Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Con Người và Xã Hội

 

Hãy trở lại thuở sơ khai.

Khi con người hợp lại để kết thành xã hội: cá nhân A gặp cá nhân B. Nếu bạn là A, bạn muốn B sẽ sống, làm việc, tiếp xúc, trao đổi hàng hóa, và nếu B là người khác phái, bạn có thể kết thành gia đình, sinh con, cháu…. Vậy yếu tố nào quan trọng nhất trong tương quan sinh hoạt A và B? 

Thành thật? Cứ coi như cùng ngôn ngữ và sự hiện diện của Thượng đế chưa xuất hiện trong ý niệm của con người thì sự tìm hiểu nhau qua lời nói, hành động phải là chính yếu. Khi có ngôn ngữ và chữ viết thì lúc nào là sự giả dối, lừa gạt bắt đầu xuất hiện?  Hay đã có khi con người biết phân biệt phải, trái?

Đừng đổ tội cho ngôn ngữ, chữ viết, hay lỡ lời v.v…. Có chủ ý hay không có chủ ý đến từ Tâm. Vậy A có muốn giao thiệp với B là một người thiếu thành thật không? Bao nhiêu vấn đề (tai nạn) có thể xảy ra khi A giao du với B? Hay là A tin rằng mình sẽ cải tạo hay chế ngự được những giả dối, nguy hại đến từ B?

Nhìn rộng ra hơn trong xã hội phát triển, nếu B là một người thiếu thành thật được dung dưỡng để phát triển trong xã hội thì từ thấp lên cao xã hội sẽ có đủ hạng người gây rối loạn vì sự thiếu thành thực của họ. Nhìn vào xã hội hiện nay thì bao nhiêu nhân lực, vật lực như cảnh sát, cai tù, bác sĩ, nông dân, thợ máy, thức ăn, cư trú … phải cung cấp, phục dịch cho một cá nhân tù tội?

Không thành thật có thể vì nói thật sẽ bất lợi cho họ. Cũng có thể là sự phá đám xem người khác đáp ứng ra sao; hay không muốn người khác biết và có thể xen vào và họ không muốn xảy ra.

Trách nhiệm? Khi sống và làm việc chung trong xã hội, mỗi cá nhân phải có tinh thần trách nhiệm về hành động của họ. Sự phân công trong xã hội có mục đích giúp phát triển. Mỗi cá nhân có bổn phận thi hành (quân dịch, gia đình, vệ sinh). Khi cá nhân thiếu trách nhiệm sẽ gây họa cho xã hội. 

Từ niên thiếu cho tới khi chết, một cá nhân không thích hợp với xã hội (vì bản chất, thiếu giáo dục hay cố tình) sẽ gây trở ngại cho biết bao nhiêu người khác, nếu không nói là phá hoại.

Nếu phát hiện sớm thì xã hội có thể làm gì? Giáo dục?

Nếu cá nhân có trình độ hội nhập vào xã hội cho tới một thời điểm, mức độ, hoàn cảnh nào đó mới xuất hiện tính chất "chống xã hội" nhưng không phải là ý thức muốn làm cuộc cách mạng xã hội mà chỉ là sự bất mãn, ương ngạnh của cái "tôi" quá lớn. Có thể nào giáo dục những cá nhân như vậy không?

Và nếu đó là một nhân vật đã từng thành công trong xã hội để đạt tới một địa vị khá cao và bất ngờ trở chứng (hay biến chứng xuất hiện) thì xã hội sẽ phản ứng ra sao? Vì lúc đó không còn là tương quan giữa A và B nữa mà là giữa tập thể (C chưa biết B và tập thể D đã từng làm việc với B trước khi có biến chứng). Vậy bạn sẽ giải quyết ra sao trước sự tranh cãi của C (chống B) và D (ủng hộ B). Có bao giờ bạn quay về (hay tìm ra) A để tham khảo ý kiến hay không?

Bạn cho rằng thí dụ như vậy là hoang đường? Vô cớ? Không bao giờ xảy ra?

Hãy lấy trường hợp Trump làm thí dụ với biến cố COVID-19.

Bạn hãy tự phán xét lấy.

Có thể tránh "tai nạn" như vậy trong một xã hội VN tương lai hay không?

Làm sao? Giáo dục.

Giáo dục như thế nào?

Hãy trở về thí dụ lúc ban đầu giữa A và B.

Nếu chính bạn đã không thành thật để phát giác sự thiếu thành thật của B, để nói với C thì đó là khởi điểm và chung điểm của sự rối loạn lan rộng trong xã hội.

Thành thật chỉ là một yếu tố điển hình lấy làm thí dụ cho dễ diễn tả. Để nói cho dễ hiểu thì đó là một người lương thiện, tử tế.

Một nước VN mới trong tương lai sẽ có những người lương thiện, tử tế hay để con người tự do phát triển Thiện- Ác (như Mỹ hiện nay)?

Còn nếu nói cho có vẻ triết lý cao xa thì đó là: "Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Cách " (Duy Dân, Lý Đông A) hay Nhân Luận (Lê Hữu Khóa).

Nhưng nếu chỉ một dân tộc cố gắng xây dựng một xã hội có trật tự, có nhân sinh, nhân đạo, nhân cách trong một phạm vi của một quốc gia thì có đủ đem lại hòa bình trên thế giới không? Khi nước láng giềng vẫn chìm ngập trong những chủ nghĩa hoang đường, thác loạn?

Thế giới đã xây dựng một Hội Quốc Liên sau thế chiến I để rồi bất lực trước thế chiến II. Sau đó một Liên Hiệp Quốc được thành lập cho tới nay cũng đã không mấy thành công trong việc ngăn chận các cuộc chiến xâm lăng, diệt chủng, tôn giáo, sắc tộc… trên thế giới chỉ vì căn bản của các nước tham dự không đồng đều.

Vậy nếu phải làm lại từ đầu thì bắt đầu từ đâu?

Từ mỗi con người và từ mỗi quốc gia.

Đó là một nền tảng cương thường chung cho nhân loại (Duy Dân Cương Thường, Lý Đông A). Sẽ không còn nhân quyền theo quan niệm Đông hay Tây. Hãy đi từ những nguyên tắc căn bản về một con người lương thiện, tử tế để từ đó xây dựng xã hội. Tùy theo văn hóa, tôn giáo, kinh tế… nhanh hay chậm là tùy nỗ lực của mỗi dân tộc, quốc gia khi bạn muốn chơi chung trên địa hạt toàn cầu (kinh tế toàn cầu) thì trật tự thế giới mới phải được thiết lập mà không có sự phá thối của kiểu của anh hay kiểu của tôi. Vì nếu dị biệt đã có trong phạm vi cá nhân và đã tương đồng khi hội nhập xã hội thì cá thể (con người) và tập thể (xã hội, quốc gia) mới tiến bộ và hướng thượng.

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/06/24/con-nguoi-va-xa-hoi/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...