Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P3)

 

C. Đánh giá nội dung các tài liệu Duy Dân

(1a) Tu Dưỡng Thắng Nhân (*)

Tại sao cần Tu Dưỡng Thắng Nhân?

Dĩ nhiên khó mà trả lời thỏa đáng câu hỏi như vậy vì chỉ khi nào bạn gặp nạn hay có nhu cầu xuất hiện thì mới biết là bạn cần phải làm gì và đôi khi đã quá trễ để đối phó hay sửa chữa. Nếu chỉ có mình bạn thôi thì khó mà đổ tội hay đổ thừa cho người khác hay ông Trời. Nhưng vì chúng ta đang sống trong một xã hội nhiều khê nên sự phiền toái của một cá nhân dễ bị ngộ nhận (và có khuynh hướng như vậy). Sân hận và Si mê từ trong tâm mỗi cá nhân sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau để giải toả ẩn ức trong đời sống. Tu dưỡng là để giải quyết những lầm lẫn của bản thân và ý thức cải thiện chứ không đổ vấy vào xã hội (hay người xung quanh).

Một trong những lý do biện minh cho Tu Dưỡng là Lý Đông A đã nhìn thấy đoạn cuối con đường của nhân loại là chúng ta chỉ có một trái đất để sống. Như vậy tài nguyên có giới hạn, nếu con người không tu dưỡng mà tranh giành các tài nguyên sẽ đi đến xung đột và hủy diệt (như tư bản và cộng sản hiện đang gặp). Chỉ một lối thoát duy nhất là "Bình sản" như một sự phân chia để sống chứ không phải chiếm hữu tài nguyên và dùng đó như phương tiện trói buộc hay kiểm soát người khác. Một cá nhân không thể tự mình chiếm hữu, kiểm soát hay thu thập các tài nguyên mà phải lợi dụng người khác qua chính trị, kinh tế, quân sự , tôn giáo... để có người làm việc. Tại sao những người đó cam tâm làm tay sai cho một cá nhân có chủ trương chiếm đoạt tài nguyên để kiềm chế kẻ khác? Đó là câu trả lời của Tu Dưỡng hay giáo dục. Các chế độ tư bản hay cộng sản đều cho rằng sự giáo dục của họ là tốt đẹp nhưng thật sự chỉ là một hệ thống tuyên truyền tinh vi.

Một đàng là tư bản với hệ thống quảng cáo, truyền thông cám dỗ con người với đủ thứ tiện nghi vật chất. Khi còn nhỏ,  trẻ con được dạy "make your dream" "do anything you want" nhưng không dạy lý luận để phân biệt lợi, hại hay sống thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh mà đứa trẻ gặp phải. Không dạy trách nhiệm đối với chính bản thân, gia đình và xã hội trong tiến trình thực hiện giấc mơ. Giáo dục của tư bản là kiếm tiền, tiêu xài, thỏa mãn những ham muốn.... Guồng máy xã hội như một cối xay mà con người quay cuồng trong đó. Những ai chịu không nổi sẽ bị đào thải như những kẻ không nhà, ăn bám trợ cấp xã hội hay trở thành tội phạm. Đạo đức hay nhân quyền chỉ là món nữ trang: khi cần thì đeo để khoe đẹp. Khi khác thì cất đi để kiếm tiền, thủ lợi. Chính sách thay đổi theo chính quyền. Chính quyền thay đổi tùy theo đảng lãnh đạo. Đảng thắng cử nhờ ứng cử viên. Ứng cử viên làm được việc (như Reagan) thì cũng phải 20 năm sau mới biết sự thật. Còn nếu gặp nhân sự như Bush II hay Trump thì kết qua thấy ngay trong vòng 4, 8 năm.

Tu dưỡng ngoài những gì nói đến trong tài liệu về sự thực hiện, nó còn căn gốc cho công thức "Toại kỳ sở nhu, Tận kỳ sở năng, Chính kỳ sở mệnh". Tu dưỡng để sống vừa đủ với nhu cầu (Toại kỳ sở nhu) bản thân; để làm việc hết sức mình (Tận kỳ sở năng) đóng góp cho xã hội (trường hợp dân Nhật) và như vậy mới biết sinh mệnh của mình (Chính kỳ sở mệnh) có đúng với cuộc sống, xã hội. Đi ngược lại công thức này là đầu mối dẫn đến hỗn loạn trong xã hội.

Nhưng thay vì dạy "sở nhu" (nhu cầu đủ sống) thì tư bản dạy "sở thích" (sống, làm theo ý muốn). Khi đứa trẻ không hề bị trừng phạt bởi cha mẹ, thầy giáo, ngay cả khi phạm tội thì cảnh sát cũng phải trả về cho cha mẹ, thì làm sao đứa trẻ biết thế nào là kỷ luật, đạo đức, trách nhiệm (cái mà Lý Đông A gọi là Tự Kỷ). Nếu đứa trẻ may mắn phát triển tài năng (thể thao, âm nhạc, khoa học...) thì xã hội được nhờ. Nhưng nếu đời sống bản thân của đứa trẻ rơi vào hỗn loạn thì ráng chịu?

