D. Khai triển Lý Đông A
Dựa trên các tài liệu từ ThangNghia.org chúng tôi cố gắng hiện đại hóa "tư tưởng Lý Đông A" bằng cách diễn giải từng đoạn văn trong các tài liệu. Sau mỗi đoạn văn "gốc" chúng tôi diễn giải theo sự hiểu biết có giới hạn và lưu trữ dưới dạng "version A ". Sau đó các tài liệu được xét lại và viết lại dưới dạng "version B". Mỗi lần viết lại chúng tôi thay đổi những từ ngữ khó hiểu của Lý Đông A bằng ngôn ngữ hiện đại tuy cố gắng giữ lại nội dung của đoạn văn, dựa theo ý hay mục đích của tài liệu đề ra.
Cách tiếp cận đơn giản nhất là đi theo những tài liệu đã có và hiện đại hóa ngôn ngữ, thu góp lại các tinh hoa của từng đoạn văn nhưng vẫn có người phản đối cho rằng như vậy sẽ mất tính chất Lý Đông A.
Một cách nhìn khác coi như tất cả tài liệu là từ một cuốn sách Lý Đông A, để loại bỏ những trùng lặp gây ngộ nhận. Chú trọng đến các nguyên tắc, lý tắc của Lý Đông A để thực hiện các mục tiêu về Nhân chủ, Dân chủ, Cương thường dựa trên các tiền đề nền tảng, đầu mối bản thể.... và từ đó đi vào thực tế.
Nhìn tổng quát các tài liệu của Lý Đông A thì có thể nói là dựa trên nền tảng Triết Học Chính Thống. Triết học dựa trên con người (Thiết Giáo, Sinh Mệnh Tâm Lý) và xã hội (Duy Dân Cơ Năng, Duy Nhân Cương Thường). Từ lý thuyết triết học đi vào hành động cần có Biện Chứng Pháp (Xã hội biện chứng pháp, Cơ Năng bản vị) để thực hiện các công tác (Chìa Khóa Thắng Nghĩa, Chìa Khóa Công Việc, Đường Sống Việt). Giải quyết vấn đề của một quốc gia không đem lại hòa bình thế giới nếu các nước không nhìn về cùng một hướng. Thế giới ngày nay đang đối diện với sự thay đổi khí hậu, môi sinh và xung đột tôn giáo. Nếu loài người không ý thức để thay đổi tập quán cá nhân và xã hội thì sự hủy hoại thiên nhiên sẽ tiêu diệt loài người hay vì xung đột (chiến tranh, tôn giáo) cũng đem lại kết quả tương tự.
Vì tư tưởng Lý Đông A còn rất sơ lược và mở (open) vì chỉ phác họa trên những điểm chính: con người với giáo dục (Tu Dưỡng, Thiết Giáo); con người với thế giới (Sinh Mệnh Tâm Lý); con người với dân tộc (Duy Dân Cơ Năng, Đường Sống Việt); con người với thế giới (Duy Nhân Cương Thường); con người với cơ cấu xã hội (Cơ Năng Hiến Pháp); con người với đời sống kinh tế (Bình Sản Kinh Tế); con người với đời sống (Chìa Khoá Công Việc); con người với cách mạng và tôn giáo (Huyết Hoa). Và để đi qua những chặng đường chưa biết thì con người cần có kim chỉ nam: đó là Biện Chứng Pháp và Cơ Năng Bản Vị.
Đó là tinh thần gốc của tư tưởng Lý Đông A.
Dựa vào những công thức, nguyên tắc, nhận định nền tảng trong các tài liệu như là khung sườn để xây dựng lại căn nhà Lý Đông A. Sau những "version" A-B-C để khai triển rộng những quan điểm về con người, xã hội, cơ cấu chính quyền... và được so sánh với bối cảnh của thời hiện đại để thấy những ưu-khuyết điểm. Từ đó hai chủ đích quan trọng trong hệ thống tư tưởng Lý Đông A là Đan Quyền và Bình Sản Kinh Tế sẽ được tiếp cận qua nhiều góc cạnh.
