Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P16)

 Đan Quyền là gì?

Đan Quyền là từ ngữ mới của LĐA sử dụng mà tự điển Việt gồm cả tự điển Hán Việt không có định nghĩa cho chữ Đan Quyền này.

Ngay cả những người học hỏi Duy Dân cũng nhìn vấn đề Đan Quyền sai, với nhận định như sau: Cơ chế chính trị đan quyền (trung ương tập quyền, địa phương phân quyền) tương tự thể chế liên bang của Hoa Kỳ: tiểu bang có hiến pháp và những quyền riêng tư mà liên bang không được xâm phạm (như quyền mở cửa cơ sở thương mại trong đại dịch Covid-19) - tức địa phương phân quyền …”. (Người Việt Học Được Gì Từ Nền Dân Chủ Mỹ, Tạ Dzu). Thực tế khi nói về Hoa Kỳ, LĐA cho rằng đó là cơ chế phân quyền chứ không bao giờ cho là Đan Quyền. Nhưng kẻ hậu sinh đọc không hiểu Đan Quyền ra sao nên đưa ra nhận định hoàn toàn đi ngược lại nhận định của LĐA.

Câu hỏi đặt ra Đan Quyền là gì?

Đan Quyền chính là hình thức Cơ Năng và Bản Vị mà LĐA đã có nói trong thuyết Duy Dân của ông. Sự hình thành bất cứ vật thể nào, xã hội nào đều dựa vào nguyên lý Cơ Năng và Bản Vị để sự tồn tại đạt được mục đích của sự sống. Sự hình thành một cây bút chì rất là đơn giản nhưng được sự tham dự cả ngàn người (xem bài Tôi, Cây Bút Chì). Không những thế mà vật liệu của cây bút chì được hình thành từ nhiều bản vị (hay cơ năng) khác nhau để tạo ra bản vị mới là cây bút chì. Sự sống trong con người chúng ta là sự điều hành của Cơ Năng và Bản Vị mà cơ thể của chúng ta từ tim, phổi, thận, gan v.v… là những cơ năng và đồng thời là bản vị của chính nó để cùng nhau hợp tác tạo ra sự sống còn của thể xác mọi cá nhân trên thế giới này.

Cơ Năng và Bản Vị được đem vào Cơ Năng Hiến Pháp mà mỗi cơ quan trong bộ máy chính quyền vừa là bản vị vừa là cơ năng của toàn bộ cơ cấu chính quyền để cùng nhau vận hành trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh (chính trị hiểu theo nghĩa đúng thực của nó chứ không phải chính trị hiểu theo nghĩa chia nhau cầm quyền, tranh giành quyền lực giữa các cơ cấu chính quyền). Mỗi cơ quan đóng một vị trí đặc biệt trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh mà thiếu một hay nhiều cơ quan thì xã hội sẽ không ổn định.

Hiểu theo nghĩa trên thì cơ chế Duy Dân dưới Cơ Năng Hiến Pháp là cơ chế của Đan Quyền chứ không phải là phân quyền, tập quyền. Tất cả mọi cơ cấu của chính quyền, từ cấp thấp nhất (xã) đến cấp cao nhất (quốc gia) đều có sự tương quan lẫn nhau để tồn tại, để thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Đan Quyền phải hiểu ngoài lý của Cơ Năng và Bản Vị để có cái nhìn tổng thể. Đan Quyền là một cơ chế, với nhiều phương tiện để tránh chuyện độc tài dẫn đến sự thiệt hại về Con Người và đưa đến thiệt hại cho Quốc Gia, cho những con người sống trong quốc gia đó.

Cơ cấu chính quyền khởi đầu bằng Con Người cho nên cần phải có những Con Người có sự tu dưỡng ở bản thân để biết đặt mình vào vị trí nào của bộ máy xã hội, hoàn thành tốt vị trí đó và mọi người trong bộ máy đó sẽ cùng nhau tiến bộ bởi bộ máy được chạy đúng sức mạnh của chính nó khi mỗi người hoàn thành đúng vị trí của mình. Chính vì đó mà LĐA đã đặt sự tu dưỡng cá nhân lên hàng đầu trước khi có bất cứ một cơ chế nào. Mà tu dưỡng khởi đầu từ chính bản thân. Nhưng không phải ai cũng có thể tự tu dưỡng và LĐA thấy điều đó cho nên ông đã nói “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Phải có một nền giáo dục để hướng dẫn người dân biết tu dưỡng; biết nhìn ra được chính mình hầu đặt đúng vị trí vào bộ máy của xã hội; biết tự chủ ở chính mình và đó là nền tảng để thực hiện Nhân Chủ Dân Chủ. Chỉ khi nào người dân làm chủ được chính mình thì lúc đó nền dân chủ mới hình thành trên cái nền tảng Nhân Chủ đó. Còn người dân bị các chính trị gia, công ty dùng tâm lý mua lá phiếu thì nền dân chủ đó chỉ là nền dân chủ giả hiệu để các chính trị gia muốn làm gì thì làm sau khi đã được bầu vào bộ máy cầm quyền.

Khi những con người có tu dưỡng thì không phải ai cũng có khả năng để làm chuyện lãnh đạo. Ngay cả những người có khả năng lãnh đạo cũng ở nhiều cấp độ khác nhau. Cho nên cơ chế chính quyền sẽ gạn lọc để những vị trí lãnh đạo giao cho người có đức độ và tự giác cao, có đủ tài và bản lãnh, kinh nghiệm để nắm giữ những chức vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân với cấp độ của cá nhân đó. Một người có tu dưỡng cao sẽ không nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo ở trung ương khi mà chính bản thân cá nhân đó biết sức mình chỉ làm ở cấp xã chứ không thể nào làm cao hơn cấp xã. Tinh thần tự giác ở những người lãnh đạo sẽ tạo ra quyết định mỗi cá nhân đặt đúng vị trí của chính mình trong bộ máy chính quyền và từ đó tạo sự hòa hợp dễ dàng. Nếu đặt sai thì bộ máy gàn lọc bởi Quan Chính Viện, đưa ra những tiêu chuẩn ở các cấp lãnh đạo cần phải có trước khi được đề nghị vào chức vụ nào đó ở các cấp của cơ cấu chính quyền.

Con người luôn luôn hủ hóa dù là một người có đạo đức cao. Có người lý luận là khi đã có đạo đức cao thì ít khi làm sai. Lý luận này đúng; nhưng đã là con người thì “khôn ba năm dại một giờ” và chỉ một giờ dại đó có thể giết cả vài thế hệ do một quyết định nào đó. Chính vì thế mà LĐA đưa ra Cơ Năng Hiến Pháp với căn bản đầu tiên của Cơ Năng Hiến Pháp là Duy Nhân Cương Thường mà mọi người lãnh đạo xem đó là kim chỉ nam cho bất cứ chính sách, luật lệ để phục vụ người dân dựa trên cương thường đó chứ không phải dựa trên đảng tính, trên suy nghĩ cá nhân.

Để tránh một sự lũng đoạn đưa đến độc tài, LĐA đề nghị một Cơ Năng Hiến Pháp mà không một cơ quan nào trong chính quyền có thể tồn tại nếu thiếu một cơ quan khác. Từ sự thiết kế đó, tất cả các cơ quan phải làm việc với nhau để thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Mỗi cơ quan có nhiệm vụ và trách nhiệm riêng biệt chỉ vận hành đúng nhiệm vụ và trách nhiệm đó với những cơ quan vận hành khác trong Cơ Năng Hiến Pháp.

Ngay cả chính trong những cơ quan của bộ máy chính quyền có riêng một cơ quan (general inspector) tự kiểm soát để tránh những việc lạm dụng quyền hành cho quyền lợi tài chính cũng như quyền -- mà có thể dẫn đến sự độc tài, lũng đoạn, phá hoại nền Nhân Chủ Dân Chủ. Cơ quan này không được LĐA nhắc đến nhưng người viết đã đề nghị để thế hệ tương lai đem cơ quan này vào trong Cơ Năng Hiến Pháp.

Dĩ nhiên cơ quan tự kiểm duyệt có thể sai lầm hoặc bị hủ hóa thì hai cơ quan khác trong Cơ Năng Hiến Pháp đó là Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện sẽ tham dự để điều chỉnh những sai trái có thể làm nguy hại đến tiến trình thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Tuy Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện có sức mạnh ảnh hưởng đến những quyết định sai trái của tòa án, của chính sách nhưng chính hai cơ quan này lại kiểm soát lẫn nhau. Có nghĩa là Kê  Sát Viện qua trách nhiệm và quyền hành của chính mình có thể chế tài những quan chức trong Phê Phán Công Đường và ngược lại Phê Phán Công Đường có thể chế tài những người trong Kê Sát Viện.

Nói chung Đan Quyền là một hình thức tạo ra nhiều cơ hội để tránh chuyện độc tài xảy ra và nếu xảy ra thì có những cơ chế để điều chỉnh, không để sự kiện xảy ra. Đây mới chính là cái nhìn Đan Quyền tổng thể trong Cơ Năng Hiến Pháp của tư tưởng Duy Dân, một tư tưởng đưa vào thực tế hành động chứ không phải là tư tưởng suông, thiếu thực tế hoặc không phù hợp với thực tế.

