Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P4)

 

(2) Sinh Mệnh Tâm Lý

Những chi tiết trong Sinh Mệnh Tâm Lý hầu như trình bày các học thuật Đông Phương mà thường bị coi là "huyền bí" vì khó giải thích theo khoa học Tây Phương. Tuy vậy sự tồn tại và phổ biến cho thấy những giá trị vẫn còn hiện hữu mà chỉ có những ai kiên tâm nghiên cứu mới thấy. Tiếc thay thời gian là yếu tố nhiều người không chờ đợi. Cũng như Tu Dưỡng Thắng Nhân (hay Thiết Giáo) đòi hỏi thời gian rèn luyện. Nhưng đa số chạy theo cảm xúc thời cuộc, với biến cố trước mắt và thời gian trôi qua, khi bạn ý thức về tu dưỡng thì đã quá trễ. Tuy không trễ để thay đổi bản thân nhưng quá trễ để giúp đời, giúp người, giúp xã hội. Đây là trở ngại lớn nhất cho những ai theo đuổi tư tưởng Lý Đông A khi đã trễ chuyến đò "tu thân". Trong những loạt bài viết riêng về Sinh Mệnh Tâm Lý đã đăng trên trang mạng Ngàn Lau nên tại đây không đi sâu vào chi tiết.

(3.a) Chìa Khóa Thắng Nghĩa

Ý nghĩa của chìa khóa là mở cửa (cho mọi vấn đề) hay giải quyết khó khăn gặp phải. Như vậy đây là các yếu tố, nguyên tắc căn bản mà Lý Đông A muốn giới lãnh đạo, cán bộ phải nắm vững trước khi đi sâu vào các cơ cấu sinh hoạt khác.

Bốn tiền đề nền tảng và 5 đầu mối bản thể là giai đoạn 1: các yếu tố mỗi cá nhân phải thực hiện và nắm vững trước khi đi qua giai đoạn 2: Bản vị học thuyết. Ở đây cũng nên nhắc là có tài liệu riêng với tựa "Bản vị học thuyết" (Thái Tung 1972). Giai đoạn 3 là xã hội biện chứng pháp.  Giai đoạn 4 là cải tạo xã hội. Giai đoạn 5 là dân tộc học thống mới.

Đó là những bước thực hiện cuộc cách mạng Duy Dân để thay đổi con người và xã hội Việt cho thời đại 2000s.

(3.b) Chìa Khóa Công Việc

Tại sao Lý Đông A viết Chìa Khóa Thắng Nghĩa lại còn viết Chìa Khóa Công Việc? Xét nội dung của Chìa Khóa Công Việc  thì gồm hai phần (1) Giáo Dưỡng tương tự như trình bày trong Thiết Giáo. (2) Trình bày về Cơ Năng Hiến Pháp tương tự như đã trình bày trong Duy Nhân Cương Thường và Duy Dân Cơ Năng (kiến quốc). Những sự kiện trùng lặp như vậy khiến người sau tự hỏi "nếu Lý Đông A là một thiên tài để nghĩ ra hệ thống tư tưởng như vậy thì đâu đến nỗi viết lung tung, rối loạn như vậy? Phải chăng chỉ vì những người lưu giữ tài liệu đã sao chép không có hệ thống nên mới gây rối loạn khiến người đời sau đọc như lạc vào rừng.

Nếu Lý Đông A viết để cho những người đi làm cách mạng giải quyết các vấn đề của dân tộc, đất nước thì Chìa Khóa Thắng Nghĩa là đủ. Chìa Khóa Công Việc là để giải quyết việc gì nếu không phải là việc nước, cách mạng? Vậy thì có gì khác Chìa Khóa Thắng Nghĩa? Mà nội dung là giáo dưỡng trong Chìa Khóa Công Việc khác gì Thiết Giáo? Còn Cơ Năng Hiến Pháp thì đã có Duy Nhân Cương Thường, Duy Dân Cơ Năng nói đến rồi?

Hay là dưới mắt nhìn của Lý Đông A thì "Dân cơ năng" khác với "Nhân cương thường"? Và mở "khóa Thắng Nghĩa" khác với mở "khóa công việc"? Vì việc làm trong Thắng Nghĩa (cao) có tầm quan trọng hơn là công việc thường ngày (thấp)?

(4.a) Duy Nhân Cương Thường

Về chi tiết của Duy Nhân Cương Thường đã được đề cập trong tài liệu nhận định về vai trò và ý nghĩa của Duy Nhân Cương Thường. Ở đây người viết muốn chú trọng đến sự tương quan giữa các tài liệu của Lý Đông A để tìm ra những nguyên tắc cốt yếu trong tư tưởng của ông. Khi nắm được các nét chính trong hệ thống tư tưởng thì chúng ta có thể hiện đại hóa toàn bộ hệ thống mà không đánh mất các điểm quan trọng. Một trong những điểm quan trọng đó là Duy Nhân Cương Thường.

Như đã nói về các cuộc cách mạng trước đây trong lịch sử (xem Huyết Hoa) vẫn chưa giải quyết được vấn đề con người và đời sống xã hội. Có những cuộc cách mạng thành công đối với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác vì lý do lịch sử, văn hoá, tôn giáo, địa dư... và như vậy mục đích cuối cùng của nhân loại là sống chung hòa bình sẽ không đạt. Để có thể sống chung hài hòa, thế giới phải có chung một cương thường. Và con người, từ mỗi dân tộc phải được giáo dục để đi đến cuộc sống chung đó.

Bộ 5 (kiến quốc) phần 1 là Duy Nhân Cương Thường, phần 2 là Cơ Năng Hiến Pháp (nhưng hiến pháp ở đây là hiến pháp Việt?). Vậy thì có lý nào Lý Đông A muốn lập Cương Thường cho thế giới (nhân loại) qua hình ảnh hiến pháp Việt theo Cơ Năng Hiến Pháp trong khi chỉ là lý thuyết chưa được thực hiện trong thực tế?

Phải chăng tư tưởng Lý Đông A chỉ có giá trị nếu các quốc gia, dân tộc đều đồng ý thực hiện trong một giai đoạn nào đó. Hay có thể thực hiện bất cứ khi nào một dân tộc (hay quốc gia) có cơ hội?

Nếu một nước nhỏ, ít dân (như các nước Bắc Âu, Á Châu Thái Bình Dương...) sẽ có cơ hội thực hiện Duy Dân (và thành công) thì các nước lớn, đông dân có chấp nhận theo Cương Thường chung không? Hay chỉ vì đã là cường quốc nên mạnh ai nấy đi?

(4.b) Duy Dân Cơ năng

Bộ 5 (kiến quốc) Duy Dân Cơ Năng cũng nói về Cơ Năng Hiến Pháp. Vậy thì có gì khác với Cơ Năng Hiến Pháp trong Duy Nhân Cương Thường? Trong bài viết phân tích về các tài liệu Lý Đông A riêng từng phần đã đề cập chi tiết. Ở đây trong việc nối kết tương quan các tài liệu Lý Đông A cho thấy có sự trùng lặp khó hiểu.

Nếu Duy Dân Cơ Năng là viết cho phạm vi một dân tộc (Duy Dân) cần thực hiện (cơ năng) một Hiến Pháp để có thể sau này đi tới kết hợp trên nền tảng rộng lớn hơn (Duy Nhân) thì hãy tạm chấp nhận như vậy. Tài liệu này có ghi Lý Đông A (không có ngày tháng năm). Nhưng nếu không có Duy Nhân (con người tiêu biểu) thì làm sao có Duy Dân (xã hội tiêu biểu)? Vậy cái nào có trước?

(4.c) Duy Dân Cơ Năng (tốc giảng) cũng nói về cương thường, hiến pháp một cách tóm tắt. Tài liệu này có để di tích Lý Đông A 1945 (4824 tv).

(5) Đường sống Việt

Lý Đông A là con người cách mạng nhưng ông không có cơ hội thực hiện vì hoàn cảnh lịch sử. Đường Sống Việt là tài liệu viết ra để nhắc nhở cho người đi sau các yếu tố quan trọng khi muốn thực hiện cách mạng cho dân tộc Việt: (1) Chính trị. (2) Dân tộc. (3) Cách mạng. (4) Độc lập. (5) Dân chủ. (6) Vận mệnh. (7) Đảng phái. (8) Chủ trương. (9) Đường lối. (10) Nhân sự. (11) Quốc phòng. (12) Khẩu hiệu. Tài liệu này có ghi Lý Đông A (4824 tv,1945).

Như vậy Lý Đông A muốn thấy người Việt phải học tập chính trị, dân tộc trước khi đi làm cách mạng. Cũng như phải hiểu vận mệnh (con người, dân tộc, đất nước) trước khi lập đảng. Rồi có đường lối (lý thuyết, lãnh đạo) mới tìm nhân sự và cuối cùng là khẩu hiệu. Ngày nay chúng ta (người Việt hải ngoại) thấy khẩu hiệu đi trước, lãnh đạo đi sau và không có nhân sự. Mà nếu có nhân sự thì không biết làm gì.

(6) Huyết Hoa

Trong tài liệu này Lý Đông A đã cho thấy nhận định của ông qua các cuộc cách mạng trong lịch sử thế giới cũng như nhận xét về tôn giáo. Như đã nói trên, người đời sau muốn thực hiện cách mạng thì cũng phải trải qua những suy nghĩ như Lý Đông A đã trình bày và sự đánh giá tùy thuộc vào kiến thức của con người thời đại. Trong tài liệu khai triển tư tưởng Lý Đông A qua Huyết Hoa có trình bày các suy nghĩ của Lý Đông A về cách mạng trên thế giới và tôn giáo (xem Huyết Hoa Ngoại Lý).

(7) Chu Tri Lục

Trong tài liệu này Lý Đông A đưa ra tầm nhìn về các vấn đề quốc tế trong bối cảnh cách mạng Việt cho thấy cách mạng thực sự phải dựa vào dân tộc chứ không thể trông mong gì từ bên ngoài. Sức dân là chính. Dân là gốc. Đó là chính sách Lục Dân mà Lý Đông A đã đưa ra trong Chìa Khóa Thắng Nghĩa. Ngày nay chúng ta có các tổ chức cách mạng bàn chuyện thế giới (cái vỏ) mà tư tưởng chỉ đạo không có (cái ruột) nên vẫn chỉ là ảo tưởng. Có nhiều tổ chức đi tìm tư tưởng nhưng quên con người. Con người là tư tưởng và ngược lại. Từ người (Nhân chủ) ra xã hội (Dân chủ). Sinh hoạt giữa người và người là đối thoại (nghe, nói), quan sát (quá khứ, hiện tại) nếu không có sự thật (lương thiện) thì không có niềm tin và nếu có tư tưởng thì chỉ là sự lường gạt vĩ đại (như hiện tượng Trump).

Tư tưởng cách mạng không phải thủ đoạn chính trị để tranh quyền, cũng không phải phát minh khoa học để hưởng lợi. Tư tưởng cách mạng là để phục vụ con người, giải phóng con người. Nếu các tổ chức cách mạng dùng tư tưởng (lý thuyết) cách mạng như dụng cụ để độc quyền lãnh đạo thì đó là "phản cách mạng".

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A  (P5)

Trần Công Lân

Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/15/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p4/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...