Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P6)
Nền dân chủ hiện nay tạo cơ hội cho cá nhân lầm tưởng là sống trong xã hội dân chủ là cá nhân có quyền chọn lựa lối sống, suy nghĩ, hành động theo sở thích cá nhân và xã hội sẽ phải chấp nhận vì đó là "quyền" của người dân. Từ đó qua vài thế hệ là người đi trước đã quên dạy con cháu về cách sống, hội nhập xã hội mà chỉ còn là đòi hỏi "quyền" cá nhân. Vấn đề tu dưỡng cá nhân đã không còn chú trọng và trách nhiệm đã không còn là sự cân bằng, đi đôi với "quyền" của mỗi cá nhân. Chỉ còn "Lợi" (kinh tế) là nổi bật. Khi đời sống cá nhân chỉ là "lợi" thì xã hội sẽ xáo trộn vì tranh giành "lợi". Và đó là lý do Lý Đông A đưa ra "Bình Sản Kinh Tế" vì chỉ có Bình Sản Kinh Tế mới cảnh tỉnh con người là thiên nhiên có giới hạn. Và con người cần phải sống trong giới hạn để duy trì thiên nhiên bởi vì sự khai thác, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên dẫn đến hủy diệt và loài người cũng chấm dứt.
Con người vẫn có thể phát minh, làm giàu nhưng sẽ làm gì với sự giàu có (tiền) khi của cải (vật chất) giới hạn? Bạn có thể mua hàng tấn kim cương, vàng, đồ cổ... nhưng không thể mua hàng trăm căn nhà, chung cư, dinh thự... để gọi là đầu tư (làm giàu) khi hàng ngàn người thiếu chỗ ở?
Lý Đông A khởi đầu bằng sự tu dưỡng của con người để rồi cuối cùng đi đến Bình Sản Kinh Tế trong điều kiện nếu cá nhân sống cân bằng thì xã hội sẽ đi đến cuộc sống cân bằng, điều hòa. Dĩ nhiên con người và xã hội sẽ phải đi qua các giai đoạn Cơ Năng - Bản Vị; Cơ Năng Hiến Pháp, Duy Nhân Cương Thường... mà không thể thiếu một trong những điều kiện đó.
Hiện nay (2021) triết học Tây Phương đã xuất hiện chủ nghĩa giới hạn (Limitarism) cho phép con người làm giàu nhưng có giới hạn. Vì khi con người quá giàu sẽ phát sinh ý tưởng ngông cuồng, làm bậy. Phải chăng Lý đông A đã nhìn thấy 100 năm trước?
Do đó thật khó mà thực hiện hay thảo luận về Đan Quyền, Bình Sản Kinh Tế ... khi không có những cá nhân biết tu dưỡng. Người có tu dưỡng sẽ sống đơn giản, không có xảo thuật khi đối xử với người khác, không nói làm hay hành động làm xáo trộn xã hội. Tư tưởng Lý Đông A không phải là một bí quyết mà lãnh tụ có thể độc quyền lãnh đạo. Đó là một tiến trình sinh hoạt bởi tập thể cá nhân có tu dưỡng, hướng dẫn người dân đi vào sinh hoạt tập thể với quyền lợi và trách nhiệm cân bằng (đối lập thống nhất).
Ảo tưởng hay thực tế?
Có người cho rằng tư tưởng Lý Đông A chỉ là ảo mộng vì khó thực hiện hay sẽ không thực hiện được vì đòi hỏi quá sức, quá lý tưởng?
Hãy trở lại căn bản của tư tưởng: khi con người làm sai vì thiếu suy nghĩ hay suy nghĩ sai thì sẽ phải xét lại để cải thiện. Đó là tiến trình khiến loài người tiến bộ.
Hiện nay, nhân loại ý thức được vấn đề toàn cầu, khí hậu, môi sinh, chủng tộc và nạn kỳ thị, chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, di dân, nhân quyền.... Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cố gắng giải quyết các vấn đề thế giới, tuy được xây dựng trên căn bản chênh lệch giữa các nước giàu nghèo, nhưng sự chắp vá sẽ kéo dài cho tới khi con người ý thức được sự cải tổ toàn diện.
