Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P7)

 B. Chính Trị Tổng Cơ

Người Việt xem chính trị là một cái gì đó ghê tởm bởi quá khứ đã chứng minh chính trị là để tranh giành quyền lực. Lý Đông A nhìn vấn đề chính trị ở dạng con người cho nên ông cho rằng “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Đây chính là bản chất thật của chính trị dưới góc nhìn của Duy Dân.

a.  Tối Cao Quốc Thể

Đây là cơ quan có quyền hành như là một vị Tổng Thống, Thủ Tướng của các quốc gia dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, Lý Đông A đề nghị một chế độ không phải là Tổng Thống chế mà là Quốc Trưởng.

1.  Khuôn mặt đại diện cho Tối Cao Quốc Thể chính là vị Quốc Trưởng. Quốc Trưởng được cơ quan Tối Cao Lập Pháp (Quốc Hội) đề nghị theo đa số phiếu và người dân bỏ phiếu để chọn ra một vị Quốc Trưởng.

Tại sao phải lựa chọn hình thức này thay vì bất cứ cá nhân nào trong xã hội có thể ra tranh cử? Đây là hình thức tránh chuyện những người có tiền, không đủ khả năng lãnh đạo, nhưng bỏ tiền ra để vận động tranh cử. Những cuộc vận động tranh cử ở các nước trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, người có tiền nhưng không có nhân cách, đạo đức có cơ hội thắng cử bởi họ có thể mua quảng cáo để đánh vào tâm lý của người dân hầu lấy lá phiếu của họ. Mà một người không có nhân cách, đạo đức của một con người thì có thể làm những chuyện đi ngược lại quyền lợi của người dân.

Một người lãnh đạo quốc gia, đặc biệt là vị trí của một Quốc Trưởng, đại diện cho quốc gia để nói chuyện với quốc tế, cần phải có đủ đạo đức, nhân cách, nhân phẩm và tài năng lãnh đạo để tạo sự kính trọng từ những quốc gia khác. Chưa kể khi nắm giữ chức vụ điều hành quốc gia, một trọng trách rất là nặng nên cần những con người có đầy đủ phẩm chất của một Con Người tốt với tư cách, nhân cách, nhân phẩm của người có đạo đức cao. Nói đúng ra Duy Dân đặt nặng về đạo đức, tư cách, nhân cách, nhân phẩm và tài năng của những người lãnh đạo trong cơ cấu điều hành quốc gia bởi nếu đạo đức xấu thì sẽ tạo ra một xã hội xấu mà đảng cộng sản việt nam là thí dụ điển hình.

2.  Nhiệm kỳ của Quốc Trưởng là 9 năm, tối đa là hai nhiệm kỳ. Có nghĩa là Quốc Trưởng chỉ phục vụ tối đa là 18 năm. Thời chiến tranh Quốc Trưởng có thể tại nhiệm lâu hơn.

Những chức vụ quan trọng có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, LĐA đề nghị giới hạn thời gian phục vụ. Một lý do khác là để những người bên dưới có cơ hội tiến lên trong vị thế lãnh đạo quốc gia và luôn luôn tạo ra nguồn sáng tạo trong bộ máy cầm quyền, không bị hủ hóa, không bị mua chuộc. Cho nên ba cơ cấu quan trọng của chính quyền trung ương là Quốc Trưởng, Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội), và Phê Phán Công Đường đều có giới hạn thời gian phục vụ. Một điểm nữa là khi chiến tranh thì cho phép Quốc Trưởng tại nhiệm lâu hơn nhưng lại không nói thời gian là bao lâu. Cho nên thế hệ tương lai cần phải xem lại để hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế. Một vấn đề là đề nghị 9 năm cho một nhiệm kỳ thì có qua lâu hay không và cần giảm xuống thì đây là sự thảo luận của thế hệ tương lai.

3.  Tuổi của vị Quốc Trưởng phải từ 50 được đề cử và nhậm chức đến 65 tuổi thì chấm dứt. Có nghĩa là dưới 50 và trên 65 không được giữ chức vụ Quốc Trưởng.

Vấn đề đặt ra là nếu vị Quốc Trưởng được đề nghị lúc 50 tuổi và được bầu ra làm nhiệm kỳ 1 hết 9 năm thì tuổi đã là 58. Nếu thêm một nhiệm kỳ nữa 9 năm thì sẽ không làm hết nhiệm kỳ 2 vì tuổi đã trên 65 trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Vậy thì cách giải quyết vấn đề cần phải gia tăng số tuổi để vị Quốc Trưởng nếu được chọn lúc 50 tuổi thì có thể đảm nhiệm được hai nhiệm kỳ. Con số 65 có thể thay thế con số 70. Nếu vị Quốc Trưởng lúc được tại chức nhiệm kỳ đầu tiên vào lúc hơn 50 tuổi thì chỉ có một nhiệm kỳ 9 năm thôi. Cho nên cơ hội để một vị Quốc Trưởng có hai nhiệm kỳ sẽ khó khăn hơn và tạo điều kiện cho sự thay đổi dễ dàng, phù hợp với thực tế của quốc gia. Con người càng lớn tuổi thì càng bảo thủ, càng khó thay đổi nếu chính bản thân của cá nhân đó không có sự tu dưỡng cao ngay từ thuở nhỏ. Cho nên vị thế lãnh đạo quốc gia 9 năm đủ cho một cá nhân, vừa lợi cho quốc gia và tạo điều kiện cho người bên dưới có cơ hội thăng tiến, đóng góp cho sự thay đổi theo hướng tiến bộ của quốc gia.

Tại sao phải là tuổi 50 để nhận lãnh chức vụ Quốc Trưởng? Đơn giản là khi 50 tuổi, kinh nghiệm về cuộc sống đủ tạo ra tri thức của bản thân; từ đó mọi hành động, ứng xử, cũng như chính sách đưa ra có cái nhìn tổng thể hơn là những người chưa từng trải. Thành ra đề nghị của Lý Đông A (LĐA) cho tuổi 50 mới có thể đề cử cho chức vụ Quốc Trưởng rất hợp lý. Tuy nhiên đây là con số tối thiểu hoặc tối đa mà thế hệ tương lai cần phải bàn thảo cho chức vụ này.

4.  Quốc Trưởng đại diện cho quốc gia để lo về đối nội và đối ngoại.

5.  Trách nhiệm của vị Quốc Trưởng gồm có:

5.1      Chịu trách nhiệm trước Trung Tâm Hội Nghị (toàn quốc).

Ở phần này vẫn tối nghĩa. Chịu trách nhiệm trước Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) về chuyện gì? Thế hệ tương lai cần phải tìm hiểu để phần này được rõ ràng hơn trong Cơ Năng Hiến Pháp.

5.2 Nắm giữ quân đội trong việc bảo vệ lãnh thổ. Tổng lý các chức quyền quân quốc, không được kinh doanh kinh tài.

Thế nào gọi là kinh doanh kinh tài? Nếu trước khi đóng vai vị trí Quốc Trưởng và đã có sẵn cơ sở kinh tài thì giải quyết ra sao? Làm cách nào, cơ quan nào để kiểm soát Quốc Trưởng không lạm dụng chức vụ của chính mình để đem lợi nhuận kinh tế cho công ty của mình? Kinh nghiệm điển hình qua chính quyền Trump, ông Trump sử dụng tài sản công ty của chính mình để tổ chức những buổi họp dành cho các vị lãnh đạo quốc gia và chính phủ phải trả tiền cho chi phí mà sự xung đột tài chính thấy rõ nhưng hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ không giải quyết được chuyện lạm dụng quyền hành này. Thành ra đây là một vấn đề quan trọng mà thế hệ tương lai cần phải bàn thảo.

Thông thường người làm thương mại thì không muốn dính dáng đến sự điều hành sinh hoạt của quốc gia bởi cả hai đòi hỏi khả năng khác nhau. Làm thương mại mục đích là kiếm tiền mà lời lỗ là quyết định trong thương trường. Trong khi đó lãnh đạo quốc gia không tính chuyện lời lỗ mà tính chuyện phục vụ quyền lợi của quần chúng trong khả năng tài chính sẵn có. Thành ra cơ hội để người làm thương mại, có cơ sở kinh tế to lớn để tham dự vào chính quyền khó có thể xảy ra bởi trong chính quyền, ở vị thế cao như vị Quốc Trưởng, nhiều đòi hỏi về tư cách, nhân cách, nhân phẩm, đạo đức và tinh thần phục vụ tập thể để có thể được Quốc Hội đề cử. Tuy nhiên LĐA vẫn cho rằng chuyện này có thể xảy ra cho nên ông đề nghị ngăn cấm chuyện Quốc Trưởng làm thương mại. Hoặc cũng có thể ngăn cấm cơ cấu Quốc Trưởng không được làm thương mại cho dù dưới hình thức nào. Sự ngăn cấm này cần được thảo luận, cần phải có luật đưa ra rõ ràng, với sự kiểm soát để tránh sự xung đột tài chính hoặc lạm dụng chức vụ của Quốc Trưởng khi một Việt Nam không cộng sản được hình thành.

5.3 Được quyền phản bác các quyết án của Quốc Hội 3 lần.

Các quyết án là như thế nào? Phải chăng là các quyết định về chính sách hoặc ngân sách của quốc gia hay án hình phạt cho ai đó? Và 3 lần là trong lúc tại vị hay ba lần cho một nhiệm kỳ? Nếu sự phản bác đó đi ngược lại nguyện vọng của số đông thì phải chăng Phê Phán Viện, Tư Pháp Viện sẽ nhảy vào làm trọng tài để giải quyết sự xung khắc này? Nếu Quốc Hội đồng ý đuổi vị Quốc Trưởng vì vi phạm luật pháp thì Quốc Trưởng có thể sử dụng quyền này để phản bác và tiếp tục tại vị? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai phải tìm câu trả lời và giải pháp để tránh chuyện Quốc Trưởng sử dụng quyền này vô tội vạ nhưng đồng thời không cản trở công việc lãnh đạo của Quốc Trưởng.

5.4 Được miễn truy tố trong nhiệm kỳ, ngoại trừ tội phản quốc.

Đây là một vấn đề mà thế hệ sau này cần phải cân nhắc để sửa đổi điều này bởi nếu Quốc Trưởng hãm hiếp, giết người, trộm cắp của công, làm những chuyện vi phạm đến Duy Nhân Cương Thường thì không được truy tố (vì không phải là tội phản quốc) trong lúc tại nhiệm và đất nước chấp nhận một vị lãnh đạo thiếu tư cách?

Làm Quốc Trưởng không có nghĩa là nằm trên luật pháp. Khi Quốc Trưởng vi phạm luật pháp trong lúc tại nhiệm thì vẫn phải bị truy tố. Còn khi đang tại nhiệm mà bị khám phá ra là Quốc Trưởng vi phạm luật pháp ở quá khứ thì phải chăng đây chính là lỗi của Quốc Hội đã không điều tra rõ ràng trước khi đề nghị vào vị trí Quốc Trưởng? Và nếu nằm ở trường hợp này thì không nên sa thải hay truy tố Quốc Trưởng bởi đây là lỗi của Quốc Hội trong việc thông qua người hay vẫn sa thải bởi không có đạo đức?

Thường những người nằm ở vị trí lãnh đạo dưới cơ chế Duy Dân có tinh thần tự kỷ (tự giác, tự xét chính mình) rất cao. Cho nên khi đã biết bản thân vi phạm đạo đức chẳng hạn như lăng nhăng với gái trong lúc đi công tác ở nước ngoài và bị báo chí khám phá ra thì phải chăng, với tinh thần tự kỷ cao độ, vị Quốc Trưởng sẽ tự động từ chức vì đã làm mất niềm tin của những người trong cơ cấu chính quyền và mất niềm tin ở quốc dân trong vị thế lãnh đạo, đại diện cho đất nước. Nhưng nếu Quốc Trưởng không tự xử và vẫn tiếp tục bám quyền thì Phê Phán Công Đường, Kê Sát Viện sẽ làm chuyện phê phán và Quốc Hội lắng nghe để trút phế Quốc Trưởng.

5.5 Phải chịu trách nhiệm chỉ trích, phê bình, đàn hạch của Phê Phán Viện trước Trung Tâm Hội Nghị.

5.6 Phải chịu trách nhiệm chỉ trích, phê bình, đàn hạch do Kê Sát Viện về bản thân Quốc Trưởng.

 

Trên lãnh vực phê bình thì con người Duy Dân có hai cơ cấu làm chuyện phê bình, đàn hạch. Cơ cấu trước tiên là ở chính bản thân, với tinh thần tự kỷ để xét lại chính bản thân đã làm gì, làm ra sao, vi phạm đạo đức hay vi phạm luật pháp để từ đó thực hiện chuyện từ chức. Cơ cấu thứ hai là do chính những cơ quan khác trong cơ chế mà LĐA đề nghị là Phê Phán Viện và Kê Sát Viện được quyền chỉ trích về chính sách, cách điều hành quốc gia hoặc bản thân của vị Quốc Trưởng để qua đó, vị Quốc Trưởng có thể điều chỉnh hầu thực hiện công việc quốc gia tốt đẹp hơn, hoặc từ chức sau vụ đàn hạch. 

 

Điều 5.5 & 5.6 nói về trách nhiệm của Quốc Trưởng trước sự phê bình, đàn hạch của Phê Phán Viện và Kê Sát Viện. Liệu sự chỉ trích, phê bình, đàn hạch này đi đến chuyện loại vị Quốc Trưởng ra chức vụ hiện tại nếu điều 5.4 được sửa đổi bao gồm một số điều kiện khác trong việc phế nhiệm vị Quốc Trưởng? Hai cơ quan trên là hai cơ quan kiểm soát những quan chức trong quốc gia để tránh tình trạng những người không có khả năng, thiếu đạo đức nằm trong vị thế lãnh đạo. Nếu hai cơ quan này đề nghị thay đổi người thì liệu các cơ quan có trách nhiệm thay đổi người sẽ thực hiện và nếu không thực hiện thì hai cơ quan này lấy gì để đưa quyết định của cơ quan vào thực tế? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai cần phải suy nghĩ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P8)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/24/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p7/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...