Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P15)

 

E.  Chính Trị Nguyên Cơ

1.  Những người sinh hoạt chính trị quốc gia ở các tầng cấp dựa vào luật pháp, vào tư cách, nhân cách để đưa lên cấp cao hơn hầu tạo ra một lực lượng chính trị vững chắc có đủ nhân phẩm, nhân cách trong việc lãnh đạo quốc gia.

2.  Những đoàn thể sinh hoạt chính trị quốc gia ở các cấp xã, hạt, huyện, tỉnh sẽ đề cử người vào Quốc Hội.

3.  Sinh hoạt của Trung Tâm Hội Nghị các cấp do sự quyết định của những đoàn thể sinh hoạt chính trị. Trung Tâm Hội Nghị chỉ là người thực thi công việc do các đoàn thể sinh hoạt chính trị giao phó. Nếu trong lúc thực thi gặp trở ngại, cần phải thay đổi điều lệ sinh hoạt của Trung Tâm Hội Nghị thì phải xin phép những đoàn thể sinh hoạt chính trị.

4.  Các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị phải làm việc trong tinh thần chặt chẽ tôn trọng lẫn nhau, từ dưới đi lên từ trên đi xuống để thực thi chức năng của chính mình trong việc giám đốc lập pháp và lãnh đạo quốc gia cùng với quần chúng.

5.  Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị là lãnh tụ toàn quốc dân.

Ở đoạn này có thể hiểu là Trung Tâm Hội Nghị ở các cấp lập thành một Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị để có thể trao đổi, học hỏi với mục đích tạo mọi sinh hoạt của từng địa phương có thể thống nhất trên một cái nhìn tổng thể.

6.  Ý kiến của các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị cấp xã là chính trong việc quân sự trọng đại của quốc gia.

Điều này phù hợp với việc lấy ý kiến quyết định từ cấp xã trong việc thay đổi Hiến Pháp. Xã là bộ phận nhỏ nhất của quốc gia nhưng là bộ phận sống thực của người dân. Nhiều xã hợp thành hạt, nhiều hạt hợp thành huyện, nhiều huyện hợp thành tỉnh. Hạt, huyện và tỉnh đều khởi đi là cái gốc xã, cho nên ý kiến của các tổ chức trực tiếp sinh hoạt chính trị cấp xã là ý quyết định quan trọng phải được quan tâm.

7.  Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị soạn thảo ra điều lệ tổ chức, sinh hoạt, chương trình hội họp của các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị và được sự biểu quyết của trong buổi hội nghị quốc gia của tất cả các đoàn thể trực tiếp sinh hoạt chính trị ở các cấp trước khi đem áp dụng vào thực tế.

Tính dân chủ trong Cơ  Năng Hiến Pháp

Nhìn vào hình thức chọn người vào các cấp lãnh đạo của Cơ Năng Hiến Pháp của cơ chế Duy Dân, ngoài chức vụ Quốc Trưởng, do Quốc Hội đề cử ba người và được toàn dân bỏ phiếu để bầu ra vị Quốc Trưởng. Tất cả các vị trí lãnh đạo khác hoàn toàn không có sự tham dự bằng lá phiếu của người dân.

Phải chăng vì không có sự tham dự bằng lá phiếu của người dân thì tính dân chủ trong Cơ Năng Hiến Pháp đã không có? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần phải nhìn dân chủ ở một dạng tổng thể, một góc nhìn của Duy Dân chứ không phải cái nhìn dân chủ qua lá phiếu của người dân. Thực tế bầu cử qua lá phiếu của người dân ở Hoa Kỳ, nghe rất là dân chủ nhưng khi được bầu vào vị thế lãnh đạo, cá nhân đó đổi đảng và bỏ phiếu đi ngược lại nguyện vọng của người dân thì người dân chẳng làm được gì ngoài chuyện chờ hết nhiệm kỳ để đổi người khác. Vậy thì “dân chủ” ở Mỹ qua bầu phiếu cũng chỉ là hình thức chứ người dân hoàn toàn không có tiếng nói, không có một cơ quan nào để dựa vào đó đấu tranh cho quyền lợi của chính người dân. Ngay cả những vụ vận động để thay đổi thống đốc cũng là vì tinh thần đảng tính mà vụ xin chữ ký để thay đổi thống đốc tiểu bang California xảy ra ba lần, vừa tốn tiền của dân và tạo sự thiếu niềm tin từ giới cầm quyền.

Dân chủ dưới cơ chế Duy Dân là mỗi cá nhân sống trong quốc gia tự làm chủ được bản thân của mình trên mọi lãnh vực để phụ giúp mọi người thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Người dân không có khả năng thiết kế thì sẽ không làm chuyện thiết kế nhưng sẽ thực hiện chuyện chấp hành trong cuộc sống cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao đối với tập thể. Dân chủ chính là đặt mình vào đúng vị trí trong xã hội để bộ máy xã hội chạy không bị trục trặc. Những người dân quan tâm đến chính trị hiểu theo nghĩa thiết kế và chấp hành nhân sinh thì sẽ tham gia vào các hoạt động của tổ chức xã hội, từ đó sẽ có những quyết định trực tiếp hay gián tiếp trong việc chọn người nằm trong vị trí lãnh đạo quốc gia ở các cấp tầng của đất nước. Tính tự chủ được đặt ra trong phần đầu của Cơ Năng Hiến Pháp được gọi là Duy Nhân Cương Thường. Đây chính là điểm chính của tinh thần Dân Chủ và là nền tảng của tinh thần Dân Chủ chứ không phải dân chủ thể hiện qua lá phiếu.

Khi mỗi người đạt được tính tự chủ thì sẽ đặt đúng vị trí trong bộ máy của quốc gia để cùng nhau thực hiện thiết kế và chấp hành nhân sinh trong một tinh thần Duy Dân. Và trong Cơ Năng Hiến Pháp đó, nếu người lãnh đạo có những quyết định sai lầm, người dân có hai cơ quan (Kê Sát Viện và Phê Phán Công Đường) để điều chỉnh những sai lầm đó, cho dù Tòa Án Tối Cao có quyết định sai lầm thì người dân vẫn có cơ hội để thay đổi quyết định của Tòa Án Tối Cao. Cho nên thiếu sự tham dự của người dân bằng lá phiếu không có nghĩa là Cơ Năng Hiến Pháp không có tinh thần dân chủ. Chưa kể bầu phiếu tạo ra nhiều chi phí không cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là nếu những người được chọn vào cơ cấu cầm quyền dù ở cấp nào phải có tiêu chuẩn đặt ra thì người dân bỏ phiếu hay không bỏ phiếu có gì khác biệt? Nếu có khác biệt thì là chi phí tài lực và nhân lực bỏ vào trong việc tổ chức bầu phiếu. Còn lá phiếu của người dân chọn ai cũng như sự lựa chọn giao cho một cá nhân nào đó, đều giống nhau bởi những người đã được đề cử có đủ tiêu chuẩn đạo đức, tài, khả năng và một số tiêu chuẩn khác.

Nếu thế hệ tương lai thấy rằng chuyện bầu phiếu của người dân là cần thiết như chức vụ của Quốc Trưởng thì có thể thực hiện điều này cho những chức vụ khác và cần phải có luật lệ rõ ràng để tránh tình trạng tranh cử mà người có tiền, hoặc công ty có tiền bỏ vào để vận động cho ai đó như tình trạng ở Hoa Kỳ, tạo ra sân chơi không công bằng vì người có tiền sẽ quảng cáo mạnh hơn.

Những thiếu sót trong Cơ Năng Hiến Pháp

Qua đề nghị của LĐA, những đề nghị mang tính cơ bản để tạo ra một hình thức Đan Quyền trong Cơ Năng Hiến Pháp, vẫn có những thiếu sót mà người diễn giải xin đóng góp ý kiến và hy vọng thế hệ tương lai đem vào trong Cơ Năng Hiến Pháp.

(1)       Cần phải có một cơ chế tự kiểm soát trong mỗi cơ quan của Chính Trị và Hành Chính Tổng Cơ. Cơ chế này tiếng Anh gọi là General Inspector và người lãnh đạo cơ chế này có thể do Quốc Hội đề nghị và không được quyền đuổi người lãnh đạo ngoại trừ vi phạm luật mà Phê Phán Công Đường hoặc Kê Sát Viện luận tội để phải bãi nhiệm chức vụ. Cơ chế làm việc độc lập để tự kiểm soát những người trong Chính Trị và Hành Chánh Tổng Cơ nhằm tránh chuyện lạm dụng quyền hành cho quyền lợi của cá nhân về tài chính hay quyền lực. Nếu chọn phương pháp này thì trong Cơ  Năng Hiến Pháp cần phải ghi rõ trách nhiệm của cơ chế này, còn thời gian phục vụ thì có thể đặt ra nếu thấy cần thiết. Hoặc cơ chế này có thể nằm bên trong của các cơ quan qua hình thức là một ủy ban chứ không cần một cơ quan đặc biệt giống như internal affair của sở cảnh sát. 

(2)       Để tránh tình trạng thưa kiện kéo dài thời gian, qua những lý lẽ của luật sư chẻ cọng tóc ra làm 10 để phá luật, cần phải ghi rõ bất cứ vị trí lãnh đạo nào của quốc gia, ở các cấp, mà cá nhân lãnh đạo lợi dụng chức quyền để đạt lợi nhuận về tài chính hoặc quyền lực cho bản thân, gia đình, họ hàng với bằng chứng rõ ràng thì bị đuổi ra khỏi chức vụ lãnh đạo nếu cá nhân đó vẫn tiếp tục bám quyền hành.

(3)       Bất cứ sự xung khắc nào giữa các viện, hoặc giữa Quốc Trưởng và Quốc Hội trong việc thông qua luật pháp, Phê Phán Công Đường sẽ tham dự vào việc giải quyết xung khắc đó. Không thể nào để sự xung khắc này làm trì hoãn những luật lệ cần phải có trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.

(4)       Nếu thế hệ tương lai lựa chọn một Cơ Năng Hiến Pháp khác, thì cần phải lưu lý về chuyện hứa hẹn của các ứng cử viên khi ra tranh cử. Nếu hứa hẹn làm điều A nhưng không làm thì giải quyết ra sao? Nếu hứa hẹn làm điều A nhưng khi đắc cử làm điều B thì sự trừng phạt là gì? Nếu một người lãnh đạo nói láo thì sự trừng phạt là gì hay vẫn để tiếp tục nói dối như hình ảnh đại diện dân cử của Hoa Kỳ?

(5)       Quân đội mục đích để bảo vệ lãnh thổ chống lại sự xâm lăng của nước ngoài chứ không phải là để các lãnh đạo dùng quân đội nắm giữ quyền lực bằng cách trấn áp các lực lượng khác trong quốc gia. Cho nên bất cứ ai trong quân đội thực hiện đảo chính, đàn áp các lực lượng khác trong nước thì sẽ bị tử hình vì đó là phản quốc, phản nền Nhân Chủ Dân Chủ trong một cơ chế Duy Dân. Điều này cần phải ghi rõ trong Cơ Năng Hiến Pháp để tránh chuyện luật sư chẻ cọng tóc thành 10.

(6)       Cần phải có luật thưởng cho những ai tố cáo những sai lầm của lãnh đạo và khi ai đó tố cáo, làm nhân chứng thì sẽ được luật pháp bảo vệ chứ không phải bị trừng phạt mà dưới thời đại của Trump, một vị sĩ quan trong quân đội làm việc tại Dinh Tổng Thống, ông Alexander Vindman, làm nhân chứng cho vụ đàn hạch lần đầu tiên của Quốc Hội. Điều này phải ghi rõ trong Cơ Năng Hiến Pháp để tạo cơ hội tố giác xảy ra sớm hơn thay vì sợ trả thù và im lặng

(7)       Cần có trưng cầu dân ý khi mà sự kiện xảy ra mà ngay cả trong các cơ cấu chính quyền không giải quyết được mà cần có sự đóng góp ý kiến của toàn dân. Đây là vấn đề thế hệ tương lai cần tìm hiểu và giải quyết cho bản Cơ Năng Hiến Pháp được hoàn hảo.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P16)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/24/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p15/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...