Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P13)

 

Chấp Hành Bộ Phận

a.  Hành Chính Viện

1.  Hành Chính Viện là cơ quan tối cao thừa hành về chính trị, hành chính đối nội, đối ngoại, văn và võ.

2.  Hành Chính Viện do một Tổng Lý phụ trách. Tổng Lý do Quốc Trưởng đề cử và Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) phê chuẩn. Tổng Lý phụ giúp Quốc Trưởng trên vấn đề quốc sách và điều hành quốc gia.

3.  Hành Chính Viện phải do Quốc Trưởng ban bố mệnh lệnh và pháp luật. Tuy nhiên Quốc Trưởng có thể ủy quyền này cho Hành Chính Viện trong việc ban bố pháp luật.

Vấn đề ở điều 3 là nói về thủ tục hành chính trong khi đưa luật hay chính sách vào trong thực tế thì cần phải có thủ tục hành chính để tất cả mọi nơi, mọi cấp thực hành đồng nhất. Mà thủ tục hành chính không cần sự chấp thuận của Quốc Hội.

4.  Hành Chính Viện gồm có 9 bộ: Dân Chính, Văn Chính, Nội Chính, Không Chính, Ngoại Chính, Vũ Chính, Lộ Chính, Tài Chính, Pháp Chính. Bộ trưởng của những bộ này do Tổng Lý đề nghị và Quốc Trưởng phê chuẩn và Quốc Hội chấp nhận thông qua. Có thể ví đây là cơ quan nội các của Quốc Trưởng ngoài bộ phận Xu Mật Viện.

Để tránh việc sa thải các bộ trưởng vì không phục vụ quyền lợi của Quốc Trưởng (hình ảnh Trump sa thải người là thí dụ điển hình), chuyện sa thải các bộ trưởng phải được sự đồng ý của Quốc Hội qua một hội đồng xét xử trong việc sa thải các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Kê Sát Viện có thể thực hiện chuyện đánh giá khả năng của cá nhân về lãnh vực đạo đức, lãnh đạo, tài năng để phụ giúp Quốc Hội có quyết định sa thải đúng.

5.  Hành Chính Viện hội nghị gồm có các quyền: Đề cử dự toán án, đề cử pháp luật án, đề cử chính sách án, đề cử ngoại giao án, xử lý công việc cả viện và từng bộ, ủy nhiệm nhân sự.

6.  Dân Chính Bộ: trông coi các việc xã hội, giáo dục quốc dân, huấn luyện công dân, tổ chức quốc dân, dưỡng dục quốc dân, y tế, cứu tế, dân sinh, hộ tịch.

Đây là cơ quan quản trị và điều hành sinh hoạt của người dân cũng như công dân trên lãnh vực chính sách lẫn hành chính về mặt xã hội, giáo dục, y tế, cứu tế khi có thiên tai; giấy tờ cần thiết như khai sanh, hộ chiếu.  Cơ quan này chỉ đưa ra chính sách, luật lệ và cùng làm việc với những chuyên môn ở các cấp (địa phương đến trung ương) để phối hợp cùng nhau làm việc hữu hiệu.

7.  Văn Chính Bộ trông coi về văn hóa, giáo dục, nghi thức hành chính, thông tin, bản quyền, truyền thông, phép tắc, phong tục, lễ lạc.

Đây là cơ quan đặt ra những luật lệ để bảo vệ văn hóa, phong tục truyền thống trong đời sống xã hội lẫn trên truyền thông. Truyền thông ở đây phải mang ý nghĩa kiểm duyệt truyền thông khi mà những từ ngữ, hình ảnh mang bản sắc của người lớn không thể đi trên phạm vi truyền thông công cộng. Có nghĩa là một đài phát thanh hay truyền hình không thể dùng từ ngữ thiếu văn hóa trong hệ thống phát thanh và phát hình cho công chúng. Đồng thời bảo vệ sản phẩm trí tuệ, quyết định những ngày lễ lạc của đất nước.

8.  Nội chính bộ trong coi các việc quản trị tỉnh, huyện, hạt, xã, quan lại, cảnh sát, mật vụ.

Cần phải hiểu đây là cơ quan chỉ lo về hành chính để toàn bộ từ địa phương lên đến trung ương có một sinh hoạt hành chính đồng nhất. Cơ quan này hoàn toàn không tham dự vào sinh hoạt của địa phương mà địa phương tự quản trị. Thí dụ cảnh sát tự quản trị nhưng khi thực thi công việc bắt và giam giữ người thì vẫn theo luật lệ bên Hành Chính Viện đưa ra chứ không phải tự địa phương làm ra luật giam giữ.

