Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P4)

 

Vận động và kết hợp là hỗ tương nguyên nhân

Nguyên lý này đã có từ thời ăn lông ở lổ. Một cá thể không thể tồn tại cho nên cần phải hợp với cá thể khác cùng nhau nâng đỡ trong cuộc sống. Nhưng để làm chuyện này thì phải có sự vận động để rồi kết quả của sự vận động là kết hợp với nhau thành đoàn thể để đạt cái mục đích đã đặt ra.

Phải hiểu nguyên lý Vận Động và Kết Hợp ở cái gốc của nó chứ không phải ở cái mục đích (phần ngọn). Vận động ai và kết hợp ai trên cái cương thường nào? Bạn không thể nào vận động và kết hợp nước với lửa. Sự sai lầm của các tổ chức chính trị hay thiện nguyện, họ vận động và kết hợp trên cái mục đích và chỉ vì mục đích là phần ngọn để rồi tổ chức tan rã, không lớn mạnh, hoặc chia ra nhiều mảnh.

Nếu trong sinh hoạt của đất nước mà Duy Nhân Cương Thường là cái nền tảng của Cơ Năng Hiến Pháp thì trong nguyên lý Vận Động và Kết Hợp phải có nền tảng tạm gọi là Cương Thường Sinh Hoạt (xem loạt bài Cương Thường Giữa Cõi Nhân Sinh). Cái cương thường đó dựa trên cái gốc là tu dưỡng ở mỗi người như đã nói phần đầu của bài viết này. Không thể nào vận động và kết hợp giữa người xài bạc giả (gian dối, vì mục đích bất chấp thủ đoạn) với người xài bạc thật (có tu dưỡng bản thân cao) bởi đây là hai khối người như nước với lửa. Nếu vẫn cố gắng cho rằng vì cùng mục đích, vì thiếu người cần phải hợp tác thì người xài bạc giả sẽ “giết” người xài bạc thật khi cần thiết mà hình ảnh Việt Minh cộng sản đối với lực lượng quốc gia không cộng sản trong quá khứ trong việc chống Pháp ngày xưa.

Vận động để kết quả đi đến kết hợp và trong tiến trình vận động này cần phải xem xét cái gốc của mỗi người để sự kết hợp cho đúng. Khi vận động và kết hợp đúng thì nguyên lý này mới đạt được sự sống thực của nó.

Đạo Kỷ là Tự Kỷ nguyên nhân

Đạo kỷ theo Lý Đông A giải thích là trông về trước ngó về sau, đứng vào lập trường của Loài Người tìm con đường đạo. Đạo ở đây phải hiểu là đường sống của người chứ không phải là tôn giáo. Mà đường sống của người phải luôn luôn nhìn trước, ngó sau, và nhìn hiện tại để có một kế hoạch, một chương trình thiết thực phục vụ đời sống của Người, không những trên quốc gia của chính mình mà ở những quốc gia khác.

Đạo kỷ đó chính từ Tự Kỷ mà ra. Chính Con Người, ngay từ thời ăn lông ở lổ, đã tự hỏi mình, bằng cách quan sát quá khứ, hiện tại, tương lai để vạch ra con đường sống là phải hợp tác trên những nguyên lý đã nói bên trên và đấy là đường sống của Người.

Kết Luận

Lý Đông A nhìn ra được vấn đề. Thấy được chiến tranh vẫn còn; thấy được tinh thần đảng tranh của Mỹ cũng như tham vọng của Trung Quốc; thấy được sự thất bại của chủ nghĩa duy vật, duy tâm, duy sinh để ông đem cả tâm quyết, dựa vào bài học quá khứ, đạo sống của người để đưa ra tư tưởng Nhân Chủ nhằm phục vụ đời sống của Con Người trên những nguyên lý từ xưa tới nay mà Tự Kỷ đóng vai rất quan trọng. Chính sự Tự Kỷ này để mỗi Con Người có thể thực hiện Tu Dưỡng Thắng Nhân – là cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ. Nếu thiếu cái gốc thì tất cả những nguyên lý Nhân Chủ chỉ là hình thức, chiêu bài để giới làm chính trị đánh lận con đen hầu thực hiện tham vọng ăn trên, nằm trước dưới danh nghĩa phục vụ tư tưởng Nhân Chủ.

Khi đã có cái gốc tu dưỡng cao thì sẽ thấy rõ nguyên lý thực tế trong cuộc sống của Nhân Chủ. Từ đó mới có thể hiểu được những tài liệu khác của Lý Đông A để diễn đạt cái nguyên lý Nhân Chủ vào trong từng cơ chế của sinh hoạt quốc gia. Tất cả những vấn đề từ giáo dục, cơ năng hiến pháp, đan quyền, cách mạng, kiến thiết chỉ là kết quả của sự thấm nhuần tư tưởng Nhân Chủ qua cái gốc (tu dưỡng bản thân) để đi qua nguyên lý Nhân Chủ hầu tạo ra chi tiết cho những chính sách điều hành quốc gia.

Đảng phái nào hay nhóm nào cho rằng mình có tư tưởng thì phải trả lời được cái gốc đó là gì. Nếu cái gốc không phải là từ sự tu dưỡng thì tất cả những gì, tạm gọi là tư tưởng, chỉ là phần ngọn nhưng không có gốc và trước sau cũng thất bại. Ngay cả những người thế hệ Duy Dân trước đó, đến hôm nay vẫn chưa triển khai được tư tưởng Nhân Chủ của Lý Đông A vào thực tế bởi đơn giản sự tu dưỡng ở bản thân không đạt được ở mức độ để thấy được cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ ở đâu -- mà họ chỉ bám vào cái ngọn, tiếp tục nhai đi nhai lại tài liệu Duy Dân của Lý Đông A thay vì triển khai vào thực tế, thay vì triển khai cái gốc và từ đó đi vào thực tế của nguyên lý Nhân Chủ.

Khi đã biết cái gốc là tu dưỡng thì phải triển khai cái tu dưỡng đó ra sao, như thế nào để mọi người có thể xem lại chính mình và tiếp tục tu dưỡng. Làm sao nhận diện được con người có tu dưỡng và ở mức độ nào? Vấn đề kế đến những nguyên lý sinh hoạt của Con Người trong cái xã hội có tư tưởng đó ra sao. Phải chăng những nguyên lý đó dựa vào sinh hoạt của loài người từ xưa đến nay hay chỉ là mục đích ai đó muốn đạt đến để rồi cho rằng đó là nguyên lý? Chủ trương giáo dục A, B, C, D không phải là nguyên lý. Cơ chế tam quyền phân lập không phải là nguyên lý. Giáo dục như thế nào, cơ chế ra sao phải dựa trên nguyên lý sinh hoạt của loài người làm kim chỉ nam để dẫn dắt và tạo ra nền giáo dục hoặc cơ chế sinh hoạt trên cái nguyên lý thiết thực đó của loài người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/07/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p4/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...