơ hội thắng cử rất cao, cho dù cá nhân đó không có tài lãnh đạo. Sự thành công trên lãnh vực thương mại không có nghĩa là cá nhân đó thành công trên lãnh vực điều hành quốc gia. Chưa kể tư cách đạo đức của những cá nhân ra ứng cử hoàn toàn không được xem là tiêu chuẩn hàng đầu trong tất cả những tiêu chuẩn để ra ứng cử.

Trong phạm vi của một công ty, để chọn người đủ khả năng điều hành một công ty, một số điều kiện đặt ra và cơ quan quản trị người trong công ty, sẽ duyệt xét các đơn xin việc để chọn người tốt nhất vào phỏng vấn xem khả năng ghi trên giấy tờ có đúng khả năng của thực tế hay không. Trong tiến trình phỏng vấn đó, người mướn sẽ đánh giá được con người của cá nhân đó ra sao, có đủ tin tưởng để nhận lãnh nhiệm vụ mà công ty muốn mướn người vào. Sau cuộc phỏng vấn nhiều người thì người có trách nhiệm sẽ quyết định chọn người.

Trên lãnh vực quốc gia, lớn hơn một công ty, thế nhưng không có một bộ phận nào ở các nước dân chủ, làm việc lựa chọn và phỏng vấn người trước khi được quần chúng bỏ phiếu. Để rồi cuối cùng, với tinh thần đảng tranh, nền dân chủ ở các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, chọn người không có tư cách, nhân cách vào vị thế lãnh đạo và có quyết định sai làm trong lúc cầm quyền. Lối ứng xử của tổng thống Trump là thí dụ điển hình.

Những người đi bỏ phiếu thực sự không có thời gian tìm hiểu người ra tranh cử tài năng ra sao, có đạo đức hay không có đạo đức, mà người đi bỏ phiếu chỉ lựa chọn người theo cảm tính, theo tinh thần đảng mà mình lựa chọn để rồi sẵn sàng chọn người thiếu khả năng, thiếu tư cách vào vị thế lãnh đạo. Chưa kể người ra tranh cử có một loạt chiến lược gia dùng tâm lý để mua những lá phiếu của người dân mà người dân hoàn toàn không nghĩ là mình bị tâm lý mua chuộc.

Có lẽ những nguyên nhân bên trên mà LĐA nhìn thấy, nên ông đề nghị tất cả những chức vụ quan trọng trong cơ cấu của địa phương, phải do chính những người sinh hoạt trong cơ cấu chính trị của quốc gia, hiểu biết khả năng và đạo đức của từng cá nhân trong sinh hoạt, để đề nghị và Quốc Trưởng chọn lựa người vào vị trí tự trị đó thay vì giao phó cho người dân. Cần phải để ý là Quốc Trưởng có quyền tuyển chọn nhưng không có quyền miễn nhiệm. Sự miễn nhiệm là do quyết định của những người trong cơ cấu điều hành quốc gia ở từng cấp phải thực hiện chuyện đó bởi chính họ biết được cá nhân được chọn làm việc tốt hay không tốt để điều chỉnh người nếu cần.

Điều lạ là LĐA có đề nghị giới hạn thời gian phục vụ trong cơ cấu Chính Trị Tổng Cơ nhưng lại không có bất cứ đề nghị nào về chuyện giới hạn thời gian phục vụ ở những cơ quan khác gồm cả các chức vụ ở địa phương. Có thể các cơ quan bên Hành Chính Tổng Cơ và cơ cấu chính quyền địa phương chỉ là những công chức, không có quyền hành ban hành luật pháp, cho nên không cần giới hạn thời gian phục vụ. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề mà thế hệ tương lai phải quan tâm để quyết định nên hay không nên giới hạn thời gian phục vụ của những chức vụ quan trọng trong cơ cấu cầm quyền ở địa phương. Chuyện giới hạn thời gian phục vụ của các quan chức lãnh đạo địa phương (tỉnh, huyện, hạt, xã) cần phải đặt ra để tạo cơ hội cho những cá nhân khác có cơ hội thăng tiến trong vị trí lãnh đạo đồng thời tránh sự lạm dụng quyền hành, mua chuộc của các đoàn thể, hoặc quá cấp tiến hay quá bảo thủ.

Một điều cần phải quan tâm là cơ quan Quan Chính Viện sẽ có những tiêu chuẩn đặt ra cho những chức vụ từ địa phương đến trung ương và cơ quan Kê Sát Viện sẽ kiểm soát những cá nhân xem vẫn giữ được nhân cách, nhân phẩm và tránh xung đột quyền lợi trong vị thế cầm quyền hay không. Nếu không đạt tiêu chuẩn thì sẽ bị trừng trị, loại bỏ qua hệ thống luật pháp mà Quan Chính Viện và Kê Sát Viện đưa ra để kiện toàn bộ máy lãnh đạo với những người tốt nhất, có khả năng nhất.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P15)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/15/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p14/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...