Với khả năng giới hạn, chúng tôi sẽ nhận định về Đan quyền và Bình Sản Kinh Tế (sẽ được trình bày sau cùng khi mọi ưu khuyết điểm của cơ cấu chính quyền và kinh tế hiện đại được ghi nhận) và xét rằng Đan Quyền và Bình Sản Kinh Tế có thể thực hiện như thế nào để giải quyết những vấn nạn của nhân loại đang gặp phải.
Nhìn lại các cuộc cách mạng trên thế giới, chúng ta thấy những người đi thực hiện cách mạng rất mơ hồ về những gì họ đang hướng tới. Chuyện lật đổ chính quyền hiện tại để thực hiện cái gọi là "cách mạng". Nhưng đó là cái gì? Hình thể ra sao? Diễn tiến như thế nào? Họ sẽ thay thế cái cũ vì cái đã có khuyết điểm ra sao? Nhưng làm sao biết cái mới sẽ như thế nào? Ai sẽ thực hiện? Trong điều kiện nào để chọn người thực hiện cái chưa hề có?
Lý Đông A đã cố gắng phác họa một hệ thống có triết học, con người, cơ cấu xã hội, cơ cấu chính quyền, kinh tế và các mối tương quan từ con người, xã hội, thế giới có thể sống chung hoà bình. Đó là điều mà cách mạng vô sản đã thất bại. Đó là điều mà kinh tế thị trường cũng đã thất bại vì cơ cấu "dân chủ" Tây Phương chỉ là hệ thống bóc lột những kẻ yếu kém và tài nguyên thiên nhiên dành cho những kẻ khôn ngoan, giàu có, thế lực.
Khi Liên Hiệp Quốc thất bại trong việc ngăn chận bạo quyền diệt chủng hay những chế độ độc tài đàn áp con người; trong lúc các nước giàu tiếp tục gây ô nhiễm môi sinh và lơ là với khí hậu thay đổi chỉ vì quyền lợi kinh tế thì rõ ràng nhân loại đang cần một cuộc cách mạng toàn thế giới -- mà mỗi dân tộc phải tự lực thay đổi đồng bộ trong một công thức chung. Đại dịch xảy ra nhưng một thức tỉnh cho nhân loại và các chính quyền các quốc gia thấy rằng không thể tự cô lập trong thời đại toàn cầu.
Trật tự thế giới mới khởi đi từ con người sống thật. Nếu tương quan giữa 2 cá nhân còn có sự giả dối hiện diện thì sẽ còn chiến tranh xung đột.
Vậy thì để hiểu Lý Đông A chẳng có gì khó: bạn hãy sống thật lòng, với lương tâm của bạn. Nghèo thì nói là nghèo. Không biết thì nói là không biết. Không đến trường không có nghĩa là ngu dốt. Biết Thiện biết Ác để làm Thiện tránh Ác. Cuộc sống của con người là tìm học sự Thật (Chân), điều tốt (Thiện) và cố gắng kiên trì thực hiện những gì đã biết (Nhẫn). Thế giới ngày nay hỗn loạn vì cả tư bản lẫn cộng sản đã đem cứu cánh biện minh cho phương tiện mà quên đi khi sử dụng những phương tiện vong bản, vong thân thì đã phản bội mục đích cuối cùng: hạnh phúc cho loài người.
Hãy xét lại đời sống của bạn có Nhân tính, Nhân cách, Nhân bản hay không? Thực hiện được thì đó là điều Lý Đông A mong đợi.
Đừng nhai (chữ, tài liệu) những gì Lý Đông A đã viết nếu không hiểu tinh thần Lý Đông A.
Nhìn lại tiến trình phát triển cuộc sống của loài người thì cho dù chính trị, kinh tế hay tôn giáo, xã hội cũng là do con người tạo nên. Từ suy nghĩ đến hành động, con người chi phối bởi Thiện-Ác. Thiện thì khó mà chậm. Ác thì dễ mà nhanh. Làm người hiền hay theo đuổi lời dạy của Thánh nhân thì khó khăn, lâu dài mà lại không hấp dẫn. Trong khi làm khác đi thì hấp dẫn, nhanh chóng ... chỉ cần che dấu cái Ác được ẩn dấu dưới hình thức khác là được đám đông chấp nhận.
Dân tộc nào cũng có chữ nghĩa, tiếng nói nhưng để làm gì khi mục đích thông tin, giáo dục chỉ là để...làm điều không Thiện (bộ mặt khác của điều Ác)?
Vậy Lý Đông A đặt lại vấn đề con người (Nhân chủ) để thực hiện dân chủ hầu tranh sự xung đột về tài nguyên thiên nhiên. Lý Đông A đưa ra Bình Sản Kinh Tế mà muốn thực hiện Bình Sản Kinh Tế thì phải thực hiện được Cơ Năng Hiến Pháp. Muốn có Cơ Năng Hiến Pháp thì mọi quốc gia (dân tộc) phải chấp nhận Duy Nhân Cương thường.
Mà muốn đi đến Duy Nhân Cương Thường thì phải có Tu Dưỡng Thắng Nhân. Đó là một chu kỳ (cycle =vòng tròn khép kín) như một quy luật của tạo hóa cho bất kỳ sinh vật, hiện tượng xảy ra trong vũ trụ mà chỉ bậc thiên tài mới nhìn ra.
Thời đại 2000s cho thấy các vấn đề chủng tộc, khí hậu, môi sinh, thiên tai, bệnh dịch, nạn đói... đòi hỏi loài người phải chỉnh đốn lại cách sống và đối đãi với nhau, với thiên nhiên nếu muốn tồn tại.
Lý Đông A đã nói đến những nguyên tắc đối lập thống nhất, vòng xoắn ốc có nút tết (khóa), tung-hợp, đan quyền... áp dụng trong xã hội để có một hệ thống chính quyền Dân chủ và Nhân chủ.
Vì "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị" cho nên, muốn thực hiện tư tưởng Lý Đông A thì phải đi qua giáo dục. Có nghĩa là những ai muốn theo đuổi phải ngồi xuống đối thoại với nhau. Giáo dục không phải là thầy giáo chỉ dạy cho học sinh tuân theo. Giáo dục là người truyền dạy (educator) và người thụ giáo là đồng hành, cùng học hỏi, thu thập kinh nghiệm. Giáo dục không phải là nhai lại những chữ nghĩa trong sách vở. Giáo dục là sống thực, là quan sát, là thực nghiệm.
Khi tương quan giữa người và người được đặt lại trong bối cảnh đồng hành, trực diện thì sự thật, tín, nghĩa phải được đặt hàng đầu. Khi sự thật, tín, nghĩa không có giữa 2 người thì sẽ không đến người thứ 3 và mối tương quan xã hội sẽ không có.
Sự dung dưỡng cho những kẻ nói láo, lươn lẹo, cẩu thả... sẽ là đầu mối cho rối loạn xã hội sau này. Nhân Quyền là giá trị cho mọi người (cũng như Hiến Pháp) nhưng không phải vì thế mà tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng Nhân Quyền để tấn công, làm hại người khác hay xã hội (đã tạo cơ hội cho cá nhân phát triển) và như vậy họ đã lợi dụng sinh hoạt Dân Chủ và Nhân Quyền để đi ngược lại tiêu diệt sinh hoạt dân chủ, nhân quyền của người khác. Đó là lý do tại sao Lý Đông A đưa ra lý tắc về "đối lập thống nhất" và "hỗ tương nguyên nhân".
Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P6)
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/24/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p5/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét