Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P2)

 

B. Sơ lược khái quát về hệ thống tư tưởng của Lý Đông A

Nhiều người tự hỏi nên đọc tài liệu nào trước của Lý Đông A? Theo chúng tôi thì chủ nghĩa Duy Dân dựa trên con người (số ít, cá nhân) và số nhiều (xã hội, dân tộc, quốc gia) để đi đến thế giới (nhân loại). Tất cả chỉ có thể thực hiện khi cá nhân (con người) có tu dưỡng (giáo dục) và tập thể (xã hội, dân tộc, nhân loại) chấp nhận một Cương Thường (Duy Nhân Cương Thường).

Nếu chúng ta đồng ý như vậy thì tài liệu (1a) "Tu Dưỡng Thắng Nhân" là nên được đọc trước. Nhưng tài liệu này lại không có bằng chứng là do chính Lý Đông A viết ra. Và người ghi lại (Thái Đạo) cũng không cho biết là đã ghi lại theo Lý Đông A trong trường hợp nào và hình như đã được ghi nhận như là đóng góp của người sau chứ không còn là tài liệu Lý Đông A. Trên trang mạng Thắng Nghĩa năm 2016 đã ghi tài liệu Tu Dưỡng Thắng Nhân do Lý Đông A viết; nhưng hiện nay thì tài liệu này ghi là Thái Đạo viết. Sẽ có bao nhiêu tài liệu do người khác viết mà vẫn lạm danh của Lý Đông A đăng trên mạng Thắng Nghĩa? Nói thế không có nghĩa là chủ đề Tu Dưỡng Lý Đông A không hề nói đến mà trong tất cả các tài liệu Duy Dân đều nhắc đến Tu Dưỡng là điểm đầu tiên được nhắc đi, nhắc lại ở những tài liệu quan trọng của Lý Đông A. Chúng tôi đã diễn giải chủ đề này trong loạt bài Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải đăng trong tháng 8 năm 2020 và vẫn tiếp tục nói về chuyện Tu Dưỡng ở dạng thực tế của cuộc sống.

Dù sao theo tài liệu (1b) Thiết Giáo và (2) Sinh Mệnh Tâm Lý cho thấy sự Tu Dưỡng của cá nhân rất quan trọng trong việc tìm hiểu và thực hiện Duy Dân. Từ ngữ "Thắng Nghĩa" có trong kinh điển nhà Phật dành cho các bậc Bồ Tát tu tập để trở thành "Thắng Nhân". "Thắng Nghĩa" và "Thắng Nhân" là hai thực thể bất khả phân. Có "Thắng Nhân" mới thực hiện được "Thắng Nghĩa". Và có "Thắng Nghĩa" mới luyện thành "Thắng Nhân".

Kế đến là (2) "Sinh Mệnh Tâm Lý". Theo chúng tôi thì đây là tài liệu quan trọng nhất vì nếu mỗi cá nhân muốn theo đuổi cuộc Cách Mạng Lý Đông A vạch ra mà không nắm vững Sinh Mệnh Tâm Lý thì khó mà đi vào hành động để biết mình, biết người. Và chỉ có những cá nhân đã thực hiện Tu Dưỡng (để trở thành Thắng Nhân) mới có thể hiểu, nắm được Sinh Mệnh Tâm Lý.

Khó khăn tiếp theo là (3a) Duy Nhân Cương Thường. Khi mỗi cá nhân có tu dưỡng, nắm Sinh Mệnh Tâm Lý mà không thiết lập được quan hệ về Cương Thường mà nhân loại, mọi chủng tộc, sắc tộc, dân tộc... chấp nhận thì xung đột sẽ tiếp diễn và nhân loại sẽ không thấy hoà bình. Duy Nhân Cương Thường là thước đo cá nhân thực sự đã tu dưỡng đạt được “ngộ” hay chưa “ngộ”. Có những người cũng có tu dưỡng nhưng chưa đạt được “ngộ” bởi không dựa vào Duy Nhân Cương Thường chỉ đường cho chính mình rèn luyện tu dưỡng -- cho nên họ nói Duy Dân nhưng vẫn xài bạc giả; vẫn xem thường người khác qua cái nhìn bằng cấp, địa vị xã hội; vẫn ủng hộ ông Trump mà dưới cái nhìn của Duy Dân, Trump thiếu tiêu chuẩn nắm vị trí lãnh đạo.

Một khi cương thường được thông qua thì mỗi dân tộc phải cố gắng thực hiện (4) chủ nghĩa Duy Dân qua (5) Cơ Năng Hiến Pháp. Để có thể thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp thì (6) Bản Vị học thuyết (hay cơ năng & bản vị) phải được thành hình và áp dụng trong mọi tầng lớp xã hội. Từ con người (số ít) đến nhân loại (số nhiều) đều là Duy Nhân nhưng con đường thử thách đó phải đi qua Duy Dân. "Duy" = chỉ có đi qua "Dân" (dân tộc) thì mới đến nhân loại. Nhưng trong một xã hội, dân tộc thì các tầng lớp dân chúng phải kết hợp thành các bản vị và cơ năng thì mới đi theo trật tự của "tung hợp" và "các vòng xoắn ốc có nút tết" mà Lý Đông A đã đề cập đến trong các tài liệu của ông.

Theo chúng tôi thì Lý Đông A đã nhìn thấy như vậy nên mới đặt là chủ nghĩa Duy Dân mà không nói là chủ nghĩa Duy Nhân. Tuy rằng mục đích Duy Nhân là nền tảng nhưng nếu không qua giai đoạn Duy Dân (cùng tiếng nói, văn hóa, chủng tộc) để có cơ hội người tiếp xúc với người trong một phạm vi giới hạn như một thí nghiệm trước khi kết hợp với các nước bạn trong vùng (như khối Âu Châu) thì làm sao tiến lên (hướng thượng) mức độ toàn cầu (nhân loại)? Đó cũng là lý do tại sao Cơ Năng Hiến Pháp phải đặt trên nền tảng của Duy Nhân Cương Thường để có thể áp dụng cho tất cả các dân tộc chứ không phải Hiến Pháp của một dân tộc để rồi tạo ra tình trạng nước lớn hiếp nước bé.

Cũng trong hướng nhìn đó, chúng ta thấy Lý Đông A viết (3b) Duy Dân Cơ Năng. Cả hai 3a và 3b dẫn đến Cơ Năng Hiến Pháp là một Hiến Pháp "động" (sống) đòi hỏi tu chỉnh theo thời gian chứ không nằm chết một chỗ chờ tu chỉnh.

Thứ tự trình bày ở đây chỉ là đề nghị cho người đọc dễ theo dõi tư tưởng Lý Đông A. Nếu bảo là để thực hiện thì quả thật chưa hề có sự thảo luận của những người theo đuổi tư tưởng Lý Đông A đề nghị như vậy. Sự thực hiện cuộc cách mạng từ mặt tư tưởng sang thực tế không theo một thứ tự nào cả. Tuy nhiên chúng ta có thể chấp nhận Tu Dưỡng và Sinh Mệnh Tâm Lý cần có nơi Thắng Nhân. Duy Nhân là biên cương mà thế giới phải đồng ý thì một Liên Hiệp Quốc sau này mới làm việc thành công. Cơ Năng Bản Vị là sự tiến hành của các Thắng Nhân trong việc cải tạo xã hội (xem Chìa Khóa Công Việc) và nếu các Trung Tâm Giáo Dưỡng thành hình, hoạt động có kết quả thì Cơ Năng Hiến Pháp mới ra đời. Tuy rằng tiến trình xây dựng Bản Vị và Cơ Năng đã là một phần của Hiến Pháp sau này. Phải có Cơ Năng Hiến Pháp thì mới có Bình Sản Kinh Tế vì mọi người đã có tu dưỡng, chấp nhận Duy Nhân Cương Thường và làm việc trên căn bản Cơ Năng Bản Vị thì đan quyền của Cơ Năng Hiến Pháp mới phát huy hiệu lực ngăn cản sự lạm quyền, chuyên quyền, độc quyền chính trị.

Sẽ có người đặt câu hỏi "làm thế nào để thực hiện như vậy? Lý Đông A đã viết (7) "Chìa Khóa Công Việc" để hướng dẫn tiến trình từ cá nhân đến Cơ Năng Hiến Pháp. Và tài liệu (8) "Chu Tri Lục" đưa ra tầm nhìn của Lý Đông A về thế giới mà Việt Nam phải đối phó để qua (9) "Huyết Hoa" các kinh nghiệm cách mạng trên thế giới và tránh đi các vướng mắc vào tôn giáo.

Như hiện nay chúng ta thấy Hiến Pháp Hoa Kỳ (1787) đòi hỏi phân biệt giáo quyền và chính quyền nhưng khi các ứng cử viên nhậm chức phải đặt tay lên Thánh Kinh để tuyên thệ với tâm niệm "in the GOD we trust". Nếu vậy thì GOD của người Hồi Giáo có được chấp nhận hay không? Thay vì Thánh kinh có thể thay bằng kinh Koran hay không? Tại sao đã phân tách giáo quyền khỏi chính quyền mà lại còn phải thề trên "in the GOD we trust"? Nếu người dân không tin vào tôn giáo nào hết thì khi phục vụ công chúng (public service) phải thề trên GOD nào với "in the GOD we trust"?

Tuy Hiến Pháp cho phép bình đẳng tôn giáo nhưng bên trong mỗi cá nhân vẫn còn dựa theo tôn giáo (hay người lãnh đạo tôn giáo thì sao?). Phải chăng đó là khủng hoảng tôn giáo mà chúng ta đối diện hiện nay (2021) tại Mỹ cũng như trên thế giới?

Cũng vì quan niệm tôn giáo mà phát sinh khuynh hướng bảo thủ (conservative) và tiến bộ (liberal, progressive). Và hệ thống lưỡng đảng dựa vào là cả một sai lầm (hay lường gạt ): Nếu Hiến Pháp cho rằng bảo thủ (chân phải) là đúng thì tại sao chống lại tiến bộ (chân trái) như kẻ thù? Nếu là sinh hoạt Dân Chủ thì tùy theo dân chọn mà phe bảo thủ hay tiến bộ cầm quyền. Nếu con người hôm nay cứ nhắm mắt diễn dịch Hiến Pháp có từ 300 trước thì có thể tiến bộ được không?

Nếu Tối Cao Pháp Viện phán quyết về phá thai (Roe vs Wade 1973) là hợp pháp thì sau này Tối Cao Pháp Viện của 202X có thể phán quyết ngược lại hay không? Nếu có thì bạn sẽ tin Tối Cao Pháp Viện nào đúng? Cũng như trường hợp Tối Cao Pháp Viện phán quyết là các công ty có tư cách pháp nhân nên có thể đóng tiền ủng hộ các cuộc tranh cử (Citizen United, 2010). Nếu sau này Tối Cao Pháp Viện 202X quyết định ngược lại thì sao? Cũng là dựa trên một Hiến Pháp 1787 mà các ông bà Tối Cao Pháp Viện còn xuôi ngược, đảo điên thì dân biết đâu mà mò. Vậy thì Hiến Pháp thiếu sót hay con người thiếu sót (về tu dưỡng)? Cuộc sống con người là sinh động. Trí óc con người là "tâm viên, mã ý". Xã hội là nơi con người tiếp xúc, giao dịch với nhau tất nhiên sẽ dẫn đến những khác biệt. Hiến Pháp là một "xã ước" kết hợp con người với nhau. Những bất đồng nếu không được giải quyết ôn hòa qua thảo luận thì sẽ dẫn đến xung đột, chiến tranh và hủy diệt.

Đành rằng Hiến Pháp 1787 do những người sáng lập nước Mỹ làm ra, nhưng chỉ là tổng quát, nền tảng. Khi con người tiến bộ thì xã hội thay đổi, thì phải tu chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh. Con người muốn hướng thượng (đi lên) thì phải bỏ cái cũ không hợp thời để chấp nhận cái mới.

Chính vì vậy Lý Đông A đã viết Cơ Năng Hiến Pháp đòi hỏi Duy Dân Cơ Năng là mỗi dân tộc phải tích cực tham dự sinh hoạt chính trị qua quốc dân giáo dưỡng. Chỉ có tu dưỡng, giáo dục mới cải thiện con người và dân tộc để xây dựng hòa bình thế giới chứ không chạy theo bất kỳ tôn giáo nào khi người sáng lập có ý tốt nhưng những người lãnh đạo tôn giáo sau này luôn luôn có dã tâm lợi dụng lòng tin để mưu đồ chính trị.

Riêng về hai tài liệu (8) "Chu Tri Lục" và (9) "Huyết Hoa" là khả tín nhất về giá trị do chính Lý Đông A sáng tác. Chu Tri Lục cho thấy tầm nhìn của Lý Đông A từ 1940 về cục diện thế giới mà VN phải đối đầu trong nhiều thế kỷ cho tới khi Duy Dân được thực hiện. Huyết Hoa là tài liệu Lý Đông A nhìn về các cuộc cách mạng trong lịch sử qua ảnh hưởng của chính trị và tôn giáo. Phần cuối của Huyết Hoa nói về Tâm Lý Thần Linh Học có tương quan mật thiết đến Sinh Mệnh Tâm Lý.

Trong khi đó các tài liệu khác như (10) Triết Học Chính Thống cho thấy tầm quan trọng của triết học tổng thể ảnh hưởng đến Duy Dân như thế nào. Tài liệu (11)  "Đường Sống Việt" hầu như là câu trả lời cho người Việt về con đường sống của dân tộc.

Nhiều người đọc Lý Đông A thấy nói về Cách Mạng nên chỉ mong đợi Duy Dân vạch ra cuộc cách mạng sẽ được thực hiện như thế nào để đem ra làm liền. Duy Dân không phải là tư tưởng thuộc loại "mì ăn liền" (instant noodle). Duy Dân chỉ là một sơ đồ kiến trúc đòi hỏi tầm nhìn và khả năng (cơ năng) hành động. Cả hai đòi hỏi lý luận (biện chứng pháp). Vì Duy Dân là do Thắng Nhân thực hiện với sự đóng góp của "đáy tầng" (người dân) cho nên không phải ai cũng đọc tư tưởng Lý Đông A và hiểu Duy Dân để làm cách mạng.

Mặt khác các nhà chính trị thời nay đang bế tắc trước xung đột tư bản, cộng sản (hay độc tài) ngày càng trở thành giống nhau khi 1% các tầng lớp ưu tú (elite) nắm hết các nguồn lợi kinh tế và 99% dân sống trong cảnh bấp bênh. Sự thay đổi khí hậu và môi sinh đòi hỏi một hướng đi mới mà các đảng phái chính trị, tôn giáo bế tắc. Duy Dân chỉ ra hướng đi dẫn đến (12) Bình Sản Kinh Tế. Các chuyên gia kinh tế đã nhảy xổ vào phản đối với lý luận "Cung-Cầu" mà không có giải pháp cho các mặt khác của nhân loại.

Do đó Duy Dân (hay tư tưởng Lý Đông A) không phải dành cho các nhà cách mạng, chính trị gia "mì ăn liền" hay bất cứ nhà chuyên gia, chuyên ngành nào tham dự mà không đi qua con đường Tu Dưỡng. Chính vì vậy mà sự khai triển, thảo luận, trình bày về tư tưởng Lý Đông A gặp rất nhiều khó khăn. Thời kỳ Lý Đông A xuất hiện 1940 là trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nên đòi hỏi sự thệ nguyện thực hiện cho nước Việt và cho nhân loại. Lý Đông A hy vọng thời đại 2000s sẽ là thời đại phát triển Duy Dân nhưng Lý Đông A không tiên đoán là dân Việt sẽ phải tha hương khắp nơi và nguy cơ Hán hóa mà Lý Đông A đã cảnh báo này gần như hoàn tất trên đất Việt. Thời nay không còn bao người quan tâm đến vận mệnh dân Việt và nước Việt nên sự dấn thân của mỗi cá nhân cũng đã là lời thề (oath) với bản thân và Lý Đông A rồi. 

Có người sẽ hỏi vậy bạn lấy tư cách (đặc tính) gì để bác bỏ con đường của người đi trước để mở con đường mới. Điều kiện gì có thể chứng minh là con đường đó khá hơn con đường cũ?

Xin trả lời là có nhiều dấu hiệu để cho thấy người đọc "hiểu" Lý Đông A:

(1) Những gì Lý Đông A nói đã xảy ra trong cuộc sống của chính bạn.

(2) Kiến thức và phương thức mà Lý Đông A đề nghị trong Duy Dân cũng là một phần bạn đã và đang thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Thí dụ A

Lý Đông A nói về "sống đúng, sống biết và sống thực" thì đó là những gì bạn đã và đang cố gắng sống như một con Người (viết hoa) với Nhân cách, Nhân phẩm, Nhân đạo...  mà trong Nhân Luận của giáo sư Lê Hữu Khóa nói chi tiết hơn.

Thí dụ B 

Lý Đông A nói đến sống để "toại kỳ...tận kỳ...chính kỳ..." thì bản thân bạn phải trải qua để thấy đó là thực tế xảy ra trong đời sống của bạn để không còn nghi ngờ gì về những gì Lý Đông A nói. Có khác biệt là Lý Đông A nói khi 20 còn bạn thì phải đến 60 mới thấu hiểu giá trị của câu nói đó.

Thí dụ C

Con người khác nhau bởi tu dưỡng. Lý Đông A đã nói đến toàn bộ Duy Dân khi còn tuổi 20. Còn bản thân của người viết với khả năng tu dưỡng giới hạn nên tuổi 60 thì chỉ hiểu một phần tư tưởng Lý Đông A để thấy rằng có Tu Dưỡng thì hiểu Lý Đông A còn không thì chỉ là giả mạo. Tư tưởng Lý Đông A không thể dành cho đám Sơn Đông mãi võ múa may vì phải "sống thực" chứ không phải một con người sống hai mặt.

Có người đặt câu hỏi nếu Việt Nam chưa thực hiện được Duy Dân thì làm sao thuyết phục thế giới theo đuổi Duy Dân? Chúng tôi không có câu trả lời cho vấn đề này.

Câu hỏi khác đặt ra là nếu chúng ta (người Việt hải ngoại) không thể khai triển Duy Dân thì tại sao lại để nó chết trong bóng tối? Có thể nào chúng ta đưa Duy Dân ra mắt thế giới để bất cứ dân tộc, quốc gia nào có cơ hội thực hiện thì cũng là cơ may chung cho nhân loại? Chúng tôi cũng không thể trả lời câu hỏi này vì Duy Dân tiếng Việt còn nuốt không trôi thì làm sao chuyển ngữ (Anh, Pháp) để thế giới tìm hiểu. Thực ra cũng có người Duy Dân muốn đem ra thế giới để trình làng. Nhưng muốn làm chuyện đó thì bạn phải hiểu rõ tư tưởng Duy Dân áp dụng vào thực tế ra sao, và bạn nắm vững lý luận để ai đó đặt câu hỏi bạn có câu trả lời, đồng thời bạn có khả năng thuyết phục. Tiếc rằng cá nhân đó chưa đạt được tu dưỡng ở cấp độ “ngộ” nên đến hôm nay, Duy Dân vẫn là những tài liệu được nhai đi, nhai lại mà chưa triển khai vào thực tế cuộc sống dù rằng thuyết này rất là thực tế, hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người. Khi mà chính người Việt vẫn chưa được đả thông tư tưởng Duy Dân thì đừng mong đem tư tưởng này cho quốc tế và nếu vẫn tiếp tục làm thì chỉ là trò hề cho quốc tế cười ở chính bản thân mình.

Chúng ta hãy đi qua phần nội dung các tài liệu một cách tổng quát trước khi đi vào chi tiết.

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A  (P3)

Trần Công Lân

Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/07/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p2/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...