Vậy nó sẽ như thế nào? Hãy nhìn vào nước Nhật.
Sau thế chiến, nước Nhật chấp nhận sinh hoạt dân chủ để tránh một cuộc chiến khốc hại có thể đưa đến diệt chủng.
Nước Nhật có một nền văn hóa tốt đẹp. Thời phong kiến, giai cấp võ sĩ đạo đã nêu cao truyền thống không sợ chết. Khi thất bại, họ chấp nhận cái chết mà không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần đó phổ biến trong xã hội Nhật khiến người dân biết tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Khi đứa trẻ bắt đầu biết nói đã được dạy về trách nhiệm bản thân và xã hội.
Là một quốc gia sống trên giải đất luôn gặp thiên tai (động đất, núi lửa, sóng thần..) người dân đã ý thức về sự đoàn kết trong xã hội để tồn tại chứ không dựa trên giàu nghèo. Nước Nhật nhỏ, thiếu tài nguyên, toàn dân phải cật lực làm việc để kiếm sống. Từ làm công cho đến thu mua sắt vụn để tái chế biến, nước Nhật đã trở thành cường quốc.
Mỗi người dân trong mọi lãnh vực, trình độ, nghề nghiệp, già trẻ, trai, gái... đều tận lực làm việc và luôn quan tâm đến con người, xã hội, thiên nhiên. Họ luôn nỗ lực cải thiện nhưng vẫn để ý duy trì những di tích, sản phẩm, giá trị truyền thống. Tuy theo chế độ Thủ Tướng chế, vua làm vì, nước Nhật theo đuổi kinh tế thị trường. Dân Nhật đóng thuế (lợi tức cá nhân) rất cao 52.12% (2004-2021), 55.97% (2022) nhưng có ai nói nước Nhật là "xã hội chủ nghĩa"?
Sau biến cố lò nguyên tử Fukushima sụp đổ vì sóng thần 2011, tuy công ty điện lực chịu lỗi và chính quyền ra tay cứu trợ nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi. Các tổ chức thiện nguyện và các địa phương tình nguyện đã tiếp tay giúp đỡ nạn nhân. Tinh thần kỷ luật của dân Nhật trong các tai biến cho thấy nền giáo dục đã thực hiện được con người nhân bản.
Cũng như vậy nước Hàn (Nam Hàn) sau chiến tranh xây dựng lại con người với võ thuật (Karate) để từ đó Samsung, Hyundai... ra đời cạnh tranh với thế giới. Rồi tới Đài Loan, dân ít, tài nguyên ít nhưng ý thức đang bị đe dọa bởi Hoa lục cộng sản nên người dân đã nỗ lực làm việc để có công ty TSM sản xuất cơ phận điện tử cho toàn thế giới.
Chỉ còn một trở ngại là khi chạy theo kinh tế thị trường, con người làm việc cật lực và quên sống (lập gia đình, sinh con, nuôi con, dạy con....).
Vậy muốn khai triển tư tưởng Lý Đông A thì hãy trở về với con người. Xây dựng lại con người tử tế, lương thiện để tạo niềm tin trong tương quan giữa người và người. Trao đổi ý kiến giữa người và người: Đó là giáo dục. Theo Lý Đông A thì hiểu nghĩa lý chưa đủ, phải hiểu ngoài lý nữa. Phải chăng Lý Đông A biết tài liệu của ông sẽ bị "tam sao thất bổn" nên chỉ nói những nét chính để sau này người có Tu Dưỡng sẽ nhìn ra và nối tiếp để tránh trường hợp những kẻ bất tài cứ khư khư nhất mực là phải đúng chữ của Lý Đông A mới là Duy Dân. Cách mạng khởi đi từ trong mỗi con người vì tư tưởng cũng là từ con người mà ra. Khi có con người nhân bản sẽ có xã hội nhân bản rồi hoà bình và trật tự thế giới sẽ đến.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/24/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p6/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét