Theo định nghĩa tự điển Việt:
Tư tưởng là “lý thuyết đề ra do sự suy nghĩ căn cứ trên kinh nghiệm và lý luận” (Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, nhà sách Khai Trí, 1970).
Hiểu giản dị thì "tư" là riêng tư (của chính bản thân) và "tưởng" là những gì trí óc của bạn nhào nặn, suy nghĩ, gây dựng. Cái "tư" có thể là tự phát, đột phát (tất năng, sáng kiến) trong tâm mỗi người (Thiện-Ác) mà cũng có thể là phát triển từ từ (khả năng, huấn tập) như một miếng đất nếu không chăm sóc thì cỏ dại sẽ lan tràn. Trong khi "tưởng" thì đa dạng hơn: "tưởng" có thể là tự cho cái suy nghĩ (do mình nghĩ ra hay từ người khác, bên ngoài vào) là có giá trị X. Hay cho rằng cố gắng (khả năng) thì sẽ đạt được cái mơ ước Y nhưng trong thực tế có thể đổi khác. Khi "tư" đi với "tưởng" thì biến hóa vô lường như Thái Cực sinh Lưỡng Nghi của Lão Tử. Vậy nói về tư tưởng thì ít nhất bạn cũng phải tự vấn về những suy nghĩ của mình và người khác do từ đâu mà có. Đó gọi là đi tìm "căn nguyên tư tưởng".
Nếu là tự phát thì có thể kiểm soát được hay không? Nếu là phát triển từ từ thì kiểm soát ra sao để nếu "tư tưởng" có vẻ sai lạc (bị bát bỏ) thì làm sao chỉnh đốn? Và nếu đúng (được chấp nhận) thì phải chứng minh như thế nào là đúng?
Như vậy nếu "tư" phát xuất từ một người nhưng "tưởng" thì có thể là 100, 1000 hay hơn tùy theo khả năng suy nghĩ và kiến thức (hay hoàn cảnh bên ngoài) của mỗi cá nhân. Nhưng làm sao tư tưởng của một người (hay một nhóm người) có thể thuyết phục một đám đông (xã hội, dân tộc) tin theo để thực hiện? Phải chăng vì có cùng một đáp số mà mọi người mong đợi? Cơm áo? Tự do? Dân chủ? Hay đó chỉ là khẩu hiệu? Làm sao để biết đó là nguồn gốc thực sự trong tâm khảm mỗi con người muốn gì, có thay đổi hay không và nếu có thay đổi thì thay đổi như thế nào?
Vì tư tưởng khởi đầu từ suy nghĩ trên cái kinh nghiệm và lý luận cho nên tùy theo cái kinh nghiệm cá nhân đó ra sao và lý luận như thế nào, có tu dưỡng và tu dưỡng ở mức độ nào, tư tưởng có thể chỉ là tư tưởng thuộc loại sa lông (wishful thinking) hay thuộc loại thực tế, giải quyết được vấn nạn mà con người trực diện.
Tư tưởng nào cũng nói là phục vụ Con Người. Câu hỏi mà một người quan tâm về tư tưởng phải tự hỏi ở chính mình là cái gốc của tư tưởng đó là đâu trong việc phục vụ con người? Đây là câu hỏi không phải dễ trả lời bởi có những tổ chức chính trị Việt, đưa ra chủ trương, chính sách của tổ chức nhưng lại lầm tưởng là tư tưởng. Hai cái này hoàn toàn khác nhau chứ không giống nhau.
Bài viết này sẽ mổ xẻ tư tưởng Nhân Chủ (còn gọi là tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A) để trả lời cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ là gì và làm sao thực hiện được cái gốc đó để áp dụng vào cơ cấu của xã hội. Nếu một tư tưởng mà không có gốc thì đó chỉ là một tư tưởng viễn vông, sa lông, rất nguy hiểm cho những người theo đuổi tư tưởng đó.
A. Gốc của tư tưởng Nhân Chủ là Con Người Có Tu Dưỡng
Từ khi con người kết thành xã hội, quốc gia thì nền văn minh loài người phát triển. Mối đe dọa duy nhất của nhân loại đến từ chính con người: chiến tranh. Chiến tranh (hay xung đột) xảy ra do lòng tham, thù hận... của con người, cho dù là lãnh đạo hay thường dân. Cũng là từ tư tưởng, con người phát minh ra bom nguyên tử, vũ khí hóa học... và gian dối, tàn ác. Cả hai hợp lại có thể tiêu diệt loài người trong chốc lát. Làm sao ngăn chặn hiểm họa đó?
Chiến tranh xảy ra bởi do những người lãnh đạo quốc gia thực hiện một hành động đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường (những nhu cầu căn bản sống của mỗi con người trên trái đất này) để thôn tính hay hủy diệt tài nguyên, đất đai từ một quốc gia khác. Mà người lãnh đạo quốc gia chính là Con Người. Cho nên nếu những Con Người, gồm cả người lãnh đạo quốc gia, có sự tu dưỡng cao, tự giác cao, dựa vào Duy Nhân Cương Thường để hành động thì chiến tranh sẽ bớt xảy ra hoặc sẽ không xảy ra.
Nếu Tu Dưỡng Thắng Nhân là từ cá nhân thì Duy Nhân Cương Thường là Tu Dưỡng tập thể do những cá nhân có tu dưỡng kết hợp lại để tạo nên giềng mối cho xã hội của một hay nhiều quốc gia. Vì hòa bình và thịnh vượng không thể tồn tại trong một vài quốc gia trong khi các nước khác rơi vào chiến tranh, thiên tai, bệnh tật...
Tu Dưỡng Thắng Nhân (tự chính mình phải thắng Tham-Sân-Si của chính mình, hoặc chính mình điều khiển tham-sân-si thay vì để ba thứ đó điều khiển mình) là cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng thì sẽ không bao giờ thực hiện được tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng thì sẽ không thấy được tính thực tế của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng sẽ không bao giờ hiểu được cốt lõi của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng sẽ không bao giờ diễn giải tư tưởng Nhân Chủ vào thực tế đời sống để mọi người có thể thấy được tính Nhân Chủ trong đó.
Nhưng Tu Dưỡng Thắng Nhân là gì và tu dưỡng như thế nào? Lý Đông A không nói nhiều về chuyện tu dưỡng này. Lý do ông chỉ là một kiến trúc sư của Tư Tưởng cho nên ông chỉ vẽ khung sườn tư tưởng Nhân Chủ và người hậu thế, nếu hiểu được sức mạnh của tư tưởng Nhân Chủ, sẽ phải dựa vào thực tế của cuộc sống để đặt ra những quy luật của tu dưỡng.
Đã là con người thì Tham-Sân-Si luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Ai bảo rằng diệt bỏ hết Tham-Sân-Si thì chỉ có thể là Phật hoặc những nhà tu hành đắc đạo mới đạt được điều này. Mà khi đã chọn sự tu hành thì người ta không màn đến xã hội. Lý Đông A không muốn mọi người đi tu bởi đó là điều bất khả thi vì không phải ai cũng có căn tu. Cho nên để tránh sự xáo trộn của xã hội, mỗi cá nhân trong xã hội phải biết thực hiện chuyện tu dưỡng bản thân để điều khiển Tham-Sân-Si của chính mình thay vì để Tham-Sân-Si điều khiển bản thân và cuộc sống của mình.
Hình ảnh chủ công ty Facebook, sẵn sàng hợp tác với nhà cầm quyền độc tài để đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân sở tại nhằm mục đích có thể làm ăn trên đất nước đó chính là hình ảnh Tham-Sân-Si điều khiển chủ nhân công ty Facebook. Vì tiền (ma tiền), vì làm giàu, vì muốn phát triển lớn hơn, chủ nhân công ty Facebook không xem Duy Nhân Cương Thường là quan trọng.
Hình ảnh anh CEO, Dan Price, của công ty Gravity Payments, một công ty lo giao dịch tiền tệ qua thẻ tín dụng đã chấp nhận hạ lương của mình 1.1 triệu một năm để lấy số lương 70 ngàn một năm và san sẻ số lương đó cho nhân viên của mình, đưa ra số lương căn bản mà công ty của anh sẽ trả cho nhân viên là 70 ngàn một năm để đủ sống thay vì làm hai việc để nuôi sống gia đình. Đây là hình ảnh mà anh Dan Price, đã điều khiển được Tham-Sân-Si của chính mình để biết thế nào gọi là đủ, thế nào là quan tâm đến nhân viên làm việc cho chính mình. Đây chính là hình ảnh của Duy Nhân Cương Thường.
Tu dưỡng bản thân hay tu dưỡng để thắng con người của chính mình khởi đầu từ lúc nhỏ nếu ý thức được chuyện tu dưỡng này. Tu dưỡng có thể là một quan tâm về vấn nạn nào đó của xã hội, của con người từ lúc nhỏ để sự quan tâm đó trở thành Nghiệp, theo đuổi suốt cuộc đời cho đến lúc nằm xuống. Bởi là Nghiệp cho nên sự quan tâm đó luôn luôn được nhắc nhở để tìm giải pháp ứng phó với vấn nạn của xã hội hầu tạo cho xã hội tốt đẹp hơn. Tu dưỡng không thể nào bắt đầu khi ở tuổi trên 40 mà khái niệm tu dưỡng không có thì với 40 năm kinh nghiệm của cuộc sống là một cây đã già, khó mà uốn để có sự tu dưỡng đúng nghĩa.
Tu dưỡng là sống biết, sống thật, sống đúng, sống Nhân Chủ (xin nhấn vào link để đọc thêm điều này). Tu dưỡng để biết rằng không phải ai cũng có cùng một trình độ tu dưỡng giống nhau bởi tu dưỡng là một nghệ thuật cộng với kinh nghiệm sống, cái nội tâm ở chính mỗi người để tạo ra sự tu dưỡng ở mỗi cá nhân luôn luôn khác nhau và từ sự khác biệt đó tạo ra mức độ cao-thấp của tu dưỡng.
Tu dưỡng luôn luôn khởi đầu bằng chính bản thân với những suy tư nội tâm để tự chính mình làm chủ con người của mình. Nhưng đồng thời phải dựa vào xã hội để gia tăng sự tu dưỡng. Và không thể ai cũng có khả năng tu dưỡng – cho nên giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường mà mỗi thành viên trong xã hội khi lớn lên có điều kiện để biết kỹ năng tu dưỡng bản thân ra sao, như thế nào.
Tu dưỡng trong giáo dục phải hiểu giáo dục không đơn thuần là cắp sách đến trường mà giáo dục được thực hiện ở nhiều dạng, nhiều môi trường, nhiều hình thức và quan trọng của giáo dục là để phát triển phần Người của mỗi người (xem Tu Dưỡng Thắng Nhân: Giáo Dục). Khi phần Người được phát triển thì chính mỗi người sẽ hiểu được những nguyên lý tự nhiên của Nhân Chủ để dựa vào đó có lối ứng xử Người hơn, văn hóa hơn.
Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P2)
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/01/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét