Báo mạng Giao Thông của Việt Nam đăng bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trong kỳ Hội Nghị Trung Ương thứ 12 xin được trích một đoạn sau đây: “Đức là gốc, là nền tảng hàng đầu ….Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiêu chuẩn Ủy viên T.Ư trong thời điểm hiện nay phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thực sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm. Một điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nhiều lần nhấn mạnh đó là tuyệt đối không để kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; những người không trong sáng về đạo đức, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, để người nhà, người thân, vợ chồng, con cái lợi dụng chức quyền để trục lợi... lọt vào bộ máy.”
Toàn bộ bài báo nói về đạo đức của người lãnh đạo. Nghe rất là lý thú, sướng tai nhưng người viết bài báo có bao giờ đặt vấn đề đạo đức từ đâu mà ra? Tại sao nhà nước csvn đã nói chống tham nhũng rất nhiều năm nhưng tham nhũng càng ngày càng phát triển tinh vi hơn, mạnh hơn để chuyện chống tham nhũng là chuyện trâu cột ghét trâu ăn để giành giựt miếng ăn tham nhũng dưới danh nghĩa chống tham nhũng? Cái gốc của vấn đề là đâu? Phải chăng tham nhũng khởi đầu từ con người hay khởi đầu từ cơ chế?
Trước hết hãy nói về con người bởi tất cả mọi vấn đề của xã hội đều khởi đầu từ con người.
Tất cả các loài sống trên trái đất này, gồm cả con người, có nhu yếu là ăn, chỗ ở. Đây là hai nhu cầu tối thiểu. Đối với con người thì ngoài chuyện ăn, chỗ ở còn có những nhu cầu khác để phục vụ Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Tính, Nhân Cách, Nhân Phẩm, và Nhân Chủ của con người. Con Người thường có ba bản tính Tham-Sân-Si. Chính ba bản tính này tạo ra sự bất ổn của xã hội. Loại bỏ ba bản tính này của con người rất là khó tuy nhiên có để điều hòa ba bản tính này để không trở thành tai hại cho xã hội. Mà để điều hòa ba bản tính này phải dựa vào giáo dục để mọi người thấy được ý nghĩa tổng thể của Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Tính, Nhân Cách, Nhân Phẩm và Nhân Chủ. Hiểu được ý nghĩa tổng thể của những Nhân bên trên thì cuộc sống, lối ứng xử của Con Người sẽ biết điểm dừng của bản thân để không làm nguy hại đến tập thể mà chính mình đang sống trong đó.
Vậy thì giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thực hiện lục Nhân bên trên. Mà giáo dục tức là nói đến cơ chế. Qua giáo dục thì con người thấy rằng cần phải có một cơ chế trong giáo dục, trong sự điều hành quốc gia để phát triển lục Nhân với mục đích điều hòa lòng Tham-Sân-Si của con người. Con người tác động vào cơ chế và ngược lại cơ chế tác động vào con người. Cái tiến trình này xảy ra trong cuộc sống ở xã hội cũng như trong tiến trình sản xuất sản phẩm phục vụ con người.
Thí dụ 1: Trong tiến trình sản xuất một sản phẩm, người ta thường cho rằng có vật liệu tốt sẽ tạo ra sản phẩm tốt. Vấn đề này chỉ đúng một phần bởi nếu có vật liệu tốt mà không có một cơ chế kiểm soát phẩm chất của sản phẩm trong tiến trình sản xuất vẫn có thể tạo ra một sản phẩm không bền, sử dụng vài tháng rồi hư hỏng, vừa làm phí phạm vật liệu tốt, phí phạm sức lao động trong tiến trình sản xuất và phí phạm tài nguyên của mọi người. Trong trường hợp này, cơ chế trong tiến trình sản xuất đã biến một vật liệu tốt trở thành một sản phẩm không bền.
Thí dụ 2: Nếu xã hội đều có những con người tốt, hệ thống giáo dục tạo ra những con người tốt có 6 đặc tính của lục Nhân; nhưng nếu cơ chế của xã hội không đặt ra rõ ràng thì lần lần những con người tốt đó sẽ bị hủ hóa bởi không có một hệ thống điều hành xã hội với mục đích gia tăng cái tốt, loại bỏ cái xấu. Đây chính là hình ảnh của nước Việt Nam hiện giờ mà người tốt trong bộ máy cầm quyền, nếu có, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và những người này, nếu không làm chủ được bản thân thì cái tốt đó có thể trở thành xấu bởi cơ chế cho phép cái xấu hiện hữu, tồn tại, và được luật pháp bảo vệ.
Vậy thì Con Người và Cơ Chế là hai tiến trình song song với nhau, cần thiết phải có để tạo ra một xã hội mà cuộc sống của mọi người đặt trên căn bản của lục Nhân, sinh hoạt của bộ máy nhà nước đặt trên căn bản lục Nhân. Đây chính là cái gốc của vấn đề. Tuy nhiên qua bài báo đăng trên mạng Giao Thông của Việt Nam chỉ nói về Con Người mà không nói về cơ chế. Sẽ không bao giờ có một con người tốt trong một cơ chế toàn là sản xuất những cái xấu; một cơ chế độc tài sẽ không thể nào chống lại sự lạm dụng quyền hành, đưa người bất tài, vô đạo đức vào bộ máy cầm quyền bởi nó không có một cơ chế để kiểm soát những cái mà nó muốn làm tốt đẹp hơn.
Chính cơ chế độc tài này nó khuyến khích cái tham-sân-si của mọi người trong xã hội, trong bộ máy cầm quyền sống giả dối, nói những điều đẹp nhưng thực hiện những việc xấu bởi không thể nào thực hiện chuyện đẹp trong một cơ chế mà cái xấu đã trở thành cái đẹp. Nếu có một cơ chế tự do thì người viết bài báo bên trên sẽ mổ xẻ vấn đề ở cái gốc chứ không phải chỉ nói phần ngọn mà không nói phần gốc.
Phần gốc của vấn đề Việt Nam là cơ chế cộng sản sản sinh ra những con người không đặt lục Nhân là quan trọng mà chỉ dùng lục Nhân để treo đầu heo bán thịt chó, để tranh trừng lẫn nhau trong hình thức của lục Nhân. Nó cũng giống như trong tiến trình đấu tranh giải phóng ở quá khứ, đảng csvn chỉ lợi dụng lòng yêu nước của người dân để thực hiện ác mộng chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa cộng sản hay xã hội chủ nghĩa cộng sản vô nhân tính vào Việt tộc. Ngay từ khởi đầu đảng csvn đã gian manh, lừa gạt, sống vô đạo đức thì những lời đạo đức của họ chẳng có giá trị thực tế. Khi mà họ vẫn đánh trống khua chiêng ca ngợi đạo đức của Hồ Chí Minh thì rõ ràng, họ đã không hiểu đạo đức là gì. Họ chạy trốn cái kết quả của đạo đức Hồ Chí Minh mà họ vẫn tuyên truyền là hình ảnh đảng csvn hiện giờ. Đảng csvn của thời 1930 hay đảng csvn của thời 2020 đều sống và thực hiện đạo đức của Hồ Chí Minh, đó là cái thực nhưng họ không dám nhìn nhận. Cái truyền thống treo đầu heo bán thịt chó của đảng csvn đã trở thành chuyện bình thường thành ra họ nói đạo đức nhưng họ thực hiện thiếu đạo đức bởi đó là bản chất của cộng sản, của cơ chế cộng sản.
Sẽ không thể nào tìm ra được một lãnh đạo có đạo đức trong một cơ chế vô đạo đức. Lịch sử chỉ tạo ra những con người như thế. Lịch sử đảng csvn là lịch sử của lừa gạt cho nên họ chỉ tạo ra những con người lừa gạt để tiếp tục lãnh đạo, tiếp tục ăn trên nằm trước và đem cái đạo đức không có thật của Hồ Chính Minh ra để đấu đá trong nội bộ nhằm thực hiện chuyện ăn trên nằm trước của phe phái mình. Mà sự đấu đá trong nội bộ của đảng csvn đâu phải chỉ mới đây, nó đã có kể từ khi đảng csvn hình thành và sự thanh toán những đồng chí khác chính kiến đã xảy ra từ cái thời 1930 và sẽ tiếp tục cho đến khi đảng csvn bị phá sản, bị lật đổ để thay thế vào một cơ chế mới đặt lục Nhân là cái gốc trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Nói ngắn gọn: Không thể có một con người tốt trong một cơ chế xấu bởi cơ chế xấu sẽ triệt tiêu con người tốt. Ngược lại một cơ chế xấu sẽ không bao giờ sản xuất ra được con người tốt bởi con người sẽ dựa vào cơ chế xấu đó nhằm phát triển cái Tham-Sân-Si của chính mình vì cơ chế cho phép. Cả hai nguyên tố này phải thay đổi thì lúc đó Việt tộc mới có thể chống lại bất cứ thế lực ngoại xâm nào mà trong quá khứ, cha ông ta đã làm để thoát 1000 năm đô hộ của giặc phương Bắc. Không thể nào kêu gọi thay đổi Con Người mà không kêu gọi thay đổi cơ chế.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 9 năm 2020 (Việt lịch 4899)
Nguồn: https://nganlau.com/2020/11/01/co-che-va-con-nguoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét