Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P4)

 Cơ Năng Hiến Pháp

Nhận diện ra được những khuyết điểm của cơ chế Tam Quyền Phân Lập của Hoa Kỳ thì câu hỏi đặt ra: chúng ta vẫn tiếp tục dùng cơ chế đó hay tìm một cơ chế khác?

Đã có những cố gắng của người Việt có lòng với đất nước sống tại Hoa Kỳ đưa ra đề nghị về một bản hiến pháp cho Việt Nam tương lai. Dĩ nhiên ở đâu đó ngoài nước Hoa Kỳ cũng sẽ có một nhóm người khác đưa ra một bản hiến pháp tương tự, dựa vào kinh nghiệm và quốc gia cư ngụ để đề nghị một hiến pháp tương lai cho Việt Nam. Tất cả những cố gắng này đều dựa vào cơ chế đã có sẵn mà khuyết điểm của cơ chế đó vẫn còn tồn tại, không giải quyết được, hoặc được tu bổ, sửa đổi để cố gắng tạo ra một cơ chế tốt hơn. Nếu một chiếc xe bộ máy đã hư hỏng thì phải thay bộ máy mới chứ không phải sửa chữa bộ máy ở những phần cần phải sửa. Chưa kể bộ máy đã quá cũ, cần phải thay đổi triệt để cho phù hợp với đời sống thực tế của xã hội hiện tại. Không thể nào dùng chiếc xe với bộ máy đã được sản xuất hơn 200 năm trước trong khi thực tế xã hội có thể tạo ra nhiều chiếc xe tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ông Lý Đông A đã đề nghị một Cơ Năng Hiến Pháp cho một Việt Nam tương lai ở thời điểm 1942. Tài liệu Duy Dân của Lý Đông A (LĐA) trong 80 năm qua đã được nhiều người ghi chép lại và bên dưới đề tên LĐA thay vì là tên của người ghi chép lại. Chính vì do nhiều người ghi chép lại, sự mâu thuẫn hoặc không hoàn hảo từ những tài liệu có cùng một nội dung.

Xét vì ngôn ngữ của LĐA khó hiểu cho kẻ hậu sinh và sự sao chép có nhiều thiếu sót càng làm cho sự thực hiện tư tưởng LĐA vào thời đại 2000 trở nên nan giải. Chính vì thế người viết mở đường máu "diễn giải" các tài liệu của LĐA với ngôn ngữ và kiến thức thời đại 2000 mong giúp người Việt quan tâm đến đất nước có thêm điều kiện phục hồi nước Việt mà LĐA hằng mong đợi. Dưới đây là phần viết lại theo ngôn ngữ thời đại 2000s, qua sự hiểu biết, kinh nghiệm bản thân của người viết để áp dụng từ ngữ của thời đại 2000 làm cho tài liệu LĐA rõ hơn cho người đọc ở hiện tại cũng như tương lai. Ngay cả hình thức trình bày thay đổi cho phù hợp với cách trình bày của thời đại 2000. Người viết sẽ đưa ra những thí dụ của thời đại để đưa ra nhận định các quan điểm, đề nghị của LĐA áp dụng được hay không, hoặc cần phải thêm bớt cho phù hợp với thực tế của thời đại trong thiên niên kỷ 2000 này. Người viết cũng sẽ đặt ra những câu hỏi mà người viết chưa có câu trả lời bởi hoàn cảnh thực tế chưa xảy ra hoặc đi ra ngoài khả năng hiểu biết, cho nên những câu hỏi được đặt ra là những câu hỏi thế hệ tương lai phải tìm câu trả lời.

Bản diễn giải này dựa vào ba tài liệu được ghi lại: Duy Dân Cơ Năng Tốc Giảng, Duy Dân Cơ Năng, và Duy Nhân Cương Thường.

Tư cách pháp lý

Sẽ có người đặt câu hỏi tư cách pháp lý để đề nghị một bản hiến pháp tương lai của Việt Nam? Xin trả lời đây không phải là một bản hiến pháp đúng nghĩa mà là một khung sườn của một Cơ Năng Hiến Pháp dưới viễn kiến của LĐA đề nghị vào thời đại 1940.

Gần 80 năm qua, có những người luật sư được tiếp cận với tư tưởng Duy Dân, tài liệu Duy Dân nhưng chưa có một ai dành thời gian và chuyên môn về luật để diễn giải khung sườn Cơ Năng Hiến Pháp do LĐA đề nghị. Tại sao thì người viết bài này không có câu trả lời.

Một điều cần phải minh bạch là người viết bài này không phải là luật sư cho nên sự diễn giải Cơ Năng Hiến Pháp bằng góc nhìn của một thường dân quan tâm đến chính trị, quan tâm đến đời sống của xã hội và của cả chính bản thân. Đây chỉ là một viên gạch lót đường cho thế hệ tương lai xem lại nội dung của viên gạch này để áp dụng (hoặc sửa đổi) vào thực tế hiện tại ở thời điểm tương lai. Viên gạch này gốc là từ tư tưởng Duy Dân, từ Cơ Năng Hiến Pháp và được tu bổ với kinh nghiệm bản thân, với thực tế nước Hoa Kỳ vào thời điểm 2020 để mài giũa viên gạch sát với thời đại 2020. Đây chính là tư cách pháp lý và tư cách pháp lý này dành cho mọi người, những người quan tâm đến một cơ chế chính trị mà LĐA cho rằng đó là Thiết Kế và Chấp Hành Nhân Sinh cho một Việt Nam tương lai. Bạn không cần là một luật sư để nhìn vấn đề luật trên phương diện của luật thường tình, luật của nhân bản nhằm phục vụ xã hội loài người.

Tại sao phải là cơ năng hiến pháp?

Duy Dân dựa vào nguyên lý sinh hoạt của loài người trong lịch sử để rút kinh nghiệm và đưa ra một triết lý hành động nhằm mục đích tạo cơ hội cho mọi người, mọi dân tộc trên thế giới này cùng nhau tiến hóa chứ không phải là một thế giới mạnh được yếu thua đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại.

Sinh hoạt của quốc gia cũng ví như sự sinh hoạt của cơ thể chính chúng ta. Mà cơ thể của chúng ta được hoạt động theo hình thức cơ năng. Tức là tất cả những bộ phận trong cơ thể chúng ta độc lập và nương tựa vào nhau để làm cho cơ thể hoạt động hữu hiệu. Từ cái ăn, cái thở, động tác dy chuyển, suy tư trong bộ óc v.v… là sự vận hành của tất cả những bộ phận trong cơ thể để sự sống của chúng ta được hiện hữu và mạnh khỏe. Một bộ phận nào đó trong cơ thể yếu sẽ ảnh hưởng đến một hay nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Cho nên để được mạnh khỏe, tất cả các cơ năng trong cơ thể của ta sẽ nương tựa vào nhau để hoạt động hữu hiệu trong cuộc sống của chính chúng ta.

Cơ cấu chính quyền được thể hiện qua Hiến Pháp. Tuy nhiên chữ Hiến Pháp không nói lên rõ cái cơ năng cần thiết trong cơ cấu chính quyền. Và khi nói đến Hiến Pháp, người của thời đại 2000 nghĩ đến tam quyền (hay ngũ quyền) phân lập. Có nghĩa là ba ngành Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp độc lập và có quyền hành riêng biệt để tránh độc tài. Trên lý thuyết rất là hay nhưng thực tế của thế kỷ 21 cho thấy chế độ phân quyền đã thất bại mà hình ảnh Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Trump là thí dụ điển hình. Hãy tưởng tượng một cơ chế chính quyền phục vụ đời sống của người dân, cái cơ chế đó vì sự phân tranh quyền lực, Quốc Hội (Lập Pháp) thông qua ngân sách nhưng vị Tổng Thống (Hành Pháp) vì không đạt được cái mình muốn thì mình sẽ không ký ngân sách và cả bộ máy chính quyền phải tạm đóng cửa ngoại trừ những bộ phận quan trọng phải đi làm nhưng không được trả lương vì ngân sách tài chính chưa được thông qua. Đây chính là hình ảnh sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ mà toàn bộ cơ cấu chính phủ phải đóng cửa vì sự tranh giành quyền lực giữa Hành Pháp và Lập Pháp, hoặc tranh giành quyền lực giữa Hạ Viện và Thượng Viện. Chưa kể tinh thần đảng tranh, sự lạm dụng quyền hành của vị Tổng Thống khi bị truy tố ở Hạ Viện nhưng lên Thượng Viện, vì đảng của vị Tổng Thống nắm đa số, cho nên tội lạm dụng quyền hành được xử mà không cần nhân chứng -- để rồi tinh thần đảng tranh đưa đến quyết định là Tổng Thống không lạm dụng quyền hành mà sự truy tố của Trump là thí dụ điển hình.