Kết Luận

Trong tài liệu Đường Sống Việt  được nhắc đến là “Làm người, nhất là làm quốc dân, phải đứng dậy phục vụ cho quốc gia, phải tham dự chính trị, vì không thế thì không bảo là hơn loài vật được”. LĐA mong muốn mọi người dân phải tham gia vào chính trị, phục vụ cho quốc gia chứ không muốn người dân thụ động, để giao phó trách nhiệm cho các vị lãnh đạo. Mà tham dự chính trị thì có nhiều phương cách, trực tiếp hay gián tiếp qua các đoàn thể sinh hoạt chính trị hoặc các đoàn thể sinh hoạt xã hội. Tất cả những đoàn thể này đại diện cho các tầng lớp người dân để trực tiếp phục vụ quyền lợi của người dân và trực tiếp có tiếng nói trong tiến trình lựa chọn lãnh đạo. Đây chính là hình thức dân chủ trực tiếp, do các đoàn thể từ đáy tầng lựa chọn người vào vị trí lãnh đạo. Chỉ có những người quan tâm về chính trị (hiểu theo nghĩa bình dân là thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không phải chính trị theo kiểu tranh giành quyền lãnh đạo như ở các nước độc tài và các nước dân chủ mang tinh thần đảng tranh mà Hoa Kỳ là thí dụ điển hình), về xã hội thì có quyền được tham dự vào tiến trình này. Cơ hội tham dự vào tiến trình này là của toàn dân. Nếu người dân không thích tham dự thì cũng là quyền của cá nhân đó.

Mỗi cá nhân trong xã hội không ít thì nhiều phải tự giác, tự nguyện vào trong một đoàn thể của xã hội để đóng góp công sức trong việc xây dựng một xã hội người hơn, tốt hơn, và giúp mọi người cùng tiến bộ. Một hội từ thiện tức là một đoàn thể trong xã hội. Nhiều hội từ thiện họp lại thành một nhóm từ thiện để đại diện cho chính mình, có tiếng nói với những người lãnh đạo chính trị để cùng nhau thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Quan hệ giữa các nhóm sinh hoạt mang tính xã hội với quan hệ của các cơ cấu chính quyền là quan hệ cùng tiến, hữu tương, lắng nghe để giúp đỡ lẫn nhau hầu xây dựng một xã hội mà mọi người trong đó đều có cơ hội, nghĩa vụ, và quyền lợi đúng với vị trí đóng góp trong xã hội. Đó là một xã hội mà quyền lợi cá nhân điều chỉnh cho phù hợp với quyền lợi của tập thể và tập thể có trách nhiệm giúp cá nhân cùng nhau tiến bộ. Đây chính là một xã hội Duy Dân. Một xã hội mà mỗi con người trong xã hội đó đạt tính tự giác, trách nhiệm cao đối với chính mình và toàn xã hội.

Đã là con người, dù có tính tự giác, trách nhiệm cao nhưng “khôn ba năm dại một giờ” cho nên một Cơ Năng Hiến Pháp được hình thành trong bộ máy cầm quyền để tránh những giờ dại xảy ra hầu phát hiện và điều chỉnh cái dại đó.

Cơ Năng Hiến Pháp là những đề nghị cơ bản, giống như một bản vẽ nháp của một nhà tư tưởng và nội dung, chi tiết của bản nháp này do chính thế hệ tương lai áp dụng vào thực tế cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đó chính là tại sao Duy Dân luôn luôn là một cơ chế mở để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của cuộc sống và cũng là lý do LĐA không đi vào chi tiết.

Cần phải quan niệm rằng Cơ Năng Hiến Pháp là một cơ chế cơ năng và bản vị mà mỗi thành phần, mỗi cơ quan trong hệ thống cơ năng đều cần thiết để làm nhiệm vụ của chính mình và bổ sung lẫn nhau cho những cơ năng khác. Đó chính là cơ chế Đan Quyền hiểu theo nghĩa rộng lớn. Địa phương tự trị nhưng hành chính thì phải trực thuộc ở Trung Ương để tất cả các địa phương đều làm việc giống nhau trên lãnh vực hành chính. Ngay cả ở chính quyền Trung Ương chỉ làm cái nhiệm vụ mà người dân giao phó, tức là thiết kế và chấp hành nhân sinh trên căn bản Duy Nhân Cương Thường. Cái nhiệm vụ đó được cân nhắc qua hệ thống cơ năng để không đi đến độc tài. Người dân luôn luôn có những cơ quan để điều chỉnh cái sai trái từ hành pháp lẫn chính trị, tòa án khi cần thiết. Tuy nhiên cơ chế này vẫn có thể bị hư hỏng nếu không hình thành một xã hội Duy Dân với những con người Duy Dân.

Con người Duy Dân được trình bày trong đề tài Tu Dưỡng Thắng Nhân và sẽ tiếp tục mổ xẻ đề tài này trong tương lai. Khi có nhiều người có sự tu dưỡng tốt với Sống Biết, Sống Thật, Sống Đúng, Sống Duy Dân thì xã hội Duy Dân sẽ hình thành để tạo ra một Cơ Năng Hiến Pháp mà mọi người, những người có khả năng, cùng nhau thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/24/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p16/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...