Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P12)

 

C.  Hành Chính Tổng Cơ

Đây là cơ quan được chia ra làm ba bộ phận: Nghiên Cứu, Chấp Hành và Khảo Hạch.  Mỗi bộ phận có hai viện. Tuy gọi là hành chính nhưng thực chất của những cơ quan này là những cơ quan tối quan trọng trong việc điều hành quốc gia song song với các cơ quan trong Chính Trị Tổng Cơ.

Các cơ quan này hoàn toàn không có nhắc đến sự giới hạn thời gian phục vụ cũng như về tuổi tác. Có lẽ LĐA nhìn những cơ quan này là cơ cấu hành chính thuộc lãnh vực chuyên môn, cần phải có người có đủ khả năng, kinh nghiệm để luật pháp, sự kiểm soát đạt được hiệu quả thực tế bằng kinh nghiệm nghề nghiệp. Một lý do khác là các nhân sự của các cấp ở trung ương đều có sự kiểm soát về nhân cách, nhân phẩm của người lãnh đạo cũng như người có những ảnh hưởng vào chính sách của quốc gia, nếu vi phạm hoặc bị phát hiện là có xung đột quyền lợi sẽ được giải quyết để tránh những người không có đủ khả năng hoặc thiếu nhân phẩm trong việc lãnh đạo quốc gia. Đây là việc mà cơ chế của Hoa Kỳ hoàn toàn không có để những con người thiếu nhân phẩm, nhân cách bầu vào vị trí lãnh đạo mà Trump là thí dụ điển hình cũng như một số dân biểu ở Hạ Viện và Thượng Viện im lặng trước sự chà đạp Hiến Pháp của Trump trong vụ bạo loạn tấn công vào căn nhà Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Nghiên Cứu Bộ Phận

a.  Nghiên Cứu Viện

Đây là viện nghiên cứu về mọi vấn đề dính dáng đến chính sách quốc gia bao gồm cả những phát minh và chế tạo trên mọi lãnh vực để giúp các cơ quan khác thiết kế và chấp hành nhân sinh được hiệu quả và thực tế. Viện này gồm có những ban như sau: Đạo đức, giáo dục, khoa học (trên nhiều lãnh vực gồm y khoa, nhân sinh, kỹ nghệ, không gian v.v…), nghệ thuật, chiến tranh khoa học.

Bất cứ công việc gì cần phải có sự nghiên cứu, điều tra để từ kết quả đó hầu đưa ra chính sách giải quyết vấn đề cho phù hợp với thực tế. Thành ra Nghiên Cứu Viện là một bộ phận quan trọng, cần thiết cho bộ máy nhà nước.

1.  Những vấn đề dính dáng đến quốc gia gồm có việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhân tài, bồi bổ hệ thống lý luận cho hợp với thực tế để có hành động thực tế, khảo cứu học thuật, xây dựng nền tảng đạo đức trong sinh hoạt của xã hội và quốc gia, phát minh những những sản phẩm hoặc khí cụ để phục vụ đời sống của quốc dân. Viện này gồm có các ban đạo đức, qui học, nhân sinh khoa học, nghệ thuật và chiến tranh khoa học.

Tài nguyên thiên nhiên lúc nào cũng có. Tuy nhiên việc khai thác tài nguyên cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng, phân tích lợi hại trong việc khai thác tài nguyên trên nhiều lãnh vực về kinh tế, môi sinh, cùng kỹ thuật khai thác. Sự khai thác tài nguyên như khí đốt, dầu hỏa, chất khoáng sản ở các nước khác trên thế giới mục đích vì lợi nhuận hơn là vì nhu cầu để rồi tạo ra sự khủng hoảng về môi sinh nơi khai thác và lan truyền đến những nơi khác. Cho nên trách nhiệm của nhà nước phải đặt vấn đề nghiên cứu khai thác tài nguyên thiên nhiên là một trong những kế hoạch thiết kế và chấp hành nhân sinh. Bất cứ nghiên cứu nào của cơ quan này cần phải có tính độc lập, không bị ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà vì quyền lợi của tập đoàn, họ có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của cơ quan này.

Những ban (cơ quan) mà LĐA là đề nghị, cần phải xét duyệt lại ở tương lai để thêm hay bớt nếu cần thiết. Một cơ quan khá quan trọng mà LĐA không nói đến là duyệt soát những nguy hại của những phát minh hay sản phẩm đang hiện có để bảo đảm quyền lợi của người tiêu xài, ngang ngửa với cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ.

Câu hỏi đặt ra để thế hệ tương lai suy nghĩ và tìm câu trả lời dựa vào thực tế: (1) Phải chăng Viện Nghiên Cứu này gồm có cơ quan về duyệt xét bản quyền để đánh giá phát minh chế tạo sản phẩm đó đạt được tiêu chuẩn phục vụ nhân loại nhưng không phá hoại môi sinh hoặc ảnh hưởng đến Tâm-Sinh-Lý của xã hội trên đường dài. (2) Những phát minh hiện hữu có đạt được mục đích phục vụ nhân sinh ở dài hạn hay chỉ là ngắn hạn mà tạo ra nguy hiểm ở dài hạn? Nguy hiểm đó có phương pháp nào để giảm bớt hoặc loại bỏ nguy hiểm ở tương lai?

2.  Mỗi ban gồm có 40 đến 80 nhân viên. Hình thức tổ chức gồm 5 viên thường trực, tổng thư ký, và thư ký.

Số người trong mỗi ban có thể thay đổi dựa vào thực tế. Ngay cả hình thức tổ chức cũng dựa vào thực tế để mỗi ban làm việc hữu hiệu, đáp ứng được nhu cầu của thực tế.

3.  Tất cả những ban nghiên cứu hợp lại để thành lập một ban cao cấp, gồm 60 người để điều hành nhằm mục đích đưa ra những chính sách để tất cả các ban làm việc hợp nhất, không bị cản trở lẫn nhau hoặc không làm cùng một việc.

Có thể nói rằng đây là một ban phối hợp và điều hướng để các ban trong Viện Nghiên Cứu làm việc hữu hiệu hơn. Những người trong ban này rất quan trọng bởi họ cần phải có một cái nhìn tổng thể để đề nghị các ban nhìn lại những nghiên cứu của mình hầu đạt cái nhìn tổng thể.

4.  Nghiên Cứu Viện lãnh đạo cơ quan văn hóa, đại học chuyên ngành, các đại học khu vực, và thực hiện các cuộc khảo thí cao cấp về học thuật.

5.  Được quyền tuyển các hiền sĩ làm việc cho viện. Viện trưởng do Quốc Trưởng đề nghị và Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) phê chuẩn.

b.  Lập Pháp Viện

1.  Lập Pháp Viện là cơ quan tối cao làm ra luật pháp, dưới sự chỉ đạo của Quốc Trưởng và Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) chuẩn bác và Quốc Trưởng công bố trở thành luật cho toàn quốc gia.

Khác với các cơ chế của Tây Phương mà Hoa Kỳ là thí dụ điển hình, Quốc Hội làm ra luật và Tổng Thống ký luật để ban hành toàn quốc. Cơ Năng Hiến Pháp của Duy Dân, làm luật không phải là Quốc Hội mà là Lập Pháp Viện, một cơ quan chuyên môn làm luật để đưa ra những luật cần thiết phục vụ xã hội. Mặc dù Lập Pháp Viện dưới sự chỉ đạo của Quốc Trưởng, nhưng để tránh tình trạng Lập Pháp Viện làm luật phục vụ Quốc Trưởng, cho nên chỉ có Quốc Hội thông qua luật để Quốc Trưởng đem luật áp dụng vào sự điều hành quốc gia. Đây là một trong những cơ chế của Cơ Năng Hiến Pháp kiểm soát lẫn nhau để không đi đến độc tài.

Câu hỏi đặt ra là nếu Quốc Hội đồng ý với luật và Quốc Trưởng không công bố thì luật có trở thành thực tế hay không? Dĩ nhiên trong một cơ chế Duy Dân, với những con người Duy Dân thì điều này hiếm có xảy ra. Hiếm không có nghĩa là không xảy ra, và nếu xảy ra thì phải chăng Quốc Hội cần quyền phủ quyết nếu Quốc Trưởng không ký để luật vẫn có thể đem vào thực tế với con số 2/3 phiếu đồng ý phủ quyết trong Quốc Hội? Đây là câu hỏi mà thế hệ tương lai phải tìm câu trả lời cho hợp với nhu cầu thực tế.

Câu hỏi kế: nếu có sự khác biệt giữa Quốc Trưởng và Trung Tâm Hội Nghị về luật thì Phê Phán Công Đường sẽ thực hiện chức năng phê phán hầu giải quyết xung đột giữa hai cơ quan này. Đây là đề nghị và cần ghi rõ trong Cơ Năng Hiến Pháp để chuyện xảy ra có phương pháp giải quyết thỏa đáng.

2.  Lập Pháp Viện gồm có 20 đến 30 người do Quốc Trưởng tuyển chọn. Lãnh đạo Lập Pháp Viện do Quốc Trưởng đề cử và Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) thông qua.

Với số người quá ít trong Lập Pháp Viện, liệu Lập Pháp Viện có đủ nhân lực để thực hiện trách nhiệm của chính mình? Phải chăng đây chỉ là những người chính trong Lập Pháp Viện và những người này phải có một số người bên dưới để thực hiện chuyện nghiên cứu cho những luật pháp, chính sách được đưa ra và những người chính này bàn thảo, quyết định và trình lên Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) để luật ban hành trong quốc gia?  Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai tìm câu trả lời cho phù hợp với thực tế.

3.  Trách nhiệm của Lập Pháp Viện

3.1      Soạn thảo các luật về dân pháp, hình pháp, thương pháp, thảo định độ lượng quyền hành.

Câu hỏi là định độ quyền hành của ai? Phải chăng của các viện và cơ cấu quốc gia?

3.2 Soạn thảo những luật cho chính sách về chính trị và hành chính thiết kế. Chính trị thiết kế gồm chính sách đối nội ngoại thẩm nghị, tài chính dự toán (ngân sách quốc gia), quyết toán thẩm nghị, pháp luật thiết kế, thảo định và thẩm nghị.

LĐA không nói nhiều về chi tiết Lập Pháp Viện. Tuy nhiên dựa vào trách nhiệm của cơ quan này thì đây chính là cơ quan soạn thảo các luật pháp ảnh hưởng đến sinh hoạt của bộ máy nhà nước. Chi tiết hoạt động của viện này ra sao cần phải được bàn thảo, sự hoạt động của viện này phải phối hợp với Hành Chính Viện để làm ra những luật đáp ứng nhu cầu mà quốc gia đòi hỏi. Thế hệ tương lai cần phải dựa vào thực tế để triển khai đề nghị này.

Về vấn đề ngân sách quốc gia thì đây là cơ quan soạn thảo ngân sách chi phí của quốc gia qua sự trao đổi với các cơ quan khác ở Chính Trị Tổng Cơ và Hành Chính Tổng Cơ để biết nhu cầu của đất nước là gì, từ đó mới có thể soạn thảo một ngân sách hợp với thực tế và tình hình tài chính của đất nước. Quan trọng là tránh chuyện thu thuế 10 đồng mà xài 100 đồng như hình ảnh của Hoa Kỳ và các nước khác là thí dụ điển hình. Cần phải đặt cân bằng ngân sách vào trong hiến pháp để tránh chuyện chi nhiều hơn thu.

Sự khác biệt của quyền soạn thảo ngân sách của Lập Pháp Viện so với Quốc Hội và Hành Chính Viện (hai cơ quan có quyền này) là cơ quan này phối hợp với tất cả các cơ quan có liên hệ để đưa ra một ngân sách tổng thể, đáp ứng nhu cầu chi – thu của quốc gia. Những đề nghị ngân sách từ bên Quốc Hội hay Hành Chính Viện chưa chắc được Lập Pháp Viện chấp nhận nếu đề nghị đó không đạt được mục đích cao trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P13)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/07/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p12/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...