Phải chăng cơ quan này sẽ quản trị cơ quan mật vụ tình báo và an ninh cho quốc gia mà bên Xu Mật Viện thiếu phần này? Hay phần mật vụ tình báo, an ninh quốc gia giao phó cho Xu Mật Viện quản lý? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai cần phải tìm câu trả lời cho phù hợp với thực tại ở thời điểm tương lai. Các cơ quan về tình báo, mật vụ trong và ngoài nước nên nằm dưới sự điều hành của Xu Mật Viện bởi đó là cốt lõi an ninh của quốc gia mà Quốc Trưởng là đại diện. Trong khi đó Hành Chính Viện chỉ lo về thủ tục hành chính trong phạm vi của cơ quan mật vụ này.

9.  Không chính viện trông coi về kinh tế, các công trình lớn của quốc dân, các công ty quốc doanh, hợp doanh, tư doanh.

Đây là cơ quan xem xét về kinh tế mà các công trình lớn của quốc dân cần phải thực hiện. Đồng thời kiểm soát sự hoạt động của các công ty để tạo sự cạnh tranh công bằng; đưa ra những luật lệ trong việc mua bán các công ty để công ty không trở thành độc quyền, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng; tạo ra luật chơi công bằng của công ty để bảo đảm quyền lợi của người tiêu thụ. Cần phải quan tâm về môi trường, tác hại ở tương lai qua những quyền lợi kinh tế phục vụ lợi ích ngắn hạn nhưng hại dài hạn. Ngay cả trong lãnh vực phối hợp công ty (hợp thành một công ty lớn hay sự mua lại của một công ty trong một ngành nghề) cần phải xem xét thật kỹ để người tiêu thụ không bị thiệt thòi khi mà công ty quá lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân để người dân bị công ty kiểm soát về mặt giá cả và phục vụ.

   10. Ngoại chính bộ trong coi việc ngoại giao trong việc cấp giấy phép cho người nước ngoài vào và lo cho người Việt sống tại nước ngoài.

Đây là cơ quan ngoại giao lo về thủ tục giấy tờ cho người ngoại quốc vào lãnh thổ Việt, người Việt sống ngoài nước, cũng như thực hiện chính sách ngoại giao của quốc gia đối với các quốc gia khác. Phải nghiêm cấm đưa tình báo vào cơ quan này để theo dõi các hoạt động của tình báo bạn. Cần phải loại bỏ quyền không được truy tố dành cho những người ở bộ ngoại giao nước ngoài đặt trụ sở trong nước Việt. Bất cứ ai vào lãnh thổ Việt, nếu phạm pháp thì sẽ bị tội chứ không phải vì làm cho bộ ngoại giao và phạm tội giết người để rồi dùng luật miễn truy tố dành cho bộ ngoại giao hầu chạy trốn trách nhiệm mà các nước lớn đang áp đặt trên thế giới.

   11. Vũ chính bộ trong coi việc quốc phòng gồm cả quân đội (hải, lục, không, tiềm), quân huấn, quân pháp, dân đoàn.

Đây là bộ quốc phòng chuyên coi về quân đội. Cơ quan độc lập nhưng đồng thời nằm trong Xu Mật Viện dưới sự chỉ đạo của Quốc Trưởng.

   12. Lộ chính bộ trong coi về giao thông, đường xá, hàng hải, xe thuyền, thông tin, bưu điện.

Đây là cơ quan chuyên lo về giao thông trên bờ lẫn trên nước. Ngoài ra cơ quan này lo về chuyện thông tin và bưu điện.

   13. Tài chính bộ trong coi về tiền bạc (in tiền) gồm cả thuế trong nước lẫn thuế xuất nhập khẩu.

Đây là cơ quan lo về tài chính và thuế má của quốc gia. Trên lãnh vực thuế cần phải hợp lý và công bằng để mọi người đều phải đóng góp nhưng đồng thời giúp đỡ những người không có khả năng đóng góp vì nhiều lý do chính đáng. Luật thuế cần phải quan tâm đến chuyện cấm dùng tiền thuế của dân để cho các công ty lớn với mục đích khuyến khích công ty về địa phương mở văn phòng hay hãng xưởng. Để tạo sự phát triển đồng đều ở mọi nơi trên toàn lãnh thổ, luật thuế có thể giảm thuế cho công ty trong một thời gian nào đó nếu công ty thành lập hãng xưởng ở địa phương mà quốc gia có chính sách để phát triển địa phương đó.

   14. Pháp chính bộ trông coi ngục hình, tư pháp hành chính, tư pháp điều tra.

Đây là cơ quan hành chính trong việc đưa ra những chính sách về ngục hình, điều tra và hành chính của tư pháp để việc thực hiện tư pháp từ trên xuống dưới được thống nhất trên lãnh vực hành chính.

b.  Quan Chính Viện

1.  Quan Chính viện là cơ quan thừa hành về chính sách nhân sự và cán bộ của quốc gia.

2.  Quan Chính Viện tổng lý do Quốc Trưởng tuyển chọn Quốc Hội thông qua.

Trong tài liệu ghi là Quan Chính Viện do Quốc Trưởng tuyển chọn và có quyền bãi nhiệm mà không cần thông qua Quốc Hội. Có thể người ghi lại đã viết sai. Để cho có sự đồng nhịp, giống nhau, một hình thức của Đan Quyền, tất cả các vị lãnh đạo ở 6 viện, hoặc những vị lãnh đạo phục vụ dưới quyền chỉ đạo của Quốc Trưởng thì Quốc Trưởng đề nghị và Quốc Hội thông qua. Quốc Trưởng không có quyền bãi nhiệm khi Quốc Hội chưa đồng ý hoặc qua một thủ tục hành chính trong việc bãi nhiệm.

3.  Quan Chính Viện có ba bộ: Bộ Khảo Thí, Bộ Lương Bổng, và Bộ Trừng Phạt, Khen thưởng.

4.  Quan chính viện có trách nhiệm soạn thảo chính sách để tuyển chọn các quan chức trong chính quyền về mặt khả năng lẫn tư cách; huấn luyện cán bộ; đặt ra phẩm ngạch, lương bổng; xét lại dân quyền của quan chức hầu thực hiện chuyện truất trắc (phê phán); đặt ra những khen thưởng dành cho những cán bộ xuất sắc hay người dân xuất sắc trong xã hội. 

Trong phần xét lại dân quyền của các quan chức có nghĩa là xem xét lại quan chức sử dụng quyền tự do có hợp lý hay không. Thí dụ: Một thường dân có quyền tự do ngôn luận cho dù là nói dóc, nói sai sự thật trong đám đông. Nhưng ở vị thế của một vị lãnh đạo, cái quyền tự do ngôn luận của các quan chức phải cân nhắc chứ không thể muốn nói thế nào thì nói bởi lời nói của quan chức sẽ ảnh hưởng đến sự lắng nghe của số đông. Thành ra khi một lời nói, một câu nói của quan chức không có hiệu quả tốt trong quần chúng thì sẽ bị cơ quan này có biện pháp hành chính để vấn đề này không tiếp tục xảy ra trong tương lai và cũng là một thông báo với quần chúng là câu nói này hoàn toàn sai, không được sự chấp nhận của giới chức trong chính quyền. Sự nói dóc không đúng sự thật của ông Trump trên mọi lãnh vực, đặc biệt về kết quả bầu cử năm 2020 là thí dụ điển hình để Hành Chính Viện có quyền lên tiếng và nếu cần sa thải nếu các quan chức vẫn tiếp tục làm những chuyện bị khiển trách. Chuyện xét lại dân quyền của quan chức rất là quan trọng, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận mà luật sư của ông Trump biện hộ cho ông trong việc luận tội lần thứ hai tại Quốc Hội. Quyền tự do ngôn luận của một quan chức lãnh đạo quốc gia phải đi kèm theo trách nhiệm chứ không thể nào phủ bỏ trách nhiệm khi chính lời nói đó tạo ra bạo động, hại người khác.

Ngay cả việc tuyển chọn các quan chức trong chính quyền được cơ quan này đặt ra những tiêu chuẩn để hầu tránh tình trạng những người không có khả năng, không có tài, thiếu đạo đức mà đòi ra tham dự vào công việc thiết kế và chấp hành nhân sinh ở các cấp của đất nước. Điều này cũng tránh được tình trạng nhận người vào cơ cấu chính quyền như là một hình thức trả ơn, hoặc tìm người trung thành với mình mà Trump là thí dụ điển hình trong việc chọn người vào trong cơ cấu chính quyền của Trump.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P14)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/15/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p13/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...