Thử tưởng tượng cái cơ chế chính quyền đó là cơ thể của chúng ta. Trái tim vì không đạt được cái mình muốn nên ngưng đập, không đem máu chạy khắp thân thể nuôi những cơ năng khác. Hành động tim không làm việc thì toàn bộ cơ năng trong cơ thể chúng ta lập tức ngưng hoạt động và chúng ta chết đi, trái tim cũng chết chứ chẳng sống còn. Chỉ khi nào chúng ta quan niệm cơ cấu chính quyền là một cơ năng thì lúc đó, cách suy nghĩ và làm việc của những người trong cơ cấu chính quyền sẽ nhìn vấn đề như chính cơ thể của họ. Họ không nhìn vấn đề phân quyền là quan trọng. Trái lại mỗi cơ năng trong cơ cấu chính quyền hoạt động theo chuyên môn của mình và nương tựa vào nhau nhằm tạo ra một chính quyền mạnh để phục vụ lợi ích của toàn dân sống trong quốc gia -- mà lợi ích đó không ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác. Đây chính là cơ chế Duy Dân còn gọi là Cơ Năng Hiến Pháp. Có thể nói nôm na đây là cơ chế của phân công. Mỗi bộ phận trong bộ máy hoạt động của chính quyền có nhiệm vụ của riêng mình và phải làm tốt nhiệm vụ đó -- bởi nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến những cơ chế khác trong bộ máy cầm quyền, làm cho toàn bộ cuộc sống của người dân bị gián đoạn, bị lầm than. Dĩ nhiên cơ chế này gồm những con người điều hành cơ chế đó, mà con người thì luôn luôn có tham-sân-si; chính vì yếu điểm này của con người, Cơ Năng Hiến Pháp dưới quan điểm của Duy Dân có những cơ quan riêng biệt để thanh lọc những con người đặt lợi ích hay quan điểm cá nhân lên trên lợi ích của xã hội.

Quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ hữu tương, hai bên cùng có lợi. Nhưng để quan hệ này được thăng tiến, cùng hòa với nhau và giảm sự xung khắc, quốc gia cần cơ cấu chính quyền để làm nhiệm vụ điều hòa sự xung khắc nếu có. Mỗi cá nhân là một cơ năng riêng biệt trong xã hội. Một hội đoàn trong xã hội là tập hợp nhiều cá nhân khác nhau để tạo ra một cơ năng mới được gọi là đoàn thể, hội đoàn. Tất cả những cá nhân, hội đoàn phải có trách nhiệm với chính xã hội mình đang sống và trách nhiệm đó được điều hướng bởi cơ cấu chính quyền. Sự tương tác giữa cá nhân, tập thể và chính quyền là sự tương tác cần thiết, bảo đảm mọi người sống trong xã hội cùng có cơ hội, nghĩa vụ, bổn phận để thực hiện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Không thể nào giao phó mọi thứ cho chính quyền bởi chính quyền, dù mạnh đến đâu cũng không thể tồn tại nếu không có sự hợp tác với những cá nhân, những đoàn thể sống trong quốc gia đó. Cho nên cơ chế Duy Dân là cơ chế mà mọi người sống trong xã hội có bổn phận (trực tiếp hay gián tiếp) phải tham gia vào sinh hoạt thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không giao phó cho cơ cấu chính quyền hay tổ chức chính trị nào đó.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P5)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/07/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p4/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...