Theo Lý Đông A thì tu dưỡng để có một đời sống giản dị không bị lầm lạc vào những vui chơi không cần thiết vì con người chỉ có thể sống một ngày 24 giờ. Nếu không sáng suốt để xây dựng bản thân và đóng góp cho xã hội thì hậu quả xảy ra cho bản thân bạn, cho xã hội là thiệt hại chung. Tránh né hay từ chối tu dưỡng là bạn đã giao bản thân và tương quan giữa bạn/ xã hội vào tay kẻ khác (thí dụ: các chính trị gia hoạt đầu, các nhà lãnh đạo tôn giáo trục lợi). Không tu dưỡng thì bạn sẽ rơi vào ăn chơi phù phiếm và không có thời giờ để theo dõi những biến chuyển của xã hội quanh bạn (chính trị, kinh tế, môi sinh...). Vì không biết (vô minh) nên bạn sẽ cho là tin giả (fake news) và chạy theo bất cứ ai nói miễn sao thỏa mãn ý bạn muốn. Như vậy bạn có thể sống trong một nước Cộng Hòa (như Mỹ) để sinh hoạt dân chủ hay không? Khi bạn quên đi sự thực hiện trách nhiệm, phương pháp sinh hoạt dân chủ để khoán trắng cho các chính trị gia cơ hội? 

Sự kiện Tu Dưỡng (Thắng Nhân) có phải từ Lý Đông A hay từ cán bộ Duy Dân thì không thể xác nhận được nhưng đối chiếu với các tài liệu Duy Dân khác thì sự Tu Dưỡng phải có, cho dù bạn tu dưỡng theo cách nào đi chăng nữa, và phải đạt đến một mức độ nào đó để có thể theo đuổi những bước kế tiếp trong việc phát triển Duy Dân. Lý Đông A như một ông thầy khó tính, đã đưa ra đề tài quá khó cho những học sinh muốn theo học Duy Dân. Bài thi đầu tiên là Tu Dưỡng. Làm sao tu dưỡng khi còn nhỏ? Nếu đã lớn thì như cây đã cứng khó mà uốn nắn. Chưa kể là có ai chỉ bảo tu dưỡng như thế nào? Đi về đâu? Đi sai đường thì cũng khổ. Con đường Duy Dân thì dài và khó. Tu dưỡng đòi hỏi cả một đời người. Chúng ta đã thấy con người thiếu tu dưỡng mà cầm quyền, lãnh đạo thì đất nước dân tộc sẽ như thế nào. Tu dưỡng đến đâu và như thế nào để có thể nắm được tư tưởng Lý Đông A và đi vào hành động. Chúng tôi không có câu trả lời. Chỉ có thể là may mắn?

Một trong những điều kiện mà Lý Đông A đặt ra cho Tu Dưỡng vì Lý Đông A đã không dựa vào tôn giáo là lãnh vực giáo dục con người về niềm tin, lối sống, đạo đức. Ưu điểm của tôn giáo là vượt biên giới quốc gia nhưng khuyết điểm là các tầng lớp lãnh đạo tôn giáo thiếu tu dưỡng thì lấy gì mà dạy đời? Khi tôn giáo trở thành công cụ để khuynh đảo xã hội thì khó mà có hệ thống, cơ chế chính trị nào có thể kiềm chế, nhất là khi rơi vào xung đột tôn giáo (thánh chiến). Lý Đông A đã đặt con người vào "nhân đạo" (đường sống) để tự ý thức (tự kỷ) thì mới xây dựng nhân chủ và dân chủ được. Do đó tu dưỡng là một thách thức đầu tiên cho những ai muốn tìm hiểu Duy Dân. Nếu bạn thấy bất kỳ nhân vật nào nói về Duy Dân mà không có tu dưỡng thì phải hiểu đó là đồ giả.

(*) Bản in 2016 ghi Thái Dịch Lý Đông A 4822 TV (1943). Nay tài liệu này đã đổi tên là do Thái Đạo viết.

(1.b) Thiết Giáo

Có người cho rằng Tu Dưỡng Thắng Nhân là tài liệu rút ra từ Thiết Giáo. Nhưng Thiết Giáo lại có phụ đề là Duy Nhân Cương Thường (Quyển Hạ) (?). Theo nhà xuất bản Gió Đáy (1969) thì họ (Gió Đáy) đã gom "Cơ Năng, Cương Thường Duy Nhân (trong Kiến Quốc), Giáo Dưỡng Học Thuyết, Giáo Dưỡng Chế Độ, Tu Dưỡng trong Thiết Giáo cho in gồm vào một cuốn lấy tên là Duy Nhân Cương Thường" (sic = trích nguyên văn).

Thế nhưng nội dung của Thiết Giáo lại gần giống như Sinh Mệnh Tâm Lý. Như vậy sự rối loạn đã có từ 1969 và kết quả là Tu Dưỡng Thắng Nhân và Thiết Giáo (hay Sinh Mệnh Tâm Lý) là 2 tài liệu có nội dung khác nhau tuy vẫn là giáo dục về con người. Khác nhau là Tu Dưỡng Thắng Nhân là bước đầu cho bản thân -- từ đó Sinh Mệnh Tâm Lý là bước kế để từ hiểu mình đến hiểu người trong xã hội. Nếu không thành công trong hai bước đầu thì sẽ không định vị được bản thân trong xã hội, cơ cấu, tổ chức để hành động cho hợp thời-thế-cơ. Nếu không tự giáo dục bản thân thì khó mà giáo dục người khác chỉ vì nếu bạn không biết chính mình sẽ đi về đâu thì làm sao người khác tin theo những gì bạn nói. 

Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A  (P4)

Trần Công Lân

Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/15/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